Chú thích: Hình chụp là của đài truyền hình Nghệ An đang, xin trích: "Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đề nghị các địa phương chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin: thông báo đến các cơ sở kinh doanh sách để biết và yêu cầu cam kết không mua, bán, lưu giữ cuốn sách “Chiếc áo len mẹ đan” ghi tên Nhà Xuất bản Hồng Đức."
Vì lý do gì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hoảng sợ, xin mời bạn đọc nội dung truyện ngắn "CÁI ÁO LEN MẸ ĐAN" tôi chép lai và đăng trên facebook (nguồn: https://thuvien.datviet.com/cai-ao-len-me-dan.html). FB Đặng Tiến Dũng.
-------------
CÁI ÁO LEN MẸ ĐAN
Khuyết Danh
Vợ tôi cầm cái áo len lên nói: "Anh ơi, cái áo này em không thấy anh bận bao giờ, mà nó đã cũ rồi chắc anh bận không vừa nữa đâu. Thôi bỏ vào bịch cho Cô Thu luôn đi." Vừa thấy cái áo len màu nâu quen thuộc đó thì tôi đã vội vàng trả lời: "Không được đâu, cái áo này Má anh đan cho anh lúc trước. Không cho được đâu." Rồi thì tôi cầm cái áo đó bận vào. Cái áo giờ đã chật không còn rộng rãi như ngày đầu tiên tôi ướm thử.
Tôi không nhớ rõ rằng Mẹ tôi đã đan cho tôi bao nhiêu cái áo len rồi. Từ thuở tôi bắt đầu có trí nhớ thì tôi đã bận những cái áo len do Mẹ tôi đan. Tôi lớn dần lên thì Mẹ tôi lại đan những cái áo mới cho tôi. Cái áo len năm nọ màu xanh, vài năm sau tôi có cái áo len màu xám, những cái áo len mang những màu khác nhau ôm ấp hơi ấm người tôi trong những ngày mùa đông thơ ấu. Cái áo sau cùng là màu nâu, Mẹ tôi đan xong trước vài ngày tôi rời khỏi Việt Nam. Lời Mẹ tôi còn văng vẳng bên tai: "Con nhớ bận vào cho ấm, đừng để nhiểm lạnh rồi bịnh. Mẹ không có ở gần để săn sóc cho con được. Con lớn rồi nên ráng tự mình lo lấy tấm thân." Tôi biết tôi đã lớn khôn rồi nhưng đối với Mẹ tôi thì bao giờ tôi cũng vẫn còn trẻ dại. Và tôi cũng muốn mãi mãi là đứa con dại khờ suốt ngày theo vòi vĩnh Mẹ. Tôi nhớ rằng Mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi rằng Mẹ tôi thương tôi. Nhưng tình thương của Mẹ đầy ắp trong đôi mắt dịu hiền, trong những đêm không ngủ khi tôi ốm đau, là những mồ hôi nhọc nhằn cơ cực để nuôi tôi khôn lớn. Tôi thấy tình thương của Mẹ trải đầy trên đôi tay gầy guộc nhẹ nhàng thoăn thoắt những mũi đan. Mẹ đã đổi những đêm khuya khoắt không ngủ, dưới ánh đèn hiu hắt để kết tình thương thành chiếc áo ấm. Những chiếc áo len thật giản đơn, không cầu kỳ, không đượm nhiều màu sắc, không hoa mỹ như những chiếc áo bày bán trong tiệm nhưng đối với tôi đó là những chiếc áo vô giá là những cái áo đẹp nhất của đời tôi.
Tôi vẫn nhớ những lần Mẹ tôi kể những câu chuyện về quãng đời của Mẹ. Nào là những lần ruồng bố của bọn giặc Tây, của bọn lính Lê Dương, nào là những đêm Mẹ phải trầm mình xuống đầm sình suốt đêm để trốn giặc, nào là những trái mọt chê, những tràng đạn đã giết hại đồng bào vô tội. Rồi Mẹ lại kể những tên giặc Nhật dã man chém giết đồng bào. Những người dân không có miếng cơm manh áo. Có những ngày Ngoại, Mẹ và các Dì Cậu chỉ sống bằng rau cải thay cơm. Rồi cuộc đời của Mẹ tiếp nối bằng những cuộc khủng bố của Việt Minh. Mẹ kinh hoàng với những đêm ám sát, thủ tiêu, đấu tố. Mẹ đã từng nghe những tiếng xin van lơn, những tiếng khóc ấm ức nghẹn ngào oan ức và
những tiếng súng lẻ loi trong đêm vắng để rồi sáng mai sẽ có những đầu người bê bết máu treo lên giữa chợ, những đầu người với đôi mắt còn mở cắm trên những cọc tre, những xác người không đầu trồi lềnh bềnh trên sông rạch.
