06/01/2022
Việc Việt Nam kết án tù thêm hàng chục nhà báo trong năm 2021 khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành “nhà tù” lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Myanmar
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ghi nhận con số lớn nhất từ trước tới nay những người viết báo đang bị cầm tù trên toàn cầu.
Thống kê hàng năm mới được RSF công bố cho biết một con số kỷ lục các nhà báo – 488, trong đó có 60 phụ nữ – đang bị giam giữ trong các nhà tù trên toàn thế giới, trong khi 65 người khác đang bị bắt giữ làm con tin tính đến giữa tháng 12 vừa qua. Theo tổ chức chuyên vận động cho tự do báo chí, độc lập và đa nguyên trên toàn cầu, những nhà báo này bị bỏ tù và bị bắt giữ chỉ vì họ làm công việc của mình và con số này tăng hơn 20% so với cùng thời gian này năm trước đó, chủ yếu do các vụ trấn áp đối với báo chí ở Myanmar, Belarus và Hong Kong.
Với 43 nhà báo bị giam cầm sau xong sắt, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, với 127 người, và Myanmar, với 53 người hoạt động báo chí đang thụ án tù. Năm ngoái, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất – sau Trung Quốc, Ả-rập Xê-út và Ai Cập – với 28 người.
“Chưa bao giờ có nhiều nhà báo và các blogger vì lợi ích cộng đồng phải ngồi tù như lúc này (ở Việt Nam),” Trưởng ban châu Á-Thái Bình Dương của RSF, Daniel Bastard, nhận định với VOA. “Việt Nam là nhà tù lớn thứ 3 của thế giới đối với các nhà báo, ngay sau các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc của Tập (Cận Bình) và Myanmar do chính quyền quân nhân cai trị.”
Con số thống kê số lượng nhà báo đang bị giam cầm của Việt Nam được đưa ra trước khi Toà án Nhân dân TP Hà Nội xét xử nhà báo tự do Lê Trọng Hùng và tuyên phạt người thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước 5 tù vì “tuyên truyền chống nhà nước” hôm 31/12.
Trước đó trong tháng, bốn nhà bất đồng chính kiến, trong đó có nhà báo nổi danh Phạm Đoan Trang, cũng đã bị đưa ra xét xử và nhận các bản án từ 6 đến 10 năm tù.
Theo RSF, Việt Nam nằm trong số những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nữ, bên cạnh Belarus – nước giam giữ nhiều nhà báo nữ hơn nam – cùng Myanmar và Iran. Số lượng nhà báo nữ được RSF thống kê nhiều hơn bao giờ hết và chiếm 12.3% tổng số những người làm báo bị bỏ tù, tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước đây. Trung Quốc cũng là nước giam giữ nhiều nhà báo nữ nhất với 19 người.
Thống kê của tổ chức có trụ sở ở Paris cho thấy hiện có bốn nhà báo nữ đang bị giam cầm ở Việt Nam, trong đó có bà Trang, người từng được RSF trao giải Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng. Nữ nhà báo bất đồng chính kiến được quốc tế công nhận vì sự đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam bị kết án 9 năm tù hôm 14/12.
Trước đó trong năm 2021, Việt Nam cũng đã đưa ra xét xử một loạt các nhà báo, trong đó có Hội Nhà báo Độc lập vào tháng 1 và Nhóm Báo Sạch vào tháng 10.
Ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập và blogger của VOA, là một trong số 2 nhà báo duy nhất trên thế giới, theo thống kê của RSF, bị tuyên án nặng nhất với 15 năm tù trong năm 2021. Người cũng nhận bản án dài tương tự trong năm vừa qua là nhà báo Ả-rập Xê-út gốc Yemen, Ali Aboluhoom.
Theo RSF, việc ông Dũng lập ra Hội Nhà báo Độc lập “là một sự bất thường trong một đất nước mà tất cả các phương tiện truyền thông được cho là phải tuân theo đường lối của Ban Tuyên giáo” và án tù nặng cho nhà báo Phạm Chí Dũng cho thấy “lập trường cứng rắn hơn của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện tại ở Hà Nội.”
“Tình hình tự do báo chí ở Việt Nam hiếm khi tồi tệ như hiện tại trong lịch sử đương đại ở đây,” ông Bastard nói và cho rằng chính phủ Việt Nam tăng cường trấn áp các nhà báo bất đồng chính kiến trong năm qua một phần do sự làm ngơ của cộng đồng quốc tế.
“Rõ ràng là các ràng buộc thương mại đã che khuất khiến nhiều chính phủ phương Tây không tính đến việc thẳng tay đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay cũng như sự độc quyền hoá bộ máy hành chính của những người trung thành với Đảng Cộng sản do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu,” ông Barstard nói và kêu gọi các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ “có các biện pháp nghiêm túc và áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” chống lại các đảng viên Cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp các nhà báo bất đồng chính kiến.
Việt Nam được xem là không có tự do báo chí khi bị RSF xếp hạng 175/180 trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2021. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn phản bác các chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam và nói rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bỏ tù ở đây. Sau khi nhóm Báo Sạch bị kết án tổng cộng 14 năm tù cuối tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng phủ nhận việc gọi 5 thành viên của nhóm này là các “nhà báo” và nói rằng “chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên án vụ xét xử nhóm Báo Sạch và các bản án dành cho những nhà báo khác trong năm qua ở Việt Nam, đặc biệt đối với nhà báo Phạm Đoan Trang. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền và những nhà hoạt động vì dân chủ cho rằng phản ứng của các chính phủ phương Tây chưa đủ và phải có các biện pháp cứng rắn hơn đối với việc đàn áp của Hà Nội.
“Thế giới không chỉ tiếp tục nhìn tình hình tự do báo chí ngày càng xấu đi ở Việt Nam mà không có hành động gì,” ông Bastard nói. “Các nhà báo và những blogger vì lợi ích cộng đồng đang phải trả một cái giá rất đắt để tìm cách thông tin cho những đồng bào của mình và cả thế giới về những gì đang thực sự xảy ra ở đất nước họ. Những quốc gia từng tuyên bố được thúc đẩy bởi các giá trị nhân quyền phổ quát phải hành động tương ứng và kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam.”