Một lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh mới đây nhìn nhận 'thu nhập không phải là vấn đề để hút người tài mà điểm cốt lõi phải đến từ chính sách phù hợp”.
2022.10.11
Thu nhập chỉ là cái cớ!
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài nhắm vào việc điều chỉnh thu nhập.
Trong giai đoạn 2014-2018, thành phố đưa ra mức lương tối đa là 150 triệu đồng/tháng và đã tuyển được 17 chuyên gia về làm việc. Tuy nhiên, giai đoạn chính thức từ 2019, mức thu nhập giảm mạnh chỉ còn 13-15 triệu đồng/tháng và chỉ có ba người ứng cử vào làm việc tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM. Từ thực tế trên, Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 11/10 nhận định:
“Nếu nói tiền lương không quan trọng thì cũng không đúng, vì đồng lương đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Nhưng đồng lương cũng không thể là tất cả để quyết định chúng ta có gắn bó với một đơn vị, một tổ chức lâu dài hay không. Vấn đề quyết định là con người làm việc ở một môi trường có được tự do sáng tạo hay không, có được tự do phát huy hết năng lực khả năng của mình hay không… đó mới là quan trọng. Nếu một người con người có đầy đủ năng lực, có trí tuệ, có tầm nhìn… mà gặp một thủ trưởng dốt, bảo thủ, chỉ tính lợi cho bản thân mình và luôn luôn cản trở những sáng kiến của cấp dưới… thì rõ ràng môi trường đó là một môi trường không thể làm việc được.”
Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề ông vừa nêu hiện đang trở thành vấn nạn ở khắp nơi, đó chính là sự bảo thủ và tư tưởng hạn chế năng lực của người lãnh đạo.
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng CSVN trước đây như: Nghị quyết số 03, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh.v.v... cứ vào mỗi đầu năm, lãnh đạo các thành phố này lại đưa ra “cơ chế đãi ngộ đặc biệt” để thu hút nhân tài nhưng dường như mọi nỗ lực đều đang bị …thất bại khi mới đây, hôm 27/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại “hối thúc” Đà Nẵng phải tập trung phát triển nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước.
Tại sao Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều nhân tài khi tại mỗi địa phương đều có thể xây dựng cơ chế, chính sách riêng? Phải chăng thể chế cản trở việc thu hút nhân tài. Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc phân tích thêm:
“Hiện nay chúng ta thấy rõ ràng những người chỉ sống vì lương thì không thể sống được, mặc dù bên cạnh hệ số lương của Nhà nước thì các cơ quan ban ngành đều có quỹ phúc lợi riêng người ta gọi là lương và phụ cấp. Nhưng những người chân chính thì kể cả dựa vào lương này cũng không thể trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình. Do đó, vấn đề cải cách tiền lương để bảo đảm một điều kiện tối thiểu cho người làm việc, để phát huy hết khả năng của họ… thì tôi e rằng đó là vấn đề không thể nào tháo gỡ nếu trong thể chế này.”
Thể chế mới là cốt lõi…
Bộ Nội vụ Việt Nam vào tháng 8 năm 2022 cho rằng, cần cải cách tiền lương để trọng dụng nhân tài. Theo đó, Bộ này đề xuất cơ chế trả lương cho người tài theo thị trường với mức trần 120-150 triệu đồng/tháng.
Cách đây hai năm, Bộ này cũng đã từng đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt ở nước ngoài về nước làm việc.
Từ Pháp, hôm 11/10, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, từng về Việt Nam giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“Vấn đề lương hướng của giáo viên là ưu tiên, tuy nhiên đó không phải là tất cả. Ngoài vấn đề lương, chúng ta phải cải cách vấn đề nội dung học đường, mà đụng đến cải cách học đường là đụng đến cải cách thể chế, đó là điều gần như là không thể. Còn nhiều vấn đề cản trở khác nữa nhưng đều đụng đến thể chế.”
Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, đặt trường hợp của ông, nếu về Việt Nam giảng dạy mà ngoan ngoãn, sử dụng kiến thức hàn lâm để nói thì có lẽ sẽ bình yên vô sự. Nhưng, sau những kinh nghiệm làm việc tại VN, giáo sư Hoàng cho rằng, vai trò của người trí thức không chỉ là truyền đạt văn hóa, mà còn phải truyền đạt các vấn đề về xã hội, những vấn đề con người quan tâm đến đồng loại, đến cuộc đời… Và, theo giáo sư Hoàng, nếu dấn thân vào con đường đó thì dễ bị nhà nước chụp mũ là những người đi lệch đường lối và có thể họ sẽ bị gây khó khăn:
“Nếu mình dấn thân làm những điều đó một mình thì còn không sao, còn nếu làm chuyện đó với nhiều người như các em học sinh, các đồng nghiệp thì có thể bị đưa vào tội hình sự như là trường hợp của tôi. Nói tóm lại nếu chúng ta ngoan ngoãn như một con cừu thì không sao, nhưng nếu chúng ta dùng kiến thức của mình để khai sáng hoặc trao đổi về vấn đề thời sự với các sinh viên… dù không nói hoàn toàn về chính trị, mà chỉ trao đổi các vấn đề công bằng xã hội, luật pháp thì ít nhiều sẽ gặp rắc rối. Khi nào Nhà nước thấy sự thay đổi không theo chiều hướng của họ thì họ sẽ ngăn cản mình, họ sẽ làm khó mình.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, người cộng sản kiểm soát cái đầu của mỗi người dân rất kinh khủng, một khi mà người dân có suy nghĩ không đúng đường lối của Đảng, thì sẽ bị ngăn chặn ngay.
Vấn đề tự do sáng tạo và tự do cống hiến không chỉ bây giờ mới được các chuyên gia, những nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đề cập đến… mà trước đây nhiều trí thức cũng đã chia sẻ với RFA rằng, thể chế độc đảng của ĐCSVN không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Thực tế cho thấy, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Trong khi đó, thể chế của Việt nam hiện nay lại hạn chế những tự do đó!