Sự phân biệt đẳng cấp giữa người da trắng và những người nô lệ da đen đến từ Phi Châu đã xuất hiện trên thế giới từ mấy trăm năm qua. Trong đó người da trắng đứng trên là chủ nhân và người da đen là nô lệ hay kẻ phục vụ. Tại Mỹ sự kỳ thị tuy nhiên không chỉ áp dụng cho người da đen mà còn thể hiện trên nhiều lãnh vực với những mức độ khác nhau, như với phụ nữ, sắc dân da đỏ, người di dân da mầu, người đồng tính, vân vân. Sau nhiều thế kỷ chống áp bức và phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ, những cuộc đấu tranh đẫm máu của người da đen đã đạt được một số thành quả. Thời tổng thống Lyndon Johnson giữa thập niên 1960 đã ra chính sách The Great Society xóa phân biệt chủng tộc và xóa nghèo nàn. Kỳ thị chủng tộc bị coi là vi luật. Tính kỳ thị tại Mỹ tuy nhiên trên thực tế, do hoàn cảnh lịch sử, đã không thể hoàn toàn biến mất ngay cả khi nước Mỹ đã từng bầu lên một vị tổng thống người da đen, tổng thống Barack Obama.
Vào ngày 25 tháng 5 năm 2020 tại Minneapolis, Minnesota, đã xẩy ra cái chết đáng lý không nên xẩy ra của người Mỹ đen George Floyd dưới tay người cảnh sát Mỹ trắng Derek Chauvin. Chauvin đã quỳ lên cổ Floyd trong gần 9 phút bất kể sự kêu van không thở được của Floyd. Cái chết của Floyd và cách hành xử của cảnh sát đã như một giọt nước làm tràn ly, nhắc nhở trở lại sự kỳ thị vẫn tồn tại trong xã hội và bạo lực của cảnh sát. Sự tức giận đã bùng lên không chỉ riêng trong cộng đồng người da đen, các sắc dân da mầu khác, mà ngay cả trong giới người da trắng. Đưa đến những cuộc biểu tình, ôn hòa cũng như bạo loạn, xẩy ra trên nhiều thành phố và tiểu bang nước Mỹ.
Trước sự giận dữ gia tăng đòi công lý cho Floyd của dư luận toàn quốc, để làm dịu dư luận, các giới chức lãnh đạo liên bang và tiểu bang, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đã đưa ra những đề nghị cải tổ tình trạng kỳ thị và bạo lực trong cảnh sát Hoa Kỳ. Họ cũng đưa ra những khuyến cáo xóa bỏ đi các dấu tích đưa tới sự nhắc nhở người dân về thời kỳ nô lệ của người Mỹ gốc Phi Châu tại Mỹ. Cụ thể là lấy đi hình tượng của các vị lãnh đạo trong Liên Minh miền Nam của 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ trước đây ở miền Nam Hoa Kỳ, hay đổi tên các căn cứ quân sự đang mang tên của các lãnh đạo trong Liên minh Miền Nam. Đây là điều tổng thống Trump đã phản đối.
Giữa những cố gắng và tranh cãi đó của các giới chức Hoa Kỳ, vào tối Thứ Sáu trong bãi đậu xe tiệm Wendy’s tại Atlanta, Georgia, lại xẩy việc người Mỹ đen Rayshard Brooks, 27 tuổi ngủ gục trong xe do say rượu, bị cảnh sát bắn chết sau khi Brooks chống cự lại sự bắt giữ, xô xát với cảnh sát và giựt súng điện cảnh sát bỏ chạy. Cái chết của Brooks như một cơn gió thổi vào ngọn lửa vừa giảm xuống khiến cho ngọn lửa lại bùng lên với những cuộc biểu tình bạo loạn tại Atlanta.
