Khi còn nhỏ ở ngoài Bắc, tôi được ăn những con ốc mút dùng đồng xu để bẻ, những con cá phèn chỉ mà Bà Ngoại phơi trên nóc sân thượng, những chùm nhãn ngọt của những người bán gánh qua, những quả thị vàng thơm, những quả nhót mà xoa xoa vào áo, những quả xấu giầm... những đĩa giò chiên với trứng gà buổi sáng... Con đầu, cháu sớm nên tôi được Ông Bà Nội Ngoại rất cưng chiều. Ông ngoại tôi, một Nhà Giáo đã ra đi rất sớm khi Bà Ngọại tôi ngoài tuổi 30, lúc tôi vừa vài tháng tuổi. Mẹ tôi là con gái đầu lòng nên mới đầu Bà Ngoại tôi và sáu dì, cậu đều ở chung với gia đình tôi. Những gì tôi biết về tình thương yêu Ông Ngoại cho tôi đều qua Bà Ngoại, Mẹ các Cậu và các Dì. Bà Ngoại tôi là người rất “ rất cổ” sống với những giá trị của người xưa mà bây giờ tôi nhớ lại còn rất thương cho thân phận đàn bà thời đó. Đất nước chia đôi sau Hiệp Định Genève 1954, gia đình tôi di cư vào Saigon. Bà Ngoại không đi theo, ở lại với các Cậu các Dì. Có lẽ quan niệm phu tử tòng tử đã khiến Bà ở lại miền Bắc với Cậu Thiện, cựu học sinh Trường Bưởi, người cũng như rất nhiều thanh niên khác với tinh thần chống Pháp giành độc lập. Bà đã chọn ở lại không vào Nam tuy rất yêu thương Mẹ tôi, các cháu Ngoại của Bà nhất là cá nhân tôi, cháu ngoại đầu đời, yếu ớt mà Bà luôn luôn yêu thương, chiều chuộng che chở... Ngày tiễn ra phi trường rời miền Bắc là lần cuối cùng tôi còn được nhìn Bà Ngoại, viết những dòng này tôi không khỏi nước mắt nhạt nhòe nhớ lại Bà, người mỏng mảnh gầy gò, luôn luôn che chở bảo vệ tất cả những gì dù rất ngang chướng của tôi. Bà ơi, cháu vẫn nhớ những buổi đi theo Bà đi lễ, đi xem Lên Đồng, vẫn nhớ khúc cá thu nướng kho thịt Bà nấu, các quả trứng gà mà Bà cho đóng chuồng gà nuôi ở sân sau cho cháu, những miếng cao ban long nho nhỏ mà Bà thuê người nấu... cặp mắt sâu thẳm của Bà... từ cuộc chia ly xa rời miền Bắc, tới khi Bà vĩnh viễn ra đi tôi không được một lần nắm lại, ôm lại bàn tay gầy guộc của Bà. Bà Ngoại ơi cháu Vân vẫn luôn yêu thương nhớ Bà!
Tôi còn nhớ bà dì thứ tư, Dì Ninh, người rất hiền lành, lập gia đình có hai người con, ở cùng gia đình nhà chồng, bà mẹ chồng bắt ne bắt nét, ông chồng lại còn có mèo, hay đánh đập Dì. Dì Ninh vẫn tiếp tục chịu đựng chỉ về khóc với mẹ, với Bà Ngoại tôi. Khoảng hơn năm chục năm trước, khi còn ở Saigon, một ngày được tin rất đau thương, rất buồn, Dì Ninh đã vĩnh viễn bỏ hai con nhỏ tức tưởi ra đi. Nguyên là rất nhiều lần Dì xin về vì bị những hắt hủi, bị những trận đòn của người chồng vũ phu nhưng Bà Ngoại đã không cho Dì Ninh trở về vì Dì đã đi lấy chồng, đã thuộc về gia đình khác rồi, thuộc gia đình nhà chồng rồi. Sau lần cắt cổ tay tự tử không chết, một ngày để đi tìm giải thoát, Dì Ninh đã dứt lòng để lại hai con thơ, để thoát khỏi nghịch cảnh, Dì đã nhảy xuống đường rày xe lửa... Dì mãi mãi ra đi không còn che chở cho hai con mình được nữa!
Rất thích đọc, tuổi chưa lên mười, tôi đã thích đọc chuyện kiếm hiệp như Kim Hồ Điệp, hiệp sĩ luôn để lại dấu tích bằng con bướm vàng. Các Dì tôi thì hay đọc những chuyện tiểu thuyết mà trong số đó, trộm đọc ké, tôi còn nhớ chuyện Đồi Thông Hai Mộ, “Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ, Anh của Em yêu quý nhất đời... Anh đi ngàn dặm xa xôi, ngựa vàng tung cánh chim trời mải bay...”. Tôi đọc say mê chuyện lịch sử như chuyện tình Nữ Tướng Bùi Thị Xuân -Trần Quang Diệu thời Tây Sơn, đọc những chuyện viết như “Anh Phải Sống” hình ảnh vợ chồng nghèo đi kiếm sống bằng cách vớt củi trên sông, gặp nước xoáy đắm thuyền và cuối cùng thì người vợ hy sinh bản thân cho nước cuốn đi, để người chổng được sống trở về với các con thơ... đọc chuyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Phạm Thái -Trương Quỳnh Như, đọc chuyện tình thật sự xẩy ra, đọc báo chuyện tình Cô Lưỡng Trưng, tình yêu trắc trở, tự tử cùng người yêu là Phan Đình Chỉ, dòng dõi Cụ Phan Đình Phùng. Sau này khi lập gia đình thì tôi được biết Phan Đình Chỉ, người bạn vắn số của Nhà Tôi là người thường hay chở Nhà Tôi đi chơi bằng xe máy Push!
