TÂM TƯ VÀ CÔNG TÂM (Trần Trung Chính)

Theo tự điển tiếng Việt  của nhà xuất bản Đà Nẵng (ấn bản 1997), TÂM TƯ = những điều đang suy nghĩ trong lòng. Thí dụ : hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của người viết , chúng ta phải truy nguyên nhóm từ TÂM TƯ bằng chữ Nho (chữ Hán) thì ngữ nghĩa mới chính xác. Cũng có thể hiểu “tâm tư” là những suy nghĩ xuất phát từ trái tim (chứ không phải là những suy nghĩ xuất phát từ lý trí). Thông thường, người ta cho rằng “tâm tư” là một danh từ diễn tả tình trạng suy nghĩ thầm kín của một chủ thể hay của những người thân cận của chủ thể đó khi nói về thành tích hoặc quá trình hoạt động của chủ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã xuất bản quyển sách “TÂM TƯ CỦA TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU”, đa số người đọc đều hiểu rằng Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng muốn biện hộ cho Tổng Thống Thiệu với biến cố VNCH sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi nói Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng biện hộ bênh vực cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vì đa số con dân VNCH thường hay “chỉ trích” hoặc “ trách móc” Tổng Thống Thiệu. Và tôi cũng nhận ra rằng chưa thấy ai lấy CÔNG TÂM để mà bình tĩnh luận xét phương cách hành xử của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào thời điểm tháng tư năm 1975. Vậy CÔNG TÂM là gì ? Là lòng ngay thẳng vì việc chung, không thiên vị. Thí dụ : “lấy công tâm mà xét”.

Bài viết này cũng không phải là phần mở đầu cho những tranh luận liên quan đến sự sụp đổ của chính phủ VNCH ( thực ra tranh luận và tranh cãi về vấn đề này đã bắt đầu từ 30 tháng 4 năm 1975 cho đến bây giờ 2021 và chưa có dấu hiệu chấm dứt), bài viết này cũng không phải là cuộc điều tra lịch sử VNCH cận đại mà chỉ là những gợi ý để các học giả hay những nhà nghiên cứu lịch sử của các thế hệ sau lưu ý, vì không thấy các văn kiện  đã được giải mật của cả phe Cộng Sản và phía Hoa Kỳ đề cập tới.

Phía “chỉ trích” hay “trách móc” Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra quyết định sai lầm khi rút bỏ quân khu 2 rồi quân khu 1 hồi tháng 3/1975…xuất phát từ những NGỘ NHẬN đầy cảm tính chứ không xuất phát từ những suy nghĩ từ lý trí :

NGỘ NHẬN THỨ NHẤT : Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ chức  Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia từ 19/6/1965 đến 1967. Sau bầu cử 1967, ông lên làm Tổng Thống VNCH nhiệm kỳ I từ 1967 đến 1971, nhiệm kỳ II từ 1971 đến 1975. Ông thừa biết Việt Cộng tấn công Tết Mậu Thân 1968 là do sự “dàn xếp” của Hoa Kỳ để có cớ “rút ra khỏi vũng lầy Việt Nam”. Cơ quan Trung Ương Tình Báo của VNCH (lúc đó do Tướng Nguyễn Ngọc Loan phụ trách) cho biết chính phủ Johnson có ý định “bỏ chạy”, cho nên ứng cử viên Richard Nixon cử bà Anna Chennault đi Sài Gòn yêu cầu Tổng Thống Thiệu không tham dự Hòa Đàm Paris để ứng cử viên Hubert Humphrey (Phó Tổng Thống của Lyndon Johnson) thua phiếu.

