(Nhân Ngày Giỗ Thứ 14 Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh)
Tháng Tám, mười lăm năm trước, rừng trời tam biên như trở màu tang. Trong những giây phút cuối cùng của một ngày bi hùng tiếp sau cả tháng trời tiếng súng đạn nổ tung rừng núi Nam Lào, lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt đã vang lên những tiếng đạn ngắn ngủi bi hùng của những người lãnh đạo đoàn quân kháng chiến. Phó Ðề đốc Hoàng Cơ Minh đã tự sát. Nhiều người khác tuẫn tiết theo ông. Không thể hàng giặc. Họ là những kháng chiến quân Việt Nam.
Ngày 16 tháng 4 năm 1983. Bốn năm trước đó.
Giám đốc phi trường Los Angeles gọi là ngày "kẹt xe chưa từng có". Gần như không còn chỗ nào để đậu xe trong bãi; kể cả ngoài lề đường. Hàng ngàn người Việt đổ về đó, đứng nghẹt từ cổng đón người lan ra tận ngoài lối vào từ ngoài đường. Ðoàn người cầm cờ, biểu ngữ đã lẫn vào rừng người dày đặc. Người ngoại quốc lao xao kinh ngạc, và hiểu dần những chữ tiếng Anh trên một số biểu ngữ. Người Việt không có nhân quyền. Không có dân chủ. Không có tự do. Và người Việt hôm nay muốn Dựng Cờ Chính Nghĩa.
Hàng ngàn trái tim như ngừng đập khi ban tổ chức tiếp đón loan báo phi cơ của Western Airline đã đáp xuống phi đạo. Khách ngoại quốc trên chuyến bay được người sĩ quan cảnh sát đến tận nơi loan báo có bốn "nhân vật quan trọng" và vì lý do an ninh, khách ngồi chờ cho đến khi bốn người Việt vận quần áo bà ba đen rời khỏi máy bay. Nhưng họ vẫn là những người khách ngoại quốc may mắn được nhìn thấy những người lãnh đạo Kháng Chiến Việt Nam trước nhất.
Bộ quần áo đen di động đến đâu thì rừng người chuyển theo đến đó. Những người cận vệ to lớn chỉ đủ sức chận để đám đông không xô ngã Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, Chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam. Những tiếng hô làm vang động cả phi trường. Người ta xô nhau, chụp hình, người ta cố bắt tay. Nhiều người dù cố bậm môi mà tiếng khóc cứ vuột trào ra. Ai cũng muốn được nói một điều gì đó với Kháng Chiến Việt Nam. Giải Phóng! Việt Nam! Cả ngàn tiếng đáp lại một ước mơ chung.
Việc nhân nghĩa vốn ở yên dân
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo (*)
Ðó là chuyến ra hải ngoại lần đầu tiên sau nhiều năm Tướng Hoàng Cơ Minh cùng với nhiều chiến hữu của ông trở về Ðông Dương mở đường Ðông Tiến, tạo dựng lực lượng, kết hợp sức mạnh trong ngoài.
Bởi có qua truông qua núi
Mới thấy đường Ðông Tiến gian nan (**)
Với những gian nan muốn lấp đá vá trời, chỉ có những đại hùng tâm mới vượt đến đích tận cùng để dựng cờ chính nghĩa. Ra hải ngoại, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh tiếp tục đi vận động những người đồng tâm. Nhiều quan niệm mới về cuộc đấu tranh giải phóng đã lan từ chiến khu ra đến hải ngoại. Ðấu tranh vận dụng. Ðấu tranh giải phóng. Chiến khu ở lòng người, nơi những người miệng nói đấu tranh, chân đi làm cách mạng. Và hãy cùng nhau tự thành lập đội ngũ kháng chiến, tự thành lập các ổ kháng chiến. Mỗi khu phố, mỗi góc làng, mỗi căn nhà đều có thể là một khu chiến, như ông đã kêu gọi đồng bào trong ngày Mặt Trận công bố Cương Lĩnh Chính Trị tại chiến khu, ngày 8/3/1982. Người tha thiết không ít, điều cần là nối được cái tâm chung.
