" Hè năm 1982, chúng tôi học xong năm thứ năm. Đại học Y Hà Nội đang đào tạo theo mô hình năm năm đầu học chung, sang năm thứ sáu mới phân khoa.
Anh đi ngành lâm sàng, anh khác cận lâm sàng. Không khí lúc đó chộn rộn lắm. Chúng tôi đều hồi hộp. Hết hè là lên Y6, tức sắp thành bác sĩ. Phân khoa lần này quyết định hướng đi cả một đời, mình sẽ là bác sĩ chuyên ngành gì.
Hôm lớp trưởng đọc danh sách phân chuyên khoa, đứa vỡ òa sung sướng, đứa thì buồn. Tôi lại càng buồn. Lúc đăng ký nguyện vọng, tôi đăng ký một ngành lâm sàng, thế mà kết quả bị phân đi môn cận lâm sàng.
Tôi về nhà kể với bố. Bố nghe xong trầm ngâm một lát rồi bảo: "Tối nay đi với bố".
Tối hôm đó, bố mang một gói chè Thái Nguyên, dẫn tôi đến nhà thầy phụ trách việc phân khoa cho sinh viên. Lúc đó tôi mới biết bố và thầy là bạn cùng lớp đại học.
Nhà thầy kiểu công chức, trong khu tập thể gần trường Bách khoa. "Cũng không dám quấy quả nhưng xin anh cho cháu nó đi ngành lâm sàng để tôi còn truyền kinh nghiệm cho cháu", bố nói. Thầy đặt chén nước xuống bàn, bảo "anh muốn cháu nối nghiệp thì tôi sẽ xếp cho cháu theo nguyện vọng".
Mấy hôm sau, bạn trong lớp bảo, "tên mày bổ sung, viết dưới cùng danh sách". Tôi nhận tin báo tập trung lớp chuyên khoa mới như nguyện vọng. Sau này, tôi còn học thêm nhiều chuyên khoa khác nữa, nhưng cảm giác hạnh phúc khi được làm đúng nghề đã được thầy trao cho tôi từ khi 23 tuổi. Thầy đã nhìn thấy bất cập của việc đào tạo theo kế hoạch thời bao cấp và cố gắng sửa chữa. Bây giờ các bạn trẻ học Y được tự do chọn chuyên ngành mình thích, thuận lợi hơn chúng tôi nhiều.
40 năm trước, người ta giúp nhau vô tư như thế, với quà mang theo là gói trà. Cả người đi xin và người có quyền quyết định đều tự trọng. Bác sĩ hồi ấy được xã hội trọng vọng, xếp vào hàng ngũ "trí thức lưng thẳng".
Nhiều năm trôi qua, tôi trải qua nhiều bệnh viện, nhiều vị trí rồi về hưu. Ngành Y có rất nhiều thành tựu, nhưng tôi nghe có người bảo, vị trí của bác sĩ nhiều khi thấp dần. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước khi trách xã hội đảo điên, người trong ngành phải nhìn lại mình. Một số người ngày càng giàu, nhà không chỉ to đẹp mà còn là nhiều nhà, trang trại. Còn đại bộ phận nhân viên y tế thì cuộc sống mấp mé ở mức thu nhập thấp.
Năm 2021 thật lạ lùng. Dịch bệnh ập đến, ngành Y trước thử thách lớn, bộc lộ cùng lúc cả mặt xấu và mặt tốt. Nhiều vụ tiêu cực bị hé lộ, nhưng cũng có hàng trăm nghìn nhân viên y tế ra tuyến đầu, được xã hội ghi nhận. Nhưng hết dịch, ra khỏi vòng hào quang của ngợi khen thì nhiều y, bác sĩ lại tiếp tục đối mặt với khó khăn cũ: tình trạng tham nhũng của một số cán bộ có chức quyền và những bất cập trong cơ chế quản lý ngành chậm được sửa đổi.
Với trải nghiệm cả một đời công tác, tôi tạm nhận dạng tham nhũng trong ngành y chia làm bốn nhóm: Tiền hoa hồng khi mua thuốc và vật tư y tế, tiền lại quả xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị, tiền xin việc và tiền phần trăm các loại liên doanh liên kết.
Mới có cán bộ bị phát hiện nhận lót tay hàng chục tỷ, có những cán bộ phải trả lại quà của đối tác cung cấp thiết bị cho hệ thống mình phụ trách. Tôi nghe nhiều người "nói thật" rằng, nước trong thì không có cá hoặc mỉa mai "ăn" được thì mới làm được; hay ví cái gọi là tiêu cực kia thật ra cũng có mặt tích cực, vì nó bôi trơn cỗ máy.
Để xã hội tốt đẹp lên thì phải trừng trị tham nhũng nghiêm khắc. Nhưng vế còn lại đồng thời, phải sửa đổi cơ chế để làm sao người ta không cần, không dám và không thể tham nhũng.
Tôi đã đọc những ý kiến cho rằng lương thấp thì không đủ động lực để làm việc tốt nhất, sống đàng hoàng nhất. Lương thấp là nguồn cơn gây ra tham nhũng vặt. "Ăn nhỏ" đã quen thì lương tâm sẽ không còn cắn rứt khi "ăn lớn". Chúng ta đang trả lương rẻ hơn nhiều ngành nghề cho nhân viên y tế vì niềm tin rằng người dân được hưởng lợi do chi phí công lao động y tế thấp. Nhưng thực tế, người dân liệu ai muốn lương nhân viên y tế thấp để rồi nhận về chất lượng phục vụ cũng thấp? Trao đổi ngang giá đã là quy luật bất biến của cuộc đời.
Bác sĩ mới ra trường lương cơ bản chỉ hơn ba triệu đồng mỗi tháng. Lương cứng bác sĩ hơn 10 năm trong nghề cũng chưa tới 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Trưởng trạm y tế trước khi nghỉ hưu, mức lương cũng chỉ 7-8 triệu đồng. Lương thấp, chậm lương, nợ lương. Có đồng nghiệp tôi hồi cuối năm đã phải đi bán rau để kiếm thêm thu nhập.
Nên tôi vẫn cho rằng cải cách đầu tiên sau dịch là ngành Y phải được cải cách tiền lương, để nhân viên y tế có mức sống trung bình khá trong xã hội. Người giỏi có thể sống đủ bằng thu nhập chính đáng của mình, càng giỏi có cơ hội càng giàu.
Trong chiến tranh, trong dịch giã, nhân viên y tế có thể hy sinh, vụt biến thành anh hùng. Nhưng khi trở về đời thường, chúng tôi chỉ muốn làm người bình thường, được hưởng xứng đáng sức lao động của mình.
Hàng rào cuối cùng giữ cho người ta sống lương thiện chính là đạo đức. Tôi không hoài cổ, cũng không vơ đũa cả nắm, nhưng rõ ràng thế hệ sau vẫn phải học các thầy ngày trước: Thanh thản khi nhận quà cảm ơn mà không nơm nớp lo có ngày phải trả lại quà. Đó là tư cách của trí thức.
Ngành Y cải thiện chế độ và trong sạch hơn, làm sao để một vài vết đen không che lấp nỗ lực của hàng trăm nghìn nhân viên y tế là nguyện vọng của bác sĩ chúng tôi trong năm mới."
BS Quan Thế Dân