Những bài thơ được phổ nhạc như “Đôi Bờ” của Quang Dũng , “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, “ Kỷ Vật Cho Em” Phạm Duy phổ nhạc, thơ Linh Phương và nhiều nhiều nữa...có lẽ đã thấm sâu vào hồn những nữ sinh thế hệ của tôi.
Đôi Bờ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Kinh thành em có nhớ ta chăng?
Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến
Hiu hắt chiều sông lạnh đất Tần
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Đêm nay sông Đáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Màu Tím Hoa Sim
Ngày xưa nàng vẫn yêu màu tím
Chiều chiều lên những đồi hoa sim
Đứng nhìn sim tím hoang biền biệt
Nhớ chồng chinh chiến miền xa xăm
Ôi lấy chồng chiến binh
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Sợ khi mình đi mãi sợ khi mình không về
Thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Mà chết người em gái tôi thương
Kỷ Vật Cho Em
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở lại, có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Ðức Cơ, Ðồng Xoài, Bình Giã
Anh trở về, anh trở về, hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn mùi tang trắng.
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn phủ kín hồn anh
Anh trở về, bờ tóc em xanh
Chít khăn sô trên đầu vội vã, em ơi !
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về, đây kỷ vật, viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lời trăn trối, em ơi !
Em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại ?
Xin trả lời. xin trả lời. mai mốt anh về.
Những đau khổ, oan khiên trong cuộc chiến Ba Mươi Năm 1945-1975 trên đất nước tôi, bao máu và bao nước mắt đã đổ, tiếp theo là cuộc di cư tị nạn đầy chết chóc đau thương sau Biến Cố 30 Tháng Tư 1975 với hơn nửa triệu bộ nhân, thuyền nhân vùi thây trong rừng rậm, trong biển cả. Cũng như những cô giáo tị nạn khác tôi bị bứng ra khỏi cuộc đời công chức êm đềm tại miền Nam, bận rộn suốt năm tháng phải tự lập làm lại cuộc đời trên quê hương thứ hai mà cũng sẽ là nơi cuối cùng trước khi vĩnh viễn rời cõi tạm này. Được may mắn trở lại với phấn trắng bảng đen, mấy năm đầu thập niên 80, mỗi thứ Bảy tôi lại xin bà hiệu trưởng cho mượn một phòng học để dạy tiếng Việt cho các em vì nhớ trước khi rời bỏ Học Khu Thống Nhất Oakland USD dọn xuống miền Nam California tôi từ giã một người supervisor, bà có ngậm ngùi nhắn nhủ tôi là tôi còn có thể may mắn trở về quê xưa vì còn nói được tiếng Việt, chứ bà ấy là người xa lạ nếu về nơi gốc xuất xứ vì không còn nói không hiểu được tiếng gốc của mình nữa!. Các con tôi lúc ấy còn rất nhỏ, nhưng Bố Mẹ thì ngoài thì giờ kiếm sống lại làm những việc gọi nôm na là “vác ngà voi” vì trong lòng, trong tâm tư chỉ nghĩ là tị nạn là tạm cư... Bây giờ nhìn lại nhớ lại tình yêu thương được Ông Bà Cha Mẹ cho đôi khi tôi thấy mình thật là khiếm khuyết.
Viết miên man về tình yêu, tình yêu muôn thuở nhưng có lẽ tình yêu quan trọng nhất trong đời người là Tình Cha, Tình Mẹ. Tôi vẫn nhớ mãi tấm thiệp được đọc “ Thanks for The Gift of LIFE” mang bao ý nghĩa của ngày Mother’s Day – Ngày Của Mẹ...Ngày mà khi điện thoại viễn liên còn phải trả tiền là ngày các công ty điện thoại kiếm được nhiều tiền nhất trong năm vì ai mà không có MẸ!. Tưởng nhớ lại những lời yêu thương khi nằm trên giường bệnh, Mẹ tôi còn thiết tha thều thào nói với tôi, con gái nhỏ yếu đầu lòng mà Mẹ rất nuông chiều từ thuở mới sinh; “Vân ơi, Mẹ mong chết sớm để con khỏi khổ...”, viết đến đây tôi lại khóc, khóc vì nghĩ đã không làm tròn bổn phận săn sóc Mẹ. Ngày Father’s Day – Ngày Của Cha mỗi năm đều vào tháng Sáu, năm nay vì đại dịch Vũ- Hán Tầu, các con cháu của tôi không thể về, lái về, bay về để cùng nấu nướng cho Bố Mẹ như mọi năm nữa vì đối với chúng đó là ngày quan trọng để có dịp từ mọi nơi về thăm Bố Mẹ và hội họp gia đình. Nhìn mái tóc bạc phơ của Nhà Tôi, tôi thương cảm người bạn đời, tuổi chỉ gần thập niên cách biệt nhưng với Anh, Nhà Tôi luôn coi tôi như cô em nhỏ vì có lẽ Anh không có em gái. Khi trẻ Anh hay huýt sáo, hay đọc thơ kim cổ cho tôi nghe vì Anh rất thuộc thơ, có lẽ còn thuộc hơn nhiều người dạy Việt Văn nữa. Anh thường trầm ngâm kể cho tôi nghe về dĩ vãng về tuổi thơ tuổi trẻ cực nhọc, kể về thời tản cư, bốn năm thất học, về lần cuối cùng Anh được gặp “Thày” khi đó Anh chưa tới tuổi lên mười. “Thày” Anh, vốn là một nhà giáo, một Đại Biểu Quốc Hội 1946 đã bị Việt Minh bắt và bị thủ tiêu, Anh không bao giờ có một ngày giỗ cha!
Viết cho Ngày Fathers‘s Day - Ngày Của Cha
Khánh Vân