Ông Hoàng Cơ Minh từng là một vị tướng Hải Quân Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và ông cũng từng hành nghề thợ sơn, lau cửa kiếng, cắt cỏ... trong những ngày tháng đầu tiên tỵ nạn trên đất khách. Một cánh sao trên áo trận. Một nét sơn đổ mồ hôi trên cánh cửa. Ðối với ông, Tổ Quốc mới là mối quan tâm sinh tử duy nhất. Thời gian đó có ai còn nghĩ đến ngày lấy lại quê hương?!
Thế mà trông người, người càng vắng ngắt
Vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương (*)
Bởi vậy, tháng 7 năm 1982, tuần san Shukan Bunsun tại Nhật hỏi: "Chúng tôi được biết nhiều người hiện đang sống tại Hoa kỳ nguyên trước kia là những viên chức cao cấp trong chính quyền (VNCH), hay các tướng lãnh sĩ quan quân đội, ai cũng bảo sẽ về nước chiến đấu; nhưng đã bảy năm trời qua nhiều người chờ đợi, mà bây giờ chỉ có một mình Tướng Quân trở về?". Và người lãnh đạo Kháng Chiến Việt Nam đã trả lời: "Có rất nhiều người nghĩ và mong muốn trở về nước chiến đấu. Việc trở về hay không trở về chiến đấu, chúng tôi không quan niệm đó là vấn đề trọng yếu, mà chúng tôi cho rằng có chịu chiến đấu hay không mà thôi. Vì thực ra, có rất nhiều phương thức để chiến đấu". Và ông nhấn mạnh: "Tôi không phải là một anh hùng. Chính những người đã và đang chiến đấu từ hơn 7 năm qua tại quốc nội một cách cô độc mới là những người anh hùng phải được ngưỡng mộ".
Chính vì thế, nhiệm vụ của Tướng Hoàng Cơ Minh và tổ chức của ông chỉ muốn nối những tấm lòng chung, vì "đây không phải là cuộc đấu tranh của một người làm, đây là không phải là cuộc đấu tranh của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, đây là cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giải phóng Tổ Quốc Việt Nam", như ông chia xẻ với đồng bào ở miền Nam California, ngày 17/4/1983. Hay những người cùng chí hướng với ông chỉ mong muốn "tiến hành một cuộc đấu tranh có chính nghĩa, lấy chính nghĩa để huy động toàn dân, lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới, và lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù", như ông đã nói chuyện với đồng bào trong ngày Ðại Hội Chính Nghĩa, 30/4/1983, tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có (*)
Trong những ngày tháng công tác tại hải ngoại, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh miệt mài đi gặp gỡ đồng bào. Ông bảo ngày nay người đồng tâm gặp nhau dễ dàng như vậy, không hiểu ngày xưa cụ Sào Nam Phan Bội Châu di chuyển bằng gì để gặp người yêu nước. Chỉ với cái chân- tâm mới có thể đi biền biệt như vậy! Tại Nam California, Hoa Thịnh Ðốn, San Jose, Houston..., ông đã gặp đồng bào, cái vị lãnh đạo tôn giáo, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên học sinh.... Bất cứ ở nơi nào, ông cũng nói đến "dân tộc ta có một sức sống vô cùng mạnh mẽ, một tinh thần phấn đấu vô cùng mãnh liệt. Sức sống và tinh thần phấn đấu này đã giúp quê hương và dân tộc ta trường tồn".
