Nhân vụ bắt nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh ngà 7 tháng 4/2021, chúng tôi trích đăng bài viết “Những Người Phụ Nữ Của Những Điều Có Thể”, đã được đăng trên Luật Khoa ngày 8 tháng 3/2019.
------------
Vào những ngày tháng Hai năm 2016, có một làn sóng ứng cử viên độc lập chạy đua vào Quốc hội, tạo ra một phong trào ứng cử lớn nhất ở Việt Nam sau năm 1975. Khoảng ba mươi ứng cử viên độc lập đã ghi danh và sau cùng đều bị quy trình “hiệp thương” loại ra khỏi danh sách. Nguyễn Thuý Hạnh là một trong số đó.
Khác với các ứng cử viên do Đảng cử, các ứng cử viên độc lập đều công bố chương trình hành động. Và khác với hầu hết các ứng cử viên độc lập, Nguyễn Thuý Hạnh là tiếng nói hiếm hoi đưa quyền phụ nữ vào nghị trình của mình. Cô kêu gọi thắt chặt các điều luật chống bạo hành phụ nữ, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, tạo việc làm, và thúc đẩy chính sách giáo dục và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ.
Sinh năm 1963, Nguyễn Thuý Hạnh là một người phụ nữ có tâm hồn nghệ sĩ và đầy lãng mạn ở Hà Nội. Cô tham gia các hoạt động đấu tranh từ phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc năm 2011, khi biểu tình còn là một điều đặc biệt cấm kỵ trong suy nghĩ của không chỉ quan chức nhà nước mà còn của tuyệt đại đa số người dân bình thường.
Trải qua gần tám năm, tham gia hàng chục cuộc biểu tình, bị đánh đập và bắt bớ nhiều lần, cô chứng kiến xã hội thay đổi dần, từ chỗ phản đối, đến tôn trọng và đến ủng hộ quyền biểu tình. Khi cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục nghìn người trên cả nước phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng diễn ra ngày 10/6/2018, Nguyễn Thuý Hạnh có lẽ là một trong những người hạnh phúc nhất, bởi nỗ lực bình thường hóa quyền biểu tình của cô đã góp phần thay đổi một trong những điều bị cho là “nhạy cảm” nhất trong xã hội chúng ta.
Tuy nhiên, cái tên Nguyễn Thuý Hạnh được nhắc đến nhiều hơn với sáng kiến hỗ trợ tù nhân lương tâm của cô, mang tên Quỹ 50k. Ra đời đầu năm 2018 từ một hoạt động quyên góp ngắn hạn trên mạng nhằm giúp đỡ một số nhà hoạt động bị xét xử, Nguyễn Thuý Hạnh nhận được số tiền ủng hộ gấp nhiều lần so với con số kêu gọi. Ý tưởng về một quỹ hỗ trợ cho những tù nhân lương tâm gặp khó khăn xuất phát từ một sự kiện ngoài dự kiến như thế.
Phương châm của Quỹ 50k là giúp đỡ những trường hợp khó khăn ít được công chúng biết đến. Tên gọi của quỹ là nhằm khuyến khích những người dân bình thường đóng góp một số tiền nhỏ, thay vì suy nghĩ phổ biến rằng làm từ thiện thì phải đóng góp nhiều hơn 50 nghìn đồng. Số tiền này cũng đủ nhỏ để giúp những người muốn đóng góp bớt sợ bị công an sách nhiễu.
Cho đến nay, Quỹ 50k của Nguyễn Thuý Hạnh đã nhận được hàng nghìn lượt đóng góp với tổng số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Các khoản đóng góp đều được cô thống kê chi tiết và đăng công khai lên Facebook cá nhân.
Ý nghĩa của Quỹ 50k vượt xa những hỗ trợ vật chất thông thường cho tù nhân lương tâm. Nó đánh thức những tấm lòng, động viên những người dân bình thường quan tâm đến chính trị, giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi vô hình bủa vây tâm trí. Quỹ 50k, vô hình trung, bình thường hoá những gì bị cho là “chính trị”, là “nhạy cảm”, mang những hoạt động đấu tranh đến với người dân với tất cả sự trong sáng và ý nghĩa đẹp đẽ của nó.
Là người yêu cái đẹp và sự lãng mạn, Nguyễn Thuý Hạnh vẽ nên một nét dài đầy tươi sáng của phong trào dân chủ Việt Nam.