2022.10.14
Tập thể lãnh đạo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (KHXH) đã bị Đảng Cộng sản cầm quyền (ĐCS) kỷ luật nghiêm khắc. Cuối tháng 9/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTW) đã cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Viện các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Nhiều vi phạm trong các hoạt động đã được chỉ ra: “Công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; giải quyết khiếu nại, tố cáo.” Nguyên nhân chủ quan được nhấn mạnh do không tuân theo các “nguyên tắc, quy chế làm việc của Đảng” và “buông lỏng” quản lý… Rõ ràng đây là sự việc nghiêm trọng và, hơn thế, sự suy thoái cả tập thể lãnh đạo cảnh báo sự thất bại của mô hình quản lý trí thức tập trung.
Quản lý tập trung
Viện Hàn lâm KHXH là một mô hình quản lý trí thức tập trung kiểu Liên Xô cũ. Tiền thân của Viện là Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, được thành lập năm 1953 theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng Lao Động VN. Trải qua gần 60 năm tồn tại, 10 đời lãnh đạo Viện Hàn lâm ngày nay tổ chức ‘khủng’ tập trung hàng chục đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, từ Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Kinh thánh, Viện khảo cổ… đến Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông… với hàng chục Các tạp chí khoa học và phụ trương, nơi định kỳ công bố các kết quả nghiên cứu của cá nhân và tập thể…
Về hình thức, Viện HL là nơi danh tiếng, quy tụ hàng nghìn trí thức, nghiên cứu viên, giảng viên có học hàm, học vị cao như các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nhiều thế hệ. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là mọi hoạt động của giới trí thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CS, mỗi chức danh lãnh đạo chuyên môn song trùng với chức danh lãnh đạo chính trị, Đảng. Trong án kỷ luật nêu trên của Đảng một loạt cá nhân lãnh đạo Viện bị kỷ luật được chỉ chức danh Đảng trước rồi mới đến chức vụ chuyên môn. Chẳng hạn, ông Bùi Nhật Quang (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Viện, Chủ tịch Viện HL), các vị trí khác cũng sắp xếp theo thứ tự này như Phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Phó chủ tịch Viện hay Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Viện trưởng Dân tộc học… Trong đó, ông Quang là lãnh đạo “chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm” nêu trên đã bị bãi nhiệm tư cách Uỷ viên TƯ Tại Hội nghị TƯ 6 khoá 13 (từ ngày 3 đến 9/10/2022).
Các cán bộ lãnh đạo trên là những người được đào tạo bài bản và, hơn thế họ được chọn, về nguyên tắc, theo các quy định của Đảng, trong đó tiêu chí ưu tiên “hồng” (chính trị) hơn “chuyên” (chuyên môn) và thậm chí được coi như là “hạt giống đỏ” tiếp bước truyền thống các thế hệ cha ông hay được bảo trợ, giới thiệu bởi lãnh đạo cấp cao đương nhiệm. Chẳng hạn, ông Đặng Xuân Thanh từng là con trai cố Viện trưởng Đặng Xuân Kỳ, nghĩa là cháu trai cố Tổng Bí thư Đảng CS Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu)…
Về mặt tổ chức, dưới Đảng uỷ Viện là các chi bộ “chân rết” tại mỗi đơn vị trực thuộc bao gồm ít nhất ba trí thức là đảng viên cộng sản. Ngoài ra, kinh phí mọi hoạt động thường xuyên và cơ bản của Viện được cấp phát từ ngân sách nhà nước…
Sự thất bại
Việc Đảng duy trì quản lý trí thức tập trung trên trong suốt thời gian dài, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường đã cho thấy sự thất bại ngày càng lớn của mô hình nêu trên. Trước hết, động cơ hành vi suy thoái nêu ở trên rõ ràng mang tính “trục lợi”, tính kinh tế. Trong cơ chế kiểm soát quyền lực tập trung, tin vào đạo đức và dòng dõi, thiếu minh bạch, thiếu dân chủ cơ sở… lãnh đạo của Viện HL có nhiều quyền và nhiều nguồn lực hơn để trục lợi cá nhân. Lợi ích nhóm đã đặt trên ‘sứ mệnh khai sáng’ cao cả!
Một mặt, các “viện sĩ” biết rõ những cách tham nhũng, tham ô của lãnh đạo Viện từ ngân sách Nhà nước, các sai phạm nghiêm trọng trong quy chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, các đề tài nghiên cứu xong để “cất vào ngăn tủ” thay vì ứng dụng thực tế… Tuy nhiên, những đơn thư khiếu nại, tố cáo đã không được các cấp có thẩm quyền lưu tâm, trả lời… Mặt khác, nguồn sống của họ tương đối tách biệt khỏi thị trường và phụ thuộc vào cơ chế “xin cho” đã lỗi thời. Sau nhiều năm thực hiện theo lời của C. Mác: “lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn” nhưng Đảng vẫn bế tắc để tìm ra cơ chế phân phối theo lao động thích hợp!
