10 tháng 9 2020
10 phát ngôn đáng chú ý tại phiên xử Đồng Tâm
Vụ án Đồng Tâm được xem là một trong những sự việc đặc biệt nghiêm trọng. Sau ba ngày xét xử, đã có những phát ngôn khiến dư luận chú ý.
Sáng 9/9, chỉ sau hai ngày xét xử, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.
BBC News Tiếng Việt điểm lại một số phát ngôn của thẩm phán, VKSND, luật sư và bị cáo đáng chú ý trong ba ngày vừa qua.
Tại hôm đầu tiên của phiên sơ thẩm ngày 7/9, các luật sư bào chữa đã làm đơn khiếu nại vì phiên tòa có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng bao gồm:
Các luật sư không được tiếp xúc với thân chủ tại tòa.
Tòa không triệu tập các bên liên quan như bà Dương Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình), bà Nguyễn Thị Duyên (vợ bị cáo Lê Đình Uy) cùng các cơ quan chức năng.
Các luật sư không được sao chép tài liệu, video được cho là bằng chứng của vụ án.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 7/9, bà Nguyễn Thị Duyên, vợ bị cáo Lê Đình Uy xác nhận có mặt tại gần tòa án nhưng không được vào và bị một số người mặc thường phục đuổi đi.
Theo các luật sư, Thẩm phán Trương Việt Toàn - đã công khai tuyên bố việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa không cần thiết vì trước đó các luật sư đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trong trại giam.
Trả lời các kiến nghị này, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Trương Việt Toàn cho biết ông Nguyễn Đức Chung và các đơn vị quân đội, lực lượng chức năng tôi nêu không có gì liên quan đến vụ án. Trong khi đó, dưới thời ông Chung, UBND TP Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an TP Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.
Theo báo Thanh Niên đưa tin, hàng trăm chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng được huy động đến đảm bảo an ninh cho phiên xét xử. Các ngả đường vào Tòa án nhân dân TP Hà Nội đều được thiết lập hàng rào cứng, khoảng 10 chiến sĩ túc trực để hạn chế tối đa người vào khu vực tòa.
Theo tường thuật của các luật sư Ngô Anh Tuấn, phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, không có người nhà nào của các bị cáo và cũng không có người dân thường nào được dự dù đây là phiên tòa mở.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người tham gia bào chữa cho các bị cáo tại tòa đã viết trên Facebook cá nhân trước phiên tòa rằng: "Bản án toà tuyên là sự kết thúc của một sự kiện nhưng cũng có thể là sự khởi đầu cho những sự kiện khác: sự sửa chữa, hàn gắn hay sự nhen nhóm cho vòng thù hận luân hồi. Hơn ai hết, những người ký tên trên bản án sẽ là người hiểu điều đó rõ nhất."
Theo lưu bút pháp đình của luật sư Đặng Đình Mạnh, bị cáo Bùi Thị Nối đã liên tục vung tay thoát khỏi sự áp giải của cảnh sát để tiếp tục chạy lên bục khai báo. Nhưng vượt chỉ độ 05 hàng ghế, thì thêm vài cảnh sát khống chế đã kịp chặn giữ, đưa bà về chỗ ngồi. Đến phần xét hỏi bà Bùi Thị Nối, bà đã chất vấn về tư pháp Việt Nam và nói: "Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng" khi được tòa hỏi.
Theo ghi chép của luật sư Ngô Anh Tuấn, trả lời HĐXX ngày 8/9, bị cáo Bùi Viết Hiểu nói: "Tôi hoàn toàn không đồng ý nội dung bản cáo trạng".
"Sau khi ông Kình bị chết và chó tha đi thì họ bắn vào chân tôi và bắn thẳng vào ngực tôi nhưng đạn sượt nên không vào tim mà xuống sườn nên không chết. Tôi bị thủng ba lỗ hành tá tràng, hai lỗ đại tràng", ông nói.
Về lời khai của ông Hiểu, một nhóm xã hội dân sự gồm các tri thức và người dân Việt Nam đã khởi xướng một đơn yêu cầu khẩn cấp gửi các lãnh đạo chính quyền và tiến hành thu thập chữ ký với nội dung: "Coi ông Bùi Viết Hiểu là nhân chứng đặc biệt, phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt; tốt nhất nên chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý".
Theo Zingnews.vn, bị cáo Lê Đình Công thừa nhận đã cùng các bị cáo Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển bàn bạc mua lựu đạn, chuẩn bị bom xăng, dao phóng lợn.
"Bị cáo mong các gia đình tha thứ. Bị cáo đã thành khẩn nhận ra lỗi lầm, mong được sự khoan hồng của pháp luật", ông Công trình bày.
Báo Lao động đưa tin, bị cáo Công cho rằng, kết luận điều tra và cáo trạng quy kết vai trò chủ mưu, nên không nhất trí.
Theo biên bản của luật sư Ngô Anh Tuấn, bị cáo Công nói rằng "đường cùng khi bị tấn công thì sẽ dùng tới lựu đạn".
Sau hai ngày xét xử, ông Nguyễn Hà Luân, luật sư bào chữa tại phiên tòa đã viết trên Facebook của mình về nghi vấn trái lựu đạn trong vụ án. Ông viết: "Cơ quan tố tụng công bố rằng, việc tiêu diệt ông Lê Đình Kình là bởi tại thời điểm đó, các cảnh sát thấy rõ ông đang cầm lựu đạn trong tay. Khi đã bị bắn chết, trong tay ông Kình vẫn còn nắm chặt trái lựu đạn".
"Căn cứ vào hồ sơ do chính cơ quan điều tra xác lập và đã được Viện Kiểm sát kiểm đếm chính xác, thì nhóm Đồng Thuận mua 10 trái lựu đạn. Cũng theo hồ sơ chính thức của vụ án tại thời điểm xét xử, thì trong số 10 trái lựu đạn đó, không có trái nào được đưa cho ông Lê Đình Kình".
"Vậy trái lựu đạn "trong tay ông Kình.." là trái thứ 11. Nó từ đâu ra? Câu trả lời thật khó mà cũng thật dễ. Nếu bạn quan tâm đến sự thật, hãy tự trả lời", ông Luân nêu.
Luật sư Lê Văn Luân viết trên Facebook của mình về ngày thứ ba của phiên tòa: "Khi tôi lên bào chữa, phần tôi tập trung nhất vẫn là các chứng cứ là các dữ liệu điện tử, là những video, clip được trình chiếu không rõ nguồn gốc".
"Việc chứng minh tội phạm phải hợp pháp và mọi sự thật dù không thu thập hợp pháp thì cũng không có giá trị pháp lý và không được dùng vào việc giải quyết vụ án. Hợp pháp là chốt chặn cuối cùng trong câu đoạn quy định tại Hiến pháp, nó chính là sức mạnh của tính hợp pháp là cao nhất", luật sư Lê Văn Luân viết.
Hôm 9/9, VKS Hà Nội nhận định, đây vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Khi công an làm nhiệm vụ, các bị cáo cùng nhau hô hào kích động, tấn công khiến ba chiến sỹ hy sinh. Đây là hành động "có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man"; có sự cấu kết chặt chẽ, dưới sự cầm đầu chỉ huy của ông Kình.
VSK đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.