Kiến diệp lạc tư thùy?
Thu phong diệp lạc tư hào kiệt
Thiên nhai cổ tự tảo tàn hoa
Quốc nạn vị tiêu anh hùng biệt
Diệp lạc tựa tâm huyết lệ sa
(“Kiến Diệp Lạc Tư Thùy?” – Phạm Tuấn)
Nguyễn Đình Sài dịch:
Thấy lá rụng nhớ ai?
Nhìn lá thu bay chạnh nhớ Người
Sân chùa hào kiệt quét lá rơi
Chưa tan nạn nước Người ly biệt
Lá rụng như tim rỉ máu tươi.
Tháng Tám lại về, theo đúng chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá. Nhìn những chiếc lá vàng cuối Đông rơi rụng đầy trước sân nhà, nhớ lại bài thơ của chiến hữu Hoàng Chí Kiên, trong một giây phút xúc động đã cảm tác nên bài thơ Diệp Lạc (lá rụng) để nhớ về người chiến hữu lãnh đạo - chiến hữu Hoàng Cơ Minh, người đã hy sinh trên đường trở về quê mẹ ngày 28 tháng 8 năm 1987. Đã 34 năm qua rồi, đại cuộc vẫn chưa thành, ước vọng còn dỡ dang, nhưng người anh hùng đã vĩnh viễn ra đi. Một cơn gió nhẹ thổi qua, lá vàng trên cành rơi rụng che khắp cả lối đi, nơi khoé mắt chợt cay sè.
Ngày 8/3/1982, tại một vùng rừng núi ở biên thuỳ, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) đã cho công bố Cương Lĩnh Chính Trị, hay còn được gọi là ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa, MT minh danh trước dư luận đồng bào trong và ngoài nước cùng dư luận quốc tế, MT nhận lãnh trách nhiệm tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc, xây dựng đất nước qua hai giai đoạn cứu nước và dựng nước. Người lãnh đạo kháng chiến Việt Nam đã nghe, đã đọc thấu được lòng dân. Lời kêu gọi toàn dân đứng lên cứu nước dựa vào sức mạnh của dân tộc làm căn bản, lấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí, lấy chính nghĩa để huy động toàn dân, lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù, lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới đã được loan truyền đi khắp nơi.
Cá nhân chúng tôi cũng như hàng vạn người Việt Nam khác, nô nức đón nhận tin tức kháng chiến, mong một ngày đất nước được thoát khỏi chế độ cộng sản bạo tàn. Những nỗ lực yểm trợ và tiếp vận kháng chiến được phát động rộng rãi ở khắp mọi nơi có người Việt cư ngụ, một không khí phấn khởi, hy vọng, tin tưởng lan tỏa trong cộng đồng người Việt hải ngoại, mong ngày đất nước khải hoàn, người dân được sống trong cảnh thái hoà, chung tay xây dựng lại Việt Nam.
Đầu năm 1984, anh em chúng tôi kết hợp với các tổng hội sinh viên trên toàn Úc Châu và các ban nhạc trẻ để tổ chức một đại hội nhạc trẻ yểm trợ kháng chiến, khách mời danh dự là ông cựu đại tá Phạm Văn Liễu, bí danh Trần Trung Sơn. Lúc bấy giờ ông Phạm Văn Liễu là Tổng Vụ Trưởng - Tổng Vụ Hải Ngoại - MTQGTNGPVN. Hội trường Dallas Brook Hall - Melbourne với sức chứa 3.000 người đã không còn một chỗ trống. Ông Phạm Văn Liễu với biệt tài hùng biện đã dẫn dắt người nghe về viễn cảnh một nước Việt Nam tươi sáng sau khi được giải phóng dưới sự lãnh đạo của MTQGTNGPVN. Cả hội trường như bùng nổ với những tiếng vỗ tay, hoan hô MT. Bài diễn văn của ông Phạm Văn Liễu đã phải bị ngắt khoản nhiều lần bởi những tràng pháo tay. Sau lần tổ chức đại hội nhạc trẻ đó, trên khắp tiểu bang Victoria, lần lược các ủy ban quốc gia yểm trợ kháng chiến được thành lập để hỗ trợ cho các nhu cầu kháng chiến tại quốc nội. Riêng cá nhân chúng tôi, với suy nghĩ rốt ráo là muốn được đóng góp phần mình hữu hiệu hơn vào công cuộc đấu tranh chung của toàn dân, nên đã chính thức gia nhập vào tổ chức MT, trở thành đoàn viên của MT trực thuộc cơ sở T 75 thành bộ Melbourne.
