Ai đã từng sống ở Hà nội vào nửa thế kỷ trước, đã không bao giờ quên được cái linh hồn của một thành phố được mệnh danh là "Hà thành thanh lịch", nơi tập trung của những "trai thanh, gái lịch", là xứ "ngàn năm văn vật", nơi quy tụ những tinh hoa của đất nước. Hà nội còn được ca ngợi là đất "địa linh, nhân kiệt".
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An.
Cái truyền thống thanh lịch của người Hà Nội không phải chỉ gây dựng trong một sớm, một chiều mà có được. Cái phong thái thanh lịch đó, phải có sẵn trong nề nếp gia đình, và được tiếp nối từ đời này sang đời khác, từ trước khi đứa trẻ sinh ra đời, để rồi theo thời gian lớn lên, đứa trẻ cứ theo cái nếp nhà có sẵn, để rập khuôn theo cách cư sử, phép giao tế, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt, của những bậc trưởng bối trong gia đình. Thêm vào đó, là sự theo dõi, uốn nắn, dạy dỗ của các bậc phụ huynh. Các cụ rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái, vì "Quốc có quốc sách, gia, có gia phong". Theo với thời gian, sự tôi luyện âm thầm và bền bỉ, đã biến cậu con trai, thành một thanh niên phong lưu trong tư cách, lịch lãm trong giao tế, để mạnh dạn bước ra góp mặt với đời. Và người con gái, thành một thiếu nữ đức hạnh, đảm đang, đủ khả năng để quán xuyến một gia đình mới, khi tới tuổi trưởng thành.
Hà nội có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, phân biệt rất rõ ràng. Mùa Thu về, ánh nắng chói chang của ngày hè đã dịu dần, không khí trở nên mát mẻ, và dễ chịu hơn. Tới cuối thu, tiết trời se se lạnh, chỉ còn những tia nắng hanh yếu ớt rớt bên thềm nhà, vào những buổi chiều. Trên bầu trời, lãng đãng những đám mây bàng bạc. Lá xanh trên cây, chuyển dần sang màu vàng, và lác đác rơi rụng trên mặt đất, để lại những cành cây trơ trụi. Cảnh trí mùa thu, coi hiu quạnh, nhưng lãng mạn, và nên thơ! Tô điểm thêm, là hình ảnh các thiếu nữ Hà thành, tươi trẻ, duyên dáng trong những tấm áo nhung mượt mà, và những chiếc khăn quàng quấn hờ hững một cách kiểu cách quanh cổ. Nhìn bóng dáng tha thướt, yểu điệu của các giai nhân, trái tim chàng trai nào mà không thổn thức, rung động ? Mùa thu Hà nội, là nguồn cảm hứng cho các thi sĩ, sáng tác nên những vần thơ lãng mạn, và tạo rung cảm để các nhạc sĩ viết nên các khúc nhạc tuyệt vời.
Mùa thu đặc biệt có tết Trung thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, có hai sản phẩm thiên nhiên, trời đất dành tặng riêng cho dân Bắc hà là: hồng và cốm. Hai món quà này là lễ vật không thể thiếu trong nghi thức "sêu tết" của các cuộc hôn nhân. Mùa thu còn là mùa kết hợp lứa đôi, gọi nôm na là mùa cưới.
Tết Trung Thu không trang trọng, và mang nhiều nghi thức phức tạp như Tết Nguyên đán, nhưng lại là nguồn vui cho đủ mọi lứa tuổi, nam, phụ, lão, ấu. Tết Trung Thu là dịp để các bà mẹ, bà cô, bà chị, trổ tài nữ công gia chánh, bày những mâm cỗ tháng 8 công phu, với đĩa con giống đủ cả 12 con giáp, các chú chó bông, khéo léo làm bằng các múi bưởi với đôi mắt bằng hạt nhãn đen nhánh. Tỉa các loại hoa, loại trái cây, các con thú, từ các củ xu hào, củ cà rốt, trái dứa, trái ớt xừng trâu....trông thực tinh xảo. Đây là dịp để các bà mẹ chồng tương lai đi tham quan, đánh giá, và lựa chọn cô con dâu khéo léo. Buổi tối ngày Tết Trung Thu, trẻ em tụ họp, cùng nhau ca hát, và rước đèn. Các cụ, cũng mời mọc nhau tới nhà, khề khà uống rượu, ngâm thơ để chờ thưởng trăng vào lúc nửa đêm. Trăng rằm tháng 8, vừa tròn, vừa sáng. Món ốc nhồi lá gừng là món ăn thịnh hành để uống rượu thưởng trăng. Ốc rằm tháng 8, vừa béo vừa dòn. Ăn xong, các cụ nhâm nhi chén trà thơm, tráng miệng bằng bánh nướng, bánh dẻo, ngâm nga những bài thơ do chính các cụ sáng tác. Một đêm Tết Trung Thu trọn vẹn và đầy thi vị.
