Đêm hôm qua 23/7, Olympic TOKYO chính thức khai mạc. Người chạy đốt đuốc lửa thiêng cuối cùng vẫn là bí mật quốc gia TOP SECRET cho đến khi xuất hiện. 57 năm trước, tại thế vận hội TOKYO 1964, lực sĩ điền kinh Sakai Yoshinori, quê ở HIROSHIMA sinh ngày 6/8/1945 đúng vào lúc thành phố này bị thả bom nguyên tử được lựa chọn để nêu cao khát vọng hòa bình, tái thiết của Nhật Bản. Năm 92, tại Barcelona, tháp đuốc được thắp sáng bằng một mũi tên mang lửa được bắn bởi cung thủ khuyết tật Antonio Rebollo, đã gây ngạc nhiên sững sờ cho rất nhiều người xem. Ông Muhammad Ali, võ sĩ quyền anh huyền thoại của Mỹ thực hiện nghi thức này tại đài lửa Olympic Atlanta 1996 khi đang mắc chứng bệnh rung giật Parkinson từ 10 năm trước đó đã tạo ra một hình ảnh xúc động nhất trong lịch sử Thế vận hội. Vận động viên chạy nước rút người thổ dân Cathy Freeman đã thắp lửa Thế vận hội Sydney 2000 trên một hồ nước dung hòa sự đối lập nhằm làm sáng tỏ thông điệp hòa giải dân tộc. Freeman sau đó đã giành chiến thắng ở giải 400 mét, cô trở thành người đốt lửa duy nhất từ trước đến nay giành được huy chương vàng ngay tại Thế vận hội cùng kỳ.
Người đốt tháp lửa thế vận hội đêm qua là tuyển thủ quần vợt nữ Osaka Naomi với 4 lần vô địch các giải mở rộng tại Mỹ, Úc, có cha người Haiti, mẹ Nhật, đã từng hứng chịu bệnh trầm cảm tinh thần, được kỳ vọng là dung hòa những thông điệp về tính đa dạng và dung hòa của đại hội lần này. Phần lớn các đội tuyển vào sân đều được dẫn đầu bởi từng cặp nam nữ cầm cờ. Thành phần xã hội, xuất thân của các nghệ sĩ trình diễn được đa dạng hóa đến mức tối đa. Nội dung nghệ thuật cũng đã dung hòa giữa cổ xưa và hiện đại. Nhạc jazz diễn tấu cùng nhịp với động tác tuồng cổ Kabuki. Bên trên sân khấu biểu diễn nghề mộc truyền thống thời Edo 400 năm trước là hơn nghìn chiếc drone hiện đại được điều khiển từ xa để hình thành các tiết họa lung linh sắc màu giữa trời đêm... Nếu 57 năm trước, sau khói lửa binh đao, trong quyết tâm đi tìm một vị thế xứng tầm thế giới, thế vận hội 64 thể hiện khát vọng chung của Nhật Bản là trỗi dậy vươn lên nhằm tạo nên những kỳ tích kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng nóng 8-12% hàng năm, thì ngày hôm nay, giữa tình hình thế giới đã đổi khác và cũng giữa những thảm cảnh của đại dịch toàn cầu, chủ đề của Olympic Tokyo 2020 đã chững chạc lại và sâu sắc hơn trong ý nghĩa bắt tay nhau, chấp nhận khác biệt, để cùng mạnh mẽ hơn mà vượt qua gian khó.