Cuối năm 1984, hai biến cố chính trị quan trọng đã xảy ra cùng một thời điểm khiến cho dư luận đồng bào chấn động.
Thứ nhất: - là việc tổ chức Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam đã bị thất bại trong kế hoạch xâm nhập vào VN bằng đường biển, lãnh đạo của tổ chức này đã bị cộng sản bắt giữ và đem ra xử án vào ngày 18/12/ 1984, với ba bản án tử hình với các ông Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch. Cả ba ông đều đã bị cộng sản mang ra xử bắn ngày 8/1/ 1985 bất chấp sự can thiệp của quốc tế. Riêng ông Mai Văn Hạnh vì có quốc tịch Pháp và được chính tổng thống Pháp nỗ lực can thiệp nên được Hà Nội trả tự do trở về lại Pháp.
Thứ hai: - là việc chấn chỉnh nhân sự của tổng vụ hải ngoại - MTQGTNGPVN. Kết quả của việc này là việc bãi nhiễm chức vụ Tổng Vụ Trưởng - TVHN của ông Phạm Văn Liễu, người thay thế ông Phạm Văn Liễu là ông Nguyễn Kim, một người từ trong khu chiến đi ra để đảm nhận chức vụ này. Quyết định chấn chỉnh nhân sự và bãi nhiệm ông Phạm Văn Liễu đã được Hội Đồng Kháng Chiên Toàn Quốc - MTQGTNGPVN ký duyệt và thi hành. Biến cố này đã làm cho nội bộ MT phân hoá cùng cực, và nhiều người còn cho rằng MT bị (bể) ra làm hai. Ông Phạm Văn Liễu tách ra thành lập tổ chức mới với danh xưng: Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam (không có chữ thống nhất) tổ chức của ông Phạm Văn Liễu đã kéo theo gần như 70% số đoàn viên của MT cũ, nhưng cũng chỉ kéo dài khoảng một năm rồi tan rã, một số khác thì tỏ ra chán nản bỏ cuộc không còn muốn tham gia nữa. Cùng lúc thì một văn thư của Vụ Tuyên Vận - MTQGTNGPVN đề ngày 6/1/1985 được ký bởi Vụ Trưởng Nguyễn Đồng Sơn (Nguyễn Xuân Nghĩa) bị lọt ra ngoài, về việc yêu cầu cơ sở các cấp không được phát động những sinh hoạt đấu tranh để hoặc yêu cầu bạo quyền không được khủng bố những người yêu nước thuộc Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam hoặc để phản đối hành động sát nhân tàn ác của chúng, nếu chúng ngoan cố tiếp tục thi hành cái gọi là bản án đó, vì những lý do tế nhị của chính trị. Tuy nhiên, tại các địa phương, nếu có những hội đoàn trong cộng đồng tị nạn đứng ra tổ chức các công tác đấu tranh đó, các cơ sở có nhiệm vụ yểm trợ, giúp đỡ, để làm sao tiếng nói chính nghĩa Việt Nam được sáng tỏ trước thế giới. Việc này vô tình đã khiến cho giọt nước tràn đầy ly, làn sóng bất mãn càng dâng cao gây khó khăn cho sinh hoạt MT, đây là một chuyện hiểu lầm đáng tiếc, nhưng đã bị những người chống MT đưa ra khai thác để tấn công MT.
