Tôi đến Hoa Kỳ vào đầu mùa đông, tháng 11/1990. Vừa mới đến, Ông Trời tặng cho một cơn bão tuyết. Đường phố tuyết rơi tràn ngập cao đến một mét.Trường học và các nơi làm việc đều đóng cửa. Tiểu bang Iowa, ai nghe đến cũng giật mình. Gia đình tôi định cư tại thành phố Des Moines, một thành phố nông nghiệp chuyên về trồng trọt và chăm nuôi. Thời tiết luôn luôn dưới không độ C. Nhưng con người nơi đây rất hiền hòa và đầy nhân ái.Người dân sống không bon chen như những thành phố khác, xe cộ vừa phải. Trường học cho con em chúng ta cũng như cho người lớn tuổi, không nơi nào bằng. Nên gia đình tôi nhận nơi này là quê hương thứ hai.
Sau 19 năm quân ngũ thuộc đơn vị Tổng Trừ Bị, chưa kể 6 năm làm lính “con nít” Thiếu Sinh Quân QLVNCH. Trong suốt thời gian niên thiếu tôi đã gặp nhiều cay đắng. Cô đơn trong cuộc đời lẫn những tháng năm dài trong quân ngũ. Nói như thế để các bạn hiểu rằng có rất nhiều người lính cô đơn của ngày xưa, vì không có một ông thầy đỡ đầu. Làm cho cấp trên hưởng và ít ai hiểu được công lao thật sự của mình!
Đến 30/4/75 đổ vỡ hoàn toàn! Khi đời vừa chín mộng, vừa níu kéo được tương lai, vừa tạm ổn định được hiện tại thì màn đêm buông xuống! Kết quả 13 năm trong lao tù Cộng Sản. Có nếm mùi mới biết được tủi nhục đắng cay.
Cuối năm 1987 trở về, còn được vợ con là Trời còn ngó lại rồi. Vì đa số những người về cuối cùng, thì hầu như sự kiên nhẫn, chờ đợi của người đàn bà đã kiệt sức, không còn chịu đựng nữa so với tuổi đời chồng chất.
Các bạn cũng nên rộng lượng tha thứ, vì những người đi chiến đấu ở đơn vị Tổng Trừ như chúng tôi, lấy những chiến đấu để đo lường thời gian của những chuyến đi. Khi ngã xuống chỉ có hai bàn tay trắng với vài trăm ngàn tiền tử tuất. Đến 30/4 coi như mình đã nằm xuống, không để lại cho vợ con tiền tử tuất. Họ còn tay bồng tay bế một lũ con nheo nhóc, đứa lớn mới học mẫu giáo, đứa nhỏ nhất chưa biết bò! Mẹ chúng nó chỉ biết chờ chồng, họa hoằn lắm một năm có vài lần trang điểm lại cho thật đẹp để làm người tình cho chồng năm ba hôm, rồi chàng lại dong ruổi ra quan ải. Thử hỏi kinh nghiệm sống ở đời có là bao? Còn biết bao nhiêu cặm bẫy giăng đầy trên lối đi.
Tháng 10/88, nhà nước Việt Cộng và chính phủ Hoa kỳ cho phép những người đi tù về được nộp đơn xin đi tái định cư tại Mỹ. Một số sĩ quan trẻ dưới quyền tôi ngày trước mua đơn cho tôi. Phần mua đơn đã gặp nhiều khó khăn rồi, nào là phải chầu chực từ 3-4 giờ sáng, có người phải đến ngủ tại chỗ bán đơn để được mua trước với giá cắt cổ chợ đen! Lúc bấy giờ tôi đang làm rẫy cách Bà Rịa 15 cây số, nhờ may mắn có người đệ tử tài xế ngày xưa, hiện ở Georgia Hoa Kỳ, nghe tin “ông thầy” mới ở tù về liền gửi cho “4 bò Mỹ” để gọi là “bồi dưỡng” sau 13 năm “học tập”. Học 13 năm chẳng thành tài, không có trường đại học nào trên thế giới dài bất tận như “ Đại học máu “ của Việt Cộng!
