Nhìn vào phương thức vận hành tự do của những xã hội mở như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, vân vân, với những tranh cãi thường xuyên của các phe nhóm, những vận động bất tận cho các quyền con người trong xã hội, những con người có tư tưởng độc tài, mặc cảm, thiếu tự tin đang cầm quyền tại Việt Nam có thể sẽ hãi sợ. Đối với những người này, dung túng sự tranh cãi, mặc cho diễn tiến tự nhiên, thì sự vận hành tự do cởi mở trong một xã hội tự do dân chủ là một mối đe dọa cho phe đảng của họ. Sẽ khiến cho họ mất vị trí lãnh đạo, tiệm tiến hay đột xuất. Sẽ khiến họ phải chia xẻ quyền lợi phe nhóm và/hay đảng phái của họ với những tổ chức hay phe nhóm khác. Một lo ngại khác là vì vận hành xã hội mở là đặc thù của các chế độ Tây phương cho nên để cho tự nhiên như vậy là dẫn đến sự lũng đoạn của Tây phương, mà rút cục cũng làm họ mất quyền thống trị.
Với mặc cảm và sợ hãi mất đi quyền cai trị đất nước nếu mở cửa đất nước theo hướng dân chủ tự do, đảng CSVN đã phải ôm chặt lấy cái xác của CNXH, nhưng để thoát khỏi sự bần cùng lạc hậu hệ quả của nền kinh tế XHCN từ sau 1975, mặt khác lại muốn dành đặc quyền đặc lợi kinh doanh tư bản cho các tư bản đỏ trong Đảng, Bộ Chính Trị Cộng sản Việt Nam kể từ năm 1986 đã đưa ra quyết định đưa đất nước đi trên con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quyết định này tuy nhiên chỉ rõ nét từ sau khi thành đồng Liên Sô sụp đổ, chủ nghĩa Mác Lê/Cộng sản bị vất vào sọt rác lịch sử. Cho đến nay, những nước vẫn còn bám víu lấy chủ nghĩa cộng sản như Việt Nam, Trung quốc hay Cuba, thực sự chẳng qua chỉ còn trên danh nghĩa. Trên thực tế các chế độ này đã trở thành một thứ Cộng sản biến thái, kết hợp sự cai trị độc tài với một nền kinh tế thị trường tư bản mà chủ yếu là tư bản nhà nước với nhiều thành phần tập thể, phe phái, hay cá nhân nhờ liên hệ với chế độ mà có tiền có bạc. Dưới chế độ CS biến thái này, Việt nam về mặt chính trị lệ thuộc hoàn toàn vào TC, không những qua đường đảng mà còn qua đường kinh tế tài chính. Với chính sách đó, VN đã có một bộ mặt phồn vinh giả tạo của một xã hội tiêu thụ, bề ngoài hào nhoáng, nhưng chênh lệch giầu nghèo rất lớn. Như câu tục ngữ “kẻ ăn không hết, người làm không ra”. Người dân nói chung không ai thích, mà chỉ có tâm trạng sống qua ngày. Tâm trạng này được khuyến khích bởi đảng và chính phủ bằng những hoạt động đủ loại giải trí, thể thao, ca vũ nhạc… Kỹ thuật này chẳng khác gì kỹ thuật thực dân Pháp đã thi hành thập niên 1930 -1940, hướng cảm tính người dân vào những thương mây khóc gió, những trò vui dễ dàng, ngay cả vô ý thức, để quên đi cái thân phận nô lệ làm nẩy ra ý tưởng chống Pháp. Thí dụ cụ thể là hình ảnh Nguyễn Xuân Phúc mặt sáng rỡ, hai tay cầm cái giải thưởng bóng tròn trong cuộc tranh giải vùng, dơ cao như báu vật quốc gia. Hay như hình ảnh một cô gái động cỡn cởi quần áo trần truồng cầm cờ đỏ sao vàng phất chạy trên đường phố đông đảo trước cả giàn thông tấn viên và máy thu hình thu âm nhà nước. Khi dân đã tìm quên như thế thì những thành phần trách nhiệm cái cơ chế thống trị độc tài yên lòng ở vị trí của mình không lo ai đụng đến nữa.