Đứng trước một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tưởng chừng như sẽ phải bị sụp đổ. Nhưng cái gốc của kháng chiến là ở bên trong quốc nội, không phải ở ngoài này, phải tiếp tục đi tới để yểm trợ anh em bên trong, phải tiếp tục đi tới để hoàn thành nhiệm vụ, khó khăn ở ngoài này không thể so sánh được với muôn vàn khó khăn mà anh em bên trong đang phải đối đầu, sơn lam chướng khí, bệnh tật, thú dữ, kẻ thù độc ác. Mới nghĩ tới thôi đã thấy thương anh em vô cùng, ở bên trong không có chuyện bỏ rơi anh em, thì tại sao ở ngoài này lại phải quay lưng với anh em. Khoá học Quyết Tâm được mở ra ở bên trong dành cho các chiến hữu bên ngoài trở về học hỏi, thấu hiểu tình hình và nhu cầu của đấu tranh cách mạng, trở ra lại bên ngoài, xuống phi trường có xe cứu thương chờ sẵn chở thẳng vào bịnh viện vì sốt rét cấp tính. Kể cho nhau nghe về đời sống của chiến hữu mình nơi khu chiến, nắm chặc tay nhau quyết tâm đi tới để hoàn thành đại cuộc giải phóng dân tộc.
Với viễn kiến của một người lãnh đạo, chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã nhìn thấy ra được, muốn đấu tranh để chống lại và lật đổ một chế độ cộng sản tàn ác, độc tài đảng trị, cần phải có được một đảng cách mạng và những con người cách mạng. Sáu tháng sau ngày MT công bố Cương Lĩnh Chính Trị , ngày 10/9/1982 Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Cách Mạng Việt Tân) chính thức được thành lập, vị chủ tịch đầu tiên là chiến hữu Hoàng Cơ Minh, kiêm chủ tịch MTQGTNGPVN, nếu MTQGTNGPVN là một tổ chức được hình thành bởi nhiều tổ chức khác nhau do nhu cầu đòi hỏi của đấu tranh trong một thời điểm nhất định, thì Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng là một đảng cách mạng được xây dựng cho mục tiêu mang tính chất miên viễn theo giòng sinh mệnh của dân tộc, đấu tranh để giải phóng dân tộc và canh tân đất nước. Lịch sử VN đón nhận thêm một chính đảng đấu tranh. Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng đã có một chỗ đứng trang trọng trong giòng lịch sử đấu tranh của dân tộc.
“đường chúng ta đi chỉ có hai cái đích, một là giải phóng Việt Nam, hai là hy sinh cho đại cuộc giải phóng Việt Nam.“
Bằng vào tấm lòng son sắt và cái quyết tâm sắt đá đó, chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã đích thân thống lĩnh đoàn quân cách mạng, vượt biên giới trở về Việt Nam đặt nền tảng cho một cuộc đấu tranh trường kỳ kháng chiến. Các kháng chiến quân, đảng viên VNCTCMĐ thấu hiểu và thấm nhuần lý tưởng - một là giải phóng VN, hai là hy sinh cho lý tưởng giải phóng VN, một lòng tiến về phương Đông theo bước chân của vị chủ tướng. Trên con đường Đông Tiến chông gai, đầy mồ hôi và máu nóng, kháng chiến quân của VT đã không đạt được cái đích thứ nhất, nhưng các anh đã anh dũng hoàn thành cái đích thứ hai trong bi hùng.
