Đầu giờ sáng nay trong một buổi họp online ở trường, để làm ấm buổi sinh hoạt, người hiệu trưởng đã đưa ra đề nghị các người trong phòng họp cùng chia xẻ một kinh nghiệm đáng ghi nhớ của bản thân trong các thập niên 80s hay 90s. Đến lượt mình, tôi đã chia xẻ về ký ức của một buổi sáng sớm đứng đợi xe bus để đi làm tại một góc đường tại thành phố San Antonio vào thập niên 80s. Thời đó tôi mới chân ướt chân ráo đến nước Mỹ như một thuyền nhân tỵ nạn Cộng sản, rất ngây thơ và chân thật, đi làm lao động như một phương tiện mưu sinh, trong khi chờ đợi cơ hội được trở lại trường học. Với công việc trong một đội may giây chuyền, may quần Jeans, tại hãng Jeans nổi tiếng Levis Strauss, hàng sáng vào lúc 4:30 giờ, tôi đã đứng đợi xe bus để đi đến chỗ làm việc. Sáng hôm đó trời khoảng 45-50 độ F, nhưng gió thổi mạnh đã khiến cho không khí trở nên lạnh nhiều hơn. Khi đó, thoạt đầu nhìn thấy những người đứng đợi xe chung quanh tôi bỗng dưng chạy theo nhau, nhẩy múa, ca hát, và chạy quanh cây cột đèn đứng đợi xe bus, tôi đã nhận xét hành động của những người này là điên quá, thiếu tư cách. Thế rồi trong khi đứng chờ xe bus, trong cái tư thế bất động đứng yên, cái lạnh se sắt của mùa Đông và những cơn gió lùa mạnh của buổi sáng sớm đã khiến cho toàn thân tôi như trở nên đông cứng. Khuôn mặt, mũi, và các ngón tay của tôi bỗng trở nên tê ngứa và đau nhức, như bị kim châm. Trong khoảng khắc đó tôi chợt hiểu hành động chạy vòng quanh của những người xung quanh. Và rồi chính tôi cũng đã nhập vào giòng người chạy quanh cái cột đèn, để cho máu được lưu thông và để cho cơ thể trở nên ấm áp, không còn cảm giác bị đông lạnh và tê cứng. Cũng từ buổi đó con người tôi đã trở nên thay đổi. Tôi đã hiểu biết hơn. Sự nhận định về con người một cách hời hợt trên những khía cạnh luân lý đạo đức vốn chỉ một chiều của tôi trước đây mà tôi được học, nay đã bắt đầu đi từ góc nhìn của phía người đang bị phán xét. Tôi đã biết cảm tạ cuộc sống đang phát triển đi lên, và quý trọng sự chịu đựng gian khổ của những người lao động nghèo nhưng có niềm tin và nghị lực. Chia xẻ của tôi đã nhận được những lời cám ơn, và những cái ôm thân thiết qua không gian, của người hiệu trưởng cũng như những thầy cô khác.
Là một người rất là lý tưởng, lớn lên trong không gian mầu hồng với tình thương cao cả của mẹ, và sự thương yêu của gia đình và người thân, cuộc đời tôi từ ngày vượt biển ra đi tìm con đường sống tự do cho bản thân và gia đình, nói chung là đã gặp nhiều gian khó và cay đắng nhưng với nghị lực và quyết tâm tôi đều đã vượt qua tất cả. Mỗi một trở ngại đối với tôi là một kinh nghiệm quý giá để hiểu thêm về bản thân và cuộc đời, để trân trọng hơn về cuộc sống. Như tất cả mọi người, tôi đã có những giây phút nóng nẩy, sai lầm, những nuối tiếc. Nhưng tôi đã không tiếp tục đứng đó để thương tiếc hay tự khổ chính mình hoài. Tôi đã tiến lên với khối óc tự tin của mình, với đôi bàn tay nhỏ bé. Quyết tâm truyền đạt cho hai con những suy nghĩ cốt lõi của cá nhân về đời sống, về xã hội. Dậy cho hai con nghị lực, luân lý đạo đức, và sự tự tin vào khả năng từ ngày còn chập chững. Bảo vệ cho hai con bằng tất cả hơi thở trước những giông tố của cuộc đời như của một con chim ưng mẹ. Tôi đã làm tất cả những gì có thể trong tầm tay để vừa có thể đứng vững trên xứ người, vừa giúp được người thân, và có thể hướng dẫn được con trẻ nên người thành đạt. Từ những kinh nghiệm sống của bản thân, tôi hiểu rằng trên con đường đời, nền tảng gia đình và môi trường đất nước rất là quan trọng cho sự phát triển thành công của tuổi trẻ, của thanh niên. “Dậy con từ thủa còn thơ”, tôi vẫn nhớ những lời của người xưa và cha mẹ dậy. Các thanh niên khi khôn lớn, khi trưởng thành, có thể có những hướng đi riêng, nhưng nền tảng suy nghĩ và hành động của họ ít nhiều vẫn chịu ảnh hưởng những điều họ được hướng dẫn khi còn trẻ dại. Sự tự tin rằng “tôi có thể làm được điều đó” của một cá nhân không chỉ là một khẩu hiệu xuông mà là một nhận thức được hình thành dần dần trong đầu do sự so chiếu, tự tin nơi chính khả năng, với những thông điệp khuyến khích và những trợ giúp cụ thể từ gia đình, từ thầy cô và trường học.
