TỨ HÀNH XUNG !! (Hưng Yên)

Lời giới thiệu (BTVC): Ngày xưa người xưa như thế đấy

**

Tôi nhất định đòi Thày Bu tôi phải cưới Hương cho tôi. Tôi thích nàng, tôi yêu nàng và tôi phải lấy nàng cho bằng được.

Nếu Thày Bu tôi không hỏi cưới nàng cho tôi thì tôi sẽ bỏ nhà ra đi, đi giang hồ hay đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn tôi lòi ruột ra.

Chẳng thà thế chứ sống mà thiếu Hương tôi sống không được. Tôi cũng đã ngỏ ý ấy với nàng và nàng bảo hễ cứ có mai mối bên nhà tôi tới là bên nhà nàng bằng lòng ngay.

Tình yêu của tôi đối với Hương nó vĩ đại và mãnh liệt như thế có lẽ cả làng ai cũng biết. Biết nhưng có ai giúp gì được cho tôi đâu, có khi họ còn nói ra nói vô khiến Bu tôi càng quyết liệt không cho tôi lấy Hương, và khi nghe tôi doạ đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn tôi lòi ruột ra, Bu tôi còn bảo :

– Chẳng thà Tây nó bắn mày chứ Bu giết mày không được con ạ – Bu tôi rơm rớm nước mắt – Ðẻ mày ra, nuôi mày tới bây lớn sao tự dưng mày lại không muốn sống nữa hở con ? Gái làng này thiếu gì sao mày không lấy mà mày lại đòi lấy cái con tuổi Cọp ấy ? Mày tuổi Lợn mà Bu lại cưới vợ tuổi Cọp cho mày thì có khác nào Bu giết mày không ? !

Thày Bu tôi hiếm muộn chỉ sanh được có 8 người con, 5 trai 3 gái. Các chú các bác tôi người nào cũng từ 10 đến 12 con cơ.

Chỉ cái việc có 5 thằng con trai thôi mà đã gây ra một sự xì xèo rồi. Người ta bảo sanh 5 đứa con gái là sanh được “Ngũ Long Công Chúa” quý lắm, cha mẹ thế nào cũng được nhờ, tha hồ ngồi rung đùi mà hưởng. Chả thế mà ca dao Việt Nam ta đã có những câu :

Mẹ sinh con trai làm chi

Ðầu gà má lợn đem đi cho người !

Mẹ sinh con gái như tôi

Ðầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ sơi !

Lúc đầu Bu tôi làm liền tù tì một lèo 3 đứa con gái, thày tôi khoái chí bảo : “Bu mày ráng thêm 2 con tèo nữa cho đủ Ngũ Long Công Chúa, sau đó làm thêm vài thằng cu tí nữa là tha hồ mà sướng !” Nhưng Bu tôi chỉ sanh có 3 đứa con gái, kế đó lại làm một lèo 5 thằng con trai rồi thôi luôn.

Chơi tam cúc có 4 con tốt cùng loại đỏ hay đen thì gọi là tứ tử, có 5 tốt là ngũ tử. Tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, khéo chơi một chút là ăn trùm làng.

Còn đẻ mà 5 thằng con trai thì người ta lại bảo là “ngũ quỷ “, thế nào trong 5 thằng cũng có một, hai thằng chẳng ra gì.

Trong 5 anh em trai thì tôi là thằng thứ 3, nếu tính cả 3 người con gái thì tôi là thằng thứ 6.

Hai ông anh trước tôi đã lập gia đình rồi, các ông ấy củ mỉ cù mì, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Lấy vợ xong là chí thú làm ăn, chỉ mong sao nói được nghiệp nhà, cầy ruộng cấy lúa. Nói một cách giản dị là làm một anh nông dân chứ không có cao vọng gì cả.

Hai đứa em trai thì còn đi học, chúng chưa biết gì, có muốn vợ cũng phải chờ vài năm nữa.