Để tổ chức đại hội thể thao này, Tokyo và Nhật bản đã trả giá rất đắt. Chi phí đã đội lên thêm 294 tỷ yên do bị đình hoãn 1 năm và phải trang trải cho các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid. Điều này cũng đã khiến cho tổng kinh phí tổ chức lên đến 1.650 tỷ yên (khoảng 16 tỷ đô), được xem là mức chi phí tổ chức Olympic - Paralympic cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ tiền bạc, từ 8 năm trước đây, sau khi được bình chọn đăng cai tổ chức, rất nhiều vấn đề rắc rối đã xảy ra từ vụ thay đổi kiểu dáng sân vận động chính, cấm sử dụng huy hiệu Olympic, nghi ngờ hối lộ để được bình chọn, chủ tịch Ủy ban tổ chức Mori từ nhiệm vì phát ngôn khinh miệt phụ nữ, cách đây một tuần thì giám đốc chương trình âm nhạc Oyamada phải thôi việc vì bị phanh phui chuyện bắt nạt bạn học người khuyết tật vào lúc nhỏ...chưa hết, 36 tiếng trước giờ khai mạc thì nghệ sĩ hài Kobayashi bị giải nhiệm vì cho là đã vi phạm nhân quyền khi dùng hình ảnh nạn nhân Do Thái của Đức Quốc Xã trong một hài kịch chọc cười và mấy chục năm trước.... Tuy nhiên, đối với chính phủ Nhật Bản, các vấn đề trên vẫn chưa phải lo lắng bằng dư luận trong cũng như ngoài nước về việc dám tổ chức sự kiện đầy rủi ro như thế. Hành trình chạy bộ rước lửa thiêng 732km trong 121 này từ tỉnh Fukushima, nơi xảy ra sự cố nguyên tử trong thảm họa sóng thần 11/3/2011, đã bị nhiều địa phương từ chối giữa chừng phải thay đổi lộ trình và cũng đã phải huy động nhiều y sĩ, y tá đang công tác chống dịch covid cùng tham gia cho đến những chặng cuối. Ngay vào lúc bắt đầu buổi lễ, phút mặc niệm cho tất cả nạn nhân tử vong vì covid đã được tiến hành. Đặc biệt nhất là trong diễn văn khai mạc của Thiên hoàng Naruhito đã tránh dùng chữ Iwai (chúc mừng đại hội) mà trong Thế Vận Hội 1964, ông nội của ngài là Thiên hoàng Hirohito đã sử dụng. Thay vào đó là chữ Kinen (ghi nhớ) đã thể hiện sự quan tâm lớn đến nỗi buồn chung của nhân loại hiện nay. Cho dù hoàn toàn không còn quyền lực và chỉ là biểu tượng quốc gia, tuy nhiên khi mà ngay cả thủ tướng và các chính khách cao cấp đều không có một lời nào trong lễ khai mạc, thì diễn văn duy nhất của Thiên Hoàng như nhằm xoa dịu các tranh luận vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, và đang chờ dịp bùng dậy khi có những chuyện không hay xảy ra.
Kể từ khi nhà độc tài Hitler sử dụng Olympic Bá Linh 1936 như là một cơ hội biểu dương sức mạnh Đức Quốc Xã, đại hội thể thao lớn nhất thế giới này đã mau chóng trở thành nơi sử dụng khối nén cảm xúc của cả tỷ người xem vào các mục tiêu chính trị. Cũng kể từ thập niên 80 thế kỷ trước, yếu tố kinh doanh đã tác động mạnh đến các tư tưởng nhân văn khác của Olympic, khiến cho kinh phí tổ chức mỗi lúc một leo thang và các món lợi kếch xù có được từ quyền kinh doanh phát sóng của Ủy ban Olympic Quốc Tế IOC đang gây nhiều quan ngại. Tại đêm qua, ngọn đuốc thiêng đốt bằng khí hydro không phát thải các bon, tác phẩm gỗ trình diễn gia công từ công việc tỉa rừng bảo vệ môi trường, điệu nhạc trong siêu phẩm trò chơi điện tử Dragon Quest để đón chào đoàn tuyển thủ... chính là những nội dung mà Nhật Bản tin là sẽ chinh phục thế giới. Olympic TOKYO 2020 còn là nơi chính quyền thủ tướng SUGA đánh cuộc với các thách thức đối lập ở trong cũng như ngoài đảng cầm quyền trước khi giải tán Hạ viện để xác định lại vị trí chính trị của mình. Với với số lượng vận động viên và tỷ lệ vận động viên nữ đông nhất từ trước đến nay, số nước tham dự và bộ môn thi đấu nhiều nhất từ trước đến nay, cũng như với tư tưởng đa dạng, dung hòa được nhấn mạnh một cách xuyên suốt trong lễ khai mạc, thông điệp chính trị mạnh mẽ nhất mà Tokyo muốn biểu hiện có lẽ là nhu cầu đoàn kết mạnh hơn, cao hơn của tất cả những nền dân chủ để có thể đương đầu với những thế lực độc tài đang gây nhiều uy hiếp trên bàn cờ thế cuộc hiện nay.
Giữa những tao loạn kể trên, TVH Tokyo 2020 còn được xem là một cơ hội để suy nghĩ tìm về ý nghĩa nguyên thủy của Olympic. Thế giới cho dù không ngừng biến động, nhưng cảm xúc được mang lại từ tinh thần quyết đấu của các lực sĩ trên mọi đấu trường Olympic xưa nay là bất biến. Ekecheiria hay “Đình chiến Olympic” là thời gian mà mọi chiến binh ngày xưa của tất cả vệ thành Hy lạp cổ đại (polis) đã ngưng chiến đấu trong dịp tranh tài. Olympic, từ nguyên thủy là lễ hội của hòa bình. Mong thay.
Trung Hiếu