Tháng 7 là tháng của mưa ngâu, theo truyền thuyết của phe ta thì “mưa ngâu” là những giọt nước mắt tuôn rơi của Ngưu Lang – Chức Nữ khi tái ngộ, nhưng phải là tháng 7 âm lịch chứ không phải tháng 7 dương lịch. Tuy nhiên, ở Nhật, Ngưu Lang-Chức Nữ... lại được ông trời cho phép trùng phùng... sớm hơn nơi khác đến một tháng! Nhập gia phải tùy tục, vì thế xin được có vài hàng về cái chuyện xưa tích cũ này ngoài trời đang nặng hạt.
Ông Ngâu – bà Ngâu (Việt Nam)
Theo một truyện cổ tích của Việt Nam có tên Ngưu Lang – Chức Nữ thì mỗi năm cứ vào ngày thất tịch (7/7) (gốc chữ Hán là 七夕) , nàng Chức Nữ (織女 - hay nàng tiên dệt vải) bên này sông Ngân, được trời cho phép tái ngộ với chàng (Ngưu Lang 牛郎 - hay chàng chăn trâu) bên kia sông Ngân. Chuyện kể: Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa có.... một vị thần chăn trâu của trời tên Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một nàng tiên tên Chức Nữ, suốt ngày chàng chỉ lo thổi tiêu để mong được nàng để ý nên đã bỏ bê việc chăn trâu, nàng Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ông trời giận dữ, bắt cả hai phải nghìn trùng xa cách.
Về sau, ông trời nghĩ lại, thương tình nên cho Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm được phép gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Cuộc tái ngộ diễn ra rất lâm ly bi đát khiến cả 2 tuôn trào những giọt vắn giọt dài, rơi xuống trần hoá thành mưa và được dương thế đặt tên là mưa ngâu.
Ngưu Lang Chức Nữ (Trung Quốc)
Sang đến Trung Quốc thì nội dung câu chuyện lại khác một chút. Theo một tài liệu của Wikipedia tiếng Việt thì chàng Ngưu Lang cũng là gã chăn trâu của trời, nhưng không phải hớp hồn nàng Chức Nữ bằng tiếng tiêu mà chàng lại cả gan lấy trộm áo của 7 nàng tiên nữ khi các nàng đang tắm trong hồ. Chức Nữ, 1 trong 7 tiên nữ đã phải “đại diện” đến gặp chàng để điều đình lấy lại cái áo, nhưng vì Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng. Hai người đã có những ngày sống với nhau thật hạnh phúc. Nhưng Thiên Hậu (mẹ Chức Nữ) không bằng lòng vì một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp, nên bà đã giận dữ rút cái kẹp tóc của nàng, vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình nhân trẻ khiến Chức Nữ phải ngồi bên này bờ sông buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ “dõi” nhìn hình bóng vợ mình từ bên kia bờ xa thẳm. Nhưng có một ngày, không phải Ngọc Hoàng mà tất cả các con quạ dưới trần cảm thấy thương hại 2 người, chúng rủ nhau bay lên trời làm thành một cái cầu có tên (鵲橋, "Ô kiều") để đôi vợ chồng có thể gặp nhau vào ngày mồng bảy tháng bảy âm lịch.
Chuyện tình Mikera - Tanabata (Nhật Bản)
Sang đến Trung Quốc đã khác một chút nhưng đến Nhật thì lại khác.... hoàn toàn. Dựa theo truyền thuyết trên, người Nhật đã ....thêm mắm thêm muối và biến một câu chuyện sẵn có của nước mình thành chuyện tình “ngang trái” Mikera - Tanabata.
Ngày xưa có một chàng trai tên là Mikera, một hôm nhặt được một chiếc áo choàng. Liền sau đó có một nàng tiên tên là Tanabata đến nhà hỏi thăm tìm chiếc áo. Chàng trả lời không biết nhưng hứa là sẽ giúp nàng tìm chiếc áo. Về sau 2 người phải lòng và lấy nhau. Tình cờ một hôm Tanabata thấy áo của mình được giấu trên gác, nhà của Mikera. Nàng giận và bỏ chàng. Sau đó, thấy chồng tỏ vẻ ăn năn hối hận nên Tanabata hứa là sẽ tha lỗi cho Mikera với một điều kiện là phải đan cho nàng 1000 đôi dép rơm. Vì cần quá nhiều thì giờ để hoàn tất 1000 đôi dép rơm nên chàng đã không thể gặp lại được nàng. Thương tình, Tanabata nghĩ lại và cho phép Mikera gặp nàng mỗi năm một lần vào ngày sao Vega tức (Chức Nữ) gặp lại sao Alta (Ngưu Lang). (*) Ngày này được đổi thành 7/7 dương lịch gọi là ngày “Shichiseki” (七夕・Thất tịch) và sau đó được đổi thành ngày “Tanabata”.
----------------------------
Vào khoảng ngày 7/7 dương lịch, mưa "ngâu" của Nhật Bản thường thường chấm dứt và gọi là "Tsuyu ake" (梅雨明け), nhưng năm nay, cuộc trùng phùng của Ngưu Lang- Chức Nữ có vẻ.... như lâm ly bi đát khiến “nước mắt” vẫn đang tiếp tục rơi. “Màn ảnh nhỏ” phần tin tức thì thấy có các ông bà “chuyên viên thời tiết” xuất hiện nhiều hơn trước, thay phiên nhau thông báo tin dữ: nước mắt mưa ngâu năm nay thật là dữ dội có thể biến thành cơn bão và gây lũ khắp “bốn vùng chiến thuật” tàn phá nặng nề nhiều nơi khiến người dân đã phải “sơ tán”. Cho đến thời điểm viết những giòng này tức là vào đầu tuần lễ thứ 4 của tháng 7, những “lời cảnh giác” về bão, về cuồng phong, về mưa đá vẫn còn rỉ rả bên tai, nghe hoài phát….sợ.
Định kể tiếp về cái chuyện “Tabata”, nhưng kể hết rồi thì ngày mai lấy gì mà kể. Lại chuyện cô vi? Chuyện Ori-Para? Chán bỏ mẹ.
Thôi. Để dành cho kỳ tới vậy.
Vũ Đăng Khuê