Tuấn trở lại Okinawa sau hơn 30 năm xa cách. Chữ “xa cách” trong tiếng Việt, thường được dùng cho những đôi tình nhân xa nhau hoặc người tha hương xa quê cha đất tổ. Đối với Tuấn, Okinawa ngoài ý nghĩa của quê hương tạm dung cháy bỏng hoài bão trong những năm tháng đầu tiên xa lìa đất mẹ Việt Nam, nơi đây đã chôn cất một phần tâm hồn mình cùng với khói hương cuộc tình đầu.
Máy bay lượn vòng chầm chậm trên bầu trời tháng 3 nhiều mây của dãy đảo nhiệt đới tận cùng phương Nam Nhật Bản này trước khi đáp xuống phi trường Naha tấp nập khách du lịch. Nhìn mây nước bốn bề bao quanh, lòng không khỏi bồi hồi vì sao mà hơn 30 năm trước đây, số mệnh nào lại đưa đẩy mình đến một hòn đảo chơ vơ lạc loài giữa biển khơi như thế này.
Okinawa là tên gọi có ý nghĩa “làng đánh cá ngoài khơi” xuất xứ từ thổ ngữ của vương quốc Ryukyu với lãnh thổ có nền văn minh biển, hùng cứ dải đảo nằm giữa Kyushu và Đài Loan trong vòng 450 năm từ 1429 cho đến khi chính thức sát nhập thành một tỉnh của Nhật Bản vào năm 1879. Okinawa mang ý nghĩa của biển khơi, lồng lộng gió mưa và du khách bốn phương đến đây có thể cảm nhận những ngọn gió, những cơn mưa chợt đến chợt đi như chưa từng quyến luyến ấy đã làm nên phong thổ sinh động và tính cách phóng khoáng, rộng mở của người dân xứ đảo.
Cách đây 37 năm
Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, tàu đánh cá cứu vớt nhóm ghe Tuấn cập bến cảng Naha đã có nhân viên Hồng Thập Tự đón sẵn đưa ngay về trại tỵ nạn. Tháng 4, những đợt nắng đầu Hè rọi chiếu vào chỗ ngồi trên xe buýt sang trọng đầu tiên trong đời được ngồi lên đã tạo nhiều kích thích cho cuộc đời mới trước mặt, giúp mọi người trong nhóm tạm quên những suy nghĩ buồn đau, tuyệt vọng trên chiếc ghe nan tre ọp ẹp lúc nào cũng như sẵn sàng tan nát bởi một cơn sóng mạnh.
Đó là chuyến đi đầy hãi hùng đã khiến Tuấn buồn nôn đến gần nghẹt thở khi nhìn thấy biển trong những ngày đầu tiên đặt chân lên đất liền bởi những ám ảnh của màu biển xám ngắt trong cơn giông, màu đen chết chóc lúc về đêm và màu xanh sạm tái ghê rợn ngay giữa ban ngày ở những vùng nước sâu nguy hiểm.
Phải nửa năm sau thì chấn thương tinh thần này mới hồi phục, cũng là lúc Tuấn bắt đầu thấy hấp dẫn trước màu xanh lục bảo ngời sáng từ những khoảnh biển san hô đó đây khắp đảo dưới mây trời rực nắng. Lúc đầu, không biết đó là san hô mà chỉ nghĩ một cách thô thiển là do nước biển có rong xanh. Cô bạn gái người Nhật, Yuki, trong làng bên cạnh trại tỵ nạn đã cố gắng giải thích bằng vốn liếng tiếng Anh trung học của mình. Tuấn vẫn chưa hiểu, vậy là Chủ Nhật sau đó hai đứa kéo nhau ra biển, nàng vừa lặn vọc san hô vừa thuyết minh trong khi Tuấn cứ mãi sững người vì bộ đồ tắm bó sát thân thể con gái 18 tuổi.
