Mỗi năm cứ vào mùa Tsuyuake (梅雨明け) (có nghĩa là mùa mưa vừa dứt khoảng giữa hay cuối tháng 7), trời bắt đầu đổ nóng là lòng mình lại vương vào những tâm trạng thật lẫn lộn, tương phản, lúc thì “bừng bừng”, khi thì “bùi ngùi”. “Bừng bừng” lúc chứng kiến cảnh đoàn người từ khắp năm châu lũ lượt trở về đất mẹ lập chiến khu chống giặc vào khoảng thời gian này của 40 năm về trước, “bùi ngùi” vì chỉ vài năm sau đó những toan tính lấp biển vá trời đã phải gián đoạn khi đoàn quân tiền phương đã anh dũng hy sinh tại rừng núi Đông Dương sau nhiều trận chiến đấu kinh hoàng trên đường xâm nhập.
Là một người có chút can dự đến những ngày tháng khởi đầu đó, nhân mùa Tsuyuake, cũng là mùa của ngày hội sông Ngân (Ngưu Lang Chức Nữ), mùa mà người Nhật và các em học sinh thường có thói quen viết và treo những mảnh giấy trên những cành cây trước nhà ghi lại ước nguyện của mình, người viết cũng xin được trải lòng ghi lại đây một vài ước nguyện, một vài ý nghĩ, xem như “một nén hương” chân thành gửi đến các chiến hữu, bạn bè đã hy sinh để thực hiện ước mơ mà lúc đó đối với nhiều người vẫn chỉ là chuyện viễn mơ huyền hoặc: “Mai Này Chúng Ta Cùng Về Việt Nam”. Bài viết chỉ là góp nhặt, sắp xếp lại bài viết cũ, những ký ức đã rời mình quá xa, những chắp nối không thứ tự, nhưng xin được hiểu cho đây là những tâm tình rất thật.
Nhớ Ngô Chí Dũng
Để bắt đầu cho những giòng chữ sau đây, tôi xin trang trọng nhắc lại tên anh: Ngô Chí Dũng, một người con yêu của đất nước mà tôi đã có cơ may làm bạn và cũng chính vì gặp anh mà cuộc đời tôi đã đổi sang hướng khác, được chứng kiến và tham dự những sự kiện lịch sử mà trước đó không bao giờ tôi nghĩ tới.
1/ Sau phiên họp lịch sử của 3 tổ chức: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, Tổ Chức Người Việt Tự Do, Tổ Chức Phục Hưng vào tháng 6/1981. Tất cả đã đồng lòng kết hợp và đứng chung vào hàng ngũ của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.
Cả 3 tổ chức đều cố gắng thực hiện được những điều đã giao ước với nhau trong buổi họp như: chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị giải tán, tìm tài chánh và đưa các thành viên cao cấp nhất có quyền quyết định để lập đầu cầu, thành lập chiến khu v.v… 1 tháng sau thì qua nguyệt san Cờ Vàng, Lực Lượng Quân Dân Việt Nam giải tán, Tổ chức Người Việt Tự Do cũng đang chuẩn bị.
- Sau đó, tôi có sang Mỹ và được nghe nhiều ý kiến về việc có nên giải tán Tổ Chức NVTD hay không, nghe cũng rất có lý: Nếu Mặt Trận Thành Công thì không nói, nhưng vì một trục trặc nào đó mà chưa thực hiện được thì còn chỗ quay về để đánh tiếp. Lúc đó, mình cũng chỉ vừa mới trên 25 một chút, nhưng chỉ nghĩ được là: “Cứ vài thằng ranh con tuổi còn trẻ thì làm được gì? Và chuyện giải tán là một hình thức tích cực nhất trong mục tiêu Giải Phóng Việt Nam”. Trong số người có ý ngăn cản đó có Lê Thiệp, ông hỏi tôi tại sao, tôi cũng chỉ biết trả lời theo dặn dò là “không biết” và yêu cầu ông hỏi thẳng Ngô Chí Dũng. Vào một đêm, tại nhà Lê Thiệp, thấy LT ngồi hí hoáy viết thư cho NCD. (Tham khảo hình bên dưới).