Có lẽ nhờ ăn ở có đức nên tôi gặp nhiều chuyện may khi ra tù. Sau khi nhận được tiền trợ cấp, tôi mua một miếng đất làm rẫy trồng bắp, mía, khoai mì, cải,hành,ớt, chuối…Thật cũng tôi nghiệp cho thân tôi, ôm như bóng ma đói, tiền em út cho thay vì để nghỉ “giải lao” sau 13 năm miệt mài với cuốc xẻng, thì lại mua đất để sáng sớm khi sương còn đọng trên cành, gà vừa báo thức đợt một tôi đã phải vác cuốc ra đào hố trồng mía! Hai chữ “trồng mía”nghe nó nhẹ nhàng, ngắn gọn, nó ngọt lịm trên lưỡi, trên môi. Nhưng sự thực, từ lúc chặt hom, đào rãnh, xuống phân, xuống hom, tưới nước, làm cỏ, lột lá đợt một. Rồi lại xuống phân, làm cỏ, lột lá đợt hai và dài dài cho tới ngày bán được phải mất hết chín tháng! Cái việc “thấy tiền thì ham” chứ lúc bán phải vác mía từ ruộng tới chỗ xe đậu, tối về bỏ ăn, nằm để mà nghe tiếng thở dài, để mà lau nước mắt!
Đó là mới nói sơ về trồng mía, chứ thật ra chờ đến 9 tháng mới bán được thì có nước chết đói, vì vậy phải trông đủ thứ, mùa nào thức nấy.
Sau hơn một năm “giải lao” và “bồi dưỡng” kỹ theo giai cấp tù về như trên thì một buổi chiều, khi nắng vàng trải dài trên ruộng mía, có một người khách lạ đến rẫy tìm tôi. Sau vài giờ hàn huyên tâm sự, chú quyết định ở lại với tôi một đêm. Thật ra các bạn muốn gọi cái vườn cho nó văn hoa, hay cái rẫy cho nó lam lũ một chút cũng đều được, cả hai danh từ này không sai ý nào. Nhưng khổ một nỗi, chỗ tôi ngủ chỉ có 2 miếng ván lót lưng. Ông chủ đất bên cạnh thương hại tôi nên đã phá cái chuồng heo cũ tặng tôi để làm chỗ ngủ cho đôi “uyên ương già” trong một cái chòi lá 3 thước vuông. Nằm bên trong chòi có thể nhìn thấy gió đùa giỡn với lá, và những khi “trời có điều chi buồn mà trời mưa mãi thế?” thì hai vợ chồng tôi như hai con chuột từ dưới cống nước chun lên.
Khi chú nghe, tôi đề nghị vợ tôi nên về Bà Rịa với các con thì chú không bằng lòng, vì vợ tôi không biết đi xe đạp, phải lội bộ 15 cây số ban đêm. Chú ta xin ngủ lại với chúng tôi và rất lấy làm sung sướng được ngủ trên võng giữa hai gốc sầu riêng sau vườn.
Vợ tôi giết gà và nấu một nồi cháo, còn tôi lội ruộng đi mua một lít rượu đế Hòa Long. Rượu Hòa Long ngon tuyệt và độ cao cũng vừa, rượu chạy đến đâu nghe thấm đến đó, phải cao thủ mới chịu nổi một lít. Nên dân địa phương và phụ cận có câu: “Rượu Hòa Long ai đong nấy uống”.
Sau vài ly rượu thì được biết, chú nhờ một người lính dưới quyền tôi ngày xưa ở Vũng tàu cho địa chỉ và chú thuê xe lôi tới ngay rẫy tìm tôi. Chú lính ở Vũng Tầu tên Thảo, ngày xưa là tài xế của tôi. Thật ra chúng tôi chỉ nói được chuyện ngày xưa, chứ bây giờ những người mới, với chúng tôi không có gì đáng nói và rất khó nói, đau lòng…Khi chú Thảo nghe tin tôi ra tù, chú đến thăm và mang theo danh sách tên họ và một số tiền hơn 100 ngàn tiền Việt Cộng (khoảng 2 chỉ vàng), chú yêu cầu tôi ký vào danh sách:
“ Đại Bàng ký vào đây dùm em, không tụi nó tưởng em xơi tái!”
