Xã hội cần gì hơn, những người biết tự tư duy hay các bộ não răm rắp vâng lời?
Rạng sáng ngày 26/9/1983, hệ thống theo dõi tên lửa của Liên Xô vang lên cảnh báo. [1] Nó phát hiện các tên lửa được phóng đi từ Mỹ đang hướng thẳng đến nước này.
Trong vài phút, Oko, tên của hệ thống, thông báo có năm quả tên lửa đang nhắm đến Liên Xô.
Stanislav Petrov, trung tá thuộc Lực lượng Phòng không Chiến thuật, là người chịu trách nhiệm chính cho việc theo dõi hệ thống Oko vào lúc đó.
Nhiệm vụ của Petrov, như trong quy trình đề ra, là lập tức nhấc điện thoại lên, thông báo cho chỉ huy cấp cao nhất, và, theo quy trình, thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đáp trả.
Đó là thời điểm căng thẳng dâng cao của Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ lẫn Nga đều chuẩn bị sẵn các tên lửa hạt nhân nhắm vào nhau.
Trước đó chỉ vài tuần, vào ngày 1/9/1983, một chiếc máy bay dân dụng của Hàn Quốc bay lạc hướng vào không phận của Liên Xô đã bị không quân nước này bắn hạ vì nhầm tưởng là hành động thù địch. [2] Toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có một nghị sĩ Mỹ.
Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ phóng tên lửa tấn công Liên Xô sẽ không phải là chuyện bất ngờ. Những sĩ quan như Stanislav Petrov đã được huấn luyện kỹ càng để chuẩn bị và phản ứng với tình huống đó.
Petrov cần phải phản ứng ngay lập tức. Chỉ một phút chần chừ có thể sẽ khiến lực lượng phòng không nước này không kịp trở tay, bị các tên lửa hạt nhân của đối phương phá hủy. Hàng triệu người Liên Xô sẽ thiệt mạng vì cuộc tấn công của Mỹ mà không có cơ hội đáp trả.
Nhưng Petrov đã không làm theo lệnh.
Thay vì làm đúng quy trình, thông báo cho cấp trên và yêu cầu tấn công đáp trả, Petrov dừng lại suy nghĩ.
Ông chất vấn tính chính xác của hệ thống cảnh báo hiện đại bậc nhất vào thời điểm đó.
Ông đặt câu hỏi: nếu là một cuộc tấn công tổng lực, vì sao lại chỉ có năm quả tên lửa được phóng đi?
Petrov kết luận rằng hệ thống đưa ra cảnh báo sai, và kiểm tra xem lỗi xuất phát từ đâu.
Hơn hai mươi phút sau đó, mọi người trong phòng chỉ huy của hệ thống đều thở phào nhẹ nhõm. Radar phòng không xác nhận không có tên lửa nào của Mỹ phóng đến Liên Xô.
Petrov đã cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân bằng việc không tuân theo mệnh lệnh và quy trình đã đề ra.
Ông làm việc đó bằng cách chất vấn, tự suy nghĩ, và tự tìm cách giải quyết vấn đề.
***
Câu chuyện về Stanislav Petrov được kể lại trong quyển sách “One plus one equals three” (1 + 1 = 3) của Dave Trott, một cuốn sách chia sẻ về tư duy sáng tạo (creative thinking). [3]
Rất nhiều người khi nghe chuyện của Petrov sẽ không nghĩ đến hai chữ “sáng tạo”. Với họ, sáng tạo là cái gì đó gắn liền với nhà phát minh hoặc nghệ sĩ hay thứ gì đó hoành tráng ghê gớm, một loại năng lực bẩm sinh, thiên phú và không phải ai cũng có được.
“1 + 1 = 3” có thể khiến họ nghĩ lại. Cuốn sách tập hợp muôn hình vạn trạng các mẩu chuyện nhỏ về sáng tạo để độc giả nào cũng có thể nhìn thấy mình trong đó.
Câu chuyện về Petrov là một điển hình để người đọc định nghĩa lại cách hiểu về sáng tạo: thay vì răm rắp làm theo quy trình hay mệnh lệnh, chỉ cần biết dùng cái đầu của chính mình để suy nghĩ thì đã là một con người sáng tạo.
Đó cũng là điểm thiếu nhất trong những xã hội và thể chế như Việt Nam, vốn đề cao sự đồng thuận và phục tùng vô điều kiện.
Người ta vẫn được nghe hai chữ “sáng tạo” được nhắc đi nhắc lại trong trường học, trên báo chí và từ miệng của các quan chức lãnh đạo. Nhưng “sáng tạo kiểu Việt Nam” luôn luôn nằm trong những cái lồng mang tên định hướng, khuôn khổ hay chỉ đạo.
Nếu có ai thắc mắc vì sao người Việt Nam thừa sức sáng tạo nhưng lại thiếu đột phá, thì đó chính là lý do. Nếu có ai tự hỏi vì sao cũng là người Việt Nam đó, nhưng chỉ cần sống trong một môi trường khác là có thể đạt những thành tựu bứt phá không thua kém bất kỳ ai, thì đấy cũng là lý do.
