Vào năm 2017 mình qua Mỹ chơi. Cũng may dì và chú mình đã về hưu nên có thời gian chở ba mẹ con đi Las Vegas, San Francisco, San Diego, San Jose, Nevada chơi….phải nói cuộc đi chơi rất là vui.
Rồi 1 ngày cuối tuần dì rủ mình đi lễ tưởng niệm các anh hùng Đông Tiến tổ chức ở Nam Cali. Sẵn rảnh mình cũng đi dự cho biết.
Dì đưa cho mình 1 tờ báo ghi về những vị anh hùng đã hy sinh ở Nam Lào khi còn cách đất mẹ không xa, khoảng 20 cây số.
Đọc bài mình rất cảm động vì họ là những người còn rất trẻ, có vị cấp bậc sau cùng là Trung Tá, Đại Tá, Thiếu Úy, Hạ Sĩ Nhất, và những người hùng trong trận đánh Bình Long-An Lộc. Có những sinh viên du học cùng nhà giáo... sau 75 vì không muốn sống chung với cộng sản nên họ đã bỏ nước ra đi. Nhưng trong lòng những vị ấy vẫn luôn hướng về đất mẹ và mong ngày về lại kiến quốc nên họ đã tham gia chiến khu dưới sự hướng dẫn của tướng Hoàng Cơ Minh.
Thân phụ của ông Hoàng Cơ Minh là một nhà nho. Năm 1974 ông được làm Phó Đề Đốc Hải Quân và Tư Lệnh vùng Duyên Hải, Kiêm Tư Lệnh Đặc Nhiệm 21. Năm 46 tuổi, ông rời Hoa Kỳ về khu chiến và hy sinh vào ngày 28.8.1987. Lúc ấy ba người con của ông ở vào lứa tuổi 14, 12 và 9 tuổi. Trước khi chia tay với người vợ hiền ông dặn dò người con trưởng thay bố trao tặng mẹ những đóa hoa hồng vào ngày sinh nhật của bà hàng năm.
Và những vị khác có con còn rất nhỏ, họ có thể ở lại quê hương thứ hai để hưởng hạnh phúc ấm no, nơi mà họ đang cư trú, nhưng họ không ích kỷ và sống riêng cho mình.
KCQ Phùng Tấn Hiệp nói: "Tự do ở đây là tự do của người. Tinh thần mình chưa thật sự tự do vì còn nặng nợ với những người còn ở lại"
Khi về khu chiến, hành trang mà các vị ấy mang theo là hình ảnh vợ con, một cuốn kinh và 1 cây thánh giá.
Nhà giáo Nguyễn Trọng Hùng đã viết thư tâm sự với các con: "Bố đi cứu nước và đợi ngày các con thành tài hồi hương kiến quốc. Có như thế bố con mình mới kiêu hãnh ngẩng mặt dưới ánh sáng mặt trời, nhận mình là giống dân Hồng Lạc…"
Cũng thật cảm động khi đọc anh Huỳnh văn Tiến là Thiếu Úy QLVNCH, 1974 anh bị thương ở tay và tạm xa đời binh nghiệp. Anh đến Đan Mạch 1983. Lúc anh tham gia khu chiến 1984 thì chị mang thai cháu bé thứ ba. Anh hy sinh trên đường về quê hương.
Cũng như Thiếu Úy QLVNCH Trần Thiện Khải tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại Hoa Kỳ 1979. Anh cũng là một nhạc sĩ tài hoa. Dù nhỏ tuổi hơn nhưng lại là vai chú của ca nhạc sĩ Nhật Trường. Anh là tác giả của nhiều ca khúc như: Em Vẫn Đợi Anh Về, Trăng Chiến Khu, Bài Ca Đông Tiến, Lời Mẹ Tiễn,v.v...Anh đã hy sinh trên đường về quê hương.