Ông Richard Nixon nhậm chức vào cuối tháng giêng năm 1969, vậy mà tháng 7/1969 Tổng Thống Nixon đích thân qua Sài Gòn hội đàm với Tổng Thống Thiệu ngay tại Dinh Độc Lập. Chăc chắn không phải để hỏi thăm sức khỏe Tổng Thống Thiệu hay để cảm ơn Tổng Thống Thiệu về chuyện đã không tham dự Hòa Đàm Paris (theo lời yêu cầu của ông Nixon). Những gì 2 ông bàn thảo với nhau thì không thấy các sử gia đề cập, thời điểm tháng 7/1969, ông Henry Kissinger chưa vào làm việc trong Ban Tham Mưu của Tổng Thống Nixon. Phía VNCH, ngoài Tổng Thống Thiệu chỉ có cố vấn chính trị kiêm thông dịch viên là ông Hoàng Đức Nhã tham dự. Kể cả Tổng Thống Thiệu và ông Hoàng Đức Nhã, chưa bao giờ công bố nội dung buổi hội đàm với Tổng Thống Nixon tại Dinh Độc Lập vào năm 1969.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (đọc diễn văn từ chức)

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (đọc diễn văn từ chức)

NGỘ NHẬN THỨ HAI :nhiều người VN kể cả phía Cộng Sản và phía VNCH đều không hiểu lề thói làm việc của người Mỹ nên có người cho rằng “Hoa Kỳ đã phản bội VNCH”, một số khác lại cho rằng “Hoa Kỳ đã bỏ rơi VNCH”. Một số người khác dựa trên những tin tức tình báo gốc gác từ CIA và cũng dựa theo cách dùng chữ của đài BBC và đài RFI, chính phủ Hoa Kỳ muốn người VN hiểu rằng “Bỏ Rơi Đồng Minh VNCH” vì hoàn cảnh không cho phép Hoa Kỳ can thiệp nữa (quá mệt mỏi về ý chí và quá tốn kém về chi phí).

Lề thói làm việc kiểu Mỹ nghĩa là bất cứ hoạch định và thiết kế nào cũng đều phải có 2 plans chính yếu :

1/ Evacuation plan

2/ Exit plan (dĩ nhiên trong exit plan phải có nhiều exit programs và thường exit program cuối cùng được gọi là final exit).

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu im lặng nhận chịu trách nhiệm đã làm cho VNCH sụp đổ, nhưng có mấy ai nhận ra rằng cá nhân một người không thể nào gánh vác hết được, đó là một sự vô lý khó có thể chấp nhận được !

NGỘ NHẬN THỨ BA : Trong khi quân CSBV tấn công vào Phước Long vào cuối năm 1974 (ngày 24 tháng 12 năm 1974) , chính cơ quan USIS của CIA tung tin quân VNCH thua tại Phước Long là do Tổng Thống Thiệu cố tình bỏ Phước Long để thử xem phản ứng của Mỹ. CIA đổ vấy cho Tổng Thống Thiệu cố tình bỏ Phước Long để Quốc Hội Hoa Kỳ có cớ biểu quyết ngưng viện trợ quân sự cho VNCH.

Chính Henry Kissinger giải thích hành động “viện trợ lấy có” cho chính phủ LON NOL của Cambodia : “Chính Phủ Lon Nol đang trên đà sụp dổ, đây là nguyên do chính khiến chúng ta phải tiếp tục viện trợ để cho sau này không ai có thể trách chúng ta vô trách nhiệm (Trích từ DECENT INTERVAL, trang 175 của Frank Snepp : “…he say, the Lon Nol Government was on the brink of collapse, it was essential to keep open the aid pipeline so no one could later blame the United States for the disaster”. )

*Ngày 7 tháng 3 /1975, Kissinger chỉ thị cho các viên chức Ngoại Giao Hoa Kỳ trước khi ông ta lên đường đi Trung Đông : “ Hãy làm mọi cách để Quốc Hội tiếp tục duy trì viện trợ (Lấy Có) cho Cambodia và Việt Nam. Không phải để cứu vãn 2 nước đó, mà vì không thể nào cứu vãn được 2 nước đó ( Trích từ DECENT INTERVAL, trang 176 của Frank Sneep : “Do every thing possible to ensure that Congress lived up our aid commitments to Cambodia and Vietnam – not because the two countries were necessarily salvageable, but precisely  because they might not be).

