Phải trải qua nhiều mùa Ðông và nhất là phải chịu đựng những cơn bão tuyết (blizzard) thổi qua trên các Tiểu Bang vùng Ðông Bắc xứ Mỹ này rồi, tôi mới thấy hết được cái vất vả, cái khốn nạn, cái khổ sở, cái bực mình và nếu nói một cách cường điệu là cái “đại họa” khi đương đầu với những trận tuyết ào ào đổ xuống.
Tôi tin rằng mỗi người Việt Nam chúng ta trước đây, lúc chưa sang sống ở xứ Mỹ, ai cũng mong ước trong đời mình có dịp nhìn những bông tuyết rơi hay đứng giữa cơn mưa tuyết, được vốc từng nắm tuyết trong tay, liệng chúng vào người bạn đối diện như lũ trẻ con chơi trò ném tuyết mà chúng ta đã chứng kiến nhiều lần trên màn ảnh. Tuyết trắng xóa, bay lất phất nhẹ nhàng, bám trên tóc, trên mí mắt có hai hàng mi dài cong cong của người bạn gái...Ôi, đẹp biết bao ! Người ta đã ví tuyết với cái đẹp, sự tinh khiết, thậm chí còn tượng trưng cho sự tự do nữa. Tuyết cũng làm cho người ta liên tưởng đến sự lạnh lẽo, hoang vắng, thê lương và chắc chắn rằng chẳng ai muốn vùi thây giữa đống tuyết bao giờ.
Ðối với tôi, kể từ cơn bão tuyết “Blizzard of 96” khủng khiếp nhất từ hơn 70 năm qua với những trận mưa tuyết liên tục ào ào đổ xuống các thành phố từ Philadelphia đến New York, Boston...suốt 35 tiếng đồng hồ không dứt, bao phủ toàn vùng một lớp tuyết dày gần một thước, nhiệt độ lúc nào cũng dưới độ đông của nước, tôi không còn nhìn thấy một tí gì cái đẹp của những bông tuyết rơi. Tôi khiếp sợ tuyết và đã xem tuyết như một “tai họa” của con người và tôi đã lẩn thẩn so sánh tuyết cũng y hệt như đàn bà.
Giữa tuyết và đàn bà có vài điểm tương đồng. Nếu so sánh hai “vật thể” nào đó mà có điểm tương đồng thì trước hết ta thử định nghĩa mỗi “vật thể” ấy xem sao. Cũng xin thưa trước là, những định nghĩa này không nằm trong các tự điển, tự điếc gì cả. Cũng không phải do tôi định nghĩa mà đây chỉ là sự cóp nhặt từ những lúc trà dư tửu hậu.
Trước hết là Tuyết. Ðó là những tinh thể nước dưới nhiệt độ 32 độ F bị đông lại, màu trắng, rất xốp, rơi từ trên trời xuống.
Còn Ðàn Bà ? “Vật thể” này có rất nhiều định nghĩa, mỗi định nghĩa tùy thuộc vào góc cạnh cái nhìn của từng “giới chức”. Dưới đây là một số định nghĩa khác nhau về đàn bà.
1. Nhà Ðịa Chất : Ðàn bà là một vùng đất mà cư dân sống trong vùng đó không thể nào hiểu được phong thổ, địa lý, tiếng nói cùng phong tục của vùng đất ấy.
2. Nhà Nghiên Cứu Thú Vật : Ðàn bà giống như con mèo. Không ai có thể hiểu được con mèo muốn cái gì và hành động ra sao.
3. Nhà Toán Học : Ðàn bà là một bài toán cộng tiêu pha, bài toán trừ bè bạn, bài toán nhân con cái và là bài toán chia buồn thảm.
4. Người Bán Ve Chai : Ðàn bà khác với cái chai. Cái chai thì đổ nước trước rồi đậy nắp sau. Còn đàn bà thì đậy nắp rồi mới đổ nước.
5. Người Tù Cải Tạo Trong Các Nhà Tù Cộng Sản : Ðàn bà là một thứ thực phẩm rất cao cấp. Thấy cũng không thèm ăn mặc dù bụng đang đói. Cho thì không đủ sức để ăn, còn đem quăng đi thì uổng.
Tôi không tìm thấy một định nghĩa nào về tuyết có tính cách vừa đặc biệt vừa “bổ báng” và phong phú như định nghĩa về đàn bà. Tuy nhiên, điều mà tôi muốn bàn duy nhất ở đây là giữa tuyết và đàn bà có một điểm tương đồng rất “chân lý”. Ðó là một loại “tai hoạ.” (Một ông bạn vàng của tôi không gọi là tai họa mà hắn còn nhấn mạnh là “đại họa” nữa cơ đấy). Vậy thì hai “vật thể” nói trên đã mang tai họa đến cho lũ đàn ông “khốn khổ” chúng ta như thế nào ?
