Mở mục Bài Mới trang Bức Tranh Vân Cẩu thấy bài viết “Người tị nạn Đông Nam Á “nơ người da đen”, của ông Trịnh Quốc Trương (thành viên hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến) tôi đã đọc ngay. Vì hai lý do. Một là ý kiến hoàn toàn mới lạ, chưa thấy ai nói. Chính cá nhân tôi là một thuyền nhân tị nạn, chưa bao giờ trong đầu tôi có mảy may ý tưởng là tôi “nợ người da đen”, vì nhờ người da đen đấu tranh cho tôi vào Mỹ. Hai là thấy tên “Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến” lạ hoắc tôi chưa từng nghe, trong danh sách vô số tổ chức hội đoàn, nhóm ái hữu, đảng phái và cộng đồng cũng như đấu tranh người Việt tôi có trong đầu.
Có một câu khẳng định trong bài viết tôi thấy rằng là sai lầm, vì ngộ nhận. Là “Hai thập kỷ trước khi những người tị nạn Đông Nam Á đầu tiên đến Hoa Kỳ, các nhà đấu tranh quyền dân sự Da Đen đã thúc đẩy sửa đổi các chính sách nhập cư và sự kiện này đã cứu chúng ta”. Cho nên tôi đã phải viết những giòng này.
Phải nói cho chính xác rằng năm 1964 dưới thời tổng thống Lyndon Johnson là năm bắt đầu của chính sách the Great Society mà căn bản là Xóa nghèo nàn và bất công chủng tộc nói chung, trong xã hội Mỹ, chứ không chỉ nhắm vào dân nhập cư Á châu. Chính sách này không tự nhiên mà có, nhưng là kết quả của những cuộc đấu tranh của người Mỹ da đen là thành phần sắc tộc lớn ở Mỹ đã bị kỳ thị nhiều năm, từ thời nô lệ. Những người nhập cư từ mọi nước, không chỉ từ Đông Nam Á Châu, được hưởng lợi ích của cái chính sách lớn cho toàn nước Mỹ xóa nghèo nàn và kỳ thị chủng tộc này. Riêng người Việt Nam tại Mỹ lúc đó không có bao nhiêu, chỉ lèo tèo một số tu sĩ, du học và tu nghiệp, cựu nhân viên sở Mỹ, vợ Mỹ…Số người Việt Nam vào Mỹ chỉ gia tăng nhiều kể từ sau 1975, với những thành phần gọi là di tản, Những người đầu tiên này bị phân tán ra thành từng nhóm khắp nước Mỹ, mà nhóm lớn nhất là ở vùng Washington DC. Khi có đông đảo những thuyền nhân tị nạn mới nẩy ra xu hướng tập trung vào những vùng ấm áp California và Texas, dần dần phát triển tới bây giờ.
Số người Việt nhập cư đặc biệt gia tăng dưới thời tổng thống Carter (1/1977-1/1981) vì lý do chính trị, để phản ứng lại việc VC đánh chiếm Cao mên. Nếu biết chút xíu lịch sử giai đoạn miền Nam xụp đổ 1975, thì hiểu rằng Mỹ ngay từ đầu đã sẵn sàng công nhận chế độ VC, coi VNDCCH là đối tác chính trị. Tôi còn nhớ rõ một bài viết của Kissinger trong tạp chí Foreign Affairs đầu thập niên 1970 rằng tương lai chính trị miền Nam tùy thuộc ở ý hướng của dân chúng Việt nam đóng vai của một cái bản lề. Nói khác đi là nó không tùy thuộc ở quan điểm của Mỹ, tức là Mỹ phủi tay. Cụ thể là nếu dân miền Nam không giữ được miền Nam thì miền Bắc sẽ cai trị. Sau 1975, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Holbrooke đã được tổng thống Carter cho làm đặc sứ trách nhiệm điều đình với VC về việc thiết lập bang giao hai nước. Việc không thành vì VC trong cơn say chiến thắng đã đòi Mỹ viện trợ, mà bên ngoài thì huênh hoang là bồi thường chiến tranh. Cũng trong tâm lý này, tổng bí thư đảng VC là Lê Duẫn sau khi chiếm được miền Nam VC ngả hẳn theo Nga, nhanh chóng ký kết cho Nga khai thác Cam Ranh. Tháng 11/1978, Lê Duẫn cho xâm lặng Cao mên, dẹp Khmer đỏ theo TC. Và vì thế đã sa vào vũng lầy Cam bốt, vì bị bao vây tấn công bởi Thái lan, Anh Pháp Mỹ Tầu cho tới khi có thể rút ra khỏi vào năm 1989.