Kissinger không muốn thiên hạ nghĩ rằng VNCH sụp đổ vì không còn được HK viện trợ, nhưng cho biết trong tác phẩm FINAL COLLAPSE rằng quân đội VNCH chỉ được viện trợ nhỏ giọt như vậy thì sẽ hết GẠO và hết ĐẠN  vào ngày 30 tháng 6 năm 1975 ! Do vậy Kissinger mong cho quân đội VNCH tự tan rã trước khi hết GẠO và hết ĐẠN trước tháng 6 năm 1975. Và thiên hạ sẽ nghĩ rằng quân đội VNCH đã thua chạy trước sức tiến công vũ bão của quân CSBV.

NGỘ NHẬN THỨ TƯ : Final Exit bắt đầu khi nào và do ai trực tiếp điều hành ? 3 tháng sau khi ký Hiệp Định Paris 1973, Tổng Thống Nixon bổ nhiệm Graham Martin thay thế Ellsworth Bunker làm Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Frank Sneepp mô tả vai trò của Đại Sứ Graham Martin : “ Mỹ buộc phải rời bỏ VN trong tư thế đường hoàng, và muốn tạo được ấn tượng như vậy thì cần phải có một chuyên gia về ảo thuật và kịch nghệ, mà Graham Martin thuộc vào hàng sư phụ.” (Trích DECENT INTERVAL trang 75 của Frank Snepp :  “ The United States was obliged to crawl out of Vietnam standing up, and to foster that illusion required the kind of conjuring and stagecraft at which Martin so adept”

NGỘ NHẬN THỨ NĂM : bỊ o ép và khống chế mọi mặt về quân viện, Tổng Thống Thiệu đã đồng ý lới đề nghị của Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc đi Arab Seoud vay 500 -700 triệu dollars vũ khí để quân lực VNCH đánh trận cuối cùng hầu chấm dứt chiến tranh. Arab Seoud là một bạn hàng lớn của Hoa Kỳ nên vũ khí của HK bán cho Arab Seoud sẽ chuyển thẳng đến các cảng của VNCH và không gặp trở ngại về vấn đề sử dụng. Sau khi chiến tranh “tàn lụi”, VNCH sẽ trả món vay này bằng dầu hỏa (thời điểm 1973-1974, VNCH biết chắc chắn rằng chúng ta có dầu hỏa với trữ lượng lớn ở thềm lục địa)

Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, người cầm đầu ngành Trung Ương Tình Báo VNCH và cũng là Tổng Thư Ký của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia VNCH cho Tổng Thống Thiệu biết là Bắc Việt đã động viên tới 16% dân số, không thể nào động viên thêm được nữa ( theo như báo cáo thống kê của Tổng Nha Nhân Lực – do Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm phụ trách, VNCH chỉ mới động viên có 5.88% nhân lực). Bắc Việt sẽ tung 14 sư đoàn trên tổng số 16 sư đoàn mà họ có, vào tấn công VNCH. VNCH có đạn được từ Arab Seoud sẽ giữ vững được các thành phố và nông thôn, đẩy lui được quân BV trở lại rừng núi mà họ xuất phát. Lúc đó, chiến tranh sẽ “tàn lụi” vì CSBV không còn nhân lực để tấn công đợt II và bắt buộc phải lui quân về miến Bắc mà không cần phải ký thêm Hiệp Định Ngưng Bắn nào hết.

Không may, vua Faisal của Arab Seoud bị mưu sát (con cháu ông giết ông để đoạt ngôi vua), vị vua mới lên thay không biết các mật ước với Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc nên Tổng Thống Thiệu buộc lòng phải chọn giải pháo lui quân rút bỏ nhiều tỉnh thành quan trọng. Không có vũ khí, ông không thể kêu gọi binh sĩ các cấp chiến đấu được, điều đó cũng có nghĩa là các chiến sĩ VNCH sẽ bị quân CSBV tàn sát trong khi chiến đấu. Tổng Thống Thiệu cũng không thể ra lệnh các binh sĩ “buông súng đầu hàng” nên ông phải chọn giải pháp lui quân, buông bỏ rồi từ chức Tổng Thống nhường quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương theo hiến định.