Ðầu tiên, phải bàn về tuyết cái đã. Không ai phủ nhận tuyết rất đẹp, rất nên thơ, rất trữ tình. Còn gì thơ mộng hơn khi ta ở trong căn phòng ấm, nhìn tuyết rơi qua khung cửa kính, nhớ đến người yêu đang lưu lạc phương trời nào và tự hỏi nàng có còn nhớ ta không ? Và tuyết cứ rơi, rơi mãi, hết giờ này sang giờ khác. Bên ngoài, nhìn đâu cũng thấy một màu trắng bao trùm, trên mái nhà hàng xóm, trên cành cây trụi lá, trên mặt đường...Tuyết đã ngập đến hơn đầu gối rồi và chưa thấy có dấu hiệu nào sẽ ngưng rơi. Dù bạn có bồn chồn, nôn nóng muốn biết lúc nào những tinh thể màu trắng ấy ngưng rơi, bạn cũng chớ có mở radio nghe hay bật TV lên xem làm gì cho tốn sức lao động. Không thể tin mấy ông dự báo thời tiết ấy được.
Tuyết không rơi vào ngày cuối tuần mà lại rơi vào ngày bạn phải đi kéo cày trả nợ áo cơm. Không thể tà tà như mùa Hè, ra đến xe là “rồ” máy chạy ngay, chẳng cần quan tâm thắc mắc gì cái đống vật cản màu trắng phủ đầy trên chiếc xe thân yêu của bạn và cái driveway dẫn ra đường cái. Cuộc đời vất vả từ giây phút này. Ít ra phải vật lộn với tuyết cả tiếng đồng hồ, bạn mới có thể đưa chiếc xe cà khổ ra đường đi đến sở làm. Bạn già rồi, đâu còn sung mãn như thời trai trẻ nữa nên chỉ mới xúc vài xẻng tuyết là bạn đã thở dốc, mắt hoa, lưng đau, tai ù. Ngay giây phút này, bạn mới cảm nhận được ngày bạn lên thiên đường gặp các tiên nữ múa khúc Nghê Thường không còn xa lắm đâu. Và bạn sẽ buồn, sẽ ngán ngẫm cho cõi đời sao quá ngắn ngủi. Cũng may cho bạn, quả tim bạn còn khá tốt (dù trước đây đã bị thủng vài chục lỗ vì mấy mợ đàn bà hành hạ bạn, dày vò bạn, đay nghiến bạn) nên bạn không ngã gục trong đống tuyết như bản tin địa phương bạn vừa nghe trên đường đi đến sở làm, theo đó đã có dăm bảy “khứa lão” chết trong lúc xúc tuyết trước nhà.
Thật ra, nếu chỉ có mỗi việc cào tuyết, xúc tuyết không thôi thì có gì đáng gọi là tai họa đâu. Cái tai họa nằm ở chỗ, buổi chiều bạn đi làm về, đậu xe trước nhà xong xuôi rồi (nếu không có tên khốn nạn nào đem xe của hắn đến đậu một cách ngang xương chỗ của bạn đã dọn trống trải từ lúc sáng), bạn vào nhà cơm nước nghỉ ngơi thì một trận tuyết nữa đổ xuống, sau đó là cơn mưa. Mưa không lớn lắm, chỉ làm cho đống tuyết thêm bầy nhầy, ngập ngụa. Rồi đêm hôm ấy, nhiệt độ xuống thật thấp. Cái đống bầy nhầy đó bây giờ trở thành những tảng nước đá đông cứng. Trước tình trạng này, làm cho bật ra được những tảng nước đá bám chung quanh bốn cái bánh xe của bạn, bạn phải nhờ đến cái cuốc và cái mai bén chớ không thể dùng chỉ có mỗi cái xẻng nữa. Sức lao động đổ ra nhiều hơn và bạn sẽ chán đời hơn và niềm mong ước được về các vùng nắng ấm như Florida, Texas, Cali của bạn cũng mãnh liệt hơn.
Nếu chiếc xe của bạn thuộc loại chạy “bốn bánh” hoặc chạy “bánh trước” thì bạn sẽ ra khỏi vị trí đậu xe hay chạy trên đường tương đối dễ dàng hơn. Còn nếu xe bạn thuộc loại chạy “bánh sau” thì coi bộ khốn khổ đấy.
