Vừa rồi trong một hội thảo, một vị Giáo sư thuộc loại hàng đầu cả nước về nghiên cứu Văn hóa đã có một phát biểu gây chấn động: “cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”.
[Chú thích của BTVC: Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD -ĐT", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm kiến nghị bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (THLHHV).]
Nhiều người băn khoăn vì sao khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” lại gây “tắt nghẽn” tư duy phản biện và hạn chế sức sáng tạo của người học (và xã hội)!
Thứ nhất chữ LỄ ra đời từ rất sớm: LỄ ra đời gắn liền với việc thờ cúng, tế tự, cầu khẩn thần linh của người Trung Quốc cổ đại, từ đó hình thành những quy định về các loại nghi thức trong các buổi lễ, diễn ra hàng năm.
Khi xã hội phân hóa thành giai cấp, giai cấp thống trị muốn sử dụng chữ LỄ thành những nguyên tắc quan hệ giữa các giai cấp với nhau nhằm bảo vệ đặc quyền của giai cấp thống trị.
Khổng Tử lại nâng chữ LỄ lên phạm trù chính trị là những “khuôn phép xã hội” nhằm duy trì trật tự phong kiến. Khổng Tử dùng LỄ để bắt người dưới phải luôn cung kính, phục tùng người trên, giai cấp thấp phải tuân phục giai cấp thống trị.
Chữ LỄ như ý nghĩa ở trên gắn với chữ Bộ LỄ: Bộ chuyên lo việc nghi thức; Thọ mai gia lễ: những thủ tục trong việc ma chay …
Chữ Lễ trong câu khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn lâu nay bị một số người hiểu với ý nghĩa trên, đơn giản là lễ phép, lễ độ, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, chào hỏi kính trọng người trên, trên nói dưới phải nghe, hoàn toàn tuân phục…
Chữ LỄ với nguồn gốc và ý nghĩa như vậy quả thực đã hạn chế sức sáng tạo, tư duy phản biện của con người nhất là trong giáo dục.
Nhưng theo thời gian chữ LỄ đã thay đổi ý nghĩa cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội và theo ngữ cảnh:
LỄ còn được xem là đạo đức, chuẩn mực sống cho phù hợp với xã hội và nhân sinh.
Câu khẩu hiệu Tiên học lễ hậu học văn trong ngữ cảnh của nó có ý nghĩa là trước hết phải học nghĩa lý của đời, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết. Khi đã lĩnh hội được LỄ thì thì sẽ có được VĂN (kiến thức, kỹ năng) và mới đem cái VĂN để sống thành người tử tế, sống có ích, sống có ý nghĩa đối với cuộc đời và xã hội. Học giỏi, kiến thức rộng mà không có đạo đức, lương tâm coi như hỏng nếu không nói là … nguy hiểm!.
Lại nữa, chữ Lễ trong ngữ cảnh này gần với chữ “lương tâm” trong câu nói “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn rụi của tâm hồn”. Cái LỄ theo nghĩa này hoàn toàn không ngăn cản người học và cả xã hội mất khả năng phản biện, mất khả năng sáng tạo. Không những không mất mà còn mạnh dạn sáng tạo và nhất là phản biện một cách đúng đắn trên tinh thần xây dựng. Giữ đúng Lễ một học sinh, sinh viên không bắt buộc phải làm y theo văn mẫu, phải chấp nhận sai trái của Thầy; cấp dưới phải tuân phục hoàn toàn theo cấp trên để… ngồi tù cả đám!
Với ý nghĩa của chữ LỄ như vậy một học sinh, sinh viên, một nhà khoa học sẽ không huênh hoang tự đắc, coi thường thầy cô bạn bè, coi thường dư luận xã hội mà sẽ sống khiêm tốn đúng mực, đúng những giá trị đạo đức của xã hội, thượng tôn pháp luật, tôn trọng nhân quyền!.
Chuyện một vị giáo sư đầu ngành trong lãnh vực hàng không khi về thăm trường cũ đã quỳ xuống để vấn an thầy học (đang ngồi) được coi là: Tiên học LỄ hậu học … hàng không. Nếu mấy vị GSTS nhớ câu: Tiên học Lễ hậu học văn thì có lẽ nhiều bệnh nhân tim sẽ được cứu sống dưới bàn tay tài năng của ông và không có cảnh một “quan chức” ngồi uống bia và giơ tay ra phía sau bắt tay … thầy giáo cũ, rất phản cảm.
Lẽ nào vị Giáo sư Tiến sĩ đầu ngành do phải sống trong một nền giáo dục, một xã hội quá sức áp đặt (của người trên) và sự quá sức thụ động (của người dưới) nên đã nóng giận mà đưa ra một đề nghị vội vàng thiếu bình tĩnh chỉ mang tính hàn lâm, kinh viện và thiếu cân nhắc!
Lê Thí