January 13, 2022
WASHINGTON, DC (NV) – Một ngày sau khi đưa hai hải đội tác chiến vào khu vực Biển Đông, chính quyền Joe Biden tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” tại Biển Đông của Trung Quốc là một thuật ngữ vô nghĩa, theo tường thuật của nhật báo The South China Morning Post.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm Thứ Tư, 12 Tháng Giêng, đưa ra bản báo cáo “Giới Hạn Trên Biển” (Limit in the Seas) nhận định lời tuyên bố dựa trên “quyền lịch sử” để khẳng định có chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh là sự “phá hoại nghiêm trọng pháp quyền trên các đại dương.”
Một ngày trước đó, Thứ Ba, 11 Tháng Giêng, hải đội hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và hải đội tác chiến mẫu hạm trực thăng USS Essex cùng tiến vào khu vực Biển Đông. Phía Mỹ chưa thông báo mục đích của hai hải đội này, nhưng theo các nguồn tin hai hải đội này sẽ phối hợp hoạt động trong khu vực.
Nhận định trong báo cáo “Giới Hạn Trên Biển” của Bộ Ngoại Giao Mỹ dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế (The Hague) năm 2016, bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Báo cáo trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng diễn ra giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đáng chú ý là trong ngày Mỹ đưa ra báo cáo nêu trên, Nhật cho chiến hạm áp sát các đảo do Trung Quốc chiếm trong quần đảo Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải và gây áp lực với Bắc Kinh, theo nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật.
Đây là quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Philippines, và Malaysia.
Bắc Kinh khẳng định có “quyền lịch sử” đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, thông qua “đường chín đoạn,” một khu vực kéo dài tới 2,000 km (1,243 dặm) từ đất liền và tiếp cận vùng biển gần với Indonesia và Malaysia.
Hồi Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế phán quyết Trung Quốc không có “quyền lịch sử” ở Biển Đông và khẳng định một số quốc gia dùng các mỏm đá, mà họ tuyên bố chủ quyền, làm nền tảng cho các yêu sách chủ quyền lãnh thổ là không hợp pháp.
Năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng với Philippines về việc hàng trăm tàu dân quân trá hình của Trung Quốc bao vây đảo Đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố phán quyết của tòa năm 2016 là “một tờ giấy lộn” không hợp lệ.
Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố: “Không có bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS 1982 có thuật ngữ ‘quyền lịch sử,’ cũng như không có một khái niệm cụ thể hay ý nghĩa về thuật ngữ này, trong luật pháp quốc tế.”
“Bất kỳ yêu sách nào dựa trên ‘các quyền như thế’ cần phải tuân theo các quy định của UNCLOS 1982, bao gồm các khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển,” theo báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Washington cũng phản bác các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể, bị chìm khi thuỷ triều lên, ở Biển Đông, và phía Mỹ đã loại trừ khỏi các tuyên bố chủ quyền trên các thực thể này, theo luật pháp quốc tế.
Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh rằng tình trạng hợp pháp của bất kỳ “thực thể địa lý nào” phải được đánh giá dựa trên “trạng thái tự nhiên,” ám chỉ về những “đảo nhân tạo” mà phía Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa trong thập niên qua.
“Không được bồi đắp, hoặc các hoạt động khác của con người, nhằm làm thay đổi ‘trạng thái tự nhiên’ của các thực thể, chỉ xuất hiện khi thủy triều thấp hoặc bị ngập nước hoàn toàn, thành hòn đảo,” Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh.
Bản báo cáo được Mỹ đưa hôm Thứ Tư là bản báo cáo thứ 150 trong suốt 52 năm kiểm tra tính hợp lệ của các tuyên bố chủ quyền trên biển khắp thế giới. Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng phát hành bản tóm tắt của báo cáo này bằng tiếng Hoa và Việt.
Tài liệu nêu trên được biên soạn dựa trên những cảnh báo của chính quyền Mỹ dưới thời ông Biden và trước đó, của người tiền nhiệm Donald Trump, về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vào Tháng Bảy, chính quyền Biden tán thành kết luận của chính quyền Trump rằng hầu như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật và cam kết sẽ hành động quân sự nếu Trung Quốc tấn công bất kỳ tàu hoặc máy bay của Philippines trong khu vực.
Tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực Biển Đông ngày càng leo thang kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu các hoạt động bồi đất thành đảo vào năm 2016 ở một số địa điểm mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.
Chính quyền Biden cho rằng các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa hải lộ quốc tế, nơi có số lượng hàng hóa trị giá $3,000 tỷ đi qua mỗi năm.
Trong chuyến công du đến các quốc gia vùng Đông Nam Á vào tháng trước, ông Anthony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, tuyên bố rằng Mỹ cùng với các quốc gia tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh thổ ở Biển Đông sẽ “tiếp tục đẩy lùi các hành vi như vậy (của Trung Quốc).”
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, DC, chưa trả lời báo chí yêu cầu bình luận về báo cáo trên, chắc chắn đây là sự việc có thể khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
“Trung Quốc không phải là quốc gia khuấy động rắc rối ở Biển Đông gây ra đe dọa nghiêm trọng và tạo rủi ro với hòa bình và ổn định của khu vực với lý do ‘tự do hàng hải,’” ông Triệu nói, ám chỉ Mỹ. (MPL) [đ.d.]