“…những con số biết nói, nó nói lên, chẳng có cái trụ điện nào từ Mỹ trở về Việt Nam cả, mà rõ ràng là, cái trụ điện ở Việt Nam được ra đi, chắc bây giờ, dân tộc tôi phải thắp đèn dầu mãi mãi…”
**
Cách nay hơn một tháng, đích xác là vào ngày 15/8, một phi cơ dân dụng, cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất, mang theo một gia đình đã từng là quan chức, đảng viên, rời Việt Nam, đến Mỹ định cư. Hà cớ vì sao người ta phải vội vã rời Việt Nam đến như vậy, ngay sau khi có visa Mỹ không bao lâu?
Nhất là khi, mặc dù Sài Gòn đang dịch bùng phát, phải di chuyển từ Trung Trung Bộ vào, với một cái giá cắt cổ, đi lại khó khăn, qua bao nhiêu chốt chặn, trong khi, họ đến Mỹ định cư theo diện đầu tư? Xin được tóm tắt sơ qua gia thế của họ, cũng giống như bao gia đình quan chức, đảng viên khác, là cực kì giàu có. Có thể nói ở Việt Nam, mặt vật chất, người ta không thiếu bất kì thứ gì.
Chưa kể, mối quan hệ với tầng lớp giàu sang là rất nhiều. Tôi dùng từ giàu sang, chứ không dùng từ thượng lưu hay quý tộc. Vì lẽ, hầu hết, bây giờ ở Việt Nam, giàu sang đồng nghĩa với trọc phú, chứ sự tử tế và nét quý tộc đối với họ, là điều xa xỉ. Như trường hợp nhắc đến ở trên, là bạn thân của vợ của Giám đốc công an tỉnh Q.N, và hàng loạt mối thâm tình với quan chức cấp cao.
Dầu vậy, từ nhiều năm trước, con cái của họ đã đến Úc, diện kết hôn, hay đến Mỹ diện du học, sau đó mua nhà, đầu tư hàng triệu đô la, để gia đình thông qua đó, bên nhau đoàn tụ bây giờ. Về lí thuyết, khi bạn có visa của Mỹ hay bất kì một quốc gia nào, thì bạn có quyền thong thả nhập cảnh vào nước họ, theo khoảng thời gian khả thể được quy định, chứ không cần phải vội vã, khi mà vấn đề công việc không thúc bách.
Đặc biệt, rời tổ quốc hiện tại, để đến định cư ở một quốc gia mới, bây giờ không như ngày xưa, phải vượt biên lén lút trên những chiếc thuyền ọp ẹp, lênh đênh giữa trùng khơi vạn tử nhất sinh. Mà bây giờ, có thể nói, người ta vượt biên trên những chiếc phi cơ hạng sang, kèm một vali thiếu quần áo, nhưng đầy đô la. Phải chăng, bây giờ, họ bỏ nước ra đi, vượt biên như thế, bởi đất nước có bao giờ được như thế này chăng?
Không riêng trường hợp kể trên, mà tôi biết hàng trăm trường hợp tương tự. Trong đó, có không ít là bạn bè của tôi, bằng cách này hay cách khác, chọn bỏ tổ quốc ra đi, làm lại từ đầu, cho con cái họ, cho thế hệ huyết thống ngày sau. Tất nhiên, đã gọi là bạn bè của tôi, thì họ chắc chắn không phải là quan chức hay đảng viên. Quý vị có thể hình dung, ở Việt Nam, cuộc sống của họ là niềm ao ước của bao người, nhưng chấp nhận bỏ lại tất cả, là vì lẽ làm sao?Hồi tháng 3 năm nay, một báo cáo của Chủ tịch nước, gửi tới Quốc hội cho biết, từ 7/2016 - 12/2020, có 24.370 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch khác. Các quốc gia, vùng lãnh thổ công dân Việt Nam cư trú sau khi xin thôi Quốc tịch Việt Nam, nhiều nhất là Đài Loan, có tới 10.245 người nhập quốc tịch Đài Loan (chiếm 42%). Đài Loan cũng là nơi có số lượng công dân Việt Nam nhập quốc tịch nhiều nhất sau khi xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Tiếp đó, có 9.292 người xin thôi quốc tịch Việt Nam nhập quốc tịch Đức. Ngoài ra, có 1.418 công dân Việt Nam xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch Hàn Quốc. Và, một số quốc gia, vùng lãnh thổ nhiều người Việt Nam xin thôi quốc tịch để nhập quốc tịch mới là: Singapore (884 người), Nhật Bản (734 người), Hồng Kông (471 người), Nauy (450 người), Hà Lan (256 người), Áo (130 người), Mỹ (91 người),...
Trong khi đó, chỉ có 1.598 trường hợp xin nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam, mà chủ yếu đều là từ Lào, chiếm 90%, với 1443 trường hợp. Quả thật, những con số biết nói, nó nói lên, chẳng có cái trụ điện nào từ Mỹ trở về Việt Nam cả, mà rõ ràng là, cái trụ điện ở Việt Nam được ra đi, chắc bây giờ, dân tộc tôi phải thắp đèn dầu mãi mãi.
Có quá nhiều lí do, để có thể giải thích cho vấn đề vì sao bằng nhiều cách, giới nhà giàu và nhiều giới khác, chọn bỏ tổ quốc ra đi. Trong khi hệ thống tuyên truyền rằng, Việt Nam là một đất nước bình yên, chỉ số hạnh phúc, một đất nước đáng sống nhất nhì thế giới. Nhưng, tựu chung lại, để nhìn nhận đánh giá một đất nước có đáng sống hay không, dựa vào 3 tiêu chí: y tế, giáo dục và lòng trung thực.
Đặc biệt sự trung thực là nền tảng của một xã hội văn minh. Thử hỏi bạn có thể có một giấc ngủ an yên, một cuộc sống an nhiên hay không, khi bạn phải sống bên cạnh một người gian tra, hay rộng hơn, là trong một xã hội mà ở đó, mọi thứ đều giả dối. Đó là tất cả lí do vì sao, đã 46 năm trôi qua, kể từ khi đảng phái tiếm quyền cai trị, sau khi họ thống nhất địa lý, giang sơn mà tổ tiên người Việt, phải trải qua hàng nghìn năm gìn giữ. Nhưng, Người Việt vẫn lũ lượt bỏ nước ra đi, đến tận hôm nay, và không có ngày dừng lại.
Vẫn biết rằng, mọi chọn lựa đều có lí do hợp lẽ của nó, nhưng vẫn buốt đau, khi mà, đi hết rồi, đất nước sẽ về đâu?
Đàm Ngọc Tuyên