Vào hôm thứ Bẩy, tại Atlanta những người biểu tình đã đốt cháy tiệm Wendy’s nơi Brooks bị bắn chết. Họ cũng đốt cháy nhiều chiếc xe hơi đậu gần tiệm rồi kéo đến chặn xa lộ liên bang 75/85 gần đó khiến cho xe cộ bị kẹt cứng. Sau cái chết của Brooks cảnh sát trưởng Atlanta đã từ chức, còn thị trưởng thành phố Atlanta thì yêu cầu sa thải cảnh sát viên bắn chết ông Brooks. Vào ngày Chủ Nhật văn phòng khám nghiệm y tế của quân hạt Fulton đã xác định cái chết của Brooks là do cố sát. “Hai vết thương bị bắn sau lưng đã khiến cơ thể bị tổn thương và sự mất máu đã đưa đến cái chết của ông Brooks.” Cũng vào ngày Chủ Nhật cảnh sát viên Garrett Rolfe đã bị đuổi việc, riêng cảnh sát viên Devin Brosnan thì tạm thời bị cho ngưng việc.
Biến động từ cái chết của Floyd dẫn đến những sự bạo loạn đã khiến cho tình hình khó khăn tại nước Mỹ khởi đầu do đại dịch Covid 19 gây ra đầu năm 2020 càng khó khăn hơn. Tính đến ngày 15 tháng 6 năm 2020, Mỹ có tổng số 2,103,750 ca lây nhiễm và 115,896 người chết. Tỷ số người dân thất nghiệp là 48.7% kể từ tháng 3/2020.
Theo kế hoạch trong những tháng tới, tổng thống Trump sẽ xuất hiện tại những cuộc vận động tranh cử tại các tiểu bang Arizona, Ohio, Georgia, Florida, Texas and North Carolina. Thành phần cử tri ông nhắm tới hiển nhiên sẽ là thành phần cốt cán cực hữu tức là người da trắng với tư tưởng tối thượng, kỳ thị những người Mỹ đen và bài bác những người di cư gốc thiểu số.
Với khẩu hiệu “Giữ Nước Mỹ Vĩ Đại”, để kích động những người ủng hộ ông, tổng thống Trump sẽ không thể không tiếp tục khuấy động chia cách chủng tộc. Đây là điều mà các thành viên đảng Cộng Hòa đang đối mặt với sự tái ứng cử vào tháng Mười Một cuối năm lo sợ, vì nó đi ngược lại với những kêu gọi đại đoàn kết đất nước của họ. Truyền thông vẫn nói rằng ông Trump thường có lợi trong tình hình chia rẽ lộn xộn. Bởi vì ông biết thừa cơ nước đục thả câu, nhắm vào thành phần nào để tranh thủ mà thắng. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, thì khác hẳn. Vì cách ông đối phó vừa sai nguyên tắc vừa không thích hợp như với những cuộc biểu tình trước Bạch cung phản đối cái chết của Floyd. Qua đó tổng thống Trump đã xử dụng quân đội để gọi là “làm chủ tình hình”. Việc ông bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của dân đã bị những tướng lãnh kỳ cựu, uy tín như James Mattis, Colin Powel vân vân, chỉ trích thẳng thừng không kiêng nể.
Qua những cuộc trưng cầu dân ý gần đây mức tín nhiệm của người dân Hoa Kỳ dành cho tổng thống Trump đã rơi xuống thấp hơn so với ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden mà ông Trump gọi là “Joe buồn ngủ, kẻ thua cuộc” là 10 điểm. Thời gian đến ngày bầu cử không đầy năm tháng, kinh tế chưa có dấu hiệu đi lên ở những nơi đã mở lỏng hoạt động, và rất có thể phải ngưng lại vì số dịch bệnh đang tăng vọt lên. Khi ông tới đọc diễn văn ở West Point, tay phải đã không đủ sức cầm ly nước đưa lên miệng mà phải dùng tay trái đỡ thêm; lúc rời bục thuyết trình ra về ông đi chập choạng, không vững, khiến đã có dư luận đặt vấn đề sức khỏe của ông. Đây không phải là dấu hiệu tốt cho tổng thống Trump trước một quần chúng Mỹ muốn nhìn thấy người lãnh đạo của họ mạnh khỏe và linh hoạt.
Âu cũng chỉ còn chờ ở cái số.
Tuệ Vân
Ngày 15 tháng 6 năm 2020.