Cho tới đầu thế kỷ 20 nước ta nghèo nàn lạc hậu, nhưng các cụ ta trọng sự học. Bởi thế các thành phần trong nước được xếp theo thứ tự “Sĩ nông công thương”. Các nhân sự lãnh đạo được chọn lựa theo trình độ học vấn, qua các kỳ thi hương, thị hội, thi đình. Thi hương là kỳ thi liên tỉnh. Những người đậu thì gọi là tú tài. Những người tú tài đậu cao với một số điểm do ban giám khảo định thì gọi là cử nhân, được vào kinh đô thi hội do các quan trong triều phụ trách. Trúng kỳ thi hội thì được vào thi đỉnh, do chính vua làm chủ khảo. Ba người đỗ đầu kỳ thi đình là trạng nguyên bảng nhỡn thám hoa. Thấp hơn thì gọi là tiến sĩ. Được tuyển làm quan. Thế kỷ thứ 19, một người nổi tiếng ba kỳ thi đều đỗ đầu là cụ Nguyễn Khuyến ở xã Yên Đổ huyện Bình lục tỉnh Hà nam, được gọi là Tam Nguyên Yên đổ. Tóm lại thời xưa, những nhà nho xuất sắc đỗ cao thì được làm quan. Những người không xuất sắc, tú tài hay cử nhân thì làm thầy lang thầy đồ dây học kiếm sống.
Tuy nhiên cũng có người đặc biệt xuất sắc học giỏi được bổ làm quan nhưng không thích đường hoạn lộ mà cáo quan về dậy học là ông Chu văn An, chí khí nổi danh trong lịch sử dân tộc.
Như đã nói, vì trọng sự học, nên ngưòi mình quý trọng người đi học, mà người dậy học, tức là những ông đồ, được quý nể hơn. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, chữ nho không còn là ngôn từ chính thức nữa. Tiếng Việt phiên âm bằng mẫu tự La tinh do linh mục dòng tên Alexandre de Rhodes san định để dùng trong việc truyền đạo từ thế ký thứ 17 trở thành thông dụng hơn. Đến đầu thể kỷ thứ 20 dưới sự cai trị ổn định của Pháp thì kể như hết thời hệ thống văn tự cũ. Khiến ông Tú Xương viết mấy giòng chua chát.
Cái học nhà nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi .
Cô hàng bán sách lim dim ngủ,
Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi .
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ ?
Trình có quan tiên thứ chỉ tôi.
Thầy đồ không còn học trò, không còn việc. Chỉ có một vài người nhân dịp cuối năm giáp tết ra chợ viết câu đối trên giấy đỏ bán cho một số người còn hoài cổ mua đem về nhà trang hoàng nhà cửa theo tinh thần
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh
Một thời đã qua, Vũ đình Liên cám cảnh viết nên bài thơ Ông Đồ. Cũng gây thấm thía ngày nay cho một số các vị mắt mờ chân chậm tay run bỏ chốn tạm dung ồn ào rậm rịch mà về cố thổ.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
(1936 - Đăng trên báo Tinh hoa.)
Bác sĩ Trần Xuân Ninh.