December 26, 2021
LONDON, Anh Quốc (NV) – Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người Việt Nam vẫn tìm mọi cách đi nhập cư lậu vào Âu châu kiếm sống, nhất là vào nước Anh.
Gần đây, cơ quan điều tra đã khám phá một đường đi mới của những di dân lậu từ Việt Nam tìm cách tới Âu châu kiếm sống. Có tới 500 di dân lậu người Việt sống chen chúc như ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Belgrade của Serbia, theo bài viết trên báo Guardian hôm 25 Tháng Mười Hai.
Họ là nhân công làm cho công ty LingLong, một nhà máy sản xuất vỏ xe hơi vốn đầu tư Trung Quốc đang được xây dựng. Vụ đầu tư này, bắt đầu khởi công từ năm 2019, được ca ngợi như vàng ngọc trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh chóng giữa Belgrade và Bắc Kinh.
Hai năm sau, 500 công nhân người Việt làm công việc xây dựng cho LingLong cầu cứu vì họ bị cưỡng bách quá sức lao động trong khi ăn uống thiếu thốn, chỗ ở thì tồi tàn, bẩn thỉu. Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân của họ bị chủ nhân tịch thu hết, hiển nhiên là để họ không thể bỏ trốn.
Tin tức làm sửng sốt không những chính phủ Serbia mà cả Quốc Hội Châu Âu (EU).
Quốc hội EU đòi hỏi phải làm rõ tại sau một vụ buôn người lớn như thế ngay giữa Âu Châu lại có thể xảy ra. Tuy nhiên, đi vào chi tiết của cuộc điều tra, người ta được biết công ty LingLong chỉ là trạm đầu tiên của các di dân lậu người Việt đến nước Anh và các nước khác của khu vực Tây Âu.
Cuộc điều tra của báo Observer thấy rằng, hai nước Serbia và Romania được dùng như trạm đầu tiên để họ đặt chân tới Âu Châu qua sự tổ chức của những băng nhóm buôn người. Họ đã lợi dụng chương trình hộ chiếu thuê mướn công nhân nước ngoài (guest worker visa programmes) để đưa một số rất lớn người Việt Nam tới Đông Âu.
Tới đó, họ bị đẩy vào làm tại các nhà máy hoặc công trình xây cất trước khi được vận chuyển bằng đường bộ tới các nước Tây Âu và, hiển nhiên là Anh Quốc. Trong hành trình này, họ bị cưỡng bách lao động để trả món nợ tới 30,000 bảng Anh để có thể tới được nước Anh.
Năm 2019, dư luận vô cùng xúc động khi biết tin 39 di dân lậu người Việt đã chết ngộp trong một thùng hàng xe tải lạnh trên đường tới nước Anh. Nếu họ sống sót và chuyến vượt biên, vượt biển trót lọt, họ thường phải làm công tại các tiệm làm móng tay, làm bếp tại các nhà hàng ăn Việt Nam, làm tại các cơ sở trồng cần sa để trả nợ.
Báo chí Anh Quốc gọi họ là nhóm người nô lệ mới thời nay trên nước Anh, vẫn liên tiếp xảy ra.
Nguồn tin trên thuật lời một số di dân lậu người Việt cho hay đi từ Việt Nam tới Serbia với hộ chiếu lao động tạm thời từ nước ngoài là con đường hợp pháp và ít tốn kém nhất. Từ Tháng Tám đến Tháng Mười, khoảng 500 người được hứa hẹn cung cấp việc làm lương cao tại nước Đức, với phí tổn cả hộ chiếu lẫn vé máy bay khoảng 1,700 bảng Anh.
Một người tên Tuấn nói với nhà báo là anh ta trả tiền, qua tới Serbia do đọc một quảng cáo trên Facebook, không ngờ lại bị đẩy vào làm xây dựng cơ sở cho công ty LingLong, chứ không phải nhà máy vỏ xe của Đức. Tiền lương thì chỉ bằng một nửa những gì đã được hứa hẹn. Ở thì chen chúc tới 50 người trong một phòng nhỏ.
Đồ ăn vừa tồi tệ vừa thiếu nên nhiều phải vào rừng tìm bắt bất cứ con gì họ có thể bắt để ăn có chất thịt. Đau ốm không có thuốc men. Tuấn nói trong số những người cùng làm với anh ta ở LingLong, 30 người đã bỏ trốn qua Anh Quốc, Pháp, Đức, còn nhiều người khác đang chuẩn bị trốn.
Cuộc điều tra của báo Observer thấy rằng có nhiều đường di chuyển khác nhau mà các nhóm buôn người đưa các di dân lậu từ Đông Âu tới các nước Tây Âu. Thường là họ phải tạm trú trong những cái chòi tạm để chờ dịp xuống các xuồng máy cao su khi muốn sang Anh Quốc.
Họ phải ký các tờ cam kết không bỏ trốn. Nếu trốn, gia đình họ ở Việt Nam phải trả trong vòng một tuần lễ số tiền tương đương một năm lương. Nhiều người còn nán ở lại làm tại LingLong vì họ muốn dành dụm tiền để trả món nợ đi tới các nước Tây Âu.
Không biết đích xác số di dân lậu người Việt đến các nước Tây Âu cũng như Anh Quốc những năm qua là bao nhiêu. Chỉ thấy thống kê trong 5 năm qua, ít nhất có 231 người Việt bị cảnh sát Romania bắt. Cảnh sát Hungaria bắt 101 người trong cùng thời kỳ này.(TN) [kn]