Sau khi được xướng tên là võ sĩ huy chương vàng, bằng một dáng đứng khiêm cung, KIYUNA Ryo bước lên đài chiến thắng, tay phải anh chậm rãi rút ra từ túi áo khung ảnh của người mẹ đã mất vào 2 năm trước. Với huy chương váng lấp lánh bên cạnh di ảnh, KIYUNA nói với phóng viên: “Ngay khi về nhà, tôi sẽ báo cáo chiến thắng này để mẹ yên tâm. Tôi cũng hy vọng, huy chương này sẽ giúp cho nền võ học truyền thống của Okinawa được phổ biến rộng rãi hơn và mang lại giấc mơ cho những trẻ em đang tập luyện Karate”. Mẹ và quê hương có lẽ là 2 chất liệu quý báu nhất đã theo đuổi anh suốt đoạn đường đi đến vinh quang.
Trong trận chung kết, bài quyền sở trường Ohandai theo mô thức quyền cước liên hoàn trong mỗi thế trụ tiến thoái theo đường zigzag triển khai ra 4 hướng để vừa lách đòn, vừa chọc tay (nukite) vào từng yếu huyệt đối thủ đã được KIYUNA huy động đầy khí lực, cuốn hút. Anh xuất hiện trên võ đài như pho tượng Kim cang Bồ tát, để rồi làm nín thở người xem bằng từng đòn thế đã dày công tập luyện từ lúc lên năm tuổi.
Với số điểm chiến thắng áp đảo từ vòng loại cho đến chung kết, KIYUNA là người xuất thân tỉnh Okinawa đầu tiên có huy chương vàng, kể từ khi lực sĩ nhảy xa ba bước ODA Mikio, người tỉnh Hiroshima giành HCV đầu tiên về cho Nhật Bản tại TVH Amsterdam 1928.
Đây cũng là huy chương thể hiện rõ nét một kết tinh của văn hóa Nhật Bản qua hình thức bài quyền, trong tiếng Nhật là KATA (HÌNH). Lối luyện võ này bắt đầu từ những bài tập bắn cung cưỡi ngựa vào thời đại Kamakura (1192 – 1333) nhằm giúp cho các tướng sĩ nắm bắt các điểm tinh yếu của võ học để sẵn sàng ra trận một cách xuất kỳ bất ý. Ý niệm tập luyện này sau đó được triển khai áp dụng vào các bộ môn văn hóa khác như trà đạo, hoa đạo, hương đạo, kịch nghệ .v.v... với mục đích giúp cho người tập luyện nắm vững cơ bản để từ đó áp dụng linh động vào cuộc sống. Người Nhật cho rằng sự ảo diệu chỉ có thể xảy ra khi hiểu rõ và tập luyện để thấm nhuần bản chất của hình tướng.
Bài quyền của Karate, dù chỉ được biểu diễn một mình, không phải là song đấu, tuy nhiên chúng ta có thể cảm nhận được những đối thủ vô hình đang bủa vây chung quanh. Bài quyền đạt yêu cầu là bài quyền phải chứng tỏ được giải pháp phá vỡ thế công đó. Do đó sẽ chẳng ngạc nhiên khi KIYUNA đã từng được ân sư SAKUMOTO Tsuguo cảnh báo một cách nghiêm khắc : “Con phải nghĩ rằng, một giây phút sơ hở, chia trí trong khi tập luyện đồng nghĩa với một giây phút mang đến cái chết trong khi quyết đấu”.
Văn hóa Nhật Bản được đánh giá cao trên thế giới một phần cũng nhờ ở sự nghiêm chỉnh này. Tính nguyên tắc trong những bài tập ở mọi bộ môn văn hóa nghệ thuật được xem là những hoạt động chuẩn bị cho những tình huống không ngờ, vượt khỏi khuôn khổ của bài tập hoặc bài quyền đó. Tựa như một bài thơ Haiku với 17 âm tự trong cấu trúc 5-7-5. Vượt khỏi khuôn khổ ngôn từ này là một thế giới thoát ra, mở rộng. Tựa như Trà đạo, lúc đầu tập luyện thật là gò bó lễ nghi, nhưng một khi lễ nghi đó thấm được vào hồn, lễ nghi đó biến thành tự do để thăng hoa thành cái đẹp.
Bài quyền hôm qua của nhà vô địch Karate còn đẹp hơn nữa vì sau tiếng thét chấm dứt động tác cuối cùng, KIYUNA di chuyển ra giữa võ đài ngồi gập gối seiza (chính tọa), nhắm mắt định thần giữa bốn bề im lặng và cúi đầu thật sâu để bày tỏ tri ân. Karate bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Khiêm tốn làm nên uy dũng.