Vài người bạn gửi cho tôi xem một diễn đàn hội luận được tổ chức trên YouTube, tôi gọi là diễn đàn hội luận là vì có nhiều người đã tham dự để lắng nghe, trên diễn đàn thì có ít nhất là bốn người chính thức tham dự trong buổi hội luận.
Buổi hội luận được (host) bởi bác sĩ Phan Đìnn Hiệp một cư dân của Melbourne. Bốn người kia, một người ở Brisbane, ba người còn lại cũng là cư dân ở Melbourne. Cả bốn người tham gia cuộc hội luận đều có nguồn gốc và xuất xứ khác nhau, nhưng tất cả đều là người Việt Nam. Điều đặc biệt trong buổi hội luận này là, tất cả những người chính thức tham dự đều không phải là khách mời như thường thấy ở các cuộc hội luận khác. Những ai có mặt trong diễn đàn hội luận này, chỉ cần bấm vào đường link được host đưa ra, đều có thể trực tiếp tham dự. Nghĩa là ai cũng có quyền có tiếng nói, và đưa ra ý kiến riêng của mình thông qua diễn đàn này.
Nội dung buổi hội luận xoay quanh vấn đề cờ đỏ, cờ vàng. Theo bác sĩ Phan Đình Hiệp (một di dân sang Úc từ VN theo diện đoàn tụ gia đình) thì ông đã có đôi lần gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Bon chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do để đề nghị về việc mở ra những mảng sinh hoạt khác và không dùng cờ vàng để tạo môi trường cho những người trẻ không quan tâm đến chính trị, hay cờ đỏ, cờ vàng, đến sinh hoạt, nhưng bị ông Nguyễn Văn Bon bác bỏ. (việc này đúng sai ra sao chưa rõ, vì ông Nguyễn Văn Bon không có trong buổi hội luận để lên tiếng) bác sĩ Phan Đình Hiệp coi đó là hành động độc tài, muốn độc chiếm Cộng Đồng làm của riêng của một số người, ông Nguyễn Văn Bon nằm trong số này. Buổi hội luận này nhằm lên án ông Nguyễn Văn Bon nói riêng và thành viên Cộng Đồng Người Việt Tự Do - Victoria nói chung. Ngoại trừ ông Hồ Hiếu, ba tham dự viên còn lại đều đồng quan điểm với bác sĩ Phan Đình Hiệp.
Theo dõi nội dung buổi hội luận, người viết thấy rõ ba điều ngộ nhận căn bản trong buổi hội luận này cần phải được nêu ra để làm sáng tỏ. Cốt lõi của vấn đề đều nằm ở ba điều căn bản này, nếu không làm cho sáng tỏ, những điều ngộ nhận này sẽ tiếp tục kéo dài, tiếp tục làm đề tài cho việc bàn cãi về cờ đỏ, cờ vàng.
Thứ nhất: nói về tính chính danh về sự hình thành của Cộng Đồng, hai chữ cộng đồng đã được các tham dự viên nói đi, nói lại nhiều lần, hai chữ cộng đồng ở đây được hiểu là thành viên ban chấp hành viết hoa, không phải là cộng đồng viết thường, và đây cũng chính là mục tiêu đả kích của buổi hội luận này. Bác sĩ Phan Đình Hiệp và ba người tham dự viên đã không biết hoặc (cố tình) không biết về tính chính danh và sự hình thành của Cộng Đồng.
Sau ngày 30/4/1975, cộng sản VN hoàn tất việc xâm lăng miền Nam, đặt toàn cõi VN vào sự cai trị của một hệ thống độc tài, toàn trị, của đảng cộng sản VN, hàng triệu quân cán chính của VNCH đã bị bắt đi ở tù lao động khổ sai, thân nhân gia đình của những người này bị đày đi vùng kinh tế mới, rừng thiên nước độc, những người còn lại ở thành phố đã bị cướp đi tài sản qua chính sách đổi tiền, đánh tư sản, nhiều người do uất ức tự đi tìm cái chết để tố cáo chế độ tàn ác. Cùng lúc đó thì hàng triệu người cũng tự tìm đường trốn thoát khỏi địa ngục cộng sản bằng con đường vượt biên, vượt biển. Thảm nạn thuyền nhân Việt Nam đã làm chấn động lương tâm thế giới, hai chữ thuyền nhân (boat people) được thế giới biết đến từ đó.
