1.
Âu ngồi yên, nghe tim thổn thức, giọt lệ người thương nóng hổi và mằn mặn trên môi anh. Chiến thời, không làm chinh nhân, thì ở hậu phương cống hiến tim óc cho quê cha đất tổ. Ngày mai, anh lên đường tòng chinh một trận chiến khác, du học Phù Tang, ngõ hầu đem kỹ nghệ tân kỳ về làm giàu cho đất nước.
Nhưng tình nước tình nhà, ít khi nào vẹn cho đặng đôi bên. Người yêu của Âu là một cô gái bé nhỏ, với giấc mộng bình thường như bao cô gái Việt Nam khác. Cô mong Âu sẽ là giáo sư dạy cấp một, cô làm y tá, rồi hai người sinh những đứa con khoẻ khoắn, dạy dỗ chúng như bao đứa trẻ khác, đất nước không còn tiếng súng, lũ trẻ lớn lên trong cảnh thanh bình. Cô không muốn anh đi, giữa cảnh chiến loạn này, một lần rời nhau, có khi chẳng còn gặp lại. Cô nhắc năm Mậu Thân, hiệp ước ngừng bắn còn chưa ráo mực, phía bên kia đã lật mặt đánh giết điêu linh; thì nay đâu có gì bảo chứng, một khi Âu đi rồi chuyện đó không xảy ra lần nữa. Cách biệt lần này, làm sao mà gặp lại. Mặc cô khóc, mặc cô van nài, chí Âu đã ngầm quyết định. Anh chỉ muốn lựa lời yên ủi, cho ngày anh đi, lòng cô không quá đoạn trường.
- Diệu Chi nì, nghe anh nói, anh nỏ phải đi vùng lửa khói, anh đi học ở xa, nhưng chỗ nớ nỏ có chuyện binh đao. Anh học xong, rồi về mình làm đám cưới hĩ, em nghe anh nói đi Diệu Chi!
Chi giẫy nẫy trong tiếng nấc:
- Em nỏ muốn nghe gì hết mô! Anh bỏ em! Anh bỏ em anh đi! Anh bỏ em đi luôn đi!
Âu nhìn người yêu khóc nức nở, mái tóc đen huyền phủ đến giữa lưng, đôi mắt long lanh nước, đôi môi đỏ không cần son run rẩy mếu máo, đáng yêu và đáng bảo bọc biết bao, nhưng trong tình cảnh này anh chỉ biết ôm chầm lấy bờ vai mảnh khảnh, siết ghì như muốn truyền cho cô thêm nghị lực, rồi lại hôn da diết lên môi cô, chỉ mong tình yêu làm cho cô bình tĩnh đón nhận cuộc chia ly. Nụ hôn mặn tràn nước mắt. Diệu Chi cố đẩy Âu ra, rồi đánh vào ngực Âu mấy cái thật mạnh, vẫn không ăn thua, cô lịm dần trong tiếng nấc yếu ớt. Nụ hôn tiễn biệt, tưởng dài vô tận...
- Đau! Răng em cắn anh đau rứa hĩ? Chảy máu rồi tề!
- Anh phải nhớ em đó! - Diệu Chi thút thít - Đừng thương cô khác mà phụ tình em... Anh bỏ em, chắc em không sống nổi mô!
- Rứa lỡ anh đi mấy năm mới về, em có đợi được chăng?
- Em không cho anh đi quá lâu mô! Em chỉ là con Diệu Chi bé nhỏ, ngày tháng dài hung, em mỏi mòn tiều tuỵ mất thôi. Anh mà đi lâu, thể nào em cũng đi kiếm anh, chân trời góc bể mô em cũng đi!
Âu nghe từng lời, từ sâu trong thâm tâm anh có gì đó bất an. Ở đâu xa có tiếng pháo, hay tiếng pháo trong tiềm thức, tiếng pháo đã vọng từ thời bé dại, trong những giấc ngủ muộn đêm hè lộng gió. Âu nhìn xa xăm vào bóng đêm. Mùi hương tóc của người yêu không làm vơi cơn sầu ảo não của đêm chia biệt. Biết làm sao hơn, sanh ra trong chiến thời, từng ngày lớn lên, nhìn cảnh xe khách bị gài mìn, cảnh trường tiểu học bị pháo kích, cảnh phố chợ bị đặt bom... ngày nào cũng có thường dân vô tội phải chết vì những kẻ phi nhân.