Rồi sau đó là những đêm trăng, dưới tán lá mía xào xạc gió Thu, hai đứa bập bẹ kể nhau nghe giấc mơ của mình. Cho dù không một ánh đèn, chỉ với ánh trăng soi, Tuấn vẫn thấy má Yuki ửng hồng mỗi khi câu chuyện gặp chỗ tương đồng. Chế Lan Viên có câu thơ thật hay về tình cảm quyến luyến với nơi mình đã sống:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Chính nhờ Yuki và tình yêu trong trắng của nàng đã giúp Tuấn thiết tha hơn với cuộc sống nhiều chán ngán của kiếp tha hương. Okinawa sẽ chỉ là một nơi tạm dừng chân để rồi dần dà mai một cùng trí nhớ nếu không có những kỷ niệm tình yêu rực rỡ đó. Nhờ Yuki, Tuấn thấy bên dưới núi rừng đất đỏ bazan khô cằn là mầm sống của những cánh đồng dứa bạt ngàn mỗi năm 2 mùa thu hoạch và từng cơn gió thổi giật tung hàng cọ dừa khẳng khiu nhưng bền bĩ đều mang thông điệp trời đất giao mùa. Khi yêu nhau, con người hay ngước lên nhìn trời ngắm trăng cũng như cúi xuống chạm gần cây cỏ, cảm xúc lồng lộng trong tim của tình yêu cần đến tự nhiên như một loại giao diện để chia sẻ với ngoại giới. Nếu xem tình yêu như một thứ năng lượng, thì tự nhiên là nơi để trung hòa những rung động thác loạn đó. Có dạo Yuki cũng đã nói với Tuấn:
- Trước khi anh đến, Okinawa không đẹp như vầy. Tại sao thế nhỉ?
Đó là câu nói cho thấy Yuki đã yêu chàng, khiến Tuấn luôn luôn bồi hồi mỗi khi nhớ lại để mỗi lúc mỗi trói cột lòng mình vào đất đảo này.
Mặt khác, cuộc sống hằng ngày nóng ruột đợi chờ quyết định định cư nước thứ ba cũng khiến cho thời gian trong trại như kéo dài dằng dặc. Ngoài việc đi làm dành dụm chút tiền gửi quà về cho gia đình tại Việt Nam, Tuấn tham gia hầu hết các hoạt động chung như tổ chức thực hiện các lớp học tiếng Việt, toán, tiếng Anh cho trẻ em, thành lập đoàn Hướng đạo sinh, văn nghệ Xuân…cho mau qua ngày tháng thấp thỏm. Món quà tinh thần duy nhất mỗi tháng là tạp chí Người Việt Tự do (tiền thân của Nguyệt San Hiệp Hội) được gửi từ Tokyo xuống và đây là nguồn thông tin đều đặn đứng đắn nhất để qua đó tìm hiểu tình hình thế giới thời chiến tranh lạnh cũng như sự điêu tàn của quê nhà dưới chế độ toàn trị. Mỗi cuốn báo vào thời điểm đó hoàn toàn không có nghĩa của một loại hàng tiêu dùng xem rồi bỏ mặc nhưng đã được tất cả độc giả tỵ nạn không những chuyền đọc mà còn trang trọng cất giữ để đêm đêm nghiền ngẫm chờ số báo mới. Tuấn vẫn còn nhớ, khi đến lân la trò chuyện tại phòng ở của bạn bè trong trại, các số báo được xếp ngay ngắn trên các giá tủ gỗ đóng tạm hình như còn có ý nghĩa biểu lộ “trình độ” của chủ nhà.
Tạp chí Người Việt Tự Do cũng đã tạo nên một phong trào thú vị trong cuộc sống buồn tẻ: làm báo. Có được chút ít tiền khi làm thuê bên ngoài, các anh em trong trại rủ nhau đi mua bộ stencil roller và mực in sau khi mượn văn phòng quản lý trại máy đánh chữ để bắt đầu tập tành viết lách và “xuất bản”. Các văn tài bích báo thời trung học cũng như đại học của toàn trại đã được huy động tập trung sáng tác.
Đêm đêm đó đây trong các căn phòng, bóng đèn điện vàng tỏa ánh sáng tù mù trên các bàn viết đóng bằng ván ép và các tông ọp ẹp, các “nhà văn” nặn óc vật lộn với từng con chữ, sáng tác bên ly cà phê Nestlé bột hòa tan và khói thuốc đốt liên tục điếu này sang điếu nọ để tìm hứng.