Ngày 28/8/1987 - sau gần 2 tháng bị địch truy kích gắt gao với quân số đông gấp bội, toàn bộ lãnh đạo tiên phong của Việt Nam Cách Mạng Canh Tân Đảng, cùng với hàng trăm kháng chiến quân đảng viên đã anh dũng hy sinh đền nợ nước khi còn cách đất mẹ 20 cây số. Người chủ tướng, chủ tịch Hoàng Cơ Minh bị thương nặng, không muốn bản thân lọt vào tay địch, không muốn anh em chiến hữu phải quan tâm vì mình, ông tập hợp anh em lại, nói lời chót khuyên anh em mở đường máu để thoát thân, vì còn sống là còn tất cả. Cá nhân ông ở lại bắn chận đường địch để anh em thoát thân, viên đạn cuối cùng của cây súng nhỏ ông dành cho ông, ông đã tự sát để bảo tồn khí tiết của một danh tướng, bảo tồn khí tiết của một người lãnh đạo đoàn quân cách mạng. Ông là vị tướng duy nhất đích thân cầm súng, điều quân tại trận địa, và ông cũng là vị tướng duy nhất tự sát tại trận địa trước sự chứng kiến của chiến hữu mình. Các chiến hữu chung quanh ông đứng yên lặng chào tiễn biệt người chủ tướng lần cuối. Lần lượt, từng tiếng súng nhỏ nổ vang, từng thân người ngã xuống đổ ập lên thân ông, các lãnh đạo còn lại cũng tự sát chết theo người chủ tướng. Những cái chết bi hùng của các cấp lãnh đạo tiên phong Việt Nam Canh Tân Cách Mạng đảng đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, canh tân đất nước.
17 năm sau, ngày 19/9/2004 lãnh đạo kế thừa của Việt Tân đã cho tổ chức một buổi lễ trọng thể tại Bá Linh - Đức Quốc, nhằm mục đích công khai hoá đảng Việt Tân sau 22 năm hoạt động trong bí mật. Có khoảng một ngàn người đã có mặt tại chỗ để theo dõi buổi lễ, và nhiều người khác theo dõi qua các phương tiện truyền thông đương thời. Tại sự kiện lễ ra mắt của đảng Việt Tân tại Bá Linh, những người quan sát thời cuộc Việt Nam đã không thấy sự hiện diện của bác sĩ Trần Xuân Ninh, một trong những lãnh đạo cao cấp của Việt Tân, trong khi đó thì tất cả lãnh đạo khác của Việt Tân đều có mặt. Bác sĩ Trần Xuân Ninh vắng mặt tại buổi lễ, vì ông là người đã thổi còi để báo động cho toàn đảng biết về sự chệch hướng đấu tranh của lãnh đạo kế thừa Việt Tân. Việc này đã nảy sinh ra các tranh cãi bất đồng kéo dài vài năm trong nội bộ hàng ngũ lãnh đạo Việt Tân, trước lễ công khai hoá Việt Tân tại Bá Linh, cho đến khi ông chính thức báo động cho toàn đảng.
Là một trong những người gia nhập MT trong những ngày đầu tiên, và cũng là người trong hàng ngũ lãnh đạo VT, bác sĩ Trần Xuân Ninh chủ trương phải đấu tranh bằng đường hướng và sách lược đấu tranh chính thống đã được chiến hữu Hoàng Cơ Minh đề ra cho toàn đảng. Ông tái khẳng định Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng là một chính đảng cách mạng, không phải là một đảng phái chính trị với lề lối sinh hoạt thường được thấy, đặc biệt là trong bối cảnh cộng sản đang cai trị đất nước bằng độc tài và bạo lực.
Việc thổi còi báo động của ông đã kéo theo một chuỗi dài hệ lụy sau đó. Trung ương đảng VT đã cho làm một việc vô tiền khoáng hậu, bất chấp đảng quy, đảng chế, thành lập một hội đồng kỷ luật, chủ tịch hội đồng kỷ luật là ông Lý Thái Hùng tổng bí thư VT, để xét xử 72 đảng viên trong đó có 3 ủy viên trung ương đảng là các ông Hoàng Cơ Long, Vũ Nam Hà, Trần Xuân Ninh. Riêng cá nhân bác sĩ Trần Xuân Ninh ngoài là ủy viên trung ương đảng, ông còn là ủy viên Tổng Bộ Chính Trị, cơ quan đầu não tối cao, hoạch định sách lược đấu tranh của VT gồm có 9 người vào thời điểm đó. Cũng chính vì là ủy viên Tổng Bộ Chính Trị, hoạch định sách lược đấu tranh, bác sĩ Trần Xuân Ninh đã không đồng thuận với việc thay đổi sách lược đấu tranh của VT và lên tiếng phản đối.