NGỘ NHẬN THỨ SÁU : bản Hiệp Định Paris 1973 quá vô lý, Hoa Kỳ và VNCH quá thua thiệt, chả lẽ các think tank Hoa Kỳ “thua trí Lê Đức Thọ và Lê Duẩn “hay sao?. Mãi tới năm 1977, Cyrus Vance – ngoại trưởng của chính phủ Carter xác nhận có một mật ước riêng sau Hiệp Định Paris 1973 được Nixon ký với Hà Nội 4 ngày sau ngày 27 tháng giêng 1973. Rồi tháng 10 năm 1988, Hà Nội cho công bố toàn văn mật ước Nixon & Phạm Văn Đồng.

Richard Nixon là con cáo già chính trị cho nên các mật ước giữa Nixon và Liên Sô, giữa Nixon và Trung Cộng, giữa Nixon và Bắc Việt không ai biết là những điều khoản gì vì Quốc Hội Hoa Kỳ không được thông báo. Nhân tiện Nixon bị vướng vụ Watergate, Quốc Hội Hoa Kỳ impeach Nixon để buộc Nixon tiết lộ các mật ước.

Nixon từ chức để khỏi phải tiết lộ các mật ước, cho nên Liên Sô tức giận vì cho rằng mình bị lường gạt. Riêng Trung Cộng im lặng vì mật ước với Nixon có lợi cho Trung Cộng…Năm 1974, Liên Sô cử Đại Tướng Kulikov sang Hà Nội xúi Lê Duẩn đánh chiếm Miền Nam để Liên Sô có chỗ đứng tại các vùng biển Đông Nam Á (hạm đội viễn đông của Liên Sô cần có một căn cứ như hải cảng Cam Ranh chả hạn)

Nixon không còn làm Tổng Thống có nghĩa là mật ước giữa Nixon và Phạm Văn Đồng không được thi hành, Hà Nội đã biếu không 591 tù binh Hoa Kỳ mà không nhận được đồng dollars nào hết mặc dù tổn thất nhân mạng lên tới 3 triệu người, hàng chục tỉ dollars nợ Liên Sô và Trung Cộng về chiến phí và cả nước phải chịu đựng gian khổ trên 10 năm…

NGỘ NHẬN THỨ BẢY : Tổng Thống Trần Văn Hương lên cầm quyền nhưng quân Bắc Việt vẫn không ngừng tấn công, VC nói rằng chính phủ VNCH vẫn là chính phủ của Nguyễn Văn Thiệu mà không có Thiệu.. VC đòi hỏi họ chỉ nói chuyện với Big Minh, ông già gân Trần Văn Hương mắng Big Minh trên đài phát thanh Sài Gòn : “…Đại Tướng nghĩ rằng quyền Tổng Thống như cái khăn mouchoir hay sao mà đòi tôi trao quyền Tổng Thống cho Đại Tướng…”. Đại sứ Graham Martin thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương từ chức để trao quyền cho Tướng Big Minh, ông đã không chịu di tản mà còn nói ông sẽ cùng anh em chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, rồi đất nước này ra sao thì ra..ông không sợ.

Đại sứ Martin phải nhờ Đại Sứ Pháp là ông Francois Marie Mérillon thuyết phục, Đại sứ Mérillon phải dùng trực thăng Lalouette của Pháp hẹn gặp Tổng Thống Trần Văn Hương tại Đường Sơn Quán (vị trí của Đường Sơn Quán gần ngã ba xa lộ Đại Hàn và xa lộ Biên Hòa). Sau khi gặp Đại Sứ Mérillon, Tướng Big Minh mới được tấn phong làm Tổng Thống VNCH.

Và VC thay vì nói chuyện với Tướng Big Minh, bọn chúng bắt ông phải đầu hàng vô điều kiện và chính Lê Đức Thọ “tống cổ” Đại Sứ Mérillon về Pháp trong vòng 48 giồ đồng hồ. Và điều trớ trêu là VC không có làm văn bản để tướng Big Minh ký tên xác nhận sự đầu hàng nên đứng về phương diện công pháp quốc tế, VC vẫn là những tên ăn cướp có súng ống chứ không phải là những chính khách chuyên nghiệp về bang giao quốc tế.