“Nữ thập tam, nam thập lục” các cụ ta đã bảo như thế nên dù tôi mới 16 tuổi đã đòi vợ cũng không ai nói gì được.

Cái điều ồn ào nhất là tôi tuổi Heo mà lại đòi lấy vợ tuổi Cọp. Hương kém tôi 3 tuổi, mới 13 thôi mà trông cứ mơn mởn ra, mỗi lần gặp nàng là tôi chỉ muốn cắn cho một cái. Trai làng tôi nhiều thằng nhìn nàng đôi mắt cứ hau háu, thèm nhỏ dãi, nhưng chúng chỉ dám đứng xa xa mà nhìn thôi chứ không dám xáp lại gần.

Lấy vợ tuổi Cọp để về chầu ông bà ông vải sớm à ? !

Con gái tuổi Dần khó lấy chồng lắm, chả biết đã có bao nhiêu bà bị ở giá suốt đời vì sanh nhằm năm Dần và đã có bao nhiêu ông sớm ngỏm củ tỏi vì lấy phải vợ tuổi Cọp, thế nên người ta vẫn cứ kiêng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà lị !

Thày tôi ngày trước có đi lính Pháp, dù gì thì cũng đã có tiếp xúc với Tây học một tí nên không đến nỗi nào. Thấy tôi tuyên bố nhất định phải lấy Hương, dù hôm trước cưới, hôm sau có đi ngủ với giun ngay cũng cứ lấy, thày tôi bảo :

– Nó đã nhất định như thế thì mình cứ đi nói con đó cho nó. Biết đâu thằng này chẳng đặc biệt hơn người ta, tôi nghe kể heo rừng mà thuộc loại “lăn chai” thì Cọp cũng chả làm gì được !

Nghe thày tôi nói, tôi đã mừng mừng nhưng Bu tôi lại gắt lên :

– Ông có đẻ đâu mà ông đau, đã không cản nó thì chớ lại còn “nối giáo cho giặc”, không nghe cụ Lý Ngọ bảo “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung” đấy à ? Ai lại đi cưới con gái tuổi Dần về cho con mình, có mà điên !

Thày tôi cười khà khà :

– Gớm, cái lão Lý Ngọ ấy nói đã chắc gì đúng. Lão để mồ, để mả, coi hướng nhà hướng cửa, bói toán cho người khác thì được thế mà chính lão lại nghèo rớt mồng tơi !

Cụ Lý Ngọ người làng bên, làm thày địa lý và coi bói, cũng phét lác khiếp lắm. Nhờ cụ coi thế đất hoặc sửa hướng cửa, hướng nhà cho thì chỉ một bữa rượu với vài đồng bạc.

Cụ khoe là đã để mồ để mả cho nhiều người, có người nhờ Cụ mà ăn nên làm ra hoặc con cái học hành đỗ đạt làm đến tri phủ, tri huyện, còn những hạng như lý trưởng, chánh tổng thì khối.

Có điều Cụ làm cho người ta được, còn làm cho chính mình lại không được, hoặc giả là Cụ quên chưa làm cho mình nên lúc nào Cụ cũng chỉ có một cái quần cháo lòng với cái áo the thâm rách và cái khăn xếp dán nhấm tứ tung.

Một hôm đi qua trước cửa nhà tôi, cụ đứng ngắm nghía một lát rồi lững thững bước vào. Nghe chó sủa, thày tôi chạy ra, may mà đúng lúc, nếu không thì Cụ đã bị mấy con chó cắn cho te tua rồi, “chó cắn áo rách” mà lị !

Sau một tuần trà nước, Cụ bảo :

– Tại căn nhà này quay về hướng Nam , chứ nếu mà hướng Bắc thì ông đã có 5 đứa con gái thay vì 5 thằng con trai rồi !