Tôi đến trường học hỏi để biết rằng quê hương tôi gấm vóc, để biết rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất khuất anh hùng, để tôi tự hào là người mang dòng máu Việt. Nhưng Mẹ tôi là người dạy tôi về tình thương đồng bào, tình thương dân tộc. Những lần Mẹ tôi sai tôi mang những chén cơm đến cho những người rời vùng kinh tế mới trở về lang thang đói khổ đang ngồi ủ rủ trước nhà, những tấm chăn cũ cho những người vô hộ khẩu ngủ lây lất bên hè, những chai dầu xanh, những viên thuốc cảm cho những gương mặt xanh xao, những hình hài ốm yếu. Tôi học được gì từ những thoáng mừng vui trong những đôi mắt thâm quầng buồn bã đó? Tôi học được gì từ những lời cám ơn rối rít? Có phải chăng tôi học được tình đồng bào, tôi học được tình người, tôi học được tình yêu quê hương, ôi đất nước tôi đói khổ đã quá nhiều.
Đôi tay gầy guộc của Mẹ đã đan cho tôi những chiếc áo len ấm áp. Tôi muốn dùng đôi bàn tay và trí óc của mình để đan cho quê hương tôi những chiếc áo tuyệt vời nhất. Tôi muốn xóa lấp đi những hầm hố bom đạn, đan những nhà giam, những ngục tối thành những trường học khang trang, đan những hàng cây bóng mát, những vườn hoa thay cho rào kẽm hầm chông, đan lên quê hương mình những cánh đồng lúa vàng bát ngát, đan nụ cười lên đôi môi những em bé thay cho đôi mắt lõm sâu vì đói lã. Tôi muốn đan những ánh mắt vui tươi thay cho những giọt lệ, những nét mặt khổ đau. Tôi muốn đan những tiếng hát câu hò thay cho những tiếng khóc oán than, những phấn trắng bảng đen thay cho những bức tường loang lỗ máu, những đóa hoa thay cho cùm xích Tôi muốn đan những tập vở cho các em nhỏ đến trường, những bát cơm đầy cho mọi người, những con đường thẳng tắp, những cây cầu, những thuyền bè, những làn gió mát, những đêm ngủ yên lành, những ngôi nhà xinh xắn khang trang. Tôi muốn đan một chiếc áo tự do dân chủ cho quê hương tôi để thay thế sự độc tài, đàn áp của Cộng Sản, đan cái tình dân tộc thiêng liêng thay cho cái chũ nghĩa ngoại lai độc hại, đan những câu kinh lời nguyện thay cho những lời hứa hẹn vu vơ, những câu mê hoặc mỵ dân, những lời gian dối điêu ngoa.
Tôi nhớ tôi vẫn chưa khi nào tôi nói với Mẹ tôi rằng tôi rất thương Mẹ. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng chiếc áo len Mẹ đan cũ kỹ màu nâu đó tôi vẫn còn cất giử. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng tôi đã bận chiếc áo đó trong những ngày tuyết lạnh bên đây. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng trường học đã dạy tôi thành tài nhưng tình thương của Mẹ đã dạy tôi thành người. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rằng tôi rất xót dạ khi thấy tóc của Mẹ giờ đã bạc phơ. Tôi vẫn chưa nói với Mẹ tôi rồi sẽ có một ngày khi quê hương mình không còn thống trị bởi lủ sài lang thì tôi sẽ về, sẽ đưa Mẹ tôi viếng mộ Ngoại, sẽ kể cho Mẹ nghe cuộc đời con của Mẹ.
Tối hôm đó, tôi cởi chiếc áo len và đưa cho vợ tôi để bỏ vào đám đồ gửi đi. Chiếc áo đối với tôi thật đáng quí nhưng nó thật sự quí hơn khi nó được dùng để giúp người trong cơn lạnh. Lòng tôi miên man nghĩ rồi thì sẽ có một người có chiếc áo ấm nhưng còn triệu triệu người khác thì sao?