Khi trở lại Nhật, tôi được Ngô Chí Dũng cho xem kèm theo bản copy thư trả lời “Xin anh đừng có lo là không có đường rút lui, không có nơi hoạt động tiếp nếu Kháng Chiến chưa thành công ngay. Bao giờ người làm nên lịch sử cũng là những kẻ vô danh, còn người viết lịch sử sẽ nổi tiếng như cồn”.
Mời bạn ta đọc một đoạn trong 2 bức thư hình 1 và 2:
2. Người gặp anh cuối cùng
Trong một chuyến đi Mỹ Quốc năm 1998, tôi được may mắn gặp người Kháng Chiến Quân tên K, người cuối cùng gặp anh Ba (tên Ngô Chí Dũng trong chiến khu), anh này kể lại: sau khi Thái có thỏa thuận với việt cộng và bắt Mặt Trận phải chấm dứt các chương trình phát thanh của Đài Việt Nam Kháng Chiến, họ bắt cả nhóm thực hiện Đài đưa đi một nơi khác, xin giới thiệu một vài giòng ngắn ghi lại theo lời kể của một áo nâu:
-" ….Từ lúc ngừng xe, người chỉ huy Thái và người cận vệ Thái luôn đi kè theo anh Ba, người chỉ huy Thái luôn cầm theo một cái túi mà tôi nghĩ có cất khẩu Colt trong đó, người này nói anh Ba ra đằng trước ngồi, lúc đó tôi chạy ra gặp anh Ba, anh kéo cửa kiếng xuống và tôi nói: “Cho em đi với anh Ba, anh nói với họ cho em đi với anh Ba”, nhưng lúc đó họ không còn nghe lời anh Ba nữa, và anh Ba nói với tôi là anh muốn đi chung với tôi lắm nhưng không được, họ không chịu. Tôi hỏi anh đi bao giờ anh về lại đây. Anh Ba nói: “nếu cho tới 7 giờ tối nay mà anh không về lại thì cứ coi như anh đã chết”. Anh Ba nói anh sẽ tìm mọi cách để không cho họ hành hạ tra tấn hoặc bắt giao cho VC. Sau khi nói chuyện được vài câu với anh Ba thì xe chở anh Ba và người tân kháng chiến quân vừa tuyên thệ vào MT đi mất.
- Hai KCQ T.và V. hỏi anh Ba nói gì, tôi nói anh Ba bảo nếu 7 giờ anh Ba không trở lại thì coi như anh Ba đã chết. Hai anh đều lặng người và chiều hôm đó chúng tôi nhìn kim đồng hồ nhảy từng giây khắc mà tâm tư chĩu nặng, 6 giờ 40, 6 giờ 50, 6 giờ 55, 7 giờ, 7 giờ 5.... chúng tôi vừa nhìn đồng hồ và mắt thì dõi ra con đường tối om trước mặt, ước mong thấy được ánh đèn chiếc xe chở anh Ba quay trở về, nhưng con đường rừng hun hút vẫn im lìm không một bóng xe qua lại. Đêm hôm đó dài vô tận, chúng tôi không ngủ và tiếp tục chờ. Chờ suốt đêm không thấy anh Ba trở lại nhưng cũng vẫn cứ nuôi hy vọng là anh Ba sẽ trở về".
Và anh mất tích từ đó và coi như anh đã hy sinh sau mấy chục năm tìm kiếm.
Thương tiếc anh!
Nhớ Võ Hoàng!
