Cậu con trai út của tôi một hôm đã nói với mẹ: “Chúng con đã được mẹ kể nghe chuyện mẹ vượt biển như thế nào, nhưng xin mẹ viết ra trên giấy để sau này con của các con có thể đọc, và hiểu tại sao chúng ở Mỹ. Và bà nội của chúng đã trải qua cuộc hành trình vượt thoát Việt Nam tìm tự do như thế nào, bởi vì con biết nếu con kể thì con sẽ không thể diễn đạt được tất cả những điều mà mẹ đã thật sự trải qua. Khi đó tôi đã hứa với câu con rằng tôi sẽ viết, nhưng rồi vì bận công việc nên cứ chần chừ mãi cho đến hôm nay. Sau một trận ốm tôi chợt bỗng ngộ ra, điều gì tôi có thể làm được hôm nay thì hãy làm đừng đợi tới ngày mai. Một suy nghĩ mà tôi thường xuyên nhắc nhở mình trong mọi công việc nhưng lại không áp dụng trong lời hứa với con. Thế thì hôm nay nhân tháng Tư tôi sẽ viết. Viết để cho các cháu tương lai của tôi khi lớn lên hiểu được là tại sao chúng sinh ra và lớn lên tại Mỹ Quốc.
Câu chuyện bắt đầu với một mùa hè của gần 41 năm về trước với những ký ức mà tôi đã còn không nghĩ tới. Câu con cả của tôi có lẽ nói đúng. Những người thuyền nhân Việt Nam vào thập niên 80s có thể kể lại những chuyện trong cuộc đời của họ nhưng lại thiếu sót câu chuyện vượt biên. Có thể vì họ quá bận rộn trong việc tạo dựng một tương lai mới khi đến được bến bờ tự do. Cũng có thể họ không muốn quay trở lại với những hình ảnh không muốn nhớ vì những câu chuyện đi theo đó thường là đã gợi lại cả một nỗi niềm đau xót quá sức chịu đựng của một ký ức đi tìm tự do.
Để cho bức tranh vượt biển rõ hơn, có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ bối cảnh sự việc sau ngày 30 tháng 4/1975, một ngày mà mọi điều trên đất nước bỗng dưng thay đổi. Ngoài những quân nhân, công nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy đi lao động cưỡng bức tại các trại cải tạo tập trung trên khắp đất nước không biết ngày về. Người dân phải sống theo chính sách thắt lưng buộc bụng của chính quyền mới. Thì những sinh viên chúng tôi cũng đã phải uốn theo một hệ thống sinh hoạt hoàn toàn xa lạ. Thời điểm đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai của Nữ Học Viện Regina Pacis, phân khoa Quản Trị Kinh Doanh, hệ 3 năm, (năm Dự Bị cho đến năm Thứ Hai.)
Dưới chính sách của chính phủ Việt Cộng, tất cả sinh viên thuộc các phân khoa kinh tế, kinh doanh, thương mại, tài chính, của các trường đại học miền Nam như Vạn Hạnh, Minh Đức, Đà Lạt, Cửu Long, Hòa Hảo, Regina Pacis, vân vân, từ năm thứ hai lên đến Cao Học nếu có lý lịch tốt và có bảo lãnh sẽ được sát nhập vào trường Đại học Kinh tế vốn là trường Đại học Luật trước đó, sau đó được phân ngành và được đào tạo theo một giáo trình mới dưới hướng dẫn của các cán bộ kinh tế, chính trị thuộc chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Những sinh viên không có bảo lãnh thì không được tiếp tục việc học mà bị đẩy tới các trường cao đẳng sư phạm hay tham gia vào các nghiệp vụ đang cần người phục vụ tại các tỉnh. Để được tiếp tục đi học, bên cạnh việc khai lý lịch giả rằng ba mẹ tôi là người lao động, tôi cũng được sự bảo lãnh từ một vài cán bộ, bạn của dì tôi từ miền Bắc vào Nam làm việc. Qua sự khai lý lịch gian dối này cộng thêm sự quan hệ với chế độ VC nhờ vào những sự quen biết từ họ hàng đó, tôi đã được Đại học Kinh Tế giữ lại và cho tiếp tục việc học ở tại thành phố Saigon.
