1/TV. Chương trình nhạc chủ đề “Nhạc sau ngày 30 tháng 4” xin hân hạnh tái ngộ cùng quý vị thính giả và các bạn toàn cầu. TV kính chào quý vị, và kính chào bác sĩ TXN.
2/TXN: chào TV. Kính chào quý vị và các bạn
3/TV: Trong chương trình kỳ trước, bác sĩ N đã đưa ra một sự ví von hơi lạ, đó là bác sĩ nói mỗi khi nghe bài nhạc Mưa buồn Long Giao, b/s có cảm giác như là đang ăn chip khoai tây, nghĩa là không thể chỉ nghe một lần mà phải nghe đi nghe lại nhiều lần bài hát này “mới đã”. Riêng TV thì mỗi khi nghe bài hát Mưa buồn Long Giao, tâm hồn có một cảm nhận rưng rưng làm sao, và càng nghe thì càng thấy thấm thiá, chứ TV không có cái cảm giác cần phải nghe đi nghe lại nhiều lần cho đã như bác sĩ N. Có lẽ bởi vì TV không phải là một người từng bị ở tù cải tạo, cho nên không có được cảm giác của một người bị mất hết cả cuộc đời bay nhẩy, để bây giờ khi đời sống được tốt hơn xưa, hay hơn xưa như là bác sĩ hiện giờ, để mỗi khi nghe bài hát thì lại thấy nó gợi lại đúng cái tâm trạng của mình, để rồi muốn chìm đắm vào “cái thú đau thương” đó. Trong những bài hát của nhạc sĩ Thanh Hậu, tuy nhiên còn có một bài khác, sáng tác sau ngày 30 tháng 4. Bài hát này không buồn mà chua chát, nhưng vui tai mà lại ngậm ngùi, khiến TV cứ muốn nghe đi nghe lại. Bởi vì mỗi lần nghe là mỗi lần thấy thú vị. Đó là bài “Vào Vơ Vét Về.” Bài hát này diễn tả đúng tâm trạng của miền Nam VN sau khi Cộng sản vào, tên đường thì bị đổi, mọi loại vật dụng trong gia đình đều bị CS họ chở về miền Bắc. Cho nên mới đã có các câu mỉa mai trong dân gian như là “bộ đội” nghĩa là đi bộ vào miền Nam và đội đồ trở về miền Bắc, hay là “họ hàng” đồng nghĩa với ý niệm miền Nam nhận “họ” còn miền Bắc nhận “hàng.” Riêng trong bài hát của nhạc sĩ TH thì nhắc lại các câu “Nam Kỳ khởi nghĩa diệt Công Lý, Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do. Và đến hai câu kế thì TV phải bật cười lên. Bác sĩ N có tâm trạng như vậy khi nghe bài hát “Vào Vơ Vét Về” hay không?
4/TXN. TV nói đến hai câu kế là câu “Bây giờ thì dân khỏi no. Để đảng và nhà nước no” chứ gì? Câu này tôi đã nghe nhiều ở ngoài đời hồi còn ở VN, lúc có dịp chế diễu nhại bọn cán bộ và bộ đội. Vì những cán bộ và bộ đội thường an ủi người dân rằng “bây giờ ở dưới chủ nghiã xã hội rồi thì các anh các chị khỏi phải lo, mọi sự có đảng và nhà nước lo”. Nhưng khốn nỗi nhiều cán bộ nói ngọng” lo” thành “no” cho nên làm người nghe không thể không bật cười, mà phải nín cười. Lần đầu tiên tôi nghe câu này mà bật cười chẩy nước mắt là hồi ở trại cải tạo Long Khánh. Trong đội tôi có một anh, trước là một chánh sự vụ trên bộ kinh tế hay tài chánh gì đó thì phải. Anh này người Nam, ít nói. Nhưng đặc biệt là ăn nói tửng tửng mà vô cùng có duyên. Một câu nói thường, không có ý nghiã gì mà khi thì anh đai ra, khi thì anh nói cụt lủn làm cho ai cũng cười, mà đặc biệt là anh không cười. Cái câu “để nhà nước no, các anh khỏi no” làm tôi bật cười là nghe anh kể chuyện quản giáo đã trả lời anh như thế khi mà mấy dân cải tạo gợi chuyện. Cái môi anh cong lên, mặt tỉnh queo, làm không ai là không phì cười. Câu trả lời này nó diễn tả đúng cái tâm thức chung của dân miền Bắc là dưới chế độ CS thì tốt nhất là bưng tai bịt mắt, đừng lo đừng tính gì cả, tới đâu thì tới.
5/TV. Quý vị thính giả vừa nghe BS N. giải thích về bài hát. Bây giờ TV thì xin mời quý vị thính giả và các bạn cùng nghe bài hát này, bác sĩ chắc là không phiền để mà nghe lại bài hát này phải không.
6/Audio bài hát “Vào Vơ Vét Về.”
7/TV. Nghe qua bài hát này thì TV có cảm nhận như sau. Thông thường, một bài hát thường diễn tả một hay là hai ý. Thí dụ như “nếu vắng anh thì ai đưa em đi chơi chiều đông vắng,’ hay là “nếu có anh về, hai ta sẽ lên đồi sim” hay là “mất anh rồi, xa anh rồi, mộng đã tàn, tình đã phai, vân vân”…. các bài nhạc, lời thì thay đổi, nhưng ý thì quanh quẩn bên những tình cảm buồn, nhớ, đau khổ hay là vui, tình tứ và lãng mạn của con người. Riêng trong bài này thì tác giả đưa vào không biết bao nhiêu là ý, nhưng không tẻ nhạt, mà ngược lại, nó liệt kê ra được hết các đặc tính của chế độ cộng sản, các việc làm của chế độ, và ngay cả các phản ứng của người dân miền Nam. Do đó theo TV, bài nhạc này mang ý nghĩa của một bài học lịch sử bằng nhạc. Bác sĩ N nghĩ sao?
8/TXN. Đúng như thế. Cái đặc điểm là bài hát này cũng như những bài hát khác của TH không có tính cách tuyên truyền vận động, kêu gọi gì hết. Vì nó chỉ ghi lại những cảm tính và ý nghĩ của người dân và cũng là của tác giả, cùng với những dữ kiện thực ai cũng biết. Nhưng mà nó có tạo được một số ấn tuợng nơi người nghe. Tác giả đã nói với tôi rằng anh sáng tác rất nhanh. Bắt đầu là có một số hình ảnh và dữ kiện thu nhận được nằm yên trong đầu, có thể nói là nung nấu khá lâu, rồi tới khi mà cường độ xúc động đủ mạnh để tạo hứng cho anh thì anh ngồi xuống viết, và thế là xong.
9/TV. Cám ơn bác sĩ. Tuy nhiên vì thời gian vì có hạn nên chương trình phải tạm ngưng ở đây. TV xin gặp lại bác sĩ vào kỳ tới cũng trong chủ đề “những bài hát sau ngày 30 tháng 4”. TV cũng xin thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả và các bạn đang theo dõi chương trình.
10/TXN. Cám ơn TV. Chào TV. Kính chào quý vị và các bạn.