Bạn không thể cáo ốm nằm nhà mà vẫn phải đi làm. Do đó, khi lái xe trên đường, chiếc xe của bạn dù chạy rất chậm nhưng nó cứ y hệt như không người lái. Nó muốn di chuyển về phía nào là tùy nó, bạn không cách gì điều khiển được. Bạn thắng lại, nó vẫn lết tới. Ðến đèn đỏ, bạn đã phải đạp thắng từ xa rồi mà chiếc xe chưa chắc chịu ngừng như ý bạn mong muốn. Rồi đèn bật xanh, bạn dớm ga chạy, bánh xe quay tròn dưới mặt đường phủ đầy nước đá. Bạn lại phải xuống xe, lấy cái mai hay cái xẻng chọc chọc cho lớp nước đá bong ra, bạn mới có thể di chuyển được. Cái điệp khúc xuống xe, lấy xẻng hay mai chọc chọc lớp nước đá dưới bánh xe diễn đi, diễn lại ít hay nhiều lần tùy thuộc vào quãng đường từ nhà bạn đến sở làm. Ðó là chưa kể mỗi lần bạn ra khỏi xe, bạn phải đứng trên lớp nước đá, bạn có thể té ngửa hay té sấp và khi bạn gượng đứng dậy được rồi, bạn sẽ ghét và thù hận tuyết không để đâu cho hết. Bạn còn một nỗi lo kinh khiếp khác nữa là sợ tai nạn đụng xe vì lái trên đường toàn là nước đá như thế, ai có thể biết được điều gì sẽ xảy ra ?
Trên đây chỉ mới nói đến chuyện tuyết rơi dăm, bảy inches, vài ba tấc chứ còn rơi theo cái số lượng “tàn ác” một thước hay nhiều hơn thì thê thảm lắm. Mọi hoạt động của xã hội bị ngưng đọng. Xa lộ gián đoạn, xe buýt không chạy, trường học đóng cửa, có khi điện bị cúp. Bạn cũng không thể nào đi làm được. Chiếc xe của bạn bây giờ bị tuyết vùi lấp một cách tội nghiệp. Bên ngoài, chỗ nào tuyết cũng bao phủ cả thước, bạn không cách gì có thể “mở đường máu” mà đi đâu được, đành nằm nhà thôi. Bà xã bạn cũng chịu chung số phận.
Vậy là trong nhà chỉ còn có mỗi “phe ta”, bạn tha hồ “lao động” cho đời thêm vinh quang. Và nếu chừng 9, 10 tháng nữa, người ta nhận thấy thời gian này trẻ em ra đời nhiều thì lúc đó các nhà “nhân chủng học” nói rằng, tuyết đã sản sinh ra tình trạng “baby boom”. Lý do cũng chính đáng quá đi chứ.
Trở lại vấn đề, tôi hiểu bạn chỉ thù và ghét tuyết thôi chứ tôi biết bạn là người quân tử, bạn không hề thù ghét đàn bà mặc dù đàn bà đã làm cho bạn tàn đời, thân bại danh liệt.
Từ nảy đến giờ, bạn cho người ta thấy tuyết là một tai họa đối với bạn chỉ trên phương diện đi đứng, di chuyển và làm bạn vất vả, khó chịu, lạnh lẽo, tốn sức lao động ra đánh vật với nó thôi chứ còn với đàn bà thì cái tai họa nằm ở chỗ nào ?
Cũng như tuyết lúc rơi bám trên cành thông thì rất đẹp, còn lúc nó đông cứng lại thì là tai họa. Ðàn bà cũng vậy, cái “vật thể” rất kỳ diệu mà Thượng Ðế tạo ra này đã tượng trưng cho cái đẹp, đã là nguồn cảm hứng vô biên cho biết bao thi nhân, đã là kết quả của biết bao cuốn sử thi ra đời, đã là nguyên nhân của biết bao cuộc chiến tranh đẫm máu.
Bạn lý luận rằng đàn bà là tai họa khi nào họ không phải là con người của họ trước đó nữa. Nghĩa là khi họ nổi giận hay bất bình. Ðối phó với loại tai họa này, bạn không thể dùng cuốc, xẻng như đối phó với tuyết. Bạn không dùng được bất cứ thứ gì cả. Bạn chỉ có cách duy nhất là cúi đầu chịu đựng. Bạn tưởng có thể gửi “ông đại sứ” đi giảng hòa được đấy ư ? Không chắc gì có kết quả đâu. Bạn to mồm rằng không có người đàn bà nào không độc ác. Mà khi họ độc ác thì độc ác còn hơn rắn độc. Tôi thấy bạn “thông minh” vô cùng khi “ngôn” như thế. Bạn nói rằng, cũng may mà đàn bà ít có ai được làm vua, làm tổng thống hay thủ tướng chứ nếu tất cả mọi quyền cai trị đất nước vào tay các bà thì xã hội sẽ kỳ cục và quái đản không thua gì ở các nước Cộng Sản.
