July 16, 2021
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản Lý Khám, Chữa Bệnh thuộc Bộ Y Tế CSVN, nói rằng lần đầu tiên Bộ Y Tế “cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị COVID-19.”
Xuyên tâm liên còn có tên là cây công cộng, hùng bút, nguyên cộng, lam khái liên, cây lá đắng, khô đảm thảo, nhất kiến kỷ, cỏ đắng, cỏ Ấn Độ… được cho là có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Tòa nhà Thuận Kiều Plaza đang được sửa chữa làm bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. (Hình: Zing)
“Đây là phương thuốc rất kinh điển trong những năm đất nước còn nghèo khó, từng dùng để chữa bách bệnh. Vừa qua, một số nước đã đưa vào điều trị và cũng thấy hiệu quả nên chúng ta có thể đưa vào điều trị trên những bệnh nhân ít triệu chứng, thể nhẹ kết hợp cùng nâng cao thể trạng, dinh dưỡng,” ông Khuê được báo VietNamNet hôm 16 Tháng Bảy dẫn lời.
Cũng theo VietNamNet, xuyên tâm liên không chỉ được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mà còn cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà có dấu hiệu mệt mỏi.
Báo này cho biết thêm, Bộ Y Tế đã giao Cục Y Dược Cổ Truyền kết hợp Cục Khoa Học Đào Tạo làm đề cương thử nghiệm lâm sàng trên một số lượng nhất định, sau đó sẽ báo cáo hội đồng chuyên môn để tiếp tục đánh giá, nếu hiệu quả sẽ sử dụng ở phạm vi rộng.
Việc Bộ Y Tế đưa xuyên tâm liên vào phác đồ điều trị diễn ra trong lúc giới chức tổ chức các cuộc họp khẩn bàn phương án khi lượng ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam đạt mốc 100,000 ca.
Trước đó, báo VietnamPlus hôm 5 Tháng Bảy cho hay: “Thủ tướng [Phạm Minh Chính] đề nghị thành phố [Sài Gòn] và các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp Tây y và Đông y trong điều trị bệnh, kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân…”
Các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Sài Gòn đang quá sức chứa trong lúc số ca nhiễm tại thành phố này đã vượt qua 22,000 ca. (Hình: Zing)
Thời điểm đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội bàn tán rôm rả và suy đoán phát ngôn của ông Chính sẽ mở đường cho thuốc xuyên tâm liên thời bao cấp ở miền Bắc quay lại.
Một bài đăng trên trang web Sở Y Tế Hà Nội hồi Tháng Năm cho biết: “Các nghiên cứu gần đây càng cho thấy rõ giá trị của loại thuốc này [ xuyên tâm liên] trong điều trị bệnh nói chung, và tiềm năng trong phòng chống COVID-19 nói riêng. Tuy nhiên, sản lượng trồng loại dược liệu này hiện nay còn rất ít và ít được ghi đơn cũng như tham gia trong thành phần của thuốc thành phẩm Đông dược.”
(N.H.K) [qd]