Ngày 1 tháng 2/2021 tại thủ đô Myanmar (Miến điện) đã xẩy ra một cuộc đảo chính do tướng Min Aung Laing chủ tịch hội đồng quân nhân cầm đầu, lật đổ chính phủ dân sự do tổng thống Win Myint và “cố vấn nhà nước” (state counsellor) bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Chức cố vấn nhà nước không có thực quyền điều hành nhưng bà Suu Kyi đã được tôn lên địa vị này vì uy tín rất lớn của bà trong dân chúng. Hai nhà lãnh đạo này đã bị tạm giam và bi truy tố vì những chuyện tầm phào. Các bộ trưởng chính phủ cũng bị bắt giữ. Cuộc đảo chính đã xảy ra trước ngày tiến hành lễ trình diện và tuyên thệ chính thức của các nhân vật mới trúng cử trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 mà đa số là thuộc Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi. Tướng Min Aung Laing không công nhận kết quả bầu cử này vì cho rằng là gian lận, và vì cho rằng Ủy ban bầu cử đã lấy cớ đại dịch Covid 19 để không cho phép tranh cử đồng đều, công bằng. Tướng Laing tuyên bố tình trạng khẩn cấp một năm và hứa khi hết hạn khẩn cấp thì sẽ có bầu cử. Vô tình mà hai cuộc bầu cử tháng 11/2020 ở Mỹ và ở Myanmar đã dẫn đến những xáo trộn chính trị giống nhau. Cái khác là tổng tư lệnh Min Aung Laing thì thành công đảo chánh, còn tổng tư lệnh Trump thì thất bại trong toan tính lật ngược kết quả bầu cử trong cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1/2021 để rồi phải thất thểu như con thú hoang lui về hang động Mar-a-Lago ở Florida liếm vết thương.
Dân chúng Myanmar đã túa ra đường biểu tình chống đảo chính ở nhiều thành phố lớn và tại thủ đô Naypyidaw. Những cuộc biểu tình rất đông đảo quần chúng này đã kéo dài nhiều ngày, một nữ bác sĩ đã bị thương vì đạn bắn vào đầu khó qua khỏi. Ngoài biểu tình, những phản đối đảo chính, chống quân đội và bày tỏ sự ủng hộ Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã diễn ra bằng nhiều hình thức, qua những hình vẽ graffiti và hát hò nhẩy múa trên đường phố và trên mạng điện tử.
Nhìn vào lịch sử hiện đại Myanmar thì cuộc đảo chính này có thể kể là quân đội tự đảo chính mình.
Trước hết, Míến điện là một nước lạc hậu, nguyên là thuộc địa của Anh, gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Dưới chế độ thuộc địa, Miến điện là một phần trong vùng gọi là tam giác vàng. Tức là vùng biên giới ba nước Miến điện, Thái Lan, Lào, là nơi trồng thuốc phiện và buôn bán ma túy. Những kẻ buôn ma túy gồm nhiều gốc: như thương nhân các loại, trung ương tình báo Mỹ CIA và tình báo gián điệp Anh (để kiếm tiền hoạt động cho các kế hoạch lũng đoạn mật và đầu độc dân bản xứ). Để thấy rõ sự ác độc của Anh, xin nhắc lại ở đây rằng vào giữa thế kỷ thứ 19 Anh đem thuốc phiện vào bán cho dân Tầu và đã tạo ra 2 cuộc chiến tranh ma túy với Tầu dưới triều nhà Thanh. Nhân tiện ở đây xin nói luôn rằng lúc Pháp cai trị Viêt Nam thì cũng đem thuốc phiện vào bán công khai cho dân Việt, và lập công ty sản xuất rượu bán cho dân (gọi là “rượu ty”) để cho dân Việt say sưa quên đời. Cá nhân người viết những giòng này khi ở Hà nội, trước năm 1954, ở gần “Phố nhà rượu” (là phố có công ty chế rượu của Tây).