Năm đầu tiên dưới chế độ XHCN, nhờ cậu tôi một cán bộ của chế độ mới, đã xin chuyển vào Nam để trông nom bảo vệ gia đình tôi theo như lời trăn trối của bác tôi trước khi ông mất. Tôi do không có kinh nghiệm với chế độ cộng sản và với một suy nghĩ đơn giản là sống hòa nhập trong lý tưởng phục vụ, đã rất chăm chỉ học tập trong hy vọng sau khi ra trường sẽ góp khả năng vào trách nhiệm tương lai, cũng là để đáp đền công sinh dưỡng của mẹ tôi và lo cho các em còn nhỏ dại.
Sang năm kế, đã có một vài sự việc xẩy đến cho người anh thứ ba của tôi. Vì ghen tuông với sự đào hoa của anh tôi, một cán bộ ở quận 3 đã vô cớ bắt anh tôi đi mất tích. Ngay cậu tôi cũng không thể tìm ra nơi anh bị giam, cho đến khi mẹ tôi phải nhờ đến một người bạn cũ ở trong chế độ mới thì anh tôi mới được thả trở về nhà. Lúc đó trên quận đã yêu cầu mẹ tôi không làm đơn khiếu nại sau khi anh tôi được thả trở về. Lần thứ hai công an phường lại đến nhà tôi hoạch họe khám xét. Họ lục tung mọi góc nhà từ trên xuống dưới, cố tìm cho ra được bằng cớ là anh tôi đã đi ăn cướp và tống tiền người dân. Hình ảnh hung hãn của cán bộ Việt Cộng lúc đó đã khiến trong đầu tôi bắt đầu có câu hỏi về sự văn minh, công bằng xã hội của chính quyền mới. Bên cạnh đó sự việc bản thân tôi bị phê chuẩn trên giấy lý lịch mỗi khi cần đến, rằng “bản thân đương sự tốt nhưng có anh là ngụy và bị tình nghi đi ăn cướp” cũng khiến tôi tức giận và khó chịu về sự thiếu hiểu biết của những người cán bộ phường.
Sang đến năm 1978, sau khi ra trường với bằng chuyên ngành về Kinh Tế Công Nghiệp tôi đã được phân bổ vào một xí nghiệp ở Saigon. Tại đây nhận lãnh trách nhiệm phụ tá viên Phó giám đốc kinh doanh về khâu Kế Hoạch, tôi đã giúp xí nghiệp đưa ra những đề án gia công sản xuất với đầy đủ chi tiết giá thành sản phẩm sau khi chiết tính các phí tổn từ vật tư, máy móc, lao động, vân vân. Từ con số không, trong giai đoạn đầu, mỗi kế hoạch gia công đã được tôi thực hiện từ hai tháng rưỡi đến ba tháng dựa trên tình hình thực tế tại các phòng Vật Tư, Lao Động cũng như đi trực tiếp xuống các nhà máy để tính toán và tổng hợp thời gian hoàn thành tại mỗi công đoạn sản xuất để đưa ra giá gia công thích ứng trong mỗi sản phẩm của nhà máy cũng như cho khách hàng. Ngày tôi mới bắt đầu xuống các xưởng để bấm giờ gia công của mỗi công đoạn, các nhân viên tại nhà máy đã rất sợ là nếu tôi tính giờ quá sát sẽ không cho phép họ được nghỉ ngơi, nhưng sau một thời gian chứng minh và thuyết phục cho họ thấy ý tốt của tôi trong sự bảo vệ quyền lợi công nhân thì công nhân họ lại rất vui mỗi khi tôi xuống nhà máy vì có dịp để họ hỏi han tôi về những điều họ muốn biết trong công việc.
Nơi tôi làm việc các lãnh đạo xí nghiệp đều là các cán bộ Cộng Sản hồng hơn chuyên. Những người này học vấn thuộc vào trình độ lớp 5 hay lớp 6. Ngoại trừ người phó giám đốc kinh doanh vốn tự xưng là Bác sĩ và là cháu của ông Võ văn Kiệt. Hai cán bộ một người phụ trách phòng nhân sự và một người là phó giám đốc phòng kỹ thuật thì tương đối hiền lành và gần gũi với nhân viên. Còn hai tên giám đốc và phó giám đốc kinh doanh là hai tay đại háo sắc. Sự kiện an toàn của bản thân tôi trước những hành động xàm sở của viên giám đốc xí nghiệp ngày càng trở nên ưu tiên hơn. Cho đến một hôm viên phó giám đốc kinh doanh đã bảo rằng tôi phải thoát ly theo ông ta đến một tỉnh khác làm việc. Khi mẹ tôi nghe về câu chuyện bà đã lập tức quyết định là tôi rời nước ra đi. Chỉ có cách đó tôi mới có thể tránh được những thảm họa đến cho bản thân và có thể tìm được con đường sống tự do cho tôi và gia đình. Tôi đã nghe theo lời của mẹ.