Tôi nghĩ: “ Mới ở tù ra như chim sổ lồng, gặp cành cong cũng sợ. Biết lòng người ra sao? Sau 13 năm xa mặt cách lòng, bao nhiêu là thay đổi của cuộc đời và lòng người!”. Không ngờ chú đi lạc quyên các chú lính cũ khác, người thì đạp xích lô, kẻ làm thợ hồ, thợ mộc, sửa xe đạp, bán thuốc lá lẻ… Họ muốn giúp tôi bồi dưỡng lúc mới ra tù! Sau khi rõ mọi việc, tôi gấp tờ giấy và số tiền bỏ lại vào túi áo chú. Thoạt đầu chú ngạc nhiên và buồn, chú nài nỉ, cuối cùng tôi chỉ nhận một gói thuốc bổ nhỏ mà chú nói là của vợ chồng chú mua tặng tôi. Nhưng sau khi chú về thì tôi mới biết trong gói thuốc đó có 2 chỉ vàng, lúc bấy giờ chú chạy xe ôm rất khá. Còn phần tiền quyên góp tôi nhất định không nhận. Tôi nhờ chú chuyển lời cám ơn với điều kiện là chú nào còn thương tôi, lâu lâu tới thăm tôi một lần ở rãy với một xị đế, 1 con cá khô để gọi là tình “Huynh đệ chi binh”.
Trở lại phần người khách lạ, trí nhớ của một người tù sau 13 năm bị tẩy não, từ từ trở lại với tôi, và đó là Hiển, cấp bậc Hạ sĩ, làm thợ mộc là nghề tay trái, ở cùng tiểu đoàn với tôi. Chú đã được đăng ký chuyến bay nên tìm tôi để từ giã. Chú được phía Hoa Kỳ cho định cư theo diện con lai.
Sau khi miền Nam bị Việt cộng chiếm thì tất cả đều thay đổi. Giữa tôi và chú Hiển nhìn bề ngoài cũng vậy, rất khác xa. Chú diện rất đẹp và đang đi Vũng Tầu nghỉ mát trước khi rời xa quê hương. Còn tôi mặc một bộ đồ đen vá chằng chịt, chân đi đất. Chú nhìn tôi mà xót xa, không cầm được nước mắt. Chú ôm lấy tôi và run run nói:
- Không ngờ cuộc đời “ ông thầy” lại tiều tụy như thế này!
Chú luôn miệng gọi tôi bằng “ông thầy” rồi lại “Đại bàng”! Danh từ mà ngày xưa thuộc cấp thường gọi vị chỉ huy của họ. Tôi có chỉnh chú mấy lần và xin chú gọi bằng anh cho thân mật. Vì cuộc đời là phù du, tất cả ta nên cho vào quên lãng. Lúc đầu chú có vẻ ái ngại, nhưng rồi cũng quen. Chú lên tiếng trước xin lỗi tôi và hỏi:
- Anh Hoàng đã xin “LOI” bên Thái Lan chưa?
Tôi lắc đầu thay cho câu trả lời, Chú hỏi tiếp:
- Vậy anh có được văn phòng ODP ở Thái Lan ghi tên vào danh sách Mỹ chấp thuận cho đi định cư chưa?
Tôi tiếp tục lắc đầu. Chú thở dài ngao ngán nói:
- Tới giờ phút này mà anh cứ ngồi đây chờ thì đến bao giờ mới được đi?
Lúc này tôi mới thổ lộ hết nỗi lòng mình:
Thú thật với chú, tôi chưa biết cơ quan nào của Việt cộng cả. Từ lúc ra tù đến giờ tôi sống trong miếng rẫy này. Tôi sợ tiếp xúc với chính quyền, vả lại tiền bạc đâu mà làm giấy tờ, tốn kém khủng khiếp lắm. Tôi nghe anh em được trả tự do cuối cùng đồn rằng: “họ sẽ được Mỹ bốc và ai được du học Mỹ, có huy chương Mỹ đều có tên trong danh sách, như vậy thì thế nào chẳng tới phiên mình vì cả 3 điều kiện mình đều có”.