Ông đã đi nhiều để gặp gỡ đồng bào và dĩ nhiên, ông cũng tha thiết gặp các chiến hữu trong tổ chức. Họ mong gặp ông không phải để bắt được tay một "thần tượng", mà để trao cho ông lời tâm huyết sắt son của họ. Trong đời chỉ sợ bất hạnh không có đến một tấm gương soi. Vậy mà họ - những đoàn viên của Mặt Trận - đã may mắn có nhiều tấm gương Việt Nam tuyệt vời để soi, để noi theo. Trong đó có ông, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh. Họ vẫn nhớ lời ông nói: "Chúng ta hãnh diện là người Việt Nam kiêu hùng, bất khuất. Chúng ta sẽ chứng tỏ sự kiêu hùng và bất khuất đó trong cuộc đấu tranh lịch sử này của dân tộc".
Lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Như nhà văn kháng chiến quân Võ Hoàng đã nói: "Sử Việt". Chúng ta chỉ còn duy nhất tấm gương này mà thôi. Gặp các chiến hữu của mình, Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh cũng thường hay nói đến sử nước nhà với những tấm gương vì Tổ Quốc, vì Dân Tộc. Ông thường nhấn mạnh đến hai chữ "quên mình". Tưởng dễ mà khó lắm. Quyền uy thượng đẳng như vậy mà Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn không trả thù riêng mà chỉ lo việc an nguy của xã tắc. Ông còn nói quan niệm của ông về "lãnh đạo", đã giúp cho các chiến hữu của ông ngày càng gắn bó với sự hy sinh. Những người lãnh đạo tốt biết chuẩn bị thế hệ tương lai tiếp nối mình. Nhìn vào một tổ chức, trong tám đến mười năm, mà chỉ thấy hầu hết những khuôn mặt lãnh đạo cũ, thì tổ chức đó chắc chắn sẽ có vấn đề. Ông còn nhấn mạnh đến một điểm tinh hoa: dù có được cầm quyền hay không, tổ chức luôn luôn huấn luyện và đào tạo những cán bộ quốc gia ưu tú cho đất nước.
Ông còn nói đến một quan niệm khó mà quên. Sử Việt tôn vinh một Anh Hùng Dân Tộc áo vải Lam Sơn Lê Lợi, gian khổ cùng nghĩa quân 10 năm kháng chiến, nhưng sử nước nhà không hề nói đến Lê Thái Tổ là một minh quân. Ông đã kể lại một giai đoạn lịch sử cần nhớ: Lúc Bình Ðịnh Vương Lê Lợi khởi binh, vì muốn có chính nghĩa, ngài đã tôn một người con cháu vua Trần là Trần Cảo lên làm vua. Tiếc thay, lúc thành đại nghiệp thì ngài đem giết chết. Sau đó, Lê Lợi sai giết tất cả những công thần, nguyên là con cháu nhà Trần, và còn ra lệnh truy sát giòng dõi nhà Trần. Sử còn ghi, Lê Lợi còn giết Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, người có uy tín tột bậc, chỉ vì ngài là cháu Trần Nguyên Ðán.
Với quan điểm trong sáng hiếm có như vậy, là người lãnh đạo một tổ chức, Tướng Hoàng Cơ Minh đã nhìn thấy sự quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo. Sóng sau phải hùng mạnh hơn sóng trước. Với ông, bất cứ ai cũng có thể thay thế được.
Những người đi theo Tướng Hoàng Cơ Minh đấu tranh đến cùng vì nhìn thấy nơi ông có nhiều đức tính lãnh đạo hiếm có. Người ta dễ dàng tìm thấy phong thái của ông lúc họp, lúc tâm tình, lúc giải lao, lúc hút với các chiến hữu của mình một điếu thuốc lá... Ông chỉ là một người. Ông không có khả năng làm dáng lãnh đạo. Sự bình dị, chân tình và gần gũi với mọi người không làm cho người ta "lờn ông", mà chỉ càng tăng thêm lòng kính trọng.