Vào một ngày trong mùa hè năm 1979, tôi đã có được giấy tờ của một người Hoa và chuẩn bị rời Việt Nam theo một chương trình bán chính thức dành cho người Hoa. Tôi được chở đến nơi tập trung ở Biên Hòa rồi sau đó được đưa tới Đồng Nai để lên tầu ra biển. Anh Tư tôi đã chở mẹ tôi đến gặp tôi lần cuối tại Đồng Nai trước khi tôi lên tầu rời Việt Nam. Ngày đó tôi 25 tuổi nhưng vẫn trẻ thơ vì cả đời chỉ sống trong vòng tay yêu thương của mẹ và gia đình. Buổi gặp mặt cuối cùng, mẹ tôi đã bóc cho tôi ăn chiếc bánh chưng tự tay mẹ nấu. Nuốt miếng bánh chưng qua hàng lệ lã chã, tôi đã lưu luyến ngồi bên mẹ trong nỗi bi thương của sự chia lìa, không biết đến bao giờ mới gặp lại.
Đến giờ ra đi, thay vì lên tầu nhỏ của mỗi toán đã đăng ký, biết rằng những tầu nhỏ của người Hoa được đóng để vượt biển thường có hai lớp để cất dấu tài sản bên trong, Việt Cộng đã khôn ngoan tịch thu tất cả các tầu nhỏ của người Hoa, và dồn tất cả những người Hoa lên một tầu lớn đó là tầu Sen On với sức chứa trên 3,500 người. Tầu này trước đó đã chở dầu đến Việt Nam và được Việt Nam thuê mướn để chở những người Hoa ra đi theo chương trình bài trừ người Việt gốc Hoa ở Việt Nam. Trước khi tầu tách bến, công an Việt Nam đã ném lên tầu những can nước Đồng Nai. Tôi xúc động khi uống những giòng nước mát ngọt này và đã thầm gọi “Việt Nam ơi” vì không biết bao giờ mới trở lại quê hương.
Chuyến tầu quá tải với 3,500 hành khách, mà khởi đầu khi lên tầu đa số mọi người đã phải xuống ở dưới hầm tầu, đã khiến không gian dưới hầm tầu thật ngột ngạt. Dưới hầm tầu mọi người ngồi sát bên nhau không có chỗ duỗi chân. Đã có những tranh chấp, ấu đã vì chỗ ngồi bị xê lệch. Đã có những trận ói mửa lên nhau vì say sóng và bịnh hoạn. Một ngày sau, sau khi ra khơi, thì mọi người được phép lên boong tầu ngồi để có không khí thở thoải mái. Sau hai ngày thì chủ tầu đã không cung cấp thêm mì khô và nước uống nữa, với mục đích đòi những người đi phải đóng thêm một, hai chỉ vàng trên mỗi đầu người với lý do chính quyền Việt Nam không chi trả cho chủ tầu đúng mức, đưa đến việc một số hành khách không đồng ý với việc chi trả thêm, với lý luận họ đã đóng đủ cho chính phủ Việt Nam mỗi người 12 cây vàng, cho nên đã nổi loạn để giành lấy thực phẩm và nước uống. Những tranh giành này ngoài lý do đói khát còn vì sự bất mãn do đồ ăn nước uống mà họ chuẩn bị cho chuyến hành trình đều đã bị để lại trên các thuyền nhỏ mà phía Việt Nam tịch thu. Hành khách trên tầu giành giật nhau từng miếng nước, nhưng khi có được nước uống thì nước lại váng bẩn do pha lẫn với dầu máy rất hôi hám kinh sợ. Ra biển chỉ vài ngày, một số cảnh tang thương đã xuất hiện. Có những người ngã chết vì kiệt sức được gia đình họ đưa xác xuống biển thủy táng vì không còn sự chọn lựa nào hơn. Cạnh đó có một người mẹ ôm con lên bong tầu để lấy không khí. Bà ngồi cạnh mép tầu, do ngủ gật, khi thuyền nghiêng vì sóng, đã vuột tay đánh rơi con xuống biển. Mặc cho người mẹ khóc gào thảm thiết, trong bóng đêm con tầu vẫn lặng lẽ lướt đi.
