Niềm đau .... không dấu! Nghe cứ như tựa đề của một bài hát, nhưng không phải. Từ ngày các ông Bill Gates của Microsoft, ông Mark cha đẻ của “chung cư phây” (FB), ông Stven Job của “trái táo khuyết”, và vài ông trong công ty “Gu Gồ” và còn vài ông của “tuýt tà”, của “in-tờ-gu-ram”.... xuất hiện thì cái thế giới này hình như nhỏ hẳn, chuyện nơi này bên kia có thể biết ngay tức khắc, trong nhà ngoài ngõ thấy ai cũng trang bị một cái “quẹt quẹt” (*) của “Android” hay “táo khuyết”. Đang dạo phố hay đi đâu đó, nếu để “chế độ mở” thì nghe một tiếng “lích” hoặc “chế độ rung” thì cái túi cứ “giật giật”, có thể mở ra tại chỗ xem ngay, màn hình hiện ra một hàng hay nhiều hàng chữ, tiện lợi vô cùng, có thể thực hiện tại chỗ những điều cần làm mà không cần phải về nhà hay tới hãng. Nhưng, đây mới là “mondai” (問題-vấn đề), mà chỉ có trong “cộng đồng” tiếng Việt. Thí dụ:
“Chieu nay, nho mua cho m may thu do”
“E, Bua nao ranh, tao bo len cho may chơi”.
Trời ơi, nghĩa gì đây, phải dùng đầu nặn óc gần mấy giây mới ra kết quả:
“Chiều nay, nhớ mua cho em mấy thứ đó”
“Ê, bữa nào rảnh tao bò lên chỗ mày chơi”. (Chữ “bò” này là ngôn ngữ bình dân của người miền Nam thời trước, nói ra hiểu ngay).
Cảm thấy “bức xúc” nên “trả vốn” ngay:
“Thôi di chu dung bo cha noi” (Thôi đi chứ đừng bò cha nội)
Không hiểu đối tượng có hiểu không? nhưng không thấy hồi âm.
Trong số học trò người Nhật của người viết, thỉnh thoảng có vài người “hỏi thăm” vì thấy những dòng chữ, mà chính mình cũng thấy bàng hoàng vì hoàn toàn không hiểu, đại khái như:
1- “Trui ui, lam j ma cac chi iu qui jan ju the? Bi h e moi roi khoi juog. Nhug chu e mut chut thui ma, e din day!”. (Trời ơi, làm gì mà các chị yêu quí giận dữ thế? Bây giờ em mới rời khỏi giường. Nhưng chờ em một chút thôi mà, em đến đây!).
2. 2 day U co ranh o? (Hôm nay bạn có rảnh không?).
3. “I nho. Thanks U da nhac!” (Tôi nhớ. Cám ơn bạn đã nhắc!).
Không có phần phiên dịch bên cạnh, quí vị hiểu không? bảo đảm... hiểu chết liền.
Thêm một chuyện nữa, bạn bè gần nhau có lập nhóm nhỏ để “trao đổi” trên Viber. Một hôm có một ông bạn gửi lên một tấm hình với cái đầu đầy thương tích, ông chưa kịp giải thích thì “bụp” một cái, một hàng chữ của bà khác hiện ra:
“Moi ca nha xoi”. (Mời cả nhà xơi). Thấy mẹ rồi, xơi cái gì ở cái cục u trên đầu vậy?
Vài giây sau, thì mấy hàng chữ của ông mới xuất hiện:
“I vua bi te bi thuong tren tran”. (Tao vừa bị té bị thương trên trán)
và sau đó cũng mấy giây, bức hình khoe một món ăn mới tiếp nối.
Cuộc trao đổi không dấu, không lớp lang thứ tự thật quá ư là “bức xúc”.
Đó mới là vài câu ngắn ngắn, chứ nếu từ năm dòng trở lên là ..... xin tắt máy luôn không cần coi, chờ xác nhận lại, chứ không thì cứ để “tâm trí” rồi cố gắng “dịch” thì chuyện đâm sầm vào ai đó là chuyện thường tình. Thôi cho xin hai chữ bình an, vì nhà em “vẫn còn thích tình ca, vẫn còn thương màu áo ngà”.
“Ôi niềm đau không dấu” sao quá phũ phàng!
Kết luận: Nếu có thể được xin bà con cô bác, nhất là giới trẻ bây giờ Teen hay Teo 9x, 10x gì đó bây giờ làm ơn làm phước:
1/ Đánh dấu cho chính xác.
2/ Hạn chế tối đa những ngôn từ viết tắt.
Tiếng Việt còn... thì nước ta còn. Tiếng Việt mà “bệnh” thì nước ta cũng.... tiêu.
-------------------------------------
(*) là cái iphone, ipad, smartphone, từ ngữ “quẹt quẹt” này nghe lần đầu tiên từ mẹ cháu, có thể mẹ cháu nghe từ ai đó không chừng.