Bạn kể cho tôi nghe chuyện bạn bị người tình tuyệt vời của bạn, người tình mà bạn nói bạn yêu nhất trong cuộc đời tình ái của bạn, một mẫu người mà bạn chỉ có thể tìm thấy trong tiểu thuyết thôi đã xử sự một cách lạnh lùng và tàn ác khi bạn thú nhận mọi tội lỗi của bạn. Rằng đã có lúc bạn dối nàng thì ngay lập tức, nàng đuổi bạn xuống xe, rồi tất cả những kỷ vật của hai người từ bao năm qua, nàng quăng trả vào mặt bạn không thương xót. Sao bạn lại dại dột thú nhận tội lỗi sớm thế ? Bạn đừng bao giờ quên rằng “đàn bà không tin bất cứ điều gì ngoại trừ nói láo”. Sống có thể cạn, núi có thể mòn và bạn có thể...chết bất đắc kỳ tử nhưng “chân lý” ấy muôn đời không thay đổi.
Một người bạn gái “thủa xa xưa” của tôi cũng thú nhận rằng, cô ta là một tai họa cho các chàng đàn ông theo đuổi khi những giọt nước mắt của nàng không còn tác dụng một ly ông cụ nào đến quả tim cứng như thép đã trui của bạn. Nói một cách nôm na là khi bạn không còn yêu cô ta nữa thì cô ta sẽ trở thành tai họa cho bạn ngay lập tức.
Tôi chỉ có thể dùng chữ “hà tiện” trong trường hợp sau. Một ông bạn vàng của tôi ra chợ mua bao gạo. Anh ta lựa bao gạo đắt hơn chỉ có 50 xu thôi mà trên đường từ chợ về nhà, bạn ấy bị bà vợ “tỳ bà hành” rất kỹ kèm theo những giọt nước mắt than khóc rằng bạn đã phung phí tài sản quốc gia.
Và bạn nói rằng nước mắt đàn bà là tai họa. Ðàn bà không làm được cái tích sự gì hết, chỉ có đẻ và khóc. Nói như vậy là bạn hơi võ đoán đấy nhá.
Có điều, một người bạn khác của bạn khi nghe bạn phán rằng đàn bà là tai họa thì anh ta cũng vỗ đùi đánh đét một cái và bô bô cái mồm lên rằng “Ðúng lắm, đúng lắm”.
Anh bạn ấy kể chuyện đi mua căn nhà, anh ta thích chọn căn bìa để có tí đất trồng rau, trồng cải nhất là sẽ không bị cái cảnh “hai cái xe Jeep kè một cái Honda” nhưng bà vợ nhất định không chịu. Bảo rằng ở căn bìa, vào mùa Thu lá rụng, không ai có thì giờ quét lá và vào mùa Ðông thì tốn “heat” nhiều hơn.
Bạn là người chúa ghét Cộng Sản nên thấy cái gì có màu đỏ (như màu cờ Việt Cộng) là bạn tránh xa. Vì thế, bạn thích trong nhà trải thảm màu xanh, bà vợ nhất quyết không chịu, cứ đòi trải thảm màu đỏ. Lũ con cũng nghe lời mẹ chúng chứ chẳng lý gì đến ý thích của bạn. Thế là bạn đành chịu thua bà vợ. Từ chỗ chịu thua đến chỗ phát ngôn rằng đàn bà là tai họa chỉ có một gang tay.
Bạn lại than phiền rằng đàn bà ViệtNam khi sang được xứ Mỹ này rồi, thấy cách sống của dân bản xứ cũng bắt chước đòi quyền bình đẳng. Các bà cho rằng khi còn ở quê nhà các bà bị đè nén, bị áp bức theo cái kiểu “chồng chúa, vợ tôi”. Và các bà tự nhận các bà đã được “giải phóng” khỏi vòng kềm chế của bạn. Các bà cũng đi làm như bạn, cũng lái xế phom phom, không còn lệ thuộc vào đồng lương của bạn mang về như ngày xưa. Bạn nói rằng mọi quyết định bây giờ không do bạn nữa mà là do chính bà vợ. Rồi bạn buồn rầu, ngán ngẫm tình đời, rủ rê vài thằng bạn đi uống rượu giải khuây.