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ của Viện hàn lâm KHXH là xác định các phạm trù, tiêu chuẩn mới trong các lĩnh vực xã hội và nhân văn cho các hành vi tập thể hay cá nhân của chế độ mới, nhà nước XHCN, ngày càng trở nên bất khả thi… Chẳng hạn, các chuẩn mực ý thức hệ dựa vào chủ nghĩa tập thể như “đạo đức cách mạng”, “con người mới XNCN”, “dân chủ XHCN”… ngày càng xa với thực tế. Như đã biết, các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật như khoảng cách giữa hai đường ray xe lửa, điện áp, phích cắm điện… đã từng chế tạo khác biệt với kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhưng đã không chứng tỏ được ưu thế, nay các công cụ thị trường, quản trị doanh nghiệp mới đã thay thế phương thức kế hoạch hoá tập trung… Trong môi trường như vậy các chuẩn mực về xã hội và nhân văn nêu trên không thể không chịu tác động.
“Tri thức công”
Suy cho cùng, sự thất bại của mô hình quản lý này chính là sự lãng phí nhân lực chất xám như yêu cầu cấp thiết cải tổ mạnh mẽ Viện Hàn lâm KHXH. Dự án cải” tổ phải hướng đến tạo môi trường tự do sáng tạo, tự chủ gắn với thực tế thay vì quản lý tập trung theo kiểu bao cấp. Luận cứ quan trọng nhất cho chính sách cải tổ dựa vào đặc thù hoạt động tri thức và xu hướng thay đổi của giới “trí thức công” trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường.
Trí thức luôn là “đối tượng" quản lý của Đảng CS. Trí thức từng bị “coi thường” bởi quan điểm giai cấp trong thời kỳ cách mạng, nhưng dần họ có vai trò to lớn hơn theo xu hướng Đổi mới, trong đó bộ phận tri thức công được hình thành. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là establishment intellectual, một khái niệm về bộ phận trí thức hàn lâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường là các nghiên cứu viên, giảng viên có bằng cấp và trình độ cao như các giáo sư, tiến sĩ… Họ được đào tạo từ các nguồn khác nhau, đa số từ các nước XHCN cũ, số ít trẻ hơn từ phương Tây và Mỹ.
Giới trí thức công đang “chuyển hoá” dưới sự tác động của thị trường. Họ là những người hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đặc thù, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến chính sách của Đảng, Nhà nước và công luận. Trong công việc của mình, đa số trí thức công đều suy nghĩ với các khái niệm, phạm trù hoặc tham chiếu của phương Tây và, thông qua các cách viết lách khác nhau, họ tìm cách báo hiệu với các cơ quan chức năng rằng họ vẫn trung thành với Đảng và Nhà nước, nhưng đồng thời nêu ra nội dung, chẳng hạn liên quan đến cải cách thể chế, theo đó mà không ít lãnh đạo của chế độ mong muốn đất nước phát triển kinh tế nhanh hơn và theo hướng dân chủ hơn…
Giới trí thức công rất hiếm khi là những người bất đồng chính kiến và, với bản tính ‘trí thức’ dễ chấp nhận luật chơi của chính trị do Đảng CS quy định. Đảng hiểu điều này nên yêu cầu họ trung thành với chế độ dựa trên hệ tư tưởng về XHCN không tưởng nhưng hấp dẫn, được vận hành bởi sức mạnh chuyên chế gieo rắc nỗi sợ hãi đồng thời với ban phát đặc quyền đặc lợi. Ngoài ra, “phương pháp luận biện chứng và lịch sử Mác - Lênin” - cách tư duy phức tạp được yêu cầu chứng tỏ trong mọi nghiên cứu như “chiếc vòng kim cô”, cái bẫy “vô minh” nhận thức khi tri thức là vô hạn mà nhận thức của cá nhân hoặc nhóm người là có giới hạn mà giới tri thức luôn bị sa vào, không thể sáng tạo, đột phá.
Từ sự phân tích trên cho thấy việc cải cách Viện Hàn lâm KHXH sẽ là chính sách lâu dài và thách thức khi thái độ định kiến vẫn nặng nề rằng việc theo đuổi nhiều tự do hơn và dân chủ hơn có thể dẫn đến hỗn loạn… Sự suy thoái đang diễn ra tại Viện dù nghiêm trọng nhưng trong bối cảnh tập trung quyền lực Đảng CS sẽ vẫn ‘ra tay’ theo cách trừng phạt quan chức ‘hư hỏng’ và ‘thay máu’ nhân sự lãnh đạo sao cho cơ quan này tiếp tục nằm trong sự kiểm soát nghiêm ngặt.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.