Mùa thu là mùa cưới của người Hà nội. Đó là theo truyền thống, nối tiếp nhau từ thời xa xưa, chứ không có quy định nào trên văn bản. Phải chăng vì mùa thu, cảnh trí nên thơ, thời tiết ôn hòa, thích hợp cho sự kết hợp lứa đôi. Cũng có lẽ vào mùa thu, công việc gặt hái đã hoàn tất, mùa màng đã thu hoạch xong xuôi, mọi gia đình đều sung túc, và rảnh rang lo tới việc nhân duyên cho đôi trẻ? Hoặc do người ta muốn thực hành câu: "cưới vợ để ăn Tết". Đám cưới vào mùa thu, đầu năm đã tới Tết Nguyên Đán, nhà thêm người, vì có cô dâu mới. Tết càng thêm vui! Cưới vợ mùa thu, đôi vợ chồng trẻ sẽ cảm thấy ấm áp hơn, vì ấp ủ nhau, trước những cơn gió bấc lạnh thấu xương của mùa đông.
Theo thống kê của Tòa Thị Chính Hà nội, vào năm 1950, thì 85% các đám cưới ở Hà nội đều được cử hành vào mùa Thu, bắt đầu từ đầu tháng 8 âm lịch và chấm dứt vào tháng 2 âm lịch, đầu năm mới.
Đám cưới cổ truyền dân tộc phải tuân theo nhiều nghi thức. Khởi đầu, khi hai gia đình được người trung gian, gọi là "mai mối" giới thiệu. Họ bắt đầu thăm dò gia cảnh, sự nghiệp, và tuổi tác của cô dâu, và chú rể. Khi đã vừa ý, thì nhà trai xin cử hành "Lễ chạm ngõ", mục đích, là để hai gia đình kết thân, và chính thức chấp nhận cuộc hôn nhân cho con cái họ. "Lễ chạm ngõ" được cử hành đơn giản, chỉ có vài người trong thân tộc tham dự. Lễ vật cũng đơn sơ, dăm gói trà, vài hộp bánh, chai rượu, nhưng 2 món "trầu" và "cau", nhất định là phải có. Theo phong tục, "miếng trầu chạm ngõ, là trầu bỏ đi.", nên trong trường hợp nhà trai hoặc nhà gái, về sau, vì một lý do nào đó, không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân, thì hai bên sẽ.....chia tay trong hòa bình. Sau "Lễ chạm ngõ", nếu mọi chuyện diễn tiến "thuận buồm xuôi gió", thì hai bên coi ngày lành tháng tốt để cử hành "Lễ ăn hỏi". " Lễ Hỏi" là lễ lớn, có sự chứng kiến của đầy đủ họ hàng 2 bên. Nhà gái có thể "thách cưới" bằng cách đòi hỏi nhà trai tiền bạc hay nữ trang cho cô dâu, và hàng trăm phần bánh, phần trà, để đem biếu cho khắp họ hàng, bạn bè thân sơ, mục đích là để thông báo con gái của họ đã... có nơi có chốn. Phong tục "thách cưới", cũng thay đổi tùy theo từng địa phương, và từng gia đình. Sau "Lễ hỏi", nếu nhà gái đổi ý, không muốn tiến tới "Lễ Cưới", thì phải bồi hoàn cho nhà trai những lễ vật đã nhận. Tuy nhiên, nếu nhà trai đổi ý, không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân, thì phải chịu mất các lễ vật đã cho nhà gái. Sau lễ hỏi, nếu mọi chuyện xuông xẻ, hai gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để cử hành "Lễ Cưới". Lễ cưới của các gia đình khá giả, có tính cách đình đám, và phô trương. Ăn uống kéo dài tới 3, 4 ngày. Khách khứa đầy nhà, gia nhân dập dìu, và tiệc cưới có đầy đủ các món "sơn, hào, hải, vị"...