NGỘ NHẬN THỨ TÁM : Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam được Polgar (trùm CIA) hộ tống. Những tên VC và những kẻ xu thời hô hoán lên rằng Tổng Thống Thiệu bị “áp giải”.

Theo như Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình thuật lại, Đại Sứ Graham Martin mời Tướng Nguyễn Khắc Bình qua Tòa Đại Sứ để thuyết trình về kế hoạch Evacuation Plan cho Tổng Thống Thiệu :

8.1 Chính phủ Hoa Kỳ lấy làm tiếc về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu, chính phủ Hoa Kỳ muốn Tổng Thống Thiệu ra đi êm ả, không thể vướng mắc vào những trở ngại ngoại giao và an ninh.

8.2 Chính phủ Hoa Kỳ không muốn Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho những lực lượng trung thành để gây cản trở cho sự withdraw của các phi cơ trực thăng từ hạm đội bay vào Saigon

8.3 Những dàn cao xạ của Hải Quân VNCH đã được xếp vào Hải Đội số 1 dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Đỗ Kiểm – Tham Mưu Trưởng Hải Quân ra đi trước. Hải Đội 2 dưới quyền chỉ huy của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, bao gồm những chiến hạm từ các Vùng 1, Vùng 2 ,Vùng 3, Vùng 4…Sau cùng hải đội 3 do Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang chỉ huy, rời Bến Bạch Đằng sau cùng, có nhiệm vụ chuyên chở các nhân vật trọng yếu của chính phủ VNCH, tuy nhiên tướng Big Minh không di tản mà chỉ có gia đình con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài của Cục Quân Vận và con gái của Tướng Big Minh xuống soái hạm của Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang.

8.4 Tất cả những phi cơ chiến đấu đắt tiền như F-5, A-37, Caribu, C-119, C-123, C-130 đều đồng loạt cất cánh bay đi căn cứ Utapao bên Thái Lantối hôm 28 tháng 4/1975. Những phi cớ tác chiến còn chiến đấu trên bầu trời Sai gon ngày 29 và 30 tháng 4 năm 1975 đều trực thuộc Sư Đoàn 3, Sư Đoàn 4 và Sư Đoàn 5 Không Quân (Trung Tá Nguyễn Ngọc Thức, không đoàn phó của không đoàn A-37 thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân vẫn còn xạ kích VC trên không phận Saigon tới 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 /1975. Trung Tá Nguyễn Ngọc Thức năm sinh 1936 ở tù chung trại Bình Điền Huế với người viết, ông vừa mới qua đời tại San José vì bị CORONA VIRUS 19, cách nay vài tháng, hưởng thọ 85 tuổi).

8.5 Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình cũng gửi lời cảm ơn đến các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia lời tri ân, CSQG dù tan hàng sau khi Tướng Big Minh đầu hàng VC, vẫn giữ cho thành phố Sài gòn êm ả, không có nạn cướp giật, không có nạn hôi của hay giết người vì thù oán cá nhân…

NGỘ NHẬN THỨ CHÍN Vào dịp 30 tháng 4 năm 2021, người viết có dịp đọc một bài viếtcủa một bình luận gia Việt Nam có bút hiệu là KÝ THIỆT điểm sách DRAWN SWORDS IN IN A DISTAND LAND(=Tuốt Gươm vào một Miền Đất Xa) của tác giả George J. Veigh.

Trích dẫn bài viết TUỐT GƯƠM  của KÝ THIỆT :…Tác giả đã đưa được những sự kiện mới tìm thấy vào cuốn sách,, bác bỏ những sai lầm, vô tình hay cố ý, đầy rẫy trong những cuốn sách đã được những “đại ký giả” hay những “chuyên gia”, học giả về hàng đầu về Việt Nam viết ra trong hơn 40 năm qua để đề cao kẻ thù và “phỉ bang “đồng minh” Việt Nam mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dường như là người bị lăng mạ nhiều nhất.