Chắc ý Cụ muốn nói thay vì “Ngũ Quỷ” là “Ngũ Long” chứ gì. Thấy tôi ngồi học ở bàn, Cụ gọi đến cho Cụ coi, ngắm nghía một lát, Cụ phán :

– Thằng này tướng mạo coi cũng tạm được, nhưng mặt này là mặt “bán Trời không mời Thiên Lôi” đây !

Khi Cụ đi rồi, tôi nghe thày tôi lẩm bẩm :

– Làm cửa về hướng Bắc để mùa Ðông gió Bấc thổi vào cho mà chết rét, còn nhà có nhiều con gái chỉ tổ lo ngay ngáy chứ nước mẹ gì, dốt thế mà cũng bàn !

Riêng tôi, chỉ nhìn hình dáng cụ là đã chán rồi, tôi hỏi Thày tôi :

– Chắc nhà ông thày Ðịa Lý này ngon lành lắm hở Thày ?

– Không bằng cái bếp nhà mình !

Có tin vào thày bói cũng chỉ nên tin một phần nào cho nó vui thôi chứ chẳng nên tin nhiều làm gì. Những vị có chân tài, đọc nhiều, hiểu rộng và có nhiều kinh nghiệm chả nói làm gì, còn phần đông là những tay ấm ớ, nghèo rớt mồng tơi lại chỉ cách cho người khác làm giầu mới tiếu lâm chứ ? !

Cứ tin vào những điều các vị ấy tán hiêu tán vượn thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn ! Làm cái gì cũng phải coi ngày, coi giờ, hạp với không hạp, kiêng cái này cữ cái kia …

Cứ như việc lấy vợ của hai ông anh tôi thì rõ. Trước khi cưới dâu, Bu tôi đã nhờ thày so tuổi, coi ngày đủ thứ, thế nên 2 ông anh tôi mới dinh về được hai bà vợ, một bà thì như cái hột mít, còn một bà lại gầy đét như con cá hố ! Hai người con dâu này đều do Bu tôi chọn cả.

phununongthon.jpg

Tôi ấy à, nếu không lấy được người tôi yêu chẳng thà tôi ở giá cho đến già hoặc đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn lòi phèo ra chứ nhất định không chịu bắt chước mấy ông anh tôi.

Thày tôi xem chừng đã ngả hẳn về phía tôi, chỉ riêng Bu tôi là còn găng lắm, có lúc bà nổi cơn tam bành chửi tôi thậm tệ, bà nhiếc :

– Cho mày đi học ngậm bút sắt hay ngậm cái gì mà mày ngu thế ? Tử tế không muốn lại muốn rước cái của nợ vào mình.

Có lần Bu tôi lại dùng tình cảm để lung lạc tôi, bà mếu máo :

– Mày có chọc phá đền miếu nào không hở con, để đến nỗi những người khuất mày khuất mặt nổi giận mà phạt mày trở nên dở dở ương ương thế ?

Có thì bảo cho Bu biết để Bu sửa lễ tạ lỗi cho, kẻo càng ngày nó càng lậm vào thì khổ đấy con ạ, chứ cưới vợ đẹp về rồi lăn đùng ra chết thì cưới làm gì ? ! Mày nghe lời Bu đi, chọn con khác, hễ Bu nhờ thày coi tuổi mà thấy hạp là Bu cưới ngay cho !

Mặc Bu tôi nói gì thì nói, tôi vẫn khăng khăng chỉ lấy Hương của tôi thôi. Nói mãi mỏi mồm, Bu tôi bèn đổi chiến thuật là không thèm nói gì đến tôi nữa.

Trong làng tôi lại có tiếng xì xèo : “Ðã bảo là đẻ 5 thằng con trai, Ngũ Quỷ thì thế nào chả có một, hai thằng chẳng ra gì mà” !

Ngoài ra họ còn đồn tôi là thằng dở hơi hoặc điên điên khùng khùng …

Một lần Dì Năm, em gái của Bu tôi tới chơi, lấy tay sờ trán tôi như mấy bà mẹ thường khám xem con mình có ấm đầu không, rồi Dì hỏi :

– Mày có bị làm sao không thế hở con ?