Ngày Chủ Nhật nọ, Tuấn dẫn Yuki vào trại phụ làm báo. Căn phòng 25 mét vuông của anh vốn đã chật, bây giờ lại càng thốc thếch hơn nữa với các loại giấy mực và dụng cụ in ngổn ngang đến nỗi Yuki đã phải nhón gót, không dám áp sát lòng bàn chân xuống vì sợ dính mực và giấy rác.
Thời đó hầu hết trại tỵ nạn đều xảy ra tình trạng thiếu gái thừa trai do cánh phụ nữ ít ai dám mạo hiểm vượt biển hơn đàn ông. Nghe nói có cô gái Nhật đến giúp, thanh niên cả trại bừng bừng sinh khí, nhộn nhịp đón chờ. Cả đêm trước đó, nhiều cuốn tự điển đã được lật ra để tìm những câu chữ tiếng Anh có thể mang ra giao tiếp làm quen với cô gái trẻ. Biết là đến để phụ việc in ấn, hôm đó Yuki mặc quần jean yếm và áo xanh dương đậm. Gam màu sẫm chỉ càng làm nổi bật hơn khuôn mặt trái xoan trắng mịn và dáng người vừa vặn của nàng.
Tuấn dạy cho Yuki cách xếp trang và đóng gáy. Dù lúc đầu có hơi chậm so với người khác nhưng chính nhờ sự cẩn thận vốn có, hai tiếng đồng hồ sau đó, không một ai có thể làm được công việc này nhanh gọn và đẹp mắt hơn Yuki.
Đến gần nửa đêm, công việc tạm xong. Tuấn tặng Yuki quyển báo đầu tiên của số báo đầu tiên. Dù không biết đến nửa chữ tiếng Việt nào, nàng cảm động cầm lấy và nói:
- Em sẽ cố gắng học để có thể hiểu những dòng chữ trong đây, trước tiên là có thể nói chuyện được với anh bằng thứ tiếng mà anh đã yêu như em yêu tiếng Nhật của mình.”
Tuấn đưa nàng về, gió khuya nhè nhẹ. Tiếng đàn 3 dây sanshin vẳng lên từ nhà ai, mênh mang xa vắng. Âm nhạc là nghệ thuật sử dụng âm thanh để diễn tả tình cảm của con người. Mà con người từ khi sinh ra đã tìm đến nhau để rồi trói buộc nhau bằng sợi dây có tên gọi là dân tộc.
Mỗi dân tộc đều có một số phận riêng, số phận đó dường như đã được thể hiện trong âm sắc riêng biệt ở nhạc cụ truyền thống. Bao hưng phế chiến chinh để rồi chìm đắm và thoát thai vào lòng một dân tộc xa lạ của đất đảo này như đã hiện hết vào âm hưởng kể lể day dứt của tiếng đàn sanshin đêm nay. Yuki bỗng nói:
- Em cảm thấy lạnh!
Hiểu ý người yêu, Tuấn choàng tay lên vai nàng. Đôi đứa đi chậm hơn chút nữa như muốn đoạn đường về nhà thêm xa. Bãi mía ban ngày xanh ngắt phất phơ ngàn lá nhưng khi đêm xuống trông giống như vô số bóng người xõa tóc rũ rượi.
Giữa mùi đất ẩm ướt nồng nàn sau cơn mưa sáng nay bốc lên từ ruộng mía hai bên đường làng có lẫn chút mùi dầu mực in từ áo quần, vẫn không thể ngăn cản khứu giác của Tuấn tìm đến mùi hương nhẹ êm lâng lâng từ mái tóc rối chưa kịp chải lại của Yuki sau một ngày dài phụ giúp Tuấn làm việc. “Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc….” . Chính chàng cũng không biết được rằng đây là thời khắc với mùi hương trên tóc đó sẽ đọng mãi trong ngăn kéo ký ức của đời mình.…
Đứng trước thềm đá cũ của trại tỵ nạn ngày xưa giờ đã xanh um cỏ dại và bóng chiều xa vắng như làm lòng người về thăm cảnh cũ thêm ngân nga, chấn động. Tuấn chầm chậm đánh xe nhiều vòng trong khu trại cũ. Ngày xưa đây là bếp nấu ăn tập thể nơi các mẹ các chị bỏ công sức nấu từng bữa ăn chăm sóc sức khỏe mọi người trong trại. Khu văn phòng quản lý có các anh chị thông dịch tận tình giúp đỡ những đồng bào đến sau mình. Sân bóng đổ mồ hôi, hét hò, cổ vũ, cuồng nhiệt, thanh xuân.v.v...