Phải dứt tình mà ra đi, biết làm gì khác, khi mình là một phần của thời cuộc. Không đặt đôi bàn tay vào gánh nặng của đồng bào, mình có khác gì kẻ phản bội quê hương. Ba mạ anh đều là những người Huế xưa, trọng luân thường đạo lý như giữ con ngươi trong mắt. Ba anh có câu cửa miệng: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, chừ mi đã lớn, không cầm súng thì phải cầm bút, đem sức vóc mà phụng sự cho đất nước. Nếu mi chỉ cầu an, một lo cho bản thân mi và vợ con mi mà chớ, thì không xứng đáng là nam nhi nước Việt!".
Âu trưởng thành trong sự răn dạy đó, nên trong lòng anh luôn coi tổ quốc là trên hết. Với Âu, dòng máu Việt chảy trong huyết quản có giá trị thiêng liêng không gì sánh được, hai tiếng Việt Nam gọi lên nghe yêu thương day dứt, dẫu cảm tình trai gái đã sâu nặng như chồng như vợ, mà so với tình yêu đất nước lại chẳng sánh bằng... Đêm nay có lẽ là đêm dài nhất cuộc đời anh từ nhỏ tới giờ, nó đánh dấu một cuộc hành trình mới, mà anh có lẽ chẳng thể hình dung là dài đến hơi thở cuối cùng...
2.
Ito Tsubashi vỗ vai Âu từ phía sau, Âu không quay lại. Đôi vai anh run run. Ito không nỡ bước lên trước để nhìn gương mặt người bạn lưu học sinh lúc này, có thể Âu đang xúc động. Ito ngồi xuống bên cạnh, im lặng, thở dài thật khẽ đúng kiểu một người Nhật trưởng thành. Cả hai cùng không nói gì chừng một giờ. Đôi khi, yên ủi không cần bằng lời nói, chỉ cần sự hiện diện là đủ. Lát sau, như đã lấy lại bình tĩnh, Âu chậm rãi:
- Từ bây giờ, tôi đã lỡ thành ronin rồi. Cảm ơn Ito san đã bên cạnh ronin này trong lúc khó khăn...
- Âu san, tôi không biết phải nói gì để an ủi anh. Xin anh hãy mạnh mẽ, đừng để tâm khí của mình sụp đổ! Tương lai còn dài, chưa biết chừng sẽ còn thay đổi!
- Tôi hiểu mà Ito san. Chuyện đã rồi, có đau khổ mấy cũng phải sống tiếp. Chắc chắn tôi và những lưu học sinh khác sẽ không thể dễ dàng chịu thua thời cuộc. Sau này, có thể phiền đến Ito-san nhiều, xin anh hãy thương đến những samurai mất chủ như chúng tôi mà tương trợ!
- Nếu có hữu dụng được gì cho những người trung thành nghĩa khí, thực là vinh hạnh cho Ito Tsubashi. Xin hãy coi tôi là bạn thân nhất của Âu-san và các anh em khác!
Hai người gọi thêm mấy người bạn đồng kỳ nữa, thù tạc rất lâu. Đêm nay là đêm mất nước, bao nhiêu men cay để xoá nhoà cơn đắng cay trong tiềm thức. Đêm xuân Phù Tang, gió mát mẻ mang mùi hương hoa cỏ mới. Tháng Tư ở đây là tháng bắt đầu mọi sự, người Nhật kết thúc công việc, năm tài khoá hay năm học vào tháng Ba, rồi nghỉ ngơi đến đầu tháng Tư lại khai trường, mở đầu sổ sách hay các công việc quan trọng. Còn những lãng nhân này, những kẻ đã mất dần tổ quốc vào tháng Tư và tới ngày cuối tháng thì mất hết, những kẻ này có theo phong tục của Nhật là bắt đầu, hay với họ bây giờ đã kết thúc?
- Chúng ta không thể mất tổ quốc dễ dàng như rứa được! - Âu cất tiếng, phá tan bầu không khí ảm đạm.
- Phải! Chúng ta phải làm gì đó! Chúng ta là con dân Việt Nam, không phải những kẻ vong bản vô tổ quốc!
- Đúng lắm! Chúng ta có thể chết, nhưng Tổ quốc vẫn trường tồn! Phải làm gì đó! Phải giành lại đất nước từ cộng phỉ!
- Phải cho quốc tế biết! Người Việt chúng ta không bị khuất phục! Dù có chết, cũng phải đuổi hết bọn phỉ tặc đó về hang Pắc Bó!
Buổi thù tạc đau thương, bỗng chốc bừng bừng nhiệt huyết. Những người trẻ, muốn trút hết bầu máu nóng ra rửa nỗi nhục vong quốc. Họ bàn bạc đường đi nước bước. Cả đêm hôm đó, họ đã cùng hoạch định những bước đi cho hành trình dài sắp tới. Đầu tiên, phải tổ chức họp báo để thông cáo với thế giới rằng Việt Nam đã rơi vào tay giặc Cộng và những người Việt Nam yêu chuộng tự do sẽ kế tục sự nghiệp của cha ông, kế đó cực lực lên án hành vi cướp nước của quân xâm lược cộng sản. Tập hợp những người có lòng vì đất nước thành một khối. Vận động chính giới các nước hỗ trợ trong công cuộc mưu đồ quang phục lại đất nước, đặc biệt là các chính trị gia thân thiện ở Nhật. Mọi người đân hình dung ra con đường phía trước thì cũng là lúc trời ửng sáng...
Anh em chia tay hết rồi, Âu chợt nhận ra mối liên lạc với ba mạ và Diệu Chi từ đây coi như bị cắt đứt. Thiên san vạn thuỷ cách trở thế này, ba mạ có được bình an, Diệu Chi có vững lòng trông đợi? Âu ngồi bệt xuống sàn nhà, ngả đầu dựa vào vách đờ đẫn. Tim anh chợt nhói lên một nhịp đập dị thường. Trời ơi, liệu quân cộng có thảm sát ba mạ anh bằng những phiên toà bởi những kẻ lưu manh làm chủ toạ? Liệu những kẻ khát máu quanh năm chui nhủi trong rừng rú có buông tha cho Diệu Chi, một cô gái bé nhỏ và mong manh như hoa tường vi?
Âu dường như không kiểm soát được hơi thở, những cơn đau chạy dọc cánh tay từ đâu đến, lồng ngực có cảm giác như đang có muôn thừng chão gì quấn chặt. Bất giác, Âu phải ôm ngực như để cố gỡ ra một thứ gì đó đang đâm sâu vào nội tạng. Âu tự ra lệnh cho cơ thể mình: "Dừng lại! Âu ơi mi làm răng rứa! Mi phải sống! Dừng lại!". Âu như nghe rõ mồn một tiếng ông thân sinh răn dạy, không cần biết ở vai trò gì, hễ sanh ra là con dân tộc Việt, mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, thì phải dùng hết sức mà cống hiến cho quê hương!
Nay chuyện gì cũng còn dang dở, chưa nên công nghiệp gì mà buông xuôi chịu chết, thì dù có thành hồn linh vất vưởng không ai nhìn thấy, cũng không thể đối diện được với ba, với những đồng bào và binh sĩ đã tử nạn vì chiến cuộc. Âu thở hắt mạnh ra một hơi, cơn đau tim từ từ biến mất. Âu muốn viết thơ, một thơ cho Diệu Chi, một thơ cho ba mạ, mong đến lúc nào có cách nào gởi được.
"Diệu Chi thương,
Chiều ni không biết Hương Giang có ánh ráng vàng lấp lánh, có ai chèo đò, ai ca bài Lý Mười Thương trên nớ?! Anh nghe tin