Trích đoạn

 Thiếu Tá Nguyễn Xuân Tâm, phụ tá quân sự của Tổng Thống Thiệu vội đưa ông Thiệu xuống cầu thang tới cái hầm kiên cố dưới basement. Trong khi đó, Đại Tá Trần Thanh Điền, chỉ huy trưởng đơn vị an ninh tại Dinh Độc Lập , đang ở bên ngoài dinh kiểm soát các trạm canh khi quả bom thứ nhất rơi xuống, ông ta đã nhảy xuống một cái hầm mới đào gần đó.Khi Nguyễn Thành Trung bay đi, Điền chạy vội tới dinh.Gặp ông Thiệu và ông Tâm tại cầu thang. Ông Điền kể lại khi ấy ông Thiệu đã cười lớn và hỏi ông ta : “anh từ đâu tới đây ? “

 George J. Veith là một người Mỹ nên anh ta chỉ mô tả thái độ của Tổng Thống Thiệu mà không giải thích nguyên do.. Tôi tin chắc rằng anh ta chẳng bao giờ hiểu được hiện tượng CÚNG SAO GIẢI HẠN của người Việt Nam và người Trung Hoa.. Những ai đã đọc TAM QUỐC CHÍ DIỄN NGHĨA của La Quán Trung thì không lạ chuyện CÚNG SAO GIẢI HẠN.

Tổng Thống Thiệu rất tin vào BÓI TOÁN và quẻ DỊCH..Khi mới bắt đầu xây Hồ Con Rùa, hệ thống thoát nước chưa xây xong, nhưng cụ Ngô Hùng Diễn bảo tới giờ vào ngày đó (khoảng năm 1970), hồ con rùa phải có nước. Vậy là có tới mấy chục xe nước của SAIGON THỦY CỤC . Người viết chỉ có mặt tại Hồ Con Rùa vào lúc đổ nước, sau đó chính các xe bồn của SAIGON THỦY CỤC hút nước ra để hãng thầu đào và đặt đường ống thoát nước.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai- nguyên Cựu Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân có kể cho thứ nam là anh bạn Đỗ Kế Toại hiện ở thành phố Dallas rằng mặc dù Trung Tướng Lê Nguyên Khang là bạn thân của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhưng Trung Tướng Lê Nguyên Khang rất được Tổng Thống Thiệu trọng vọng. Vị thầy bói nói Tổng Thống Thiệu tuổi con chuột (1924), trong năm Mão (1975) sẽ gặp rắc rối.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai kể lại : Tổng Thống Thiệu đích thân yêu cầu Trung Tướng Lê Nguyên Khang, sáng ngày mùng một Tết âm lịch năm 1975, đúng 7 giờ sáng mặc bộ complet trắng đại lễ xông đất Dinh Độc Lập .Điểm đặc biệt là Trung Tướng Lê Nguyên Khang tuốt gươm trần, chĩa gươm xuống đất y như những sinh viên sĩ quan làm lễ ra trường..

Do đó,cá nhân người viết không lấy làm lạ khi Tổng Thống Thiệu không có vẻ gì hốt hoảng khi hỏi Đại Tá Trần Thanh Điền: “anh từ đâu tới? “

Henry Kissinger (lúc về hưu)

Henry Kissinger (lúc về hưu)

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra chân lý khi phê bình tác phong của bọn Việt Cộng, đó là

ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ VIỆT CỘNG NÓI

MÀ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ BỌN CHÚNG ĐÃ LÀM.

Riêng cá nhân người viết, sau khi đọc bài viết này, có lẽ quý vị độc giả cũng nên thêm vào

ĐỨNG NGHE NHỮNG GÌ CÁC CHÍNH TRỊ GIA HOA KỲ NÓI

MÀ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ HỌ ĐÃ LÀM

San José ngày 13 tháng 6 năm 2021

Trần Trung Chính