Mấy ngày qua, bạn ta đã có dịp theo dõi “một cái nhìn từ bên trong” rồi hồi hộp, cảm động, mong chờ.... qua những bài viết của Nguyễn Huy, Trung Hiếu về cái Thế Vận Tokyo lạ kỳ nhất lịch sử, không rợp bóng cờ bay, không vạn tiếng reo hò, không đoàn người chào đón đứng hai ven đường, mà chỉ thấy đầy rẫy những khẩu trang từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Hôm nay, xin giới thiệu với bạn ta “một cái nhìn từ bên ngoài”, cảm nghĩ của một ông đàn anh trên tôi 5 lớp, một người mang tâm trạng “một cảnh 2,3 quê” khi ông viết về Tokyo Thế Vận.
THẾ VẬN HỘI TOKYO: XEM ĐƯỢC NHỮNG GÌ? (VL TTP)
Thế Vận Hội Tokyo cuối cùng cũng được tổ chức hẳn hoi, cho thấy sự cố gắng của người Nhật rất đáng cảm phục. Trước đây, cứ phập phồng lo giùm cho họ, vì mấy con vi khuẩn COVID phá hoại khắp nơi trên thế giới (Đau nhất là thấy nó đang tấn công Sài Gòn làm thành phố kiệt quệ).
Theo dõi các trận đấu của Tokyo Olympics, tuy truyền thông có chiếu đủ hết, nhưng chỉ có thể có thì giờ để xem một vài môn tiêu biểu nào đó thôi. Hôm qua và ngày hôm nay xem được hai môn: Bóng Bàn (nam nữ đánh đôi) giữa Nhật Bản và China, rồi trận Đá Banh (nữ) giữa Australia với Nhật Bản. Sẵn có trên Youtube nên xem luôn trận Đá Banh (nữ) giữa Việt Nam và Australia.
Phải công nhận các tuyển thủ của Nhật giỏi thật. Họ làm cho Nhật Bản đứng trong hàng đầu về số huy chương vàng nhận được, ngang ngửa với Mỹ và China. Thấy trên bảng xếp hạng, còn có một nước tên là ROC, mới đầu ngỡ là Republic of China (Taiwan), nhưng đó lại là Russia, không hiểu tại sao họ không đưa tên nước họ lên. Taiwan thì trên bảng danh sách đề rõ là Chinese Taipei, hiểu được. Tuy dân số nhỏ (chưa được 24 triệu), các tuyển thủ Taiwan cũng đem lại được huy chương vàng.
Xem thể thao của Thế Vận Hội không có chuyện “tọa sơn quan hổ đấu”, phải có một bên nào đó mà mình có cảm tình hơn bên kia để ủng hộ. Việc nầy thấy rõ khi xem trận Bóng Bàn đã kể giữa Nhật và China: Biết kết quả rồi mới xem nên không hồi hộp hay nôn nóng gì, thấy được hai tuyển thủ Nhật thật bình tĩnh, mặc dù phía China có vẻ rất tinh nhuệ. Phía Nhật Bản bị dẫn trước, nhưng kiên nhẫn làm cho họ đi đến chiến thắng. Thể thao hay chính trị gì cũng thế, vấn đề là đừng để mình thành “Bên Thua Cuộc”!
Trong trận Đá Banh (nữ) giữa Nhật và Australia, thực không biết ủng hộ ai! Với cả hai bên, thấy “một cảnh hai ba quê”, có vấn đề cảm tình trong đó! Thôi thì ai thắng cũng tốt. Và cuối cùng, Australia hạ đội Nhật Bản 3-1.
Qua trận Đá Banh (nữ) giữa Việt Nam với Australia mới thấy khó hơn trong việc ủng hộ. Trong đầu nghĩ, chỉ vấn đề thể lực và những bối cảnh sau lưng như huấn luyện, cuộc sống, vv… là từ đầu đã có chênh lệch, thôi thì mong đội Việt Nam nên cố gắng biểu diễn nghệ thuật và chú trọng sự giao hảo... Xem sự chuyển dịch của tuyển thủ hai bên, ngay từ đầu đã thấy đội Australia sung sức hơn đội Việt Nam. Kết quả là họ thắng (5-0). Cũng đoán rằng đây là Thế Vận Hội nên không có cảnh cờ xí phất đỏ trời và mấy bức hình ông Võ Nguyên Giáp đưa nắm đấm ra dọa thiên hạ.
Olympics không phải là chỉ thuần túy vì thể thao. Có rất nhiều yếu tố trong việc tổ chức Thế Vận Hội: Thứ nhất, để được đứng ra tổ chức Thế Vận Hội, nước ứng cử phải có một số tiêu chuẩn nào đó về kỹ thuật, tài chánh, tình trạng vệ sinh an toàn của xã hội, vv... quan trọng nhất là chính trị (được sự chấp nhận của nhiều nước khác). Vì khi được tổ chức Olympics, nước chủ nhà sẽ có cơ hội để xây dựng hay làm tốt hơn hạ tầng cơ sở, mở mang việc kiến thiết, và đẩy mạnh cơ hội về business... Đoàn tuyển thủ đi ra trước quốc tế, hành vi cử chỉ và cung cách thi đấu như thế nào cũng gây ấn tượng tốt hay xấu về bộ mặt của một quốc gia. Mấy năm trước, trong Thế Vận Hội ở Korea, đa số các tuyển thủ bơi lội (nữ) của China vai u thịt bắp, nhìn vào cứ như những chiếc xe thiết giáp. Không có bằng chứng về việc họ dùng thuốc hay tiêm vào người những gì, nhưng nhìn ngoại hình không thôi (và nhìn thái độ lầm lỳ) đã thấy khó có cảm tình. Về sau, hình như họ hiểu ra điều đó, và đã thay đổi nên các tuyến thủ nữ của họ bây giờ thấy dễ nhìn hơn nhiều.
Xem chương trình Thế Vận Hội, cũng ước thầm là một ngày nào đó, Việt Nam cũng có thể tổ chức Olympics ở Việt Nam!
Có khả năng để tổ chức Olympics được hay không là vấn đề quốc lực. Và nói về quốc lực, nước muốn mạnh thì phải làm sao để dân giàu.
Chưa từng nghe có nước nào tổ chức được Olympics mà ở đó đại đa số người dân còn quá nghèo, ngày ngày ráng thích hợp với cách điều hành xã hội mà chỉ một trận gió COVID nhẹ cũng làm cho cả đất nước chao đảo.
VL TTP
(2021-07-30)