Chú nhìn tôi như thông thạo hết mọi việc:
- Anh ngồi đây mà chờ, liệu đến năm 2000 biết có tên anh chưa? Người Mỹ làm sao biết anh còn sống hay chết? Anh có muốn đi không? Con có khát thì mẹ mới cho bú chứ. Bốc anh đi rồi anh lại trở về như một số anh em trước 30/4/75 người Mỹ họ ngại vô cùng. Còn về phía Việt Cộng anh không chịu lo thì chẳng bao giờ anh rời khỏi cái chế độ khốn nạn này được! Nói thật với anh, từ tiền mua con lai đến tiền lo thủ tục em mất hết 13 cây vàng. Vợ chồng em bán cả cái nhà máy xay gạo của cha mẹ em cho để đổi lấy hai chữ Tự do. Mai sớm em về, anh đưa cho em giấy ra trại của anh và cái giấy thằng công an Đồng Nai nhận hồ sơ xuất cảnh để về Biên Hòa em lo.
Vợ tôi ngồi im lặng từ nãy giờ xót ruột lên tiếng:
- Thôi chú Hiển à, vợ chồng tôi thành thật cảm ơn chú. Nghe nói tốn kém dữ lắm. Chúng tôi sợ kham không nổi, vả lại chú cũng sắp đi rồi làm sao chúng tôi trả lại kịp?
Chú nhìn vợ tôi cười và nói tiếp:
- Bộ chị quên ngày ở Triệu Phong- Quảng Trị, em được anh cho về phép 15 ngày, em có mượn chị 5 ngàn đồng để đi đường, chị cho luôn, chị quên rồi sao? Tất cả những việc đó em không thể nào quên được. Mười mấy năm rồi, gởi ngân hàng cũng có lời vậy thôi. Nói thế chứ em đã bàn kỹ với vợ em, xuống đây thăm anh chị để giúp anh chị việc ra đi càng sớm càng tốt. Em cũng hiểu hoàn cảnh của anh chị nghèo lắm, làm sao bon chen với mọi người.
Chú lại thao thao không để chúng tôi chen vào, có lẽ chú sợ tôi từ chối:
- Nếu anh chị ngại sự giúp đỡ của vợ chồng em, chúng em chỉ lo cho đến ngày chúng em lên máy bay. Anh chị sẽ nhận được hộ chiếu và giấy giới thiệu cho phía Hoa Kỳ phỏng vấn. Tức là hồ sơ anh được chuyển qua văn phòng ODP Thái Lan cứu xét, nếu kịp…
Chú ngừng nói và tính nhẩm.
- Anh chị lên đường vào khoảng cuối năm 1990, HO.5 gì đó…
Nghe chú nói tôi tưởng chú là người của văn phòng ODP vì con đường “chuẩn bị cho 1 chuyến đi” chú đã rành. Uống xong ly trà đã nguội và cũng gần 3 giờ sáng. Bên ngoài gió miên man thổi, tiếng tâm sự của lá cây như những nỗi buồn man mác trong lòng tôi. Tôi ngồi bất động như một pho tượng. Nhìn bóng mình nghiêng ngả soi rọi bởi chiếc đèn dầu leo lét in trên vách của căn nhà lá mục nát, tôi nghe tiếng gọi từ xa xăm vọng về:
- Hoàng ơi! Anh phải vươn lên, chẳng lẽ anh chấp nhận cuộc sống như thế này mãi sao? Anh có thể nào quên được căm hờn, tủi nhục, ê chề đau đớn? Còn cuộc sống của vợ anh, các con anh?
Tiếng thở dài ai oán hòa lẫn với tiếng côn trùng than thở. Tôi cố mở mắt thật lớn, nhìn thật sâu vào bóng đêm u tịch để nhận diện đời mình. Vài con chim đêm vội vã bay đi tìm mồi như sợ ánh bình minh đến cướp đi sự sống của chúng.
Sau hơn 15 năm mới gặp lại, chuyện xưa nói mãi không hết. Chú kết luận:
- Anh chị đừng ngại gì cả, nếu anh chị muốn trả lại cho em thì khi nào gặp nhau bên Mỹ sẽ tính.