Tôi hỏi lại :

– Làm sao là làm sao hả Dì ?

– Nghĩa là mày có ốm đau, bệnh tật gì không mà mày lại kỳ cục thế ?

– Con có làm gì đâu mà Dì bảo là kỳ cục ?

– Không kỳ cục làm sao mày tuổi Hợi lại đòi cưới con vợ tuổi Dần ?

– Thế tuổi nào mới lấy vợ tuổi Dần được ?

– Không tuổi nào lấy vợ tuổi Dần được !

Tôi ngập ngừng :

-Thế nếu Dì cũng tuổi Dần thì Dì có bảo là không tuổi nào lấy vợ tuổi Dần được không ?

Bu tôi đứng bên cạnh, cho là tôi hỗn với Dì, sẵn tay cầm cái chổi, bà đập lên đầu tôi cái cốp làm tôi giật mình bỏ chạy.

Thế mới biết ở đời làm chuyện gì cũng phải có quyết tâm mới được. Việc càng khó thì quyết tâm càng phải cao, chứ nếu cứ xìu xìu ển ển, đến đâu hay đến đó thì còn lâu mới thành công được.

Thày tôi tuy đã ngả hẳn về phía tôi nhưng là theo kiểu thụ động thôi, chứ Thày tôi cũng không thể bênh vực tôi một cách tích cực được, dù gì thì cụ ông cũng phải nể cụ bà chứ !

Riêng tôi, đã “chót đành phải chết”, làm một phát tháu cáy. Nếu Bu tôi theo ván bài này tới cùng có lẽ tôi phải đổi chiến thuật khác.

Thú thật, bỏ Hương để lấy người khác thì tôi không bỏ được, còn bỏ nhà đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn lòi phèo ra tôi cũng teo lắm, thế nhưng tôi vẫn phải tố một cú chót xem sao.

Một hôm tôi giả vờ sắp xếp quần áo bỏ vào một cái rương nhỏ, như đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa.

Tôi cố làm dềnh dang cho Bu tôi thấy. Quả nhiên, tưởng tôi sắp bỏ nhà đi xa thật, Bu tôi khóc bù lu bù loa :

– Ối giời ơi, con ơi ! Mày tính bỏ Thày bỏ Bu mày đi thật đấy à ? Mày muốn lấy vợ thì Bu lấy cho mày chứ Bu có cấm cản gì mày đâu ?

Chẳng qua là Bu chỉ không bằng lòng cho mày lấy cái con tuổi Dần ấy thôi. Ðẻ mày ra, nuôi mày từ lúc một bàn tay không hết, hai bàn tay không đầy cho tới bây lớn để mày giả nghĩa Thày, nghĩa Bu như thế đấy hở con ? !

Dù chỉ mới dàn giáo thế thôi chứ tôi đã định đi ngay đâu, nhưng thấy Bu tôi khóc thảm thiết quá, tôi cũng mủi lòng nước mắt, nước mũi chẩy lã chã, nói không nên lời :

– Bu không thương con thì Bu cứ để con đi chết trận chết mạc, chết Đông chết Tây cho rồi ! …

Quả thật là tiến thoái lưỡng nan. Làm cho Bu tôi tưởng là tôi sắp đi, bây giờ không đi cũng kỳ, còn đi thật thì biết đi đâu ?

Ðang lúng túng không biết phải làm sao, thì may quá, cậu Út tôi tới. Bên Ngoại tôi chỉ có cậu Út là người danh giá và có uy tín với chúng tôi hơn cả. Chẳng những cậu có uy tín với đám trẻ mà còn uy tín cả với người lớn nữa.

Cậu có bằng “Ðíp lôm” lại đang làm Nhật Trình ở trên Hà Nội. Ngày đó ở quê tôi, các vị làm văn, làm báo được coi là danh giá lắm. Cậu Út làm Nhật Trình tức là làm báo.