Sao bạn lại thờ ơ thế ? Sao bạn không “bày tỏ ý kiến” rằng chính các bà lúc còn ở quê nhà đã là chúa trùm rồi cơ mà. Này nhé, tay hòm chìa khóa vẫn ở trong tay các bà chứ có ở trong tay bạn đâu, dẫu rằng thời gian ấy chỉ có mỗi mình bạn đi làm chứ các bà không hề lao động đem tiền về. Nói như vậy có nghĩa là các bà đã là chúa, là xếp sòng, là trùm sò từ khuya rồi chứ đâu phải đợi đến lúc sang đây mới đòi quyền bình đẳng ? Hai chữ “nội tướng” gán cho các bà đã nói lên đầy đủ uy quyền của các bà rồi. Bạn không nhớ sao ?
Lại nói thêm về cái sự tính toán chi ly và ích kỷ của các bà trong mục đích rất cao đẹp là “giữ gìn sức khỏe” cho bạn. Ðó là sự việc bạn nói rằng mỗi lần bạn muốn đi chơi ở đâu với bạn bè thì công tác trước tiên là bạn phải “đóng thuế” cái đã, rồi muốn đi đâu thì đi. Ðã đóng thuế rồi thì bạn đâu còn hùng dũng nữa để mà trổ tài “đi làm công quả” trừ phi bạn thuộc loại “sức voi”.
Thật ra, chính bạn đôi lúc cũng là “đại họa”cho các bà đấy. Bạn ăn chơi, cờ bạc, đàn đúm, hút sách cho đến thân tàn ma dại, thậm chí còn để cho “Ếch” cắn rồi bạn quay đầu về núi cho các bà hầu hạ chứ có con “đĩ ngựa” nào chịu chứa chấp bạn đâu. Cũng may cho bạn, bạn còn được tí sức khỏe mà làm tròn bổn phận công dân chứ không như một ông bạn của tôi, thê thảm vô cùng. Anh ta “phe lờ” tất cả mọi sự. Tối ngày cứ ngâm thơ Bùi Giáng theo cái kiểu :
Sáng ra bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ, cháo lòng bên kia.
Hay :
Bây giờ ta mới nghiệm ra
Yêu là thế ấy, tình là thế thôi.
Bao nhiêu bổn phận thiêng liêng, bạn ta quên ráo. Mụ vợ lặng lẽ nấu chè liên tử cho ăn, bổ thuốc Bắc cho uống nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Ngày cũng như đêm, anh ta luôn cố thủ tại cái bộ xa lông ở phòng khách. Bạn ta được bạn bè biết chuyện, tặng cho mấy câu thơ :
Tối tối ông nằm ở xa lông
Mười đêm như một, cũng như không
Nấu chè liên tử cho ông đớp
Ông đớp xong rồi, ông vẫn không !
Vậy thì ai là tai họa của ai đây ?
Xét cho cùng, nói đến tai họa là nói đến chuyện “ngàn năm mây vẫn bay”. Có điều rằng, trong cuộc sống mà không có “tai họa” thì đó không phải là cuộc sống đúng nghĩa. Không ai có thể tránh tai họa đến với mình. Biết là tai họa nhưng cứ vẫn nhắm mắt xông vào tai họa. Nói theo cụ Khổng thì đó là tai họa vậy !
Phần cá nhân tôi, vì cực khổ do mấy trận tuyết mùa Ðông và mấy cái “ái tình bửu giám” hành hạ ra trò nên dại mồm, dại miệng mà “lộng ngôn”, mà so sánh chút chơi chứ vẫn cương quyết cho rằng cái tai họa của tuyết không ăn thua, không nhầm nhò gì so với cái tai họa mà các bà đã đem lại cho cái đám “Ðần Ông” khốn khổ trên trái đất này. Tuy nhiên, vẫn phải thấy một điều rõ ràng là, nếu ta sờ vào tuyết thì thấy lạnh, còn sờ vào đàn bà thì lại thấy nóng. Và cũng không phải vô cớ mà những trận bão gây nhiều thiệt hại và tàn phá nhất đều mang tên những người đẹp.
Và, cho dẫu “đã mang lấy họa vào thân”, tôi vẫn mạnh miệng tuyên bố một câu xanh dờn rằng :”Ôi, tai họa, ta rất cám ơn sự có mặt của nhà ngươi trên cõi đời phiền muộn này. Không có nhà ngươi thì trái đất không có ngày và đêm, không có âm nhạc, không có thi ca, không có chim chóc, không có nắng mưa và những thằng đàn ông không bao giờ biết đến đau khổ. Cuối cùng, lại một lần nữa, ta cám ơn tai họa đã làm những cử chỉ rất đẹp là đẻ cho ta những đứa con...”
Huỳnh Văn Phú