Trong cái tâm thức mải vui này, người dân chẳng ai cần ngó ngàng gì đến chuyện chọn người cầm quyền, lãnh đạo. Đó là lý do mà nhà nước đã phải tổ chức những đoàn thanh niên thanh nữ trẻ trung ca hát hấp dẫn thúc dục người dân bỏ phiếu, ngay cả những bệnh nhân yếu mệt nằm trong nhà thương không đủ sức nhấc tay. Thật là trớ trêu. Từ chỗ sợ dân không bỏ phiếu cho mình vì ghét độc tài độc đoán, phải tìm vui cho dân, đến chỗ dân không để ý gì đến chính trị, nhà nước lại phải tìm cách làm sao cho bỏ phiếu trở thành cái thích! Rút cục cả nước từ quan đến dân đều sống cuộc đời cụ thể vô vị, mà sự hứng thú nếu muốn có chỉ có thể là cố tin vào thiện chí của “Trên” trong khẳng định rằng đất nước đang đi trên con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghĩa là trong giai đoạn mà kinh điển đảng gọi là “quá độ” (“với những thiếu sót vì khả năng chung bất cập,”) để tới một ngày mà mọi người, khi tiến tới được thiên đường cộng sản chủ nghĩa, sẽ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Điều mai mỉa tuy nhiên, trong khẳng định “tiến lên chủ nghĩa xã hội” này của tổng bí thư Nguyễn phú Trọng trước Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội vào năm 2013 lại đã kèm theo sự công nhận rằng con đường XHCN vẫn “còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa…”
Sự thành thật bất ngờ này của ông Trọng không khỏi làm cho nhiều người ngây thơ nhìn về tương lai với an ủi thầm trong lòng rằng “hy sinh đời bố củng cố đời con” giật mình chới với. Còn đại tá Phạm Xuân Phương, từng công tác nhiều năm trong Cục Chính trị Quân đội Nhân dân VN, đã chẳng ngần ngại gì mà không bóc mẽ nhà lãnh đạo cao nhất đảng, giải thích sự phát biểu của ông Trọng chung tất chỉ vì quyền lợi. Theo đó ông Trọng tuy biết con đường đi tới XHCN là con đường không tưởng, nhưng vẫn cương quyết đất nước phải đi theo con đường đó bởi vì: “Ông ta ngu dốt lại hưởng tất cả mọi quyền lợi thì việc gì mà thay đổi trong khi ông ta lại đang làm vua ở xứ sở này. Những cái đó nó quan hệ với nhau, tạo ra những mối ràng buộc. Và cứ như thế mà ông ta hót. Trí thức Việt Nam, kể cả những người bảo hoàng nhất, cũng không thể nào nghe và chấp nhận việc ổng nói nữa.”
Kết cục, hệ quả ngày hôm nay nhìn thấy trên đất nước Việt Nam là những người nào có sức, đều đang xoay trở tìm đủ cách xuất ngoại bất kể nguy hiểm hay vi luật, để sinh sống, dù là bằng những nghề mạt hạng, trong những nước tư bản hay những nước Ả Rập lắm tiền nhờ có mỏ dầu hỏa. Chuyện 39 “thùng nhân” chết ngạt khám phá ra ở Essex Anh quốc chưa mấy ai quên thì lại mới xẩy ra vụ những người vượt eo biển Manche gặp nạn được cứu vớt và hai trẻ thiếu niên 15 tuổi không biết tiếng Anh, con một nhà ngoại giao VN được đưa lên phi cơ đến phi trường Heathrow London, thả bơ vơ ở đó, chờ nhân viên bộ Xã hội Anh tới làm giấy tờ hợp pháp hóa hỗ trợ nuôi dưỡng theo diện nạn nhân buôn người vị thành niên. Ấy là chưa kể đến những người đi đường bộ bán chính thức qua Tầu qua Nga và những nước Hồi giáo Trung Á chết dấm dúi đủ cách trong rừng núi hay thảo nguyên. Tất cả những người này đều là những thành phần từng đóng góp trực tiếp hay gián tiếp để xây dựng lên chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN với khẩu hiệu ba chữ “Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc”.
Biết nói gì hơn về một đất nước mà hầu hết mọi người từng vun bồi xây dựng nó, nay đều chỉ muốn bỏ ra đi?
Tuệ Vân
Ngày 24 tháng 10 năm 2021