Nhiều khi đám cưới không được tổ chức ngay sau đám hỏi, mà kéo dài hàng năm, vì các lý do như chưa được ngày tốt, tang chế trong gia đình, hay chú rể đi làm xa.... Trong thời gian chờ đợi ấy, nhà trai, mùa nào thức ấy, phải đem lễ vật tới nhà gái gọi là "sêu Tết". Nếu một đám cưới quá vội vã, không đi "Sêu Tết" được một lần, sẽ bị thiên hạ chê cười, là keo kiệt, thiếu lịch sự. Có nhiều dịp "Sêu Tết" trong một năm, nhưng vào dịp lễ Trung Thu là quan trọng nhất. Quà sêu tết là những phẩm vật trong thiên nhiên, mùa nào thức nấy. Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, là gạo nếp, ngỗng, hoặc chim ngói. Tết Nguyên Đán, là cam, bưởi, mứt, trà sen, và bánh cốm. Người ta "kiêng", không đi sêu tết vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng 7, vì sự tích "Mưa Ngâu", từ câu chuyện "Ngưu lang, Chức nữ", tượng trưng cho sự phân ly.
Lễ sêu tết vào dịp Trung thu, hai phẩm vật chính của thiên nhiên, là "hồng" và "cốm". Hai phẩm vật được ghép đôi, tượng trưng cho sự kếp hợp toàn vẹn của hôn nhân. Trong một chiếc "quả" khảm xà cừ, trải vuông nhiễu hồng, hai màu sắc trái ngược, đỏ của "hồng" và xanh của "cốm", nằm sát bên nhau, tạo nên một bức tranh tuyệt vời, vừa rạng rỡ, vừa ấm cúng. Khi xếp những trái hồng đỏ, chín, căng mọng, trên vuông nhiễu hồng trải trong chiếc "quả", nhà trai phải khéo léo, nâng niu, và gượng nhẹ, vì hồng chín rất dễ bị dập nát. Bên cạnh những trái hồng, là những gói cốm làng Vòng bọc lá sen, vuông vức, và xinh xắn. Cốm làng Vòng được nổi tiếng về phẩm chất thơm ngon và tinh khiết. Gói cốm, được cột bằng các sợi rạ mỏng manh còn dính theo vài hạt lúa non. Cốm đầu tháng 8, là những hạt lúa non còn ngậm sữa, vị ngọt dịu dàng, hương thơm thanh thoát. Không biết nhà nghệ sĩ nào đã nghĩ ra cách dùng lá sen để gói cốm? Ấp ủ trong tấm lá sen, cốm giữ được bản chất mềm mại của hạt lúa non, và hương thơm nhẹ nhàng, thanh cao của " hạt giống của trời". Ăn cốm đầu mùa, người thưởng thức cảm nhận sự thăng hoa của vị giác và khứu giác cùng một lúc.
Khi nhà gái nhận lễ vật "sêu tết" từ nhà trai đem sang, thường không lấy hết, mà để lại một phần, gọi là "lại quả", tức là biếu lại nhà trai. Trong nghi thức cưới hỏi, nếu nhà trai thiếu phần đi "sêu Tết ", hoặc nhà gái nhận đồ, mà không "lại quả" cho nhà trai, thì sẽ bị thiên hạ chê cười, là gia đình kém hiểu biết, và không lịch sự.
Phong tục "sêu tết", chỉ được chấm dứt sau lễ cưới. Hai vợ chồng trẻ, từ đây có nhiệm vụ đem quà biếu tới cha mẹ hai bên, trong các dịp Lễ và dịp Tết. Sêu Tết là các nghi thức rất quan trọng ở các gia đình thành thị, khá giả. Tuy nhiên phong tục sêu, Tết cũng thay đổi theo từng vùng, và hoàn cảnh từng gia đình.