Và cảm động hơn có những người như anh Trần Hướng Việt tốt nghiệp ngành cao học chính trị ở đại học danh tiếng nhất của Thái Lan, giống như đại học danh tiếng Havard hay Yale ở Hoa Kỳ, lẽ ra anh được nhà vua trao bằng nhưng biết anh là người Việt nên đã không cho anh được diện kiến nhà vua như các sinh viên ưu tú khác. Năm 1986, anh nhận được học bổng tiến sĩ tại Hoa Kỳ nhưng anh đã bỏ vé máy bay để ở lại và tham gia chiến khu. Anh cũng đã hy sinh trên đường về đất mẹ.
Nhà văn Võ Hoàng, cấp bậc Hạ Sĩ Nhất, cuối năm 1976 ra khỏi tù cải tạo, anh kêu gọi đồng bào tham gia phục quốc, anh bị truy lùng ráo riết và phải tìm đường vượt biên. Anh nổi tiếng với những tác phẩm đầu tay: Măng Đầu Mùa, Góc Bể Bên Trời, Đất Lạ, Trong Lòng Cách Mạng. Anh hy sinh trên đường về quê hương.
Đại Tá Dương Văn Tư lãnh trách nhiệm về nước để xây dựng một khu an toàn ngay trong lãnh thổ VN và ông cũng đã hy sinh khi vượt qua sông để lại một vợ và bảy người con.
Trung Tá Lữ Đoàn Phó, Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù ông Lê Hồng, khi biến cố tháng 4.1975 xảy ra, ông là một trong 12 người rời sà lan sau cùng. Sau khi lo cho cả 1000 người lên Tàu Mỹ trước. Tại Guam, khi có một số binh sĩ lạc mất giấy tờ tùy thân, không có cả thẻ bài và do đó họ không được xúc tiến thủ tục vào Hoa Kỳ, ông đã tranh đấu cho họ đến cùng. Ông tham gia chiến khu và đã qua đời vì cơn sốt rét để lại 1 vợ cùng 6 người con.
Cũng như anh Ngô Chí Dũng, là một sinh viên du học tại Nhật Bản, anh cùng với 6 sinh viên khác thành lập Tổ chức người Việt Tự Do, một tổ chức chính trị đầu tiên của người Việt tại hải ngoại. Năm 30 tuổi anh rời Tokyo về khu chiến. Anh bị mất tích vào năm 1991. Anh đã từng nói: "...sự sống mà những người kháng chiến quân quan niệm chính là được chết cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Đó là cái sống miên viễn với thời gian, với dòng lịch sử bất tận của dân tộc"
Anh Lê Thanh Nghiệp là cựu Đại Úy, sư đoàn 21 bộ binh, anh qua Đức và định cư ở München, anh tham gia khu chiến ở Nam Lào, anh bị bắt ở tù hơn 10 năm, sau khi ra tù anh không được trở lại Đức, và anh mới từ trần cách đây hơn 3 tháng ở VN.
Còn rất nhiều người hy sinh trên đường về đất mẹ lắm, họ ra đi mãi mãi không về, để lại nỗi đau buồn cho vợ con và bạn bè ...Họ là những người chưa được ghi vào sách sử nhưng khi đất nước sang trang thì tên tuổi của họ chắc chắn sẽ được ghi vào. Đó là những người hùng của dân tộc. Các anh hùng Đông Tiến.
Sau khi tham dự buổi lễ tưởng niệm, mình ghé qua tượng đài chiến sĩ Mỹ Việt, không hiểu sao khi đứng trước tượng đài và những hình ảnh của các tướng lãnh miền Nam VNCH mình cảm thấy xúc động, vì mình đã đọc qua các tướng vì không giữ được thành nên Tướng đã chết theo thành.
Nếu đem so VN với Afghanistan thì VN khác xa một trời một vực. Mỹ vừa rút quân thì cq của họ cũng buông xuôi để mặc tụi khủng bố hoành hành.
Còn lính Mỹ đã rút khỏi VN từ tháng 1.1973, nhưng các tướng và binh sĩ VNCH đã chiến đấu đơn độc tới viên đạn cuối cùng, họ đã cầm cự tới 30.4.1975. Vậy mới thấy quý và khâm phục những người lính VNCH đã vì nước hy sinh để bảo vệ lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
T.H.Y