2021-11-18
Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản (JMSDF) cho biết, các tàu hải quân của Nhật Bản và Hoa Kỳ vừa tiến hành cuộc diễn tập tác chiến chống tàu ngầm đầu tiên giữa hai nước ở Biển Đông. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tokyo đẩy mạnh các hoạt động hàng hải chung với các đối tác phương Tây và Đông Nam Á ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực.
Việc triển khai tàu và máy bay ở Biển Đông của Nhật Bản - điều được xem là phù hợp với chiến lược biển của nước này đối với Đông Nam Á - chắc hẳn sẽ vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, nước có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông.
Một tuyên bố từ JMSDF cho biết tàu khu trục trực thăng JS Kaga, tàu khu trục JS Murasame, một máy bay tuần tra hàng hải P-1 và một tàu ngầm không được nêu tên đã tham gia cuộc diễn tập hôm thứ ba (16/11) cùng với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Milius và một máy bay tuần tra hàng hải P-8A của Hải quân Mỹ. Tuyên bố này không tiết lộ địa điểm chính xác của cuộc diễn tập.
“Trong hoạt động này, tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản (JMSDF) đã tiến hành diễn tập tác chiến chống tàu ngầm đầu tiên với Hải quân Mỹ ở Biển Đông, giúp cải thiện hơn nữa kỹ năng chiến thuật của chúng tôi cũng như khả năng phối hợp hoạt động giữa JMSDF và Hải quân Mỹ ” – Tuyên bố của JMSDF hay còn gọi là Hải quân Nhật Bản cho biết.
Theo các quan chức quốc phòng Nhật Bản, các tàu nói trên của nước này cùng với bốn máy bay trực thăng, một tàu ngầm lớp Oyashio và một máy bay tuần tra hàng hải là một bộ phận của Nhóm Triển khai Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2021 (IPD21). Thuộc Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản, nhóm IPD21 được thành lập nhằm thể hiện sự quan tâm và cam kết của Tokyo đối với một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “tự do và cởi mở” cũng như cam kết hợp tác của Nhật Bản với hải quân của các quốc gia khác trong khu vực.
Nhóm IPD21 bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 8 và các tàu thuộc nhóm này dự kiến sẽ quay trở lại Nhật Bản vào ngày 25/11.
Trước cuộc diễn tập chống tàu ngầm, tàu khu trục JS Kaga và JS Murasame của Nhật đã tiến hành diễn tập song phương vào ngày 14/11 với chiến hạm BRP Joze Rizal của Hải quân Philippines sau khi thăm cảng thuộc Vịnh Subic của Philippines.
Hai tàu khu trục của Nhật cũng thăm cảng Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam từ ngày 5-7/11 và tham gia một cuộc diễn tập thiện chí với tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng (thuộc lớp Gepard) của Hải quân Việt Nam.
Nhật Bản cho biết, trong nửa cuối tháng 11, hải quân nước này sẽ có thêm các cuộc diễn tập song phương và đa phương. Đáng chú ý nhất, từ ngày 21-30/11, sẽ có hai cuộc diễn tập đa phương giữa Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Mỹ, Hải quân Hoàng gia Úc, Hải quân Đức và Hải quân Hoàng gia Canada tại các vùng biển xung quanh Nhật Bản.
Tổng cộng 20 tàu và 40 máy bay của Hải quân Nhật, 10 tàu Hải quân Mỹ, hai tàu Hải quân Úc, một tàu Canada và một tàu Hải quân Đức sẽ tham gia các cuộc diễn tập này.
Sự thay đổi quan trọng về chính sách
Nhật Bản - quốc gia có hoạt động quân sự bị hạn chế bởi hiến pháp chủ hòa thời hậu Thế chiến II – đã có thay đổi lớn trong chính sách an ninh dưới thời của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Kể từ đó, Hải quân Nhật đã tăng cường sự hiện diện và các hoạt động hàng hải chung ở Biển Đông nhằm thúc đẩy một ‘trật tự dựa trên luật lệ’ trong khu vực.
“Nhật Bản đã tăng cường đáng kể năng lực của mình nhằm thể hiện sức mạnh hàng hải đồng thời bỏ qua những điều cấm kỵ kéo dài nhiều năm trong chính sách an ninh của mình. Về mặt địa chính trị, đó là sự hồi đáp trước nhận thức ngày càng cao về rủi ro mà chương trình hiện đại hóa quân sự và tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc mang lại” – ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á đồng thời là một giáo sư tại Đại học Temple ở Tokyo cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây với Đài Á Châu Tự do (RFA).
“Nhật Bản tham gia vào nhóm Quad (nhóm hợp tác 4 bên giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) và là quốc gia ủng hộ và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở - một khái niệm được đưa ra nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các cuộc diễn tập hải quân chung và các hoạt động khác” – Giáo sư Kingston nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Biển Đông giờ đây đóng một phần quan trọng trong chiến lược hàng hải của Nhật. Tokyo đang thực hiện cách tiếp cận đa phương trong chiến lược này để phản đáp lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), hơn 40% thương mại hàng hải của Nhật Bản đi qua Biển Đông.
Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông “mang đến một mối quan ngại lớn nữa đối với Nhật Bản”.
“Nhật Bản có truyền thống hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải cho các quốc gia Đông Nam Á, hỗ trợ từ các cuộc diễn tập chung, các cơ hội tập huấn tại Nhật Bản cho nhân sự quốc phòng cho đến chuyển giao thiết bị” - báo cáo cho biết.
Trên trang web của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế, ông John Bradford, Giám đốc điều hành của Hội đồng Yokosuka về Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương nhận định: Việt Nam và Philippines – hai quốc gia nằm giữa khu vực phía Bắc của Biển Đông và bên cạnh căn cứ tàu ngầm quan trọng của Trung Quốc trên đảo Hải Nam – đã trở thành những đối tác an ninh hàng hải quan trọng của Nhật Bản.
Ông Bradford cũng cho biết thêm: “Mối quan hệ của Lực lượng Phòng vệ trên Biển của Nhật Bản với Hải quân Philippines là mối quan hệ phát triển nhất trong số các quan hệ đối tác của lực lượng này ở Đông Nam Á”.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, JMSDF đã cung cấp 12 tàu tuần tra, 13 xuồng cao tốc, một hệ thống radar giám sát bờ biển và các hoạt động huấn luyện cho Hải quân Philippines. Đối với Việt Nam, JMSDF đã chuyển giao sáu tàu tuần tra và bảy tàu đã qua sử dụng cùng các thiết bị liên quan.
Nhật Bản đang tiến hành một số lượng lớn các dự án nâng cao năng lực cho các quốc gia ở Biển Đông vì “Đông Nam Á rõ ràng đã trở thành một mắt xích mới trong chiến lược hàng hải của Nhật Bản”- ông Bradford nhận định.