Ngày 30/12/2005, ông Nguyễn Kim chủ tịch đảng VT dựa vào báo cáo của hội đồng kỷ luật do ông Lý Thái Hùng tổng bí thư đảng làm chủ tịch, đã ký thư kỷ luật khai trừ đảng viên, cá nhân chúng tôi cũng bị tước đảng tịch, khai trừ khỏi đảng cùng với 72 anh chị em đảng viên khác. Điều đáng nói là các ông Nguyễn Kim và Lý Thái Hùng đã vi phạm vào đảng quy, đảng chế của VT khi ký văn thư khai trừ khỏi đảng cùng một lúc 3 ủy viên trung ương đảng mà không thông qua một đại hội toàn đảng theo đúng đảng quy, đảng chế. Hành động này của hội đồng kỷ luật và ông Nguyễn Kim, đã khiến cho dư luận đảng viên cho là hành động bịt miệng đảng viên của mình. Nhiều đảng viên sau đó đã lên tiếng phản đối việc làm này và rời bỏ đảng.
17 năm đã qua , kể từ ngày VT chính thức ra mắt và hoạt động theo mô thức đảng phái (chính trị đối lập) với cộng sản Việt Nam, công cuộc đấu tranh giải phóng tổ quốc vẫn không tiến triển thêm được bước nào, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ, các cuộc vận động chính giới can thiệp vào tình hình nhân quyền VN đã không có được kết quả mong muốn, nội lực không mạnh thì việc nói chuyện vay mượn ngoại lực là điều không thể xảy ra. Có chăng chỉ còn là co cụm lại chờ đèn xanh, sức mạnh của dân tộc đã bị đánh mất khi chủ trương chạy theo quốc tế để gọi là đúng xu hướng thời đại.
“ngủ đi em sáng mai ta lên đường, theo đoàn quân ta về bên kia núi” bên kia núi không còn có người đi như con nước miệt mài nữa. Chỉ còn lại anh linh của những người anh hùng u uất dõi mắt nhìn về quê hương vẫn còn chìm đắm trong độc tài, bạo lực. Đoàn quân cách mạng đã đi vào huyền thoại đấu tranh.
Hôm nay , ngồi viết lại những thăng trầm theo thời gian của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, nhân ngày giỗ thứ 34 của các chiến hữu tiên phong mà cảm thấy xót xa vô vàn, tiếc thương các chiến hữu lãnh đạo, bên kia bờ đại dương đồng bào đang oằn mình hứng chịu dịch bịnh vì những chỉ thị ngu đần của lãnh đạo cộng sản, cán bộ cộng sản lợi dụng những chỉ thị ngu đần này để sách nhiễu đồng bào, khiến cho người dân đã khốn khổ vì dịch bịnh, lại càng thêm khốn khổ hơn nữa do những sách nhiễu của đám thừa sai này. Chế độ độc tài cộng sản đàn áp vẫn còn đó, sức mạnh dân tộc vẫn còn đó nhưng vẫn chưa được khai dụng toàn diện, chỉ có khi nào sức mạnh dân tộc được khai dụng toàn diện, thì mới có thể lật đổ được chế độ cộng sản độc tài đảng trị. Mọi tính toán chính trị sẽ không có tác dụng khi cộng sản còn đang nắm chính quyền trong tay. Nếu may mắn thì cũng chỉ được làm chậu kiểng cho chế độ mà thôi, đất nước và người dân vẫn không có cơ hội đi lên, ước vọng canh tân chỉ còn là ảo vọng vì những toàn tính chính trị.