Thập niên 80s, thế giới đã mở cửa đón nhận những đoàn người chạy trốn chế độ CSVN tìm tự do, gọi chung là thuyền nhân tỵ nạn cộng sản Việt Nam. Những thanh niên Việt Nam đến với nước Hoa Kỳ vào giai đoạn đó phần nhiều là có học, ít nhất là đang học bậc Trung Học, Đại Học hay đã tốt nghiệp Đại Học. Những lớp thanh niên này không những có ý chí cầu tiến, lại có chí khí, có lòng yêu nước, có sự tự trọng, không ngại gian khổ quyết tâm vươn lên trong xã hội mới, lạ đủ mọi mặt nhưng đầy cơ hội cho những người tự tin chấp nhận thách thức. Những thành phần thanh niên này hiện nay đa số đã thành công. Sau khi ra trường họ đều đã có những công việc tốt, tương xứng với khả năng của họ. Họ giờ đây đã, hay đang đi vào giai đoạn về hưu với những cuộc sống ổn định.
Tại Việt Nam, bốn mươi lăm năm sau ngày 30 tháng 4, 1975, dưới chế độ cộng sản toàn trị mà quy luật hoạt động là dối trá, làm láo báo cáo hay, làm giả ăn thật, thanh niên Việt Nam giờ đây cũng tìm những con đường đi ra nước ngoài để có tương lai. Những cơ hội ra đi của họ tuy nhiên đã được khai dụng qua nhiều cách khác nhau. Những thành phần có tiền hay con em cán bộ cộng sản, đa số đi chính thức chỉ để hưởng đời. Một số nhằm lấy một tấm bằng Mỹ để về nước có cớ chiếm chỗ ngon cơm nhờ cổ cánh, móc ngoặc. Những người khác thì chạy ra nước ngoài để hốt bạc ngay cả bằng những phương cách bất lương, như được biết qua trường hợp “thùng nhân” chết trên xe đông lạnh khám phá ra ở London. Sự thành công nếu có chỉ là tiền, mà mức độ chung thì không vượt trội lắm. Khác với chế độ VNCH ngày xưa, thanh niên đi nước ngoài là để du học. Dưới chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay, xuất cảng thanh niên ra nước ngoài lao động là một kế hoạch lớn của đảng và nhà nước để thâu thuế cho chế độ. Để được đi nước ngoài, nhiều thanh niên và gia đình họ đã phải vay mượn, thế chấp nhà cửa để có tiền mua giấy phép xuất ngoại. Sang đến nước ngoài, những thanh niên này phải lao động cật lực để trả nợ đã vay, ngay cả đi vào những hoạt động bất hợp pháp kiếm tiền nhanh. Do đó họ đã không còn thời gian và sức lực để mà đi học và tiến xa hơn, cho dù trong số họ có những người có ý chí, có khả năng học hỏi.
Thực tế đất nước đôi khi làm lòng người thao thức, nhưng là một con người lạc quan, tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ có một ngày chế độ độc tài và tham nhũng cộng sản không còn trên đất nước Việt Nam, để trong và ngoài, những con người Việt yêu nước có thể cùng bắt tay nhau, giúp đất nước kiến tạo lại, tạo điều kiện cho tuổi trẻ Việt Nam vươn lên cùng thế giới.
Tuệ Vân
Ngày 17 tháng 9 năm 2020.