Chính vì thế, Mỹ đã nói đến chính sách tù đầy cải tạo VC để làm áp lực, cô lập chế độ VC. Và vì thế mà tôi sau khi đến Mỹ tháng 3/1979, tình cờ gặp Sister Laola Hironaka là một hội viên Ân xá quốc tế biết tôi là một tù nhân lương tâm thì đã giới thiệu tôi cho nhà hoạt động nhân quyền Ginetta Sagan phỏng vấn tôi thêm về vấn đề hành hạ tù cải tạo để bổ khuyết cuốn Human Rights violations in the Socialist Republic of VN bà đang soạn thảo. Kế đó, tôi được mời trong ban thuyết trình, như một nhân chứng cựu tù cải tạo vượt biển, cùng với ca sĩ Joan Baez trong buổi họp báo ở Beverly Hills, công bố bức thư ngỏ gửi nhà cầm quyền CHXHCNVN phản đối sự hành hạ tù cải tạo. Tiếp theo, bà Ginetta Sagan và Joan Baez đã đi Washington, DC tổ chức biểu tinh cầm nến trước Bạch cung yêu cầu cho các thuyền nhân định cư tị nạn. Và tổng thống Carter đã ký sắc lệnh cho 14,000 thuyền nhân vào Mỹ. Nếu cứ như bài viết cuả TQT, ông Bayard Russel, thành viên của International Rescue committee là một người tổ chức biểu tình thì chúng ta hiểu rằng ông Russel là một người Mỹ da đen làm việc ăn lương của bộ ngoại giao Mỹ. Bởi vì IRC là một tổ chức bất vụ lợi nhận trợ cấp của bộ ngoại giao Mỹ trách nhiệm định cư cho các loại người tị nạn và chạy trốn CS, chứ không phải là một nhà hoạt động nhân danh cộng đồng người Mỹ da đen đấu tranh cho người tị nạn Đông Nam Á. Nói cho rõ thì người tị nạn Việt nam được vào Mỹ là trong khuôn khổ chính sách của Mỹ lúc đó, và nếu có nợ là nợ tổng thống Carter chứ không nợ người da đen như TQT nghĩ.
Tóm lại thì nếu không có chuyện VC xâm lăng Cao mên để gây ra phản ứng của tổng thống Carter, thì những thuyền nhân vượt biển cho tới năm 1979 sẽ mòn mỏi tại các trại tị nạn nhiều năm chờ được định cư nhỏ giọt vì lý do nhân đạo và Mỹ sẽ chỉ nhận cho nhập cư khi mà không còn nước nào nhận nữa (tôi biết rõ điều này vì chính tôi chứng kiến và trải qua tình trạng này ở trại tị nạn Mandaluyung Manila Phi luật Tân).
Sau khi duyệt lại sự hình thành cộng đồng VN tại Mỹ như trên, đến đây ta có thể trở lại với tình trạng kỳ thị chủng tộc và liên hệ với cộng đồng người Mỹ da đen mà TQT đưa ra. Chúng ta biết rằng như tên gọi, The United States of America, nước Mỹ là một nước hợp chủng, gồm đủ sắc dân trên thế giới, tới định cư ở Mỹ vào những giai đoạn khác nhau, trong những hoàn cảnh kinh tế chính trị xã hội và lịch sử khác nhau. Cho nên sự khác biệt suy nghĩ tập tục và hành xử là không tránh khỏi, ngay cả giữa những người cùng nguồn gốc. Da trắng da đen là hai phân biệt lớn nguyên thủy. Các da mầu khác là thêm sau. Da trắng nhà quê, tiểu bang nhỏ và da trắng thành phố lớn cũng có khác nhau. Khác biệt cổ điển, thì chúng ta đã thấy miền Nam và nhà quê nói chung thủ cựu, miền Bắc cấp tiến. Trong trường hợp cộng đồng Việt nam, người Việt nam đợt di tản, đợt thuyền nhân, đợt di dân du sinh, đoàn tụ hay buôn bán mới đây, vân vân, không thiếu gi khác biệt ở những mức độ khác nhau, mà rút lại thì chỉ là những dạng kỳ thị. Những dạng kỳ thị này sẽ giảm dần và biến mất, nếu mà có sự tiếp cận chia xẻ và thông cảm. Đó là trường hợp của những thành phố mà cư dân gồm đủ sắc tộc, thường xuyên giao tiếp với nhau. Ngược lại thì sẽ tồn tại hoài hoài. Trong những cuộc biểu tình phản đối bạo hành cảnh sát và kỳ thị chủng tộc nhân cái chết của Floyd chúng ta thấy đủ cả da trắng lẫn da đen. So với những cuộc biểu tình chống kỳ thị trước đây có thể nói là chỉ gồm toàn người da đen. Đây là điều đáng mừng. Có lẽ nhờ ở những tiến bộ kỹ thuật thính thị truyền thông trên mạng xã hội, và nhờ sự giáo dục trong hệ thống các trường mà học trò được dây dỗ.
Hiểu như thế thì khuyến cáo túm tụm với nhau giữa những kẻ yếu kém da mầu không phải là điều tốt, vì nó chỉ gìn giữ mặc cảm thiểu số yếu nhược và da mầu miên viễn, của những công dân hạng hai, vì da không trắng. Điều quan trọng là phải bung ra hội nhập, nhưng giữ gìn những đặc thù sắc tộc là sức mạnh mềm (soft power) của mình để cung cấp thêm năng lực cho sức mạnh đa văn của xã hội chung. Người Mỹ Do Thái là một thí dụ tuyệt hảo.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 10 tháng 6/2020)