Ở chiến khu, cũng như hải ngoại, Tướng Minh cũng chưa có thói quen có người... xách cặp cho ông. Ở chiến khu, trên đường di chuyển, ông cũng còng lưng vác quân trang của mình giữa núi rừng hiểm trở. "Anh em đều có gánh nặng, sao lại để anh em gánh thêm gánh nặng của mình?". Ở hải ngoại, nhiều đoàn viên cũng muốn chia xẻ gánh nặng, ông chỉ nhẹ nhàng nói: "Chiến hữu xin cho tôi cơ hội không làm anh em nặng nhọc thêm".
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu (*)
Ở chiến khu, ông thường ra những tuyến đầu thăm các kháng chiến quân có nhiệm vụ canh gác. Khi có lời khuyên can vì sự an toàn, ông nói một kháng chiến quân là vốn quý của đất nước, sinh mạng anh em cũng quan trọng như sinh mạng của cá nhân ông. Khi nghe tin có tổ chức kháng cự vượt rừng núi tìm Mặt Trận, ông đã bất chấp hiểm nguy cùng đoàn bảo vệ đi đón người người đồng tâm.
Người trong tổ chức gọi ông là "Thầy" cũng vì thế. Tinh thần yêu nước và sự hy sinh trọn vẹn của ông với công cuộc đấu tranh đã là chỗ dựa tinh thần của các kháng chiến quân và đoàn viên Mặt Trận.
Nói đến hai chữ hy sinh, không thể không nói đến gia đình của những người muốn lấp biển vá trời. Ngày còn là "Anh Hai thủy bộ", bà Hoàng Cơ Minh chắc không thiếu nỗi lo sinh tử. Khi Tướng Minh rời hải ngoại về chiến khu tìm người nghĩa dũng phất cờ khởi nghĩa, một chuyến đi nguy hiểm thập phần, bà Hoàng Cơ Minh đã phải sống ra sao với những cơn ác mộng ấy. Chắc cũng phải nói đến người con trai cả của Tướng Hoàng Cơ Minh. Khi trở ra hải ngoại công tác lần đầu, ông đã thuyết phục con mình bỏ ngành học y khoa để chọn một nghề khác, tốt nghiệp nhanh hơn để còn lo cho mẹ và các em, về vật chất lẫn tinh thần. Người con trưởng hiếu hạnh đã nghe lời bố, cho đến hôm nay.
Sự hy sinh cho Tổ Quốc khó mà cân đo là thế. Thực hành điều đã nói thật khó lắm ru! Xưa, nếu Ức Trai Nguyễn Trãi viết: "Song hào kiệt thời nào cũng có"; thì ngược lại: "Bọn gian tà thời nào cũng có". Thường, kẻ to mồm hay... lạnh cẳng. Gặp chuyện đòi hy sinh thường thoái thác chuồn êm. Thường, kẻ hay lên gân chửi bới, nhục mạ, bôi bẩn người đi đấu tranh - hay đem việc lem nhem tài chánh ra làm phương tiện - lại là những kẻ keo kiệt, ít đóng góp tài chánh nhất. Có năng ném bùn vào nhà người khác mới có thể tự xoa dịu mặc cảm thấp hèn của mình. Ðốn mạt hơn, có kẻ lại thích đi ngang về tắt để giành danh lợi trong đấu tranh; kể cả lợi dụng những người đã khuất để kiếm chác lợi danh. Việc cúi đầu khoanh tay làm tay sai cho giặc chắc cũng chỉ cách... gang tay!
Rủi sa tay giặc sẵn sàng hy sinh (***)
Có thể nói, từ năm 1985, ban lãnh đạo Mặt Trận đã tiến hành một kế hoạch nhằm mở rộng các an toàn khu tại Việt Nam, nỗ lực phát triển hệ thống Uỷ Ban Kháng Quản và tìm cách lần lượt đưa các vị lãnh đạo vào sâu trong nội địa Việt Nam. Nhiều chuyến đưa các vị lãnh đạo xâm nhập Việt Nam đã thực hiện từ năm 1983 đến năm 1987. Năm 1985, đã có dự trù đưa vị chủ tịch Mặt Trận xâm nhập nội địa, vì đây là thời gian thuận lợi và an toàn nhất, nhưng tiếc thay, ông phải trở ra hải ngoại để chấn chỉnh nhân sự bị rối loạn ở cấp cao nhất. Chính vì thế, cho đến tháng 7 năm 1987, Tướng Hoàng Cơ Minh mới quyết định dẫn một đoàn kháng chiến quân băng qua lãnh thổ Lào để trở về quốc nội.