Hôn nhân của nửa thế kỷ trước, hiếm khi đến từ tình yêu, vì trai gái không có cơ hội tiếp xúc, mà đa số là do các người trung gian "mai, mối". Những người đó, không ai khác hơn là các bạn bè, họ hàng, thân hữu của 2 gia đình. Các gia đình có con gái vừa tới tuổi trưởng thành, khoảng 16, 17 tuổi, cũng tìm mọi cách để ...chiêu hàng, tức là giới thiệu con gái cho thân hữu, bạn bè được biết. Các bà mẹ cầm những "dây hụi", và lợi dụng các đám giỗ, đám tiệc, các buổi hội họp, tạo cơ hội cho con gái...ra mắt khách khứa, bằng cách để các cô chạy đi chạy lại phục vụ bữa ăn, bưng trà, rót nước, đưa khăn lau tay. Nhiều bà mẹ còn quảng cáo...lộ liễu là chính tay con gái làm món bánh này, nấu món ăn kia, làm khách khứa hết lời khen ngợi. Cũng nhờ sự tận tụy chiêu đãi của các bà mẹ, và sự nhiệt tình tiếp tay của bạn bè và thân hữu, các cô gái, con nhà tử tế đắt chồng như... tôm tươi. Thông thường, ngày xưa, tuổi người con gái lập gia đình là từ 17 tới 22. Cô nào tới tuổi 26, mà còn độc thân, là cha mẹ bắt đầu sốt ruột. Nhiều gia đình giàu có, nhờ bắn tiếng mời chào, và hứa hẹn cho con gái một số hồi môn không nhỏ. ....
"Môn đăng, hộ đối", là chủ đạo cho các cuộc hôn nhân khi xưa. Cũng nhờ vào sự tương xứng giữa hai gia cảnh, và nếp sống, cô dâu tránh được cảnh bỡ ngỡ, và mau chóng thích nghi, hòa hợp với gia đình nhà chồng. Và chú rể cũng dễ hội nhập vào gia đình nhà vợ..
Các cuộc hôn nhân thời xa xưa, thường là xuôi chèo mát mái, ít bị tai tiếng vì những cảnh xô xát, hay bỏ nhau. Tuy nhiên, họ có hạnh phúc hay không, thì khó mà đoán biết!. Người xưa, coi trọng thể diện, nên khéo léo che đậy, dấu diếm những chuyện bất hòa trong gia đình. Hơn thế nữa, nền văn hóa Khổng Mạnh, dậy cho người phụ nữ nết nhẫn nhịn, và phục tòng. Họ lại không có một nền tài chánh độc lập, sống nương tựa vào người chồng, nên không dám mạnh dạn tranh đấu, dù có bị đối xử bất công....
Hôm nay đây, hơn nửa thế kỷ đã qua đi, đất nước đã trải qua biết bao nhiêu cảnh thăng trầm, dâu biển. Mùa thu Hà nội, vẫn lạnh lùng vận hành theo đúng qui luật tuần hoàn của vũ trụ, những chuyển biến của trời đất, vạn vật, không có gì đổi thay. Có thay đổi chăng, là con người và cảnh trí của Hà nội. Hà nội ngày nay, không còn một di tích nào của "Hà thành thanh lịch" 50 năm về trước. Các "nam thanh, nữ tú" của thời xa xưa, nay đã ...thay hồn, đổi xác, để thích ứng với cuộc sống chụp giựt của xã hội hiện tai.
Mùa thu Hà nội vẫn còn đó, nhưng linh hồn của những mùa thu Hà nội năm xưa, nay chỉ còn là những chiếc bóng mờ trong ký ức, Ôi! tiếc thay mùa thu Hà nội, vang bóng một thời, với những con người thanh lịch, cảnh trí thiên nhiên đầy thơ mộng, và những nghi lễ tôn nghiêm cổ truyền, đã dần đi vào quên lãng, và rồi đây, sẽ mai một với thời gian.
Đoan Nghi
09/2021