Khi được Anh trao trả độc lập năm 1948, Miến điện ở dưới quyền nhiều chính phủ dân sự thay đổi liên miên vì các phe phái chính trị tranh chấp. Đến 1962 thì quân đội đảo chính và quân đội nắm quyền từ đó. Bà Aung San Suu Kyi là con một chính trị gia có tiếng ở Miến, du học Anh quốc, lấy chồng là một chuyên gia sử học người Anh. Bà trở về Miến năm 1988 thăm mẹ đau nặng và đã đi vào đấu tranh chống chế độ quân đội (với sự tích cực hỗ trợ của Anh lúc đó). Bà luôn luôn đi đầu trong những cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, bị bắt và bị quản chế tại gia, nhưng lì lợm chịu đựng, và dần dần trở thành người lãnh đạo của Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (National league for Democracy) tập họp được nhiều chính trị gia các loại. Bị bắt và quản chế tại gia 1989 trong 6 năm, cho tới 1995. Và cứ thế, nhiều lần bị bắt, bị quản chế, rồi được thả. Bà đã được giải Nobel năm 1991. Bà còn được trao tặng vô số tưởng thưởng và các cấp bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học, nhiều tổ chức dân quyền nhân quyền cũng như là được nhận làm công dân danh dự nhiều nước trên thế giới. Trong khuôn khổ muốn phần nào thay đổi chính trị, chính quyền quân đội Myanmar đã để cho bà Aung San Suu Kyi tháng 12/2011 được gặp ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tiếp theo là tổng thống Obama khi công du Myanmar. Sau đó bà và nhiều thành viên Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ được ra ứng cử và thắng cử dân biểu. Năm 2015, Liên đoàn đã thắng cử lớn, trong một cuộc bầu cử tự do mà chính phủ quân đội cho phép vì tưởng rằng quân đội có ưu thế chắc thắng . Tuy vậy theo hiến pháp bà Aung không được làm quốc trưởng vì có hai con với chồng ngoại quốc, mà chỉ giữ chức “cố vấn nhà nước”. Ở vị trí này, bà Suu Kyi đã chấp nhận các chủ trương của quân đội mà Tây phưong đã chỉ trích. Nhìn vào chi tiết sự việc từ các phía thì khách quan mà nói bà Aung San Suu Kyi đã lấy lập trường chiết trung, mà không theo hướng khai thác các bất đồng nho nhỏ giữa vô số các sắc tộc Myanmar để đẩy mạnh khẩu hiệu tự do dân chủ Tây phương. Tưởng phải nói ở đây rằng Myanmar có 135 sắc tộc với 108 ngôn ngữ, không luôn luôn hòa hợp với nhau. Cụ thể và mới nhất là vụ lộn xộn người Hồi giáo Rohingya mà tổng số có chừng 1 triệu dân trong 54 triệu dân Myanmar. Câu chuyện bắt đầu tháng 8/2017 là một số dân cực đoan Hồi giáo Rohingya đã nổi lên tấn công diệt 30 đồn cảnh sát ở một làng nhỏ tiểu bang Rakhine. Quân đội đã trấn áp thẳng tay. Hai nhà báo người Miến làm cho hãng thông tấn Anh quốc Reuters khui ra vụ này và bị bắt. Tây phương đã thổi lên vụ này như là một bịt miệng truyền thông và trong chủ trương tiêu diệt sắc tộc người Hồi giáo Rohingya khiến 3/4 triệu dân này phải di tản sang nước Bangladesh kế cận. Bà Aung San Suu Kyi đã ra giải thích diễn tiến sự việc trước Tòa án quốc tế của Liên hiệp quốc (United Nations International Court) với đầy đủ những chi tiết xét sử. Bà nhận định rằng vụ Rohingya đã bị thổi phồng lên quá mức. Vì lập trường này, bà đã bị công kích mạnh mẽ bởi Tây phương . Các tưởng thưởng, các bằng cấp cũng như tư cách công dân danh dự trao cho bà bị thu hồi.
Tóm tắt, bà Aung San Suu Kyi là một người Myanmar được học hỏi huấn luyện bởi Tây phương, nhưng sau chót đã về Myanmar phục vụ cho người Myanmar theo hướng trung dung vì đất nước. Nói cho rõ thì bà đã khai dụng uy tín cá nhân lớn lao trong quần chúng Miến điện của bà để hy vọng kìm chế sự quá đáng của độc tài quân phiệt. Một cách cụ thể, bà đã không ngả theo bênh vực và bi thảm hóa số phận nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya theo ý hướng Tây phương, mà bà cho là vì mục đích để dùng như một nhóm áp lực can thiệp vào sự vận hành của chính quyền Myanmar.
Trở lại với vụ đảo chính mới đây ở Miến điện thì bản chất chỉ là do tham vọng của tướng cầm đầu quân đội Min Aung Laing. Ông này đáo hạn về hưu nhưng không muốn rời bỏ quyền lực cho nên đảo chính, phá vỡ thế quân bằng quyền lực dân sự quân sự mà bà Suu Kyi đang ở vị trí “cố vấn chính phủ” cố duy trì. Bà Aung San Suu Kyi cùng với tổng thống U Win Myint bị giữ tại gia và bị truy tố về những tội danh tầm phào. Cho tới nay tuy quân đội đảo chính nắm quyền, nhưng dân chúng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi vẫn chống đối bằng mọi hình thức và bằng sự bất hợp tác.
Tổng thống Mỹ Biden vì đang muốn gia tăng ảnh hưởng chính trị lên Myanmar cho nên đã đề ra những biện pháp chế tài cô lập chế độ để làm áp lực. Nhưng chắc không có bao nhiêu tác dụng vì quân đội Myanmar được TC hỗ trợ. Vì thế, Trung Cộng đã không bày tỏ thái độ gì về cuộc đảo chính mà chỉ chính thức “ghi nhận cuộc đảo chính” và “mong tiếp tục hợp tác làm việc với mọi phía, để duy trì ổn định”. Trong tình hình này, TC với khả năng hiện tại sẽ không ngần ngại gì mà không dấn lên chiếm chỗ Mỹ bỏ trống bằng chế tài. Loại áp lực chính trị kinh tế của Mỹ này cũng sẽ không có bao nhiêu tác động lên bà Aung San Suu Kyi. Là người đủ cứng cỏi lì lợm để mà có thể duy trì được một chính phủ dân sự từ 2015 tới nay, bên cạnh một lực lượng quân đội mạnh mẽ luôn luôn muốn lấn áp. Ngoài ra chắc bà Suu Kyi chưa quên rằng xếp của ông Biden là Obama, trong chuyến công du Myanmar nhằm gia tăng quan hệ Mỹ Myanmar sau chuyến đi mở đường của Hillary Clinton tháng 12 năm 2011, đã choàng vai và hôn bà Suu Kyi, một cách thân mật khiến truyền thông giật mình – và bà đã biết cách đối phó như thế nào lúc đó ở tư thế của một nhà chính trị phái nữ nước nhỏ đối với một thủ lãnh nước lớn kẻ cả là Obama ô dề kềnh càng.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(Ngày 19 tháng 2/2021)