2022.10.02
Chính phủ Việt Nam trong thời gian gần đây đã gia tăng các biện pháp kiểm tra, xử phạt các cơ quan báo chí vì lo ngại tình trạng mà Chính phủ gọi là “báo hoá” tạp chí và “tư nhân hoá” báo chí.
Theo thông tin từ báo Chính phủ và truyền hình Quốc hội, vào ngày 22 tháng 7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra một quyết định về công tác xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí. Bộ TTTT quyết định xử lý nghiêm tình trạng này và đã xác định được khoảng 30 cơ quan báo chí cáo dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hoá” báo chí.
Cục Báo chí (Bộ TTTT) định nghĩa: “Tư nhân hoá báo chí” bản chất là cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát một phần nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích liên kết.”
Trong Quyết định mới về tình trạng “tư nhân hoá” báo chí, Bộ TTT cũng nói đến tình hạng đưa tin trên mạng xã hội. Cụ thể, Quyết định của Bộ TTTT đánh giá:
“Một số trang thông tin điện tử tổng hợp có hình thức trình bày, dẫn nguồn, thậm chí, cử nhân viên đi tác nghiệp, tự sản xuất tin, bài gây hiểu lầm là báo điện tử.
Một số trang mạng xã hội có hình thức trình bày, đưa nội dung thông tin với danh nghĩa người dùng mạng xã hội nhưng thực chất được sản xuất, sao chép như tác phẩm báo chí gây hiểu lầm là báo điện tử.”
Đến hết tháng 9 vừa qua, theo báo Chính phủ, Bộ TTTT đã thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Theo đó, ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng.
Các báo, tạp chí và cá nhân bị xử phạt bao gồm: Tạp chí Thương gia , tạp chí Doanh nghiẹp và Tiếp thị, tạp chí Môi trường và Cuộc sống, tạp chí Đời sống và Pháp luật, tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam, Báo Sức khoẻ và Đời sống, Báo điện tử Tổ quốc.
Theo Truyền hình Quốc hội, trong tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí.
Hôm 28/9 vừa qua, hãng tin Reuters trích các nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị một luật nhằm hạn chế đưa tin tức lên mạng xã hội vì những lo ngại mà Chính phủ Việt Nam gọi là “báo hoá” mạng xã hội.
Hai trong số ba nguồn tin của Reuters còn nói thêm luật mới nhằm đặt cơ sở pháp lý cho biện pháp kiểm soát việc truyền đi tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube; cũng như buộc thêm trách nhiệm điều tiết cho các nhà cung cấp. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty mạng xã hội cấm các tài khoản vi phạm theo luật Việt Nam.
Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Luật pháp Việt Nam hiện tại không cho phép tư nhân được làm báo nhưng Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cho phép các cơ quan báo có liên quan đến các đơn vị trực thuộc các thành phần kinh tế đủ năng lực được phép hoạt động. Đây được cho là kẽ hở dẫn đến tình trạng "tư nhân hoá" báo chí và "báo hoá" tạp chí theo nhận định của Bộ TTTT.