Nha Trang thập niên 50, thành phố còn nhỏ lắm. Ba vừa học vừa đi làm, mỗi ngày ăn một bữa . Tối ba đứng ngoài trường dạy đánh máy chữ lấp ló nhìn vào xem học viên đánh thế nào, nói là trường cho oai chứ cũng chỉ là những căn phòng người ta thuê lại, sắp vài cái máy để ai muốn học thì trả tiền, vô họ chỉ cho cách đánh. Ba không có tiền, chỉ xem rồi về nhà trọ bắt chước đánh lại trên tờ giấy vẽ khung chữ. Hồi đó biết đánh máy chữ, dễ tìm việc thư lại, chẳng khác gì biết xài máy vi tính của những năm đầu 90.
20 tuổi, ba thi đậu vào nha quân cụ nhờ tài học lóm đánh máy chữ. Năm 1959, ba gặp má di cư từ Bắc vào, đứng cho thuê truyện. Ba mê sách, nên duyên.
Đầu thập niên 60, thằng con đang viết những dòng chữ này ra đời. Cuộc sống hạnh phúc nhưng cái nghèo vẫn theo đuổi.
Tới lúc má mang bầu đứa thứ 3; ba bị bắt vì tội làm thơ chọc quê ông tướng râu kẽm quyền hành bấy giờ; tù mấy tháng xong ra mất việc; càng nghèo hơn. Ba đổi nghề, cái nghề mới mẻ của Nha Trang bấy giờ, sang băng nhạc.
Nhưng cũng giàu không được vì ba mê máy mê móc; làm được bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, má cũng khổ, thèm mua vàng đeo với chị em mà có tiền đâu.
Nhưng thằng con được cho đi học ở những ngôi trường nội trú của các Sơ rồi vào tiểu chủng viện. Ba má nghèo mà sướng với hàng xóm chung quanh, mơ ước thằng con có ngày trở thành “Cha”.
Buổi trưa hè, ba chở thằng con trên chiếc Honda (nhờ bán mấy giàn máy có cái xe này để chạy tới chạy lui cho đúng phong cách ông chủ tiệm) lên tiệm sách quen đường Độc Lập hay Trần quý Cáp gì đó, tìm mua bộ tự điển Pháp-Việt và Larousse. Còn nhớ nét mặt Ba mừng rơn khi cầm trên tay 3 cuốn sách đưa cho thằng nhỏ. Mua thêm cho thằng nhỏ cây kem ngon bên đường để giải khát, điều hiếm hoi mà nó còn đọng trong ký ức hôm nay.
Cái xe cũng chỉ chạy tới năm 74 rồi ba đổi qua xe đạp để lấy tiền đó đóng học 1 năm cho thằng con. Năm cuối cùng, vì qua 75 thì trường không còn để nó tiếp tục theo học làm “Cha”.
Đổi đời, bạn bè Nha Trang nói ba đem máy móc lên ty thông tin để giúp chính quyền mới thông tin cho người dân. Nghề sang băng trở thành tội phổ biến “văn hóa đồi trụy” nên có bao nhiêu máy ba đem lên đó hết, mong là có một chân nhân viên nhà nước để nuôi sống gia đình. Ai dè, có thiết bị xong, để ba làm 3 tháng cho những nhân viên ngoài kia vào quen việc, họ đuổi ba về vườn. Tuổi 40 thất chí.
Mấy ngày hôm nay ba nhắc lại cảnh khổ lúc đó, tụi con chỉ được ăn độn với mắm kho quẹt mà là mắm dở nhất của Nha Trang!
Hết đường, má lần mò những cái máy hư để trong kho, thao từng cái điện trở, dây điện, cầu chì, bóng đèn… nói chung có cái gì bà tháo ra hết xong liều mạng nói ba lên chợ Đầm trải chiếu ngồi bán chợ trời. Lúc đó thằng con vào Sài Gòn, cũng cực mà không mường tượng tới cái lo, cái khổ của ông bà già.
18, nó bị gọi đi nghĩa vụ, má khóc hết nước mắt; ở nhà ba má bị ép đi kinh tế mới, may mà ba sống chết với phường khóm để được ở lại căn nhà. 20 tuổi nó về, còn thân xác nhưng trở thành kẻ dư thừa trên quê hương. Cô nó tìm cách cho nó đi, má dốc hết vàng đưa nó không cho ba biết vì biết ông sẽ cản không cho con cái mạo hiểm. Đôi khi đầu nó thoáng ý nghĩ, lỡ chết trên biển, ông bà sống nổi không?
Nhưng vẫn phải đi. Ông bà mòn mõi trông chờ. May nó đến được bến bờ tự do, làm đủ nghề như ba má nó; nhớ ba học lóm đánh máy chữ, nó cũng ráng đi học kiếm cái nghề.
20 năm sau mới về thăm được ba má, mang tiếng Việt kiều chứ nó vẫn còn nghèo lắm so với người ta. Thôi gặp mặt con là hả dạ rồi, má nó an ủi.
Vậy mà mấy năm sau má đi, không cho con gặp được lần thứ hai. Ba lên gác sống một mình, không đi đâu, mỗi ngày nhang khói cho má, dễ được gần 15 năm.
Giờ ông nằm một chỗ mấy ngày nay, không ăn vì xuất huyết bao tử. Con cái không còn nghèo như xưa, năn nỉ ông vào bệnh viện chữa trị, thằng con từ xa gọi về… Ba nghe con lần này đi ba. Ông khóc nói với mấy đứa, Thôi để ba ở nhà này, có chết cũng thanh thản vui vẻ, đường Phù Đổng này bạn bè thời ba đã đi hết; dịch đang khắp nơi, vào bệnh viện lại khổ cho người ta.
Viết về ba lúc ba còn sống để mấy đứa em nó đọc cho ba nghe một thời đã qua; ba đi rồi con có viết để thương để nhớ thì còn có ý nghĩa chi. Nói tụi nó mở cho ba nghe bài mà ba má và con đều thích.
"Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa…
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò". (CT)