06/11/2021
Đáng giận hơn nhiều là những gì diễn ra xung quanh nó.
Ông Tô Lâm (phải) đang được đầu bếp Nusret Gokce đưa miếng thịt bò lên tận miệng. Ảnh: Cắt từ clip Tiktok của Nusr-Et/ Người Việt. Ảnh nền: Người dân phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức ra đường đòi cứu trợ, tháng 8/2021. Ảnh chụp từ clip.
Những người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đang rần rần câu chuyện Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng tùy tùng ăn tiệc tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất ở London, Anh, nơi mà một miếng thịt bò đã có giá vài chục triệu đồng. [1]
Chưa ai biết chính xác bữa tiệc thượng lưu của các quan chức tốn bao nhiêu, nhưng cách đây vài tuần một nhóm khách ăn uống tại chính nhà hàng này đã phải trả một hóa đơn trên 37.000 bảng Anh (hơn 1,1 tỷ đồng). [2]
Miếng thịt bò dát vàng mà ngài bộ trưởng và các quan chức thưởng thức, dù to đến đâu, vẫn chỉ là chuyện nhỏ so với những thứ diễn ra xung quanh nó.
Điều đầu tiên cần nói đến, đó là câu chuyện này chỉ tình cờ bị tiết lộ khi chủ nhà hàng, một đầu bếp trứ danh người Thổ Nhĩ Kỳ, tự đăng tải video quảng bá về bữa tiệc lên tài khoản mạng xã hội (video này sau đó đã được gỡ xuống).
Nếu không có sự tình cờ này, vị bộ trưởng ắt vẫn sẽ tiếp tục thoải mái đăng đàn thuyết giảng về “tấm gương đẹp trong Công an Nhân dân” mà không chút thẹn thùng. [3]
Bữa tiệc của bộ trưởng và tùy tùng diễn ra trong một không gian công cộng, nhưng việc nó chỉ vô tình phát lộ cho thấy vai trò giám sát quan chức lãnh đạo của báo chí nhà nước Việt Nam không khác gì một con số 0 tròn trĩnh.
Ở các nước dân chủ, nơi lãnh đạo thật sự do dân bầu ra, bất kể quan chức đi đâu, công tác trong nước hay công du nước ngoài, luôn có đội ngũ các phóng viên theo dõi để làm nhiệm vụ giám sát, đưa tin cho người dân. Thực tế này rõ ràng không tồn tại ở Việt Nam.
Và đây là điều đáng nói thứ hai: ngày nào Việt Nam không có báo chí độc lập đúng nghĩa, ngày đó những tờ báo quốc doanh vẫn chỉ là nô bộc cho các lãnh đạo. Đối tượng họ phục vụ mãi mãi là những ông quan ngồi rung đùi há miệng để người khác đút thịt bò dát vàng, chứ không phải là những người dân còng lưng ra làm việc đến kiệt sức để đóng thuế cho nhà nước.
Nếu không phải là nô bộc của lãnh đạo, cách nào giải thích việc đến giờ phút này, hơn 48 tiếng sau khi video và hình ảnh về bữa tiệc của Bộ trưởng Tô Lâm đã lan truyền khắp cõi mạng, vẫn không có bất kỳ một tờ báo nhà nước nào đưa tin về sự việc, cho dù là để “phản bác các luận điệu xuyên tạc” như họ vẫn thường làm?
Khi nhìn ngài bộ trưởng công an há miệng chờ người khác đút thịt bò, tôi lại nhớ đến một vị quan chức quân đội đã dẫn đầu lực lượng chặn đường về quê của công nhân vào tháng Tám vừa rồi.
Khi hàng ngàn công nhân, không việc làm, không thu nhập, không đủ lương thực, không còn chỗ trọ, phải tháo chạy khỏi TP. Hồ Chí Minh, vị quan chức này đã khuyên bảo họ phải chịu khó thêm nữa, vì “hôm trước có miếng thịt to, hôm nay phải có miếng thịt nhỏ, đó là chuyện bình thường”. [4]
Tôi cũng nhớ lại người dân ở phường Phú Hữu, Thủ Đức đổ ra đường phản đối vào cuối tháng Tám vì không nhận được tiền cứu trợ như lời hứa của chính quyền. [5] Chỉ khi họ làm vậy thì chính quyền địa phương mới ngay lập tức phát tiền, nhưng các quan chức vẫn không quên lên lớp người dân nên “chi li, tính toán và tiết kiệm”. [6] Mỗi hộ được phát 1,5 triệu – đó là số tiền họ có sau hơn hai tháng bị cấm ra đường.
Con số lẻ này không đủ để Bộ trưởng Tô Lâm gọi thức uống trong bữa ăn của mình.
Nhưng sẽ là sai lầm nếu tập trung tất cả sự giận dữ vào ông đại tướng ngành công an.
Điều thứ ba cần được nói đến: ông Tô Lâm không phải là hiện tượng cá biệt.
Ngược lại, có thể khẳng định ông bộ trưởng là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh các quan chức chính quyền Việt Nam. Họ là những người luôn thuyết giảng về đạo đức và sự thanh liêm nhưng tài sản cá nhân và gia đình thì nằm trong vòng bí mật không bị ai đụng tới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người xây dựng danh tiếng bằng chiến dịch chống tham nhũng, lại chưa bao giờ chấp nhận công khai thông tin tài sản của mình. Ngược lại, ông Trọng còn cho rằng việc kê khai tài sản cán bộ là “vấn đề rất khó, nhạy cảm”. [7]
Đây tất nhiên không phải là “đặc sản” của chính quyền Việt Nam như món thịt bò dát vàng đặc biệt. Đây là đặc điểm chung của mọi chính quyền độc tài.
Vào tháng 10/2012, tờ New York Times đăng bài điều tra về khối tài sản trị giá hàng tỷ đô của gia tộc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc vào thời điểm đó. Ngay lập tức, tờ này bị chính quyền Trung Quốc chặn truy cập, không cho thông tin đến với người dân trong nước. [8]
Đó cũng là cách mà chính quyền Việt Nam phản ứng xưa nay với mọi tin tức trái ý.
Người dân trong nước chỉ có thể biết đến bữa tiệc tai tiếng của ông Tô Lâm trên mạng xã hội và những tờ báo bị chặn như BBC hay RFA. [9] [10]
Với những nhà báo dám đưa tin về khối tài sản khổng lồ của các quan chức, kết cục là các bản án tù như trường hợp mới đây của nhà báo Trương Châu Hữu Danh và nhóm Báo Sạch. [11] [12]
Miếng thịt bò đắt tiền của ngài bộ trưởng vì vậy chưa phải là thứ đáng để chúng ta căm phẫn.
Loại thể chế để cho kẻ như vậy ăn chơi hưởng thụ đút đầy túi riêng trong khi vẫn lên lớp rao giảng đạo đức để rồi dùng bạo lực đè đầu cưỡi cổ người dân, đó mới là thứ đáng nổi giận.