Thỉnh thoảng cậu mới về thăm nhà một lần, đầu cậu chải “bi-dăng-tin” bóng loáng, tóc để cánh gà úp sát vào tai, chân đi giầy “đơ-cu-lơ,” quần tây trắng, áo sơ mi trắng bỏ trong quần, túi áo cài chiếc bút máy hiệu “Kaolo,” thứ bút mà mỗi khi viết phải mở nắp rồi xoay xoay cho cái ngòi bút trồi lên, viết xong lại vặn cho cái ngòi bút tụt xuống rồi đậy nắp lại.

Ngày ấy bọn trẻ chúng tôi thì thào chỉ mấy ông làm Nhật trình mới có loại bút đó. Mỗi lần cậu Út về, cậu kể chuyện Hà Nội tưng bừng, cậu nói gì người lớn cũng như đám trẻ chúng tôi đều tin hết.

Bước vào nhà, thấy Bu tôi đang bù lu bù loa, còn tôi thì mếu máo, cậu mới hỏi đầu đuôi sự việc.

Bu tôi kể câu chuyện tôi đòi lấy vợ tuổi Dần cho cậu nghe. Ðợi Bu tôi nói xong, tôi cũng bầy tỏ nỗi lòng để cậu hiểu.

Nghe xong, Cậu cười cười hỏi tôi :

– Cháu định lấy cái con Hương, con ông Chánh Ðoàn ở xóm Giữa chứ gì ? Vừa rồi đi đường cậu cũng có gặp nó, con này được, đã thắt đáy lưng ong lại mảnh mày hay hạt …

Quay về phía Bu tôi, cậu tiếp :

– Chị mà được đứa con dâu như thế là quý lắm rồi còn đòi chi nữa. Còn cái vụ tuổi tác, hạp với không hạp, nó xưa quá rồi chị ơi. Cứ tin vào mấy ông thày bói thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn rồi hoa hồng không trưng đi trưng hoa cứt lợn ! …

Thật cậu là người ăn học có khác, Cậu nói câu nào cứ chắc nình nịch câu ấy. Chiều hôm đó, Cậu ở lại dùng cơm với gia đình tôi và cũng nhờ sự dẫn giải của Cậu mà Bu tôi nghe ra.

Cuối năm đó, tôi rước được con Cọp yêu quý của tôi về nhà. Cậu Út tôi lại còn bảo :

– Cưới vợ rồi, nếu mày không muốn ở nhà quê thì lên Hà Nội làm Nhật Trình với Cậu. Cũng phải ra ngoài để mở mắt ra với người ta, chứ cứ lúi húi thế này mãi đến bao giờ mới khôn được ? !

Người xưa có câu “Không vào hang hùm sao bắt được Cọp con” thật đúng quá sức. Tôi không chỉ vào “hang hùm” một lần, mà đã mò mẫm vào nhiều lần, có thể nói là rất nhiều lần …

Cứ thế rỉ rả tôi đã khều ra được gần một tá Cọp con, con nào con nấy đều rất dễ thương, còn con Cọp mẹ thì càng ngày càng hiền khô à. Nghe đến đây có lẽ quý vị thày bói cảm thấy ngứa tai, “nghịch nhĩ” lắm đấy : “Ừ, ba hoa cho lắm vào, đến khi lăn đùng ra chết nhăn răng mới không kịp hối !” Quý vị rủa tôi như thế cũng chẳng sao.

Tôi sinh năm 1935, tuổi Ất Hợi, còn con Cọp cưng của tôi sinh năm 1938, tuổi Mậu Dần.

Con Heo 74, con Cọp 71 … Hai con ôm nhau ngủ đã gần 60 năm nay mà chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Giả như bây giờ tôi có nhắm mắt xuôi tay mà về chầu ông bà ông vải đi chăng nữa thì cái câu “Tứ Hành Xung” của quý vị thày bói cũng là sai rồi ! …