Không phải bây giờ, sau 46 năm từ rừng Lộc Ninh vào Sài Gòn, mà ngay lúc đi trên những con đường ngùn ngụt khói đốt sách cuối tháng 5-1975, tôi đã khóc, làm dấu thánh giá lạy Thiên Chúa cứu chúng con, đã biết chính kho sách của Sài Gòn đang bị đốt đã giải phóng tôi, cứu tôi ra khỏi địa ngục ngu dốt.
Xin được giấy giới thiệu của của ủy ban quân quản thành phố : “giới thiệu nhà báo, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đến khắp các vỉa hè đang đốt sách tìm sách cho đồng chí viết báo tố cáo sách vở độc hại của Mỹ -ngụy, xin các tổ dân quân tự vệ, các phường khóm giúp đỡ đồng chí hoàn thành nhiệm vụ đảng giao phó”…Tưởng đồng chí Tần Thủy Hoàng đã sống lại từ 2300 năm trước, chợt tiến vào giải phóng thành đô này và ra lệnh đốt hết sách…
Sáng sớm ngày 1-5-1975, cùng với nhà thơ Lâm Huy Nhuận, tôi đã đến đường Xóm Chiếu quận bốn tìm ra nhà cô ruột tôi. Ông nội tôi Trần Văn Sinh và gia đình chú ruột Trần Văn Hào đã lên kịp chuyến tàu cuối cùng chạy khỏi Sài Gòn trưa ngày 29-4-1975…Trưa ngày 1-5-1975 cô chú Tiễu chở tôi và Lâm Huy Nhuận đến thăm chú Doanh có tiệm thuốc tây mặt tiền đường Cách Mạng ( bây giờ là đường Nguyễn Văn Trỗi). Chú thím Doanh cùng ôm chặt lấy tôi khóc hết nước mắt. Xong, chú lột chiếc đồng hồ Rado đắt tiền đeo vào tay tôi, nhưng vì mặc cảm, tôi không lấy. Chú còn cho tôi cả xe Honda nhưng tôi cũng không lấy. Chú hỏi thăm anh ruột là bố tôi, hỏi quê ta có ti vi không, có radio không, tôi lắc đầu. Chú hỏi Bình Hải ta có điện không ? Tôi vì mặc cảm thắng trận, sĩ diện nói dối một cách chân thành có điện cả rồi, thưa chú.
Lạ lùng thay, sau cuộc chiến 21 năm, bên thua trận có mặc cảm thua trận. Bên thắng cuộc cũng có mặc cảm thắng trận. Thấy Sài Gòn tráng lệ và giàu có quá, các chú lính con nhà nghèo từ các vùng nông thôn khỉ ho cò gáy thấy mình và phe mình thua thiệt quá, bèn gồng mình lên kiêu ngạo, nói dối vì mặc cảm tự ti. Đến nhà bà con “ngụy quân ngụy quyền” thấy nhà cửa sang trọng, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, dàn máy khủng nghe nhạc Akai, xe honda ba bốn chiếc, choáng ngợp, chú thím hay bác “ngụy” hỏi quê ta có ti vi không, trả lời ứa, có tủ lạnh không nói ứa, tủ lạnh chạy đầy đường. Chú bác cô dì bên “ngụy” biết tỏng thằng cháu khố rách áo ôm nói dóc, bèn hỏi xỏ lá : vậy làng ta có Alain Delon không ? Ứa, chạy đầy đường ! ( Alain Delon – nam tài tử điện ảnh đẹp trai người Pháp)
Trưa 2-5-1975, tôi đến tổng hội sinh viên ở 4-Duy Tân Sài Gòn gặp các bạn : Bửu Chỉ ( còn mặc bộ bà ba đen ở tù), Lê Văn Nghĩa ( vừa mất), Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước…Tôi bảo Nghĩa ơi, cho mình tắm cái, 10 ngày nay mình chưa tắm. Nghĩa dẫn tôi vào toilet, mở vòi nước là tắm được. Quân giết người, tôi vừa mở vòi tắm, nước nóng như sôi ào xuống lột da tôi. Tôi gào lên Nghĩa ơi, mày giết chết tao rồi, bọn Mỹ ngụy ác quá, đi khỏi rồi mà còn gài nước sôi để giết chết Việt cộng. Nghĩa chạy vô nói xin lỗi, tôi quên hướng dẫn cho ông. Rồi Nghĩa chỉ cho tôi cụ thể đây là mở vòi lạnh, kia là vòi nóng, hòa trộn cho nóng lạnh vừa đủ mới tắm nghe chưa, quân ngố rừng. Tôi bảo thì tao vừa ở rừng về mà, không ngố mới là lạ.
Tối 3-5-1975, tôi và nhà thơ Thu Bồn được thành đoàn mời đến nhà văn hóa Thanh Niên ( chỗ tôi tắm nước sôi) đọc thơ . Cả ngàn nữ sinh viên áo dài trắng, nam sinh viên áo trắng quần tây xanh vỗ tay như sấm nghe thơ Việt cộng. Đến lượt mình, trước khi đọc thơ, tôi nói : “ Thưa các bạn sinh viên, ba hôm nay được sống trong Sài Gòn giải phóng, tôi vui vô cùng. Lạ lùng nhất là chế độ Mỹ Ngụy thối nát, xấu xa nhưng sao trẻ em, học trò, sinh viên của Sài Gòn ngoan hiền quá, đẹp quá, không chửi địt mẹ như thanh niên ngoài Bắc…”
Chỉ nói vậy thôi mà chi bộ nghe lệnh cục chính trị miền kiểm điểm khai trừ TMH ra khỏi đảng; vì mới vào Sài Gòn 3 ngày đã mất lập trường, đã ca ngợi Mỹ Ngụy, đã nói xấu chế độ tốt đẹp của ta. May quá, chi bộ toàn anh em nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ do nhạc sĩ Xuân Hồng làm bí thư chi bộ không khai trừ đảng tôi, chỉ bị cảnh cáo ghi lý lịch.
Rồi hai ông anh : Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu từ Hà Nội vào, tôi được hai anh nhờ đi cùng xe Jeep tham quan Sài Gòn. Có nhiều lần hai ông anh nhà văn không muốn tôi nghe, bèn nói tiếng Pháp với nhau. Sau này, tôi hỏi anh Khải, anh với anh Châu coi thường em út, khó chơi quá, đi cùng xe mà nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, tuy biết em mù Pháp ngữ là anh đểu. Anh Khải cười hì hì, nói : hồi ấy tao với thằng Châu nói với nhau “rất phản động”, sợ mày nghe, mày mét cục chính trị miền thì bỏ bố chúng tao. Rồi anh bảo, thằng Châu nó khen thành phố Sài Gòn đẹp hết sức, người Sài Gòn đẹp đẽ lịch sự văn minh gấp mấy Hà Nội mọi rợ của ta. Thằng Châu bảo, xưa nay man di thắng văn minh không à ! Châu lại bảo Sài Gòn nó giải phóng mày với tao Khải ạ, không phải ngược lại đâu…Sau này Nguyễn Minh Châu viết bài báo : “ Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”, Nguyễn Khải viết hai tiểu luận tuyệt vời sâu sắc, chống cộng một cách trí thức : “Nghĩ muộn” và “ Đi tìm cái tôi đã mất”… ĐẢNG TA cực kỳ căm thù hai ông Khải và Châu, nhưng vẫn phải trao giải thưởng văn học Hồ Chí Minh cho hai ông mãnh này….
( kỳ sau in tiếp)
Sài Gòn 20-8-2021
T.M.H.