- Khoảng năm 1986, trên đường trở lại khu chiến sau khi tham dự “Đại Hội Cơ Sơ Trưởng" tại Hoa Kỳ, anh có ghé Nhật Bản vài ngày, và đó cũng là dịp duy nhất tôi gặp anh. Tôi và anh đã say mê bàn luận về nhiều vấn đề, trong đó có đề cập một hình thức mới trong việc yểm trợ Kháng Chiến: Tổ Tiếp Vận. Tôi đã trao đổi với anh rất nhiều về ý nghĩa cần thiết cho hình thức mới này trong nỗ lực “toàn dân kháng chiến”. Anh cười cười giải thích cho tôi bằng giọng Nam rặc về chuyện: “Bước vào Tổ Tiếp Vận”.
Tôi nhớ anh nói: Cái vinh dự đủ nghĩa nhất chính là việc chúng ta hiện đang cùng toàn dân đẩy mạnh công cuộc Kháng Chiến, cho tới ngày đất nước và dân tộc được hoàn toàn giải phóng. Chính vì vậy, nỗ lực Tiếp Vận cần phải được hệ thống hóa để vừa bảo đảm hiệu năng tiếp vận một cách lâu dài…..
Sau đó anh trở lại chiến khu, chỉ thỉnh thoảng nghe tin chứ không được dịp gặp lại.
Anh cỡ tuổi tôi, nhưng anh vào đời sớm hơn tôi, anh dũng cảm hơn tôi về mọi mặt. Nghe kể lại là lúc bị vây khốn tại rừng núi Nam Lào, anh nhảy ra khỏi ngọn đồi và hét to: “Tôi phải sống để làm chứng nhân cho những chuyện ngày hôm nay”, nhưng chẳng may một trái pháo đã nổ chụp trên đầu người văn nghệ sĩ kháng chiến nói ít làm nhiều. Anh Hy sinh vào ngày 28/8/1987. Tâm nguyện của anh là muốn đi đến tận cùng của cuộc chiến đấu và anh đã mãn nguyện.
Nhớ anh lắm.
Nhớ Trần Thiện Khải
Vào những ngày đầu khi chiến khu đang được xây dựng, tôi nhận được những bài hát được kẻ và viết lại bằng một loại chữ rất bay bướm, điêu luyện trên những tờ giấy dầu thô. Người trách nhiệm văn phòng liên lạc giao cho tôi bản thảo với lời dặn dò: Tập nhạc này là của KCQ Trần Thiện Khải sáng tác và muốn anh em Nhật Bản tập dượt để sử dụng khi có nhu cầu.
“Nhận” lệnh, với chút ít năng khiếu khiêm nhượng của mình, tôi đã rủ anh em cùng nhau hợp soạn những bản nhạc của KCQ Trần Thiện Khải. Lời nhạc có âm hưởng như một tiếng kèn thúc quân khiến tôi và các anh em khác say mê thi thố tài năng….. dù thấp kém. Cứ tập và thâu xong vài bản nhạc là tôi vội gửi ngay về văn phòng liên lạc, nào là Đông Tiến, Những người em của làng Đồng Sơn, Tình anh Kháng Chiến, Một ngày kia, Trăng Chiến Khu, Mùa Xuân Khởi Nghĩa v.v… và mỗi lần như vậy, lòng tôi cứ như lửa đốt vì mong muốn được nghe những lời phê bình trực tiếp từ anh nhạc sĩ KCQ lãng mạn đầy nghệ sĩ tính này. Nhưng cứ ngày này qua tháng khác, vẫn vắng tin anh.
