Giải thích ngay nếu không thì có người lại hiểu lệch lạc theo hướng khác.
Nó chỉ đơn thuần mang ý nghĩa “ngâm mình vào bồn nước thật nóng” hay còn gọi là “Ngâm Ofuro”, tĩnh lược hơn là “Ofuro”.
Cứ sau mỗi lần chào đón “đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng” của các tuyển thủ thể thao đoạt huy chương trong các giải thi đấu quốc tế là sẽ có màn “hokoku” (báo cáo). Câu hỏi thường được nghe nhiều nhất là:
- Bạn ta muốn làm gì nhất sau những “gian nan nhưng vẻ vang” này. Câu trả lời đại khái sẽ là
- muốn làm một giấc
- muốn ăn một tô soba chính gốc
- muốn ngâm ofuro.
v.v….
Nếu là người được hỏi, tôi sẽ trả lời: “muốn tất cả”. Nhưng điều dễ thực hiện nhất đối với tôi hiện tại là “ngâm Ofuro”, nói theo kiểu rất Việt Nam là “Tắm truồng” mà đã có nhiều lần tôi đề cập..
Với người Nhật, mùa đông thì lẽ dĩ nhiên là bằng nước nóng nhưng mùa hè cũng bằng nước vừa đủ nóng, khác với Việt Nam ta bằng nước lạnh. Có lần Lê Thiệp từ Mỹ ghé nhà, mấy ngày không tắm khiến người “bức xúc”, anh hỏi tôi tắm thế nào, tôi rủ anh đi tắm ofuro anh cười lắc đầu
“Xa quá, mất công thấy mẹ”,
tôi chỉ ngay cái vòi nước có cái ống dẫn nước dài bên hông nhà: “Anh dám không?”
Anh trả lời ngay:
“Sợ thằng Tây nào”, anh nhào ra và nắm cái vòi dài rồi xối, nhưng chỉ “vài phút sau thì thấy anh run lẩy bẩy “trở về nguyên quán” với vài tiếng lầu bầu:
“Mẹ, sao nước ở Nhật lạnh thế”.
Mà lạnh thật, mùa hè bên này nóng như đổ lửa người hừng hực, có đôi lần tôi cũng hứng nước từ cái vòi sen, vài tia nước dội xuống là với tay khóa cái vòi để điều chỉnh “tần số” vừa đủ. Tôi cũng không hiểu tại sao lại lạnh thế.
Nhắc đến chuyện này lại nhớ đến chuyện xưa.
Vào thập niên 60, 70 tiêu chuẩn mướn nhà của nhóm sinh viên chúng tôi thường ưu tiên cho chuyện gần cái ống khói hơn là “gần ga”. nếu xa thì ta gắng lết nhưng nếu 3 ngày không tắm thì “bức xúc” không chịu nổi, người cứ nổi gai nhất là cái đầu.
“Lúc mới sang (cuối năm 1971), đối với mình cái gì cũng lạ, cũng văn minh, nhưng có một bất tiện duy nhất là khi muốn “dội vài gáo”. Việt Nam ta nhất là miền Nam yêu dấu thì xong ngay, “vô tư trần trùng trục” chạy thẳng ra ngoài khi mưa xuống hoặc vào bể nước gần nhà bếp, dội vài “gáo” là người mát rượi, vài tiếng sau nếu cảm thấy hừng hực thì lại “vài gáo tiếp”. Nhưng ở cái xứ 4 mùa rõ rệt này thì lại khác. Muốn “sạch sẽ” thì phải “tay xách nách mang”, nào khăn, nào chậu, nào xà bông, đồ lót, v.v... “khăn gói” lên đường đến những nơi có cái “ống khói” (dùng để phun những “làn” khói khi đun nước tắm). Vào mùa đông thì “châm” lắm vì có những ngày phải lội tuyết mà đi.
Ở cái xứ đất chật người đông, thuê được một “căn hộ” mà trong nhà có “furoba” (phòng tắm) chắc cũng phải thuộc loại đại gia, nên đa số khi muốn dội vài gáo đều phải tìm đến những sento (銭湯) tức là nhà tắm công cộng mà có lẽ chỉ có ở Nhật.
“Sento” chỉ có 1 cửa nhưng có 2 lối... vào: “giới tính” phân minh không lộn xộn. Sau khi làm “thủ tục trả phí” cho một người ngồi ở trên cái bục cao, thường là một cụ ông hay cụ bà, thì tiến đến một cái hộp riêng của mình (locker-ロッカー), cất xếp những đồ “lỉnh kỉnh”, rồi cứ thế mà “tuồn tuột” dứt bỏ những thứ trên người, phơi bày 100% “bộ phận chiến lược” không e ngại. Thú thật lúc đầu thì thấy kỳ kỳ” nhưng riết rồi cũng quen vì ... ai nấy như nhau và “đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây” thư thái bước vào “địa điểm tập trung” tha hồ mà dội, gội, kỳ cọ, ngâm “cả tấm thân” trong bể tắm với nhiệt độ trên 40. Lúc đầu thì cứ đưa chân vào là phải rút ra ngay vì nóng, nhưng đã quen rồi thì lại ghiền không muốn ra ngồi suốt.
Xong tất cả, “sau khi biến đổi thành một người mới”, thanh khiết từ trên xuống dưới, ta thảnh thơi làm một bình nước táo, hay một hũ sake nóng, thấy mấy người Nhật hay rủ nhau làm một ván cờ, bước ra khỏi sento thì bao nhiêu phiền toái trong ngày hầu như tan biến.
