Trước đây có người nói “You are what you eat”, tức bạn ăn gì thì bạn là thế đó. Nhưng đó là về mặt thể xác.
Câu nói ngày nay nên là: “You are what you read”, tức bạn đọc gì thì bạn là thế đó.
Đầu óc chúng ta bị chi phối bởi thông tin mình đọc. Nhất là khi mình tin tưởng, cho nó là thật.
Nhưng nếu mà cứ đọc, nghe, xem… những tin chưa kiểm chứng, hoặc có thói quen tin răm rắp những gì mình nghe mà không hỏi tại sao, nguồn từ đâu, làm sao biết được thật hay giả, v.v… thì rốt cuộc trong đầu mình toàn tin giả không mà mình không ý thức.
Vấn đề là gì? Là khi đã bị nhồi nhét nhiều tin giả, nhiều rác rưởi trong đầu quá rồi, khả năng để nhận diện ra được hư thật sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Tin giả là gì? Tin giả (fake news) có hai loại: thông tin sai lệch/xuyên tạc (disinformation) và thông tin không đúng sự thật (misinformation).
Tổ chức UNESCO định nghĩa rằng disinformation là thông tin sai lệch và cố tình tạo ra để gây hại cho một người, nhóm xã hội, tổ chức hoặc quốc gia. Đây là tin xuyên tạc. Misinformation là thông tin sai nhưng không tạo ra với mục đích gây hại.
Ngày nay, những thành phần muốn tác động vào niềm tin và tư duy của người khác thì chính họ hoặc BOTs giúp họ tạo ra bao tin giả, dựa trên niềm tin, lòng mong muốn và định kiến sẵn có của một hay nhiều người.
Khi tin giả đã đi vào đầu quá sâu đậm rồi thì người ta dễ trở thành cực đoan, và mù quáng. Cộng với định kiến hay thiên kiến và mong muốn sẵn có trong lòng, người ta chỉ muốn đọc những gì hợp với nhãn quan của mình. Nghe thấy sướng hơn; thích thú hơn. Những thứ thông tin khác nghe nghịch nhĩ lắm. Và họ kết luận nó toàn là tin giả thôi. Bởi vì làm sao có thể là tin thật được sau khi chính họ đã đọc được quá nhiều thông tin giả như thế kéo dài bấy lâu nay.
Tuyên truyền luôn luôn là một quá trình tiệm tiến. Mưa dầm thấm đất. Không có ý thức/self-awareness và tư duy phản biện thì … chịu thua.
Vâng, đó là tình trạng của nhiều người hiện nay, nhất là những người sử dụng mạng xã hội, như Facebook. Và đặc biệt là người Việt Nam mình.
Điều lo ngại hơn nữa là sự cực đoan một chiều. Những ai nói khác họ, suy nghĩ khác họ, đều là “ác”, “ngu”, “thiển cận” v.v… Họ xúm vào chửi rủa và dùng những ngôn từ nặng nề nhất dành cho người khác quan điểm với mình, trong khi họ đề cao mục tiêu tự do, dân chủ, nhân quyền nữa chứ. Thật là mối âu lo lớn.
Nhưng những người này cho rằng họ có chính nghĩa. Có người trong nhóm họ tin rằng mình đấu tranh cho công bằng, lý lẽ, sự thật v.v…
Cho nên niềm tin, định kiến, lòng hăng say và vô lý/irrational biến người ta trở thành những cánh tay nối dài của những thuyết âm mưu và kẻ chủ mưu tạo ra tin giả.
Đi xa hơn nữa, có người còn cho rằng những cơ quan truyền thông nào phê bình, không ủng hộ quan điểm của mình thì đều là tin giả hết. Những ai dám nói lên sự thật thì bị cho là thành phần âm mưu nằm trong chính quyền (Deep State).
Nếu có quyền lực trong tay, mọi người nghĩ sao nếu những người ủng hộ hay chống ai cực đoan như thế thì họ sẽ đối xử với truyền thông tự do nói riêng và tự do ngôn luận nói chung như thế nào?
Trong lịch sử, đây là một bước tiến đến gần độc quyền truyền thông và độc quyền sự thật mà các nhà nước độc tài, phi dân chủ, đã từng thực hiện trước đây.
Thật là một cuộc đảo chánh đầy ngoạn mục!
https://en.unesco.org/fightfakenews
(Lượm trên mạng)