Trong thời gian đầu của chuyến đi, đoàn quân đã không gặp khó nhiều khó khăn, mặc dù có những trận đụng độ với bộ đội Lào cộng và bộ đội Việt cộng đóng trên xứ Vạn Tượng nhưng không đáng kể. Tuần lễ đầu tháng 8/1987, khi đoàn quân gần đến biên giới Lào Việt nằm về hướng Ðông tỉnh Attopư thì bắt đầu đụng độ khá nặng với lực lượng biên thùy của Việt cộng. Trong trận đụng độ này, một số kháng chiến quân đã bị bắt. Do sự khai báo của một vài kháng chiến quân, lãnh đạo Việt cộng biết được sự hiện diện của Tướng Hoàng Cơ Minh trong đoàn quân, nên Việt cộng đã huy động bộ đội lên đến cấp Trung đoàn để bủa vây và dùng cả trực thăng để quan sát, dùng pháo binh để truy kích với mục tiêu là bắt sống Tướng Hoàng Cơ Minh. Sau hơn hai tuần lễ cầm cự và giao tranh dữ dội, nhiều kháng chiến quân đã hy sinh, và Tướng Hoàng Cơ Minh cũng đã bị thương.
Ðến ngày 27/8/1987, đoàn quân kháng chiến bị vây trên một ngọn đồi. Lãnh đạo Việt cộng xua quân tấn công nhiều đợt lên đồi để cố bắt sống Tướng Hoàng Cơ Minh. Mặc dù các kháng chiến quân chiến đấu rất anh dũng, nhưng quân ít, đạn thiếu, không sao thoát khỏi vòng vây của kẻ thù. Trong hoàn cảnh đó, đêm ngày 27/8 rạng sáng ngày 28/8, Tướng Hoàng Cơ Minh đã tập trung anh em lại dặn dò lần cuối. Ra lệnh cho những ai còn khỏe thì cố gắng tìm đường thoát khỏi vòng vây, ai không đi được thì ở lại tử thủ. Những người còn khỏe không ai chịu rời bỏ người chủ tướng, không ai muốn rời bỏ anh em. "Như Thầy đã nói, trong cuộc đấu tranh này: tình trạng bỏ nhau mà chạy sẽ không bao giờ xảy ra nữa". Trong cái không khí bi hùng u uất đó, pháo đạn như đã xiết lại gần hơn, vậy mà những người nghĩa dũng vẫn vây chung quanh người chủ tướng. Mọi người đều khóc. Dù bị thương, ông vẫn nói đến tiền đồ dân tộc, đến đại cuộc giải phóng đất nước. Khó mà tưởng tượng ông nhắc đến hoàn cảnh bi tráng mà người anh hùng dân tộc Lương Ngọc Quyến đã trải qua trong cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917. Ông Lương Ngọc Quyến đã tự sát để các nghĩa quân không vướng bận khi phải tháo lui. Chính vì hiểu điều này, các kháng chiến quân của Tướng Hoàng Cơ Minh còn khỏe mạnh đã rời khỏi ngọn đồi. "Ðường chúng ta đi chỉ có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho đại cuộc giải phóng Tổ Quốc Việt Nam". Tướng Hoàng Cơ Minh đã đạt được hai cái đích đó. Nhiều kháng chiến quân đã chọn con đường anh dũng đó.