Có một bài hát nổi tiếng là Kandagawa tả cảnh chuyện một đôi tình nhân trẻ rủ nhau đi sento, “lãng mạn chịu không nổi”, chàng bắt nàng đợi đến nỗi cơn lạnh thấm đến chân tóc.
https://www.youtube.com/watch?v=hd24k9SqO-s
Nhưng từ cái ngày nước Nhật rộng ra vì “vùi sông lấp biển” để xây thêm “cao tầng”, “căn hộ” dù nhỏ đi nữa cũng có phòng tắm “kèm theo”, thì những nơi có ống phun khói dần dần biến mất, nhưng chân lý “Tắm ở nhà không thể bằng tắm truồng ở các sento” không bao giờ thay đổi.
Thay vào đó cũng là tắm công cộng nhưng “qui mô” hơn. Ra khỏi Tokyo một chút thì đầy dẫy những trung tâm này gọi chung là Onsen. Có nơi chỉ 10 phút xe hơi là có một onsen. Tuy nhiên dạo gần đây vì covi 19, các onsen lần lượt ngáp dài.
-----------------
Mấy hôm nay, vì cô vi 19, chính phủ kêu gọi: không cần thiết, không gấp gáp thì không ra khỏi nhà, nhưng mình thì không đi không được. Ngày nào cũng đi ngang một cái trung tâm tắm truồng công cộng, cho đến mới gần đây thôi, trước trung tâm để một cái bảng chình ình: Xin cám ơn quí khách đã đồng hành với chúng tôi trong suốt mấy chục năm qua, nhưng nay phải đau lòng thông báo “tan hàng” kể từ ngày, tháng, năm vì:
1/ không có khách vì cô vi 19
2/ Tòa nhà đã quá tải, quá cũ kỹ dỡ bỏ.
Tôi thấy tiếc hùi hụi vì mình đang có âm mưu.
Ngày trước, rất đều đặn, gia đình tôi thường ghé chỗ này. Vào cửa, bước đến quầy hướng dẫn, đóng lệ phí đầu tiên cho 8 tiếng “hiện diện” khoảng 1000 yen. Họ sẽ trao cho mình một chìa khóa vừa là locker có số (để tính tiền các option) và một yukata, Thay xong Yukata, mang chìa khóa cài vào tay là mình có thể thảnh thơi đi “thăm thú”. Giống như sento nhỏ bé, quân ta từ từ gỡ bỏ những thứ lỉnh kỉnh trên người và phơi ra toàn bộ các “bộ phận chiến lược”. Lầu trên tòa nhà là các hồ tắm, giới tính phân minh. Thường có khoảng 4 hay 5 hồ với nội dung là nước nóng và những thuốc pha trộn trên có ghi chi tiết từng hồ một. Bên cạnh đó sẽ có một cái phòng dùng để “đổ mồ hôi”. Sau khi dội vào người bằng những vòi sen sạch sẽ, ta sẽ thong thả đi thăm từng hồ một. Bạn ta có thể ghé phòng tắm hơi cho mồ hôi chảy thành giòng rồi lại xuống hồ.
Bước lên “trung tâm dưỡng quân” ở tầng 3, với những cái ghế giống như ghế bố xếp thành từng hàng một, làm một giấc hay “thư dãn” một chút, bên cạnh có nơi nằm chỗ nào cũng được.
Lên tầng 3 thì là “trung tâm dưỡng quân” khác, có nhà hàng, quán bar, máy đấm bóp….Ghé vào nhà hàng làm vài ly bia lạnh, một bụng yakiniku. Ăn xong thì khói sẽ bám đầy người thì ta lại xuống tầng 2 vào hồ tiếp. Và cứ thế mà đi.
Những nơi này rất tiện lợi cho những tay lái xe đường trường. Sau chuyến chuyển hàng đường dài, quân ta thường tìm những chỗ này để kyukei (休憩)làm vài chung sake nóng rồi đánh một giấc đến giờ thì chuyển hàng tiếp. Rất là tiện lợi “giá rẻ bình dân”.
Cái thú ngâm nước nóng thật là tuyệt vời, nhất là “足湯” (ashiyu-ngâm chân vào nước nóng), nó sẽ làm máu trong người dễ lưu thông hơn, thải các “chất độc bám dưới chân bàn chân”, máu toàn thân lưu chuyển điều hòa, nhất là khuôn mặt bạn sẽ tươi hơn, khỏe hơn biến thành “một con người mới”.
Những loại tắm hồ này, thì nơi đâu cũng có, Nhờ bác Google, chỉ cần vài cái quẹt quẹt là đưa bạn đến nơi về đến chốn.
Ghé Nhật phải ăn sushi, ngắm hoa anh đào, chiêu vài chung sake, không rủng rỉnh tiền thì ta vào shop 100 yen mua quà kỷ niệm, cộng thêm tắm truồng…. là bạn ta có ngay một cuộc du lịch “Vẹn thị Toàn”.
“Tắm truồng” đã lắm ai ơi!
Ai mà chưa hưởng.... buồn ơi là buồn”
---------------------
Lần tới nếu còn hứng tôi sẽ giới thiệu với bạn ta hai vật bất khả ly thân đầy kỳ niệm của cuộc đời sinh viên du học nghèo đói chúng tôi:
- cái bàn Kotasu và cái mền điện.
Thôi bye.
Vũ Đăng Khuê