Ra khơi được vài ngày, đồ ăn nước uống cạn dần, nước chỉ có thể dùng để nhấp ướt môi, tình trạng thật là tuyệt vọng. Đứng trên boong tầu, nhìn con tầu lênh đênh trên biển cả. Dưới bầu trời xanh ngắt, mặt trời nóng gắt, sóng nước phản chiếu lóng lánh bạc, đẹp như những hạt kim cương. Chung quanh không thấy bến bờ mà chỉ nước và nước. Khi nhìn thấy những mảnh ván vỡ hay thùng nhựa trôi nổi lình bình trên sóng nước, tôi đã nghĩ về những con thuyền bạc phận nào đó bị đánh tan vào lòng đại dương mà ứa nước mắt.
Sau vài ngày, phần vì phơi nắng mưa, dầm sương gió, phần thì đói khát vì không có đủ thực phẩm và nước uống, cá nhân tôi cũng đã ngã quỵ. Tôi lúc đó đã rất yếu, không còn đủ sức để đứng lên, hay đi lại. Những người đi chung đã khiêng tôi vào cuối mũi tầu, nơi có một khoang nhỏ và để tôi nằm ở đó. Trong cơn mê sảng và khát nước tôi chỉ nhớ rằng mình đã cầm được một chai nhỏ bằng ngón tay trỏ, trong có một chất nước mầu đen, của ai đó để rơi cạnh chỗ tôi nằm, và tôi đã dốc cạn hết chai nước này vào miệng rồi thiếp đi. Đến khi tỉnh dậy, thì lạ lùng thay những cơn nóng sốt mệt mỏi khó chịu trong tôi đã tan biến. Khi tôi bước ra ngoài, mọi người đều kinh ngạc trước sự việc đã xẩy ra. Riêng tôi chỉ còn biết đó là ơn trời muốn tôi còn sống. Và cũng sau đó, trong suốt chuyến hành trình còn lại tôi đã không hề bị đau ốm hay kiệt sức như trước.
Một ngày sau đó, tài công lái con tầu Sen On có lẽ do ngủ gục cho nên đã đâm con tầu vào đá ngầm khiến tầu mắc cạn ở đảo Hải Nam. Chính quyền địa phương Hải Nam lúc bấy giờ hiểu được chính sách xua đuổi người Tầu đi khỏi Việt Nam của chính quyền Việt Nam cho nên đã cho người ở trên tầu xuống cư trú tạm trên bãi biển Hải Nam, chờ khi đáy tầu được sửa chữa từ những vết thủng do đá ngầm gây ra rồi sẽ đi tiếp. Thời gian ở đây chúng tôi đã được chính quyền cung cấp bánh bao ăn mỗi ngày. Để có được nước uống, thức ăn, nước tắm rửa, chúng tôi đã trao đổi với dân làng bằng những vật phẩm và tiền mà chúng tôi đem theo như xà phòng, dầu thơm, đồng hồ, nhẫn vàng, vân vân. Những ngày cuối chúng tôi ở đó, dân làng đã gánh khoai lang và bánh bao nhân ngọt thẩy vào để chúng tôi có thêm thức ăn.
Một vài tháng sau, sau khi tầu đã được sửa xong, chúng tôi lại lên tầu tiếp tục chuyến hành trình đi tìm tự do. Người chủ tầu và thủy thủ đoàn khi đó cũng rời tầu xuống ca nô, bỏ chúng tôi đi vì họ không muốn bị liên lụy pháp lý với quốc gia mà chúng tôi sẽ đến. Để thay thế, những người đi trên tầu đã kêu gọi những người có kinh nghiệm đi biển, cùng tham gia vào nhóm người tình nguyện để tiếp tục lái đưa con tầu ra khơi.
Sau khi rời Hải Nam vài ngày, trên đường đi, được sự chỉ dẫn từ những thuyền đánh cá quanh khu vực, tầu Sen On đã tiến được về hướng hải phận Hong Kong. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, những người điều hành tầu đã cho đâm mũi tầu thẳng vào bãi biển Hong Kong để tầu chúng tôi không thể bị hải cảnh xua đuổi, bắt quay ngược trở về biển cả.
