Sáng nay, tôi ngồi xem báo và lướt qua Face, nhức nhối nhiều khi đọc hai bài viết về cung cách đối xử của học trò đối với thầy khi mình đã thành danh.
Bài thứ nhất, kể lại câu chuyện một thầy giáo mới đề nghị gọi thầy cô đã dạy mình cùng trường là anh chị, khi hắn về công tác chính ngôi trường đã học, hắn đã sánh ngang thầy cô cũ dạy mình ngày xưa. Nếu mai mốt leo lên chức vụ cao, không biết anh ta sẽ có thái độ như thế nào?.
Bài thứ hai, nêu một trí thức trẻ thành danh khi ra nước ngoài, về thăm lại trường cũ điểm danh thầy cô giáo cũ của mình một cách láo xược “Ai là thầy cô giáo cũ của tôi xin đưa tay lên?” Các thầy cô giáo cũ lẳng lặng ra về trong buổi họp mặt. Không hiểu trong đầu óc anh ta ngộ ra điều gì, trước thái độ vênh váo của mình?
Chừng đó cũng đã nói lên sự xuống cấp đạo đức của nền Giáo Dục hiện tại. May mắn thay, ba mươi bốn năm đứng trên bục giảng và đã giã từ bảng đen phấn trăng gần sáu năm rồi: tôi vẫn may mắn được học trò cũ gọi tiếng Thầy thân thương ; dù học trò ngày xưa ấy đã thành danh và có đôi em còn già hơn thầy. Một chút an ủi và niềm tự hào cho bản thân. Câu chuyện "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" ở nước ta không thiếu như thầy giáo Chu Văn An khẳng khái dâng sớ xin vua chém đầu bảy nịnh thần, hay cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu "Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà..." Riêng câu chuyện trọng thầy của nước Pháp trong tác phẩm Tâm hồn cao thượng của Hà Mai Anh (Hoàng Thiếu Sơn dịch là Những tấm lòng cao cả), Bộ trưởng Carnot khi đi ngang qua ngôi làng của thầy giáo dạy mình học vỡ lòng ngày xưa, đã đi bộ vào thăm thầy cũ mấy chục năm về trước trong một dịp đi công cán. Thật là một câu chuyện cảm động mà tôi đã đọc trên năm mươi năm, không bao giờ tàn phai trong kí ức.
Thực trạng đạo đức bị xói mòn như hiện nay, mọi người trong xã hội cần phải quyết tâm xây dựng một nền giáo dục tốt đẹp thực sự, ít ra cũng bằng được mươi năm về trước so với thời điểm hiện tại. Lực bất tòng tâm, chỉ một vài ý kiến nói lên những khiếm khuyết của ngành. Mong mọi người cùng nhau xây dựng một nền giáo dục hoàn thiện, hoàn mỹ để đất nước vươn lên kịp với thời đại vì Lương Sư mới Hưng Quốc.