2021.12.31
Trong thời gian tới, môi trường chính trị, an ninh khu vực và thế giới sẽ có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó dự báo. Các nước đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm thích ứng với tình hình mới. Tình trạng tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến trên thế giới. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, nên sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Cạnh tranh Mỹ - Trung
Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Mỹ có khả năng sẽ có một công cụ mới để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông khi ngày 20/10 Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2021” (S.1657). Dự luật còn cần cả Thượng viện và Hạ viện thông qua trước khi chính thức trở thành luật. Nếu được thông qua, S.1657 sẽ là công cụ pháp lý đầu tiên trong hệ thống luật của Mỹ, cung cấp cho chính quyền Biden những biện pháp cụ thể để trừng phạt những cá nhân và thực thể can dự vào những hoạt động đe dọa sự ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngoài ra, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhịp độ cao hơn của các hoạt động quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, bao gồm các hoạt động tập trận và tuần tra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, qua việc thể hiện lập trường và các hoạt động tham dự sâu hơn với các nước Đông Nam Á, Mỹ còn thể hiện rằng nước này có ý định tăng cường hỗ trợ cho các bên tranh chấp Đông Nam Á để giám sát các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và sự hiện diện của các tàu dân quân biển trong EEZ của các nước khác.
Trong khi đó, năm 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản khoá XX. Đây cũng là năm Tập Cận Bình chấm dứt nhiệm kỳ Chủ tịch nước thứ hai. Tập Cận Bình cần một dấu ấn cá nhân về kinh tế và quân sự để khẳng định vai trò và vị trí của mình, tiến đến việc nắm quyền thêm một hoặc nhiều hơn một nhiệm kỳ nữa.
Tình hình này cho thấy, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các tuyên bố về lãnh thổ và quyền tài phán của mình ở Biển Đông và gia tăng sức ép đối với Đài Loan. Điều này được thiết kế để củng cố sự tín nhiệm thông qua việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình và chuyển hướng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc ra bên ngoài. Do đó, quy mô và tần suất các cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông sẽ ngày càng lớn. Trung Quốc cũng sẽ không bị cản trở bởi các hoạt động quân sự của Mỹ, bao gồm cả các cuộc tuần tra (FONOP).
Trong bối cảnh của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung này, các nước Đông Nam Á tiếp tục là đối tượng lôi kéo giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ sẽ muốn thuyết phục ASEAN hoặc ít nhất lôi kéo một số thành viên của ASEAN phối hợp với các biện pháp ngoại giao và kinh tế của Mỹ. Có khả năng Mỹ muốn một số nước ASEAN tích cực hơn trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông về phương diện ngoại giao. Về phần mình, các nước Đông Nam Á sẽ tiếp tục nhấn mạnh luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của mình và cố gắng tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Biển Đông sẽ căng thẳng trong năm 2022
Căng thẳng ở Biển Đông trong năm tới sẽ gia tăng do một số nguyên nhân:
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các biện pháp phi quân sự để khẳng định và thực hiện yêu sách trên biển Đông, nhất là biện pháp pháp lý.
Trung Quốc đang sử dụng “pháp lý nội địa” để thay thế sự thiếu hụt cơ sở pháp lý quốc tế của mình trên biển Đông. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang cho xây dựng các nội luật, trong đó có Luật cơ bản về Biển, để tạo thành các “căn cứ pháp lý” của họ. Trong kế hoạch xây dựng luật của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc giai đoạn 2018-2023, Luật Cơ bản về Biển nằm trong nhóm II – tức là sẽ xây dựng, đưa ra thảo luận và ban hành khi thời cơ chín muồi, không nằm trong nhóm I – ưu tiên ban hành. Tuy nhiên, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và tầm nhìn 2035 được thông qua đầu năm 2021, Trung Quốc đã đề cập trực tiếp và cụ thể rằng phải “Tăng cường nghiên cứu, phán đoán tình hình, phòng ngừa rủi ro, đấu tranh pháp lý, tăng cường xây dựng cơ quan tài phán trên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của đất nước. Thúc đẩy xây dựng Luật Cơ bản về Biển một cách có trật tự”. Đây là luật thống nhất các vấn đề liên quan đến biển, và đưa các chiến lược về biển của Trung Quốc vào trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc hơn, đồng thời sẽ làm rõ những ưu tiên của Bắc Kinh.
Ban Lãnh đạo của Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành các bước đi để phát triển của một khuôn khổ pháp lý, kinh tế và quân sự toàn diện hơn đẩy nhanh việc xây dựng Trung Quốc như một cường quốc biển.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, việc xây dựng và thực thi sức mạnh trên biển vừa là mục đích và phương tiện trong quá trình mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thứ hai, trong quá trình thúc đẩy đàm phán COC, và có thời hạn mới là vào năm 2022, khả năng tình hình sẽ trở nên căng thẳng do Trung Quốc và các nước sẽ tích cực tiến hành các hoạt động trên thực địa để: thứ nhất, nâng cao vị thế và đối trọng chính trị trên bàn đàm phán; thứ hai, thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho mình trước khi bị hạn chế bởi một COC có tính ràng buộc hơn.
Thứ ba, nguy cơ khả năng xảy ra xung đột và va chạm trên Biển Đông. Một là, khả năng xuất phát từ thực tế các quốc gia tăng cường tần suất hiện diện ở Biển Đông chứa đựng ngày càng nhiều bất trắc và khó lường. Các chiến hạm và cả tàu ngầm của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, và Úc tăng cường hiện diện, tiến hành tuần tra trên Biển Đông, trong khi tàu chiến, tàu hải cảnh, và tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng gia tăng hoạt động tại Biển Đông trong năm 2021. Các hoạt động này có khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Mặc dù chính sách của các nước này hiện nay mới dừng ở việc dùng lực lượng quân sự để răn đe, uy hiếp lẫn nhau nhằm đạt được lợi thế trong đàm phán chính trị nên khả năng xảy ra đụng độ quân sự là không cao, tuy nhiên, không loại trừ va chạm, đụng độ nhỏ, hoặc sự cố có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng.