Một cách công bằng, làm theo đám đông cũng là một loại trí khôn. Trong đa số trường hợp, đó là cách để tồn tại đơn giản và hiệu quả nhất. Không chỉ có con người, hầu như động vật nào cũng có thứ trí khôn đám đông đó.
Nhưng trong những trường hợp khủng hoảng, làm theo đám đông lại dễ dẫn đến thảm họa.
Câu chuyện một chiếc máy bay rơi ở Congo được nêu trong sách là minh họa cho hậu quả của việc tư duy theo đám đông trong hoảng loạn.
Chiếc máy bay dân dụng nhỏ rơi khi sắp hạ cánh. Tổng cộng có 19 hành khách và hai phi công. Hai mươi người thiệt mạng ngay tại chỗ. Người duy nhất sống sót bị thương nặng được đưa vào bệnh viện.
Tiến hành điều tra, người ta không thể tìm ra nguyên nhân của tai nạn. Chiếc máy bay vận hành tốt. Động cơ không bị trục trặc. Phi công đều có kinh nghiệm. Thời tiết khi đó hoàn toàn thuận lợi. Không ai biết lý do vì sao máy bay rơi, cho tới khi người duy nhất sống sót tỉnh lại.
Theo lời kể của ông, một trong những hành khách đã giấu một con cá sấu nhỏ trong túi hành lý. Toàn bộ hành lý được xếp ở phần đuôi của máy bay. Khi máy bay sắp hạ cánh, con cá sấu chui thoát ra khỏi túi. Tiếp viên nữ nhìn thấy liền hoảng sợ chạy ra phía trước thông báo cho phi công. Các hành khách nhìn thấy cô sợ hãi bỏ chạy vì con cá sấu cũng hò hét chạy theo về phía trước. Phần đầu của máy bay hứng trọng lượng của toàn bộ hành khách khiến nó chúi mũi xuống đất. Phi công yêu cầu mọi người quay lại, nhưng đã muộn. Chiếc máy bay cắm đầu lao thẳng xuống đất khiến 20 người chết.
Con cá sấu ở phần đuôi của máy bay lại không hề hấn gì, bò thoát ra ngoài, trốn trong bụi rậm gần đó. Một người dân địa phương khi phát hiện đã đập chết con cá sấu mà không biết rằng nó từ máy bay chui ra.
Nếu không có người sống sót kể lại, sẽ không ai biết được thảm họa xảy ra chỉ vì đám đông hoảng loạn làm theo người khác.
Con cá sấu nhỏ nhét vừa chiếc túi hành lý cùng lắm sẽ chỉ làm bị thương ai đó nếu cắn. Nhưng cuối cùng nó lại khiến 20 người gặp nạn vì trong thời khắc hoảng loạn, không ai dừng lại để suy nghĩ vì sao mình phải bỏ chạy.
***
Khó có thời điểm nào thích hợp hơn lúc này, khi đất nước đang chìm trong khủng hoảng, để mỗi người suy nghĩ về… khả năng tự suy nghĩ của chính mình.
Những chính sách rập khuôn theo chỉ đạo tạo ra nhiều hệ lụy hơn là giải quyết vấn đề. Những cán bộ răm rắp nghe lời bám lấy từng con chữ của lãnh đạo mà không dám chất vấn tính hợp lý của nó. Và những đám đông để nỗi sợ hãi dẫn dắt sẵn sàng làm mọi thứ theo bản năng hoặc để mặc cho người khác ra lệnh, nghĩ rằng thứ tốt nhất mình có thể làm là ngoan ngoãn vâng lời.
Một cuốn sách chia sẻ về sự sáng tạo là cách tốt để mỗi người tự nhắc nhở, rằng bộ não trong đầu mình là thứ có một không hai, và nó sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho bản thân lẫn xã hội khi được chính chủ nhân sử dụng, thay vì ký gửi cho kẻ khác.
Nếu ngày đó Stanislav Petrov tuân lệnh như một cỗ máy, và Liên Xô ngay lập tức đáp trả một cuộc tấn công tưởng tượng từ phía Mỹ, thì hậu quả, như quyển sách dẫn lời một Đại tướng Liên Xô kể lại, là “một nửa nước Pháp, một nửa nước Đức, 30% nước Mỹ và toàn bộ Vương quốc Anh đã bị phá hủy”.
Đó, tất nhiên, chưa tính đến việc Mỹ và đồng minh phản công. Phần lớn Liên Xô và các nước đồng minh có lẽ đã cùng chung số phận bị hủy diệt.
Thảm họa đó đã không xảy ra, nhờ vào một người lính biết tự mình suy nghĩ.
https://www.luatkhoa.org/2021/08/ai-di-cho-ai-dua-com-ba-ngay-nguoi-dan-tp-ho-chi-minh-quay-cuong-voi-thong-tin-tu-chinh-quyen/