Tướng Hoàng Cơ Minh đã ra lệnh cho các kháng chiến quân mở đường ra khỏi vòng vây, trong khi ông và một số chiến hữu bị thương ở lại bắn để chặn đường. Lúc đó, cộng quân tấn công dữ dội. Vì không muốn sa vào tay giặc, Tướng Hoàng Cơ Minh đã rút khẩu súng phòng thân ra khỏi vỏ. Không biết ông đã nghĩ gì trong khoảnh khắc bi hùng ngắn ngủi đó. Tiếng súng nổ đã vang lên trong núi rừng Nam Lào trước sự chứng kiến uy nghiêm của những chiến hữu còn lại. Mọi người đã quỳ xuống lạy vị chủ tướng đáng kính, và rồi sau đó nhiều tiếng súng ngắn tiếp tục vang lên như xé trời tang.
Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu của ông đã chọn một cách sống và hy sinh trọn vẹn, đầy tự trọng đó. Nói một cách công bằng, ông là vị tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cao cấp nhất - và duy nhất sau năm 1975 - đã trở về chiến đấu trực tiếp chống quân thù. Thay vì cứ nằng nặc hỏi rằng tại sao ông đã mất 12 năm mà tổ chức của ông mới công bố, có lẽ chúng ta ngồi lại với nhau để chia xẻ con đường Ðông Tiến "quyết thề một lòng chiến đấu cho một ngày mai", đầy khó khăn gian khổ, mà Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh khai mở đã để lại cho chúng ta những gì? Có phải chăng đó là ý chí đấu tranh bất khuất - lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí - để giải phóng tổ quốc. Có phải chăng đó là niềm tin vô bờ bến về một ngày mai tươi sáng của dân tộc, dù những bước chân kháng chiến từ thuở ban đầu gian khổ biết chừng nào. Ông đã truyền được cái Ðại Hùng Tâm đến các chiến hữu và đồng bào của ông: ngọn cờ chính nghĩa luôn luôn phất cao trong tâm người Việt Nam.
Ðời người, có lẽ nỗi bất hạnh lớn nhất là không có nổi một người tri kỷ, tri tâm. Nhưng Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh có lẽ là một người may mắn tột cùng. Ông có rất nhiều kẻ tri tâm, những người có lòng, có khả năng, có trí tuệ, luôn sẵn sàng hy sinh vì nước. Làm sao ông cô đơn cho được với những kháng chiến quân Lê Hồng, Dương Văn Tư, Nguyễn Trọng Hùng, Võ Hoàng, Trần Thiện Khải, Phùng Tấn Hiệp, Trương Ngọc Ny, Lê Văn Long, Trần Hướng Việt, Huỳnh Văn Tiến, Lưu Minh..., những kháng chiến quân đã quên mình vì đất nước; và những người chiến hữu tiếp tục đấu tranh cho đến ngày hôm nay.
Gọi ông là Phó đề đốc vì Hải quân là nơi ông phục vụ đất nước như một người lính, một "Anh Hai Thuỷ Bộ" uy dũng được đồng đội kính mến. Gọi ông là Tướng quân vì ông đã ứng xử cả đời như một người đã sống và chết với tất cả trách nhiệm của mình với đồng đội, với chiến hữu. Và cuối cùng, thay vì gọi ông là một vị Anh Hùng Dân Tộc - thì có lẽ chúng ta cũng nên vì ước muốn của ông mà chỉ gọi ông là một Người Việt Nam. Một Người Việt Nam yêu nước chân truyền.
Nhân ngày giỗ Tướng Hoàng Cơ Minh, người viết chỉ xin gom góp lại những tâm tình qua những quen biết may mắn và tài liệu trên báo chí,... như một nén hương lòng tưởng kính đến ông và đồng đội của ông.
Nhà văn kháng chiến quân Võ Hoàng đã từng viết nhạc: "Cách mạng, đường dài, người đi như con nước miệt mài"... Tinh thần yêu nước của ông và đồng đội vẫn đi cùng với con sóng đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do, phú cường....
Hành Tư
http://trenduongdongtien.blogspot.com/…/uoc-mo-lap-va-troi.…
(Trích Trên Đường Đông Tiến)