Được tái định cư ở các quốc gia thứ ba, người Việt Nam tỵ nạn cộng sản có mặt khắp mọi nơi trên thế giới từ Mỹ sang Âu, từ Âu sang Úc. Từ đó, một cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản được hình thành, một lằn ranh quốc cộng được vẽ ra, như một lời khẳng định bất thành văn: CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI TỴ NẠN CỘNG SẢN KHÔNG CHẤP NHẬN CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM. Các ban đại diện được bầu ra để đại diện cho tập thể người Việt. Người Việt hải ngoại mặc nhiên xem cộng đồng là một quốc gia VN nằm ngoài lãnh thổ VN, không nằm trong vòng kềm tỏa của cộng sản, lấy cờ vàng làm biểu tượng cho tự do và dân chủ. Cộng đồng người Việt hải ngoại, ví như một Đài Loan nằm ngoài lãnh thổ đại lục, một quốc gia riêng biệt, không chịu sự kềm toả và chi phối của Trung Cộng.
Khi đã có cái nhìn thông suốt và rõ ràng như vậy, người ta mới thấy được sự đề nghị của bác sĩ Phan Đìnn Hiệp về việc lập một mảng sinh hoạt khác và không dùng cờ vàng, để tạo môi trường cho những người không quan tâm đến chính trị, cờ đỏ, cờ vàng đến sinh hoạt, là một sự đề nghị không thể chấp nhận được. Bác sĩ Phan Đình Hiệp thừa biết rằng, hai chữ cộng đồng của người Việt tỵ nạn, không phải là hai chữ cộng đồng (Community) mang một ý nghĩa thông thường như các cộng đồng sắc tộc di dân khác, nó mang một ý nghĩa cao quý hơn, ý nghĩa của tự do được đánh đổi bằng chính sinh mạng của các thành viên trong cộng đồng đó. Cộng đồng người Việt tỵ nạn, không và sẽ không bao giờ, từ bỏ vị thế chính trị của mình để hoà nhập vào cái mảng sinh hoạt không mang màu sắc chính trị mơ hồ như thế được.
Thứ hai: Trong những năm gần đây, nhằm mục đích thâu tóm ngoại tệ để củng cố chế độ, cộng sản VN đã cho thì hành quốc sách xuất cảng lao động đi khắp nơi trên thế giới, cùng lúc với việc cho phép sinh viên xuất dương du học ồ ạt, cộng sản VN đã hình thành nên một cộng đồng người Việt mới, cộng đồng người Việt mang quốc tịch VN, mà đại diện là các lãnh sự quán, các đại sứ quán của VN ở các quốc gia sở tại. Cộng đồng người Việt mang quốc tịch VN này nằm trong vòng kềm tỏa và chịu sự chi phối của cộng sản VN.
Cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại, và cộng đồng người Việt quốc tịch VN, cùng hoạt động trên hai đường thẳng song song, nhưng không bao giờ gặp nhau do bối cảnh lịch sử của đất nước tạo thành. Do bởi sự chi phối và kềm tỏa của cộng sản, cộng đồng người Việt quốc tịch VN, đã không thể hoà nhập với cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại vì bản thân những người này sợ liên lụy, gia đình bên VN gặp rắc rối với chính quyền cộng sản. Mục tiêu chính yếu của những người xuất cảng lao động là kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình bên VN, tìm đủ mọi cách để xin được ở lại, cố gắng học cho xong, kiếm việc làm tương xứng, kéo dài thời gian mong muốn được các công ty bảo lãnh để được ở lại. Đây là một thực tế ngày càng phổ cập đối với cộng đồng người Việt quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, lời đề nghị của bác sĩ Phan Đình Hiệp là không thực tế, không phù hợp với quan điểm của những người còn mang quốc tịch VN.
Thứ ba: khi quan điểm và đề nghị của mình (nếu có) không được đáp ứng, để rồi đăng đàn lên tiếng tố cáo, chụp mũ người khác là độc tài, muốn biến CĐ thành công cụ riêng tư, biến diễn đàn (mượn) danh nghĩa hội luận để lôi kéo người cùng quan điểm với mình tạo thành dư luận. Hành động này tự nó đã nói lên tính áp đặt, phi dân chủ của người tổ chức rồi. Chúng ta đang sống ở một quốc gia tự do, dân chủ như nước Úc, mọi người có toàn quyền làm những gì mình muốn, miễn là nằm trong khuôn khổ của luật pháp cho phép. Bác sĩ Phan Đình Hiệp nếu muốn thì cá nhân ông có thể mở ra một mảng sinh hoạt khác, để các cá nhân cùng quan điểm với ông vào sinh hoạt, nếu ông có khả năng tổ chức và lãnh đạo, ông không cần phải đề nghị với người khác để làm chuyện đó. Đặc biệt là người mà ông ngỏ lời đề nghị lại không thuộc về cái cộng đồng người Việt quốc tịch VN, với giới tuyến rõ ràng.
Diễn đàn hội luận “chuyện cộng đồng người Việt tại Úc” do bác sĩ Phan Đình Hiệp tổ chức là một cường điệu, cộng đồng người Việt tại Úc không phải là một cộng đồng phi chính trị. Bấm vào link bên dưới để theo dõi diễn đàn hội luận của bác sĩ Phan Đình Hiệp.
https://fb.watch/aF0pJTjUbw/