Hai là, xuất phát từ việc thực thi các luật mới của Trung Quốc, nhất là Luật Hải cảnh, vừa cho phép lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc sử dụng vũ lực, vừa cho phép lực lượng này hoạt động trên vùng nước rộng lớn, bao gồm cả vùng tranh chấp, và vùng biển thuộc quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển Đông. Để đối phó, các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác ở Biển Đông cũng có thể sẽ tăng cường sự hiện diện của các lực lượng trên biển. Điều này có thể dẫn đến va chạm và sự cố (có thể là cố tình do sự liều lĩnh của lực lượng hải cảnh, dân binh của Trung Quốc, hoặc vô tình bởi sự gia tăng tần suất hiện diện của lực lượng trên biển của các nước).
Ba là, "kịch bản Scarborough 2012" tái diễn tại đá Ba Đầu, Trung Quốc từ sử dùng nhiều tàu tập trung trong thời gian dài, dần dần chuyển thành sự hiện diện hằng ngày, và tiến đến kiểm soát trên thực tế.
Bốn là, mặc dù chưa có khả năng xảy ra trong thời gian ngắn trước mắt, song có khả năng Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ).
Một khi các nước này, các cơ chế khu vực cũng như Liên Hợp Quốc không quản lý tốt cuộc khủng hoảng ấy, nó có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và tình hình khu vực sẽ trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm.
Tương lai bấp bênh của COC
Trong bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới như vậy, tương lai của Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) vẫn còn rất bấp bênh, vì:
Thứ nhất, năm 2022, Campuchia sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN. Năm 2012, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã ngăn cản đề xuất của Philippines và Việt Nam đưa ra những lời lẽ cứng rắn hơn đối với các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough trong một dự thảo tuyên bố sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Tháng 7/2016, tại một Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Campuchia được cho là đã ngăn cản việc đề cập đến phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế (PCA), bác bỏ tính hợp pháp của các yêu sách về “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đòi hỏi. Tại Diễn đàn Nikkei năm 2021, Thủ tướng Hun Sen đã ca ngợi sự bền chặt của mối quan hệ CPC – Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất của Campuchia hiện nay. Do vậy, với việc Campuchia làm Chủ tịch ASEAN năm 2022, không thể xem nhẹ nguy cơ ASEAN có thể sẽ bị chia rẽ sâu sắc thêm một lần nữa cũng như những thách thức đối với nỗ lực sử dụng sức ép của khu vực và quốc tế lên Trung Quốc để đấu tranh trong vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, năm 2022, ở Philippines cũng diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Việc người kế nhiệm Tổng thống Duterte sẽ tiếp tục cách tiếp cận giữ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc hay đẩy mạnh quan hệ với Mỹ như dưới thời Tổng thống Aquino cũng sẽ khiến tình hình phức tạp hơn, và ASEAN se cần thời gian và nỗ lực lớn hơn để hài hoà các cách tiếp cận và lợi ích của các thành viên.
Thứ hai, tình hình Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự cũng đặt ra một số thách thức đối với lập trường của ASEAN. Myanmar tiếp quản vai trò “điều phối viên” quan hệ ASEAN – Trung Quốc từ Philippines từ cuối năm 2021 cho đến năm 2024. Sau cuộc đảo chính tháng 2/2021, chính quyền quân sự Myanmar vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp ở cả trong lẫn ngoài nước. Ban lãnh đạo quân đội có thể yêu cầu ASEAN chính thức công nhận họ. Điều này khiến ASEAN có thể rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Việc công nhận một chế độ bị lên án vì hồ sơ nhân quyền có thể cứu vãn tình đoàn kết ASEAN, nhưng tổ chức khu vực này sẽ bị các nước chỉ trích nhiều hơn. Nếu không công nhận chính quyền quân sự thì không chỉ gây nguy hiểm cho “đồng thuận” ASEAN, mà có thể gây nguy hiểm cho tình đoàn kết khu vực và trì hoãn việc thông qua COC vốn đã được chờ đợi từ lâu.
Thứ ba, đối với đàm phán COC, Trung Quốc khó có thể nhượng bộ đáng kể trong đàm phán về một quy tắc ứng xử. Có hai khả năng, Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép với ASEAN để hoàn tất các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc như một giải pháp về pháp lý để ngăn chặn vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông, hoặc áp lực của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc "thận trọng hơn và miễn cưỡng thúc đẩy bộ quy tắc".
Bất kể trong hoàn cảnh nào, để đạt được một bộ quy tắc thực chất, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là có tính ràng buộc pháp lý, không chỉ mang tính biểu tượng như DOC; đồng thời có tiếp cận đa phương, đảm bảo quyền hợp pháp của các nước trong khu vực, cũng như quyền của các nước khác bên ngoài khu vực như quyền tự do hàng hải sẽ trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, còn có nguy cơ Trung Quốc thao túng quá trình định hình các nguyên tắc trong khu vực thông qua các cuộc đàm phán về COC.
Do vậy, tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực, nổi cộm với các vấn đề như việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế, thông qua nội luật không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hoá Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao nhằm nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng phức tạp. Với thái độ cứng rắn của Bắc Kinh, có lẽ đây là thời điểm mà các quốc gia có các tranh chấp biển với Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức và đe doạ nghiêm trọng hơn từ Trung Quốc.