1985, 3 năm sau ngày công bố Cương Lĩnh, một hôm, Xứ Bộ Trưởng Nhật Bản đã liên lạc và nhắn với tôi là có người “trong đó” muốn gặp. Xong công việc của hãng, ba chân bốn cẳng quay về văn phòng thì tôi gặp được người Kháng Chiến Quân lãng mạn can trường: Trần Thiện Khải. Anh có cái dáng dong dỏng cao, khuôn mặt xương xương hơi khắc khổ. Anh cho biết là có họ hàng xa với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cũng có thể vì thế ngay trong phần mở đầu bài hát “Tình anh Kháng Chiến” có 5 chữ: Từ khi anh xa nhà….Anh đã cẩn thận ghi chú là mượn đoạn này trong bài Tình Thư Của Lính của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Tôi háo hức hỏi: anh có nhận đủ nhạc tôi gửi không? nhạc tụi tôi chơi có được không? và anh có còn sáng tác nữa hay không? Anh cười hiền từ chậm rãi đáp: “Muốn lắm, nhưng không có thì giờ chiến hữu ơi”, “À mấy bài hát mà anh em ở đây làm tôi khoái lắm tuy đơn giản nhưng đúng là nhạc chiến khu, réo gọi hợp với rừng núi. Anh khuyến khích tôi cố gắng làm nốt những bản nhạc của anh mà tụi tôi chưa làm nhưng anh không hứa là sẽ sáng tác thêm vì bận hành quân liên miên.
Những ngày lưu lại Nhật, anh ngỏ ý muốn đi thăm lại ngôi chùa, nơi mà anh và 5 KCQ từ Hoa Kỳ khác đã có lúc làm “phu quét lá” trong khi chờ nhập nội. Tôi và anh cùng một người bạn lên thăm lại ngôi chùa ở Tokyo. Bước vào sân chùa thấy anh sinh động hẳn lên, anh chỉ chỗ này chỗ kia rồi nói chỗ này là chỗ của tụi tôi, phần kia là của nhóm anh Hồng. Anh thêm: ông sư trụ trì chắc là lạ lắm khi có 6 người Á Đông lạ hoắc quét dọn sân chùa. Anh tâm sự: “đây là nơi tôi không quên được vì nó là nơi đầu tiên ghé chân trên đường về nước”. Khi trở lại chiến khu, tôi vẫn nghĩ rằng, sau chuyến thăm lại chốn cũ này với ý tưởng tràn đầy thế nào anh cũng sẽ cho ra đời được một vài bài hát, và tôi cứ đợi và đợi để mong được làm tiếp những bài nhạc, nhưng tin anh vẫn biệt tăm.
Vài năm sau đó, tôi lờ mờ nghe tin anh đã tự sát khi bị thương vào khoảng cuối tháng 8/1987 vì không muốn mình là một gánh nặng cho các kháng chiến quân cùng đoàn trong lần xâm nhập Việt Nam. Mãi đến 14 năm sau, tôi mới có dịp đốt cho anh một nén hương muộn trước di ảnh của anh và các KCQ khác trong ngày lễ truy điệu tại Tokyo 26 tháng 8 năm 2001.
Lời Kết
Hôm nay nơi xứ người, nghe lại bài thơ cảm động, tôi lại nhớ tới các anh, tôi xin ghi lại lời bài thơ này một lần nữa mà tác giả là một trong những kháng chiến quân khi ghé thăm mộ anh, hay mộ của một kháng chiến quân nào khác đã viết để tiếc thương các Kháng Chiến Quân đã nằm xuống!
Gửi anh cây chanh nhỏ
Nhờ anh bón cho xanh
Mai này khi chiến thắng
Lúc đại cuộc đã thành
Có cây chanh làm dấu
Tìm cốt người hùng anh
Thôi chào nhau anh nhé
Chúc anh giấc mộng lành
Trời bây giờ cũng sắp
Vào xuân rồi đó anh
Viết đến đây mắt đã thấy cay cay. Tôi dừng bút ở đây với lời khấn nguyện: Cầu xin linh hồn các anh hãy dẫn dắt cho những người còn lại sớm tìm ra con đường ngắn nhất để thực hiện ước mơ không phải của riêng chúng tôi mà là của cả dân tộc: “Giải phóng Việt Nam” .
Trần Đức Huy