Tuấn dừng lại trước căn phòng của mình mà bây giờ chỉ còn có thể nhận ra bằng cây bông sứ Yuki đã trồng tặng trong dịp tổng vệ sinh toàn trại. Ai đó đã không nhẫn tâm chặt đổ khi đập nát khu nhà để chuẩn bị mặt bằng cho một công trình xây dựng mới. Giữa hoang phế đìu hiu, màu bông sứ trắng luống nghẹn ngào đó như xé nát lồng ngực chàng. Hơn 30 năm rồi, màu kỷ niệm vẫn chẳng chút phôi pha. Bất giác, Tuấn thốt lên khe khẽ : “Yuki ơi, anh nhớ em thật nhiều”.…
Sau khi thi đỗ vào đại học, Yuki đã chọn Khoa Ngoại văn với quyết tâm không hề lay chuyển là làm sao có thể đọc và hiểu những trang báo mà Tuấn đã viết và tặng nàng vào đêm Chủ Nhật đó. Ước mơ của nàng trước sau như một là được làm việc cho người tỵ nạn và sau đó sẽ kết hôn với Tuấn. Học xong cử nhân, để có thể trau dồi thêm tiếng Việt chuyên sâu bằng luận án thạc sĩ về ca dao tiếng Việt, Yuki quyết định ở lại Okinawa thêm đôi năm nữa trước khi rời quê hương để chính thức về sống chung với Tuấn đang định cư tại phố cảng Yokohama. Thuở ấy chưa có e-mail, mỗi tối khi đi làm về, việc đầu tiên của Tuấn là lục soát thật kỹ hòm thư của mình. Hai bên đã giao ước là mỗi tuần phải viết thư luân phiên bằng hai loại ngôn ngữ Việt Nhật để san sẻ thông tin cũng như học hỏi tiếng nói của nhau. Yuki kể chuyện học, còn Tuấn cố gắng diễn tả công việc xã hội dấn thân cho cộng đồng của mình, trong đó đáng kể nhất là những khó nhọc khi xuất bản một nguyệt san hằng tháng. Và dường như tất cả khó nhọc đó đã tiêu tan sau mỗi dòng tái bút của Yuki : “Em luôn yêu anh và sẽ cố gắng học giỏi tiếng Việt để phụ giúp anh làm báo”.
Cho đến một ngày kia, hòm thư của Tuấn có một phong bì to, trong đó có lá thư của Yuki và cuốn báo cũ mà chàng đã tặng vào đêm Chủ Nhật ngày nọ. Vội vàng bóc thư ra, dòng chữ yếu ớt của Yuki như chôn liệm hồn chàng: “Anh yêu, em biết là mình sẽ khó có thể giữ mãi được kỷ vật này khi cơn bạo bệnh hiện nay sẽ cướp em ra khỏi anh trong một ngày không còn xa nữa....”
…
Tuấn ngồi xuống trên bậc đá trước thềm phòng cũ, màu chiều chợt vàng hơn. Hàng cọ dừa ngoài đường làng vắng vẻ bần bật thảm thiết bởi gió triều từ khơi xa thổi lộng như để bảo bọc cho cây bông sứ cô đơn nở màu trắng ngần. Bông ơi, vậy mà mi vẫn sống! Chiến tranh, ly tán, đói nghèo, tử biệt...tại sao con người phải mãi sống trong quá nhiều bi kịch đổi thay giữa một dòng đời sừng sững chầm chậm cuộn chảy. Bông kia rồi không biết còn nở đến được ngày nào để thỉnh thoảng Tuấn lại về đây ngồi tưởng nhớ người xưa với tờ báo cũ trên tay.
Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về ru giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây
Thơ Phạm Công Thiện
Văn Tuấn
(Viết để chia tay Nguyệt san Hiệp hội)
Trích trong Đặc Tập 40 Văn Học VN tại Nhật.