Vì tội xâm nhập hải phận Hong Kong bất hợp pháp chúng tôi đã bị chính quyền Hong Kong bắt giam trong vài ngày. Sau đó chúng tôi được chuyển từ nhà giam ra nhà kho nơi tương đối không bị ràng buộc nghiêm khắc, nhưng vẫn phải chịu đựng những sự đối xử hà khắc của những người trông coi khu trại. Việc này đưa đến một cuộc nổi loạn tập thể. Người tỵ nạn viết giấy phóng ra phía ngoài hàng rào của khu trại để cầu cứu. Những nhà báo tại Hong Kong đã bắt được những lời kêu cứu này. Vào thời điểm đó những cái chết thương tâm của hàng trăm ngàn thuyền nhân tỵ nạn cộng sản Việt Nam trên biển cả đã gây chấn động lương tâm thế giới. Do thương cảm với tình cảnh liều chết ra đi của những người vượt biển, họ đã làm phóng sự và cho đăng trên báo. Sự việc đến tai Cao Ủy Tỵ Nạn tại Hong Kong. Chúng tôi đã được Cao Ủy Tỵ Nạn đến thăm và dàn xếp cho chúng tôi được hưởng quy chế tỵ nạn trong khi chờ đợi các thủ tục thanh lọc. Cuộc sống chúng tôi vì thế trở nên thoải mái hơn. Chúng tôi đã có thể tự do đi ra ngoài làm việc và có thể giúp đỡ thân nhân tại Việt Nam. Tôi ở tại Hong Kong 10 tháng thì được sang Mỹ định cư.
Cuộc hành trình vượt biển của tôi đến Hong Kong nói chung tương đối an toàn và đơn giản. Tuy nhiên với những thực tế mà tôi đã trải qua trong cuộc sống mong manh trên biển, cũng như những điều nhìn thấy trong trại tỵ nạn về cách cư xử của con người đã đập vào khối óc nhỏ bé của tôi, và cho tôi những suy nghĩ mà tôi chưa bao giờ trải nghiệm trong cuộc đời.
Trong trại tỵ nạn, tôi đã được đọc nhiều tin tức về thuyền nhân Việt Nam trên báo chí, trong đó có hình ảnh về những cô gái Việt Nam bị hải tặc Thái Lan bắt bỏ vào những đảo hoang để làm thú vui cho bọn hải tặc. Khi những cô gái này được một nhà báo người Pháp cứu thoát thì họ chỉ còn là những thân xác tả tơi với những con đĩa rúc cắn trên thân người và áo quần rách nát. Cũng có hình ảnh những người thuyền nhân, những người sau khi trôi giạt vào một đảo hoang, để tồn tại thì họ đã đồng ý cho ăn thịt lẫn nhau mỗi khi có một người sắp chết. Những người ăn thịt đồng loại này khi được cứu thoát thì tóc họ đã rụng hết và chỉ có thể bò. Mỹ đã không nhận cho nhập cư những người này, nhưng có một nước tự do được biết đã nhận họ vì lý do nhân đạo. Cũng có những câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam trên các ngả đường đi tới Thái Lan, Indonesia, hay Mã Lai, những con tầu của họ đã gặp phải hải tặc. Người trên tầu bị cướp bóc, giết chết. Phụ nữ bị hãm hiếp và bắt đi. Có những con tầu không may mắn thì đã bị vùi dập vào lòng đại dương do những trận cuồng phong sóng lũ. Đọc những tin này đã khiến tôi vô cùng đau đớn và tự hỏi: “cùng một số kiếp con người tại sao lại có những hoàn cảnh bi đát khác nhau, những đau thương đoạn trường khác nhau như thế?”
Không có sự trả lời cụ thể cho những câu hỏi về số phận con người, ngoại trừ những câu giải thích theo ý niệm của mỗi con người đã đưa tôi trở lại với những điều tôi đã được dậy bảo từ lúc còn nhỏ bởi ba mẹ và gia đình, để mà luôn học hỏi và phát triển bản thân dựa trên đôi tay, khối óc và lòng thiện tâm.
Ý thức được về sự may mắn của bản thân, mỗi ngày đi qua trong cuộc đời tôi thường hay nhìn vào cái tôi xấu xí để tự thay đổi trong tâm niệm: phải sống xứng đáng với cuộc sống mà tôi đã được ban ân bằng sự yêu thương và chia xẻ.