Chúng tôi đành chấp nhận giải pháp này và tắt đèn đi ngủ. Vợ chồng tôi nằm nhìn bóng đêm mà không ngủ, hai tấm ván chuồng heo nó cứ kêu lên khi có người đổi thế nằm,
Chú trở về Vũng Tầu khi ánh mặt trời vừa ló dạng, chú sợ bị theo dõi, vì khi đến thăm tôi, chú chưa xin phép chính quyền địa phương. Có sống trong xã hội chủ nghĩa, nhất là Việt Nam ngày nay mới biết được sức mạnh của đồng tiền. Nhiều lúc tôi thấy lương tâm mình cắn rứt vì có nhiều người làm đơn trước tôi nào đã có mấy người được đi “nếu không có bác dẫn đường” (tiền VC). Tôi tự an ủi:
Thôi trời kêu ai người ấy dạ. Có lẽ thượng đế thấy mình đã gánh quá nhiều đau khổ, thiệt thòi.
Đến tháng 7/90 gia đình tôi được giấy báo của phía Mỹ gọi về Saigon phỏng vấn. Cũng có nhiều lần trong đời được người ta gọi đến tên mình, như khi gọi tên vào tù, gọi tên thả tù sau 13 năm dài xa vợ con, tôi vẫn bình thản đi theo bạn bè ra khỏi trại. Thú thật lần này khi tên mình được gọi để vào gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn, (mặc dù tôi vẫn tự hào là rất bình tĩnh kể cả lúc nguy ngập nhất như bị địch quân bao vây tấn công trong những ngày “mùa hè đỏ lửa”) tim tôi như nghẹt thở, tôi bước đi như người mất trọng lượng, như đi vào vũ trụ bao la…
Nhờ những hình ảnh cũ, có cả cố vấn Mỹ, bằng cấp tu nghiệp tại Hoa Kỳ và một số Huy Chương Mỹ, cuộc phỏng vấn kết thúc tốt đẹp sau vài phút ngắn ngủi. Bạn bè thường nói khi ông trời ngó lại thì cái gì cũng may mắn? Bước ra khỏi phòng mắt tôi cay cay, tự dưng muốn khóc, nước mắt ở đâu nó dồn về, hay tôi quá vui mừng khi thấy sắp gặp bến bờ Tự Do? Nhìn qua vợ con tôi, ai cũng gượng cười lau vội những dòng lệ chan hòa trên má.
Đến phần khám sức khỏe cũng êm đẹp mặc dù với nhiều đêm khó ngủ, lo lắng. Rồi qua những ngày tháng lê thê từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1990. Cứ mỗi sáng ngồi trước nhà chờ nguời phát thư, xem mình có bị khám lại sức khỏe không? Vì hồ sơ sức khỏe còn phải được Bác sĩ tại Thái Lan xem lại. Rồi còn chờ sở ngoại vụ thuộc bộ Nội vụ của VC gởi giấy mời đăng ký chuyến bay. Phần này có người vui sướng nhận được giấy đăng ký chuyến bay, có người lại kèm theo một giấy đau khổ “khám lại sức khỏe”.
Còn một tháng nữa đến ngày lên máy bay thì lo nhồi nhét Anh văn, học sáng, học trưa, học tối, lúc ngủ cũng nằm mớ tiếng Anh. Lúc này tôi thường rời nhà, lấy cớ đi học Anh văn, vì nhiều người đến tìm, đa số là người quen biết. Họ tin mình nhưng làm sao mình dám tin họ? Sau vài phút tâm sự họ nhờ tôi qua Mỹ tìm lại đường giây kháng chiến và bạn bè cũ.. Với tuổi đời và kinh nghiệm sống, tôi biết chắc trong số này cũng có kẻ thù len lỏi để theo dõi tôi. Vì vậy tôi rất dè dặt không dám tâm sự hết nỗi lòng lòng mình với nhứng người bạn bè em út ngày xưa. Cho đến lúc biết chắc còn 10 ngày nữa lên đường, cả gia đình tôi phải bỏ nhà lên Saigon tá túc trong một xóm lao động như đi trốn, không dám để bạn bè đưa tiễn. Tôi rời Việt Nam với tiếng nấc nghẹn ngào, cả gia đình thầm lặng bước lên máy bay chẳng dám nhìn lại quê hương mình lần cuối, như sợ nó níu kéo lại.
Tôi cám ơn hết bạn bè anh em đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc thoát khỏi gông cùm Cộng Sản. Tiền bạc nợ nần tôi đã sòng phẳng, nhưng món nợ tinh thần, tình cảm làm sao tôi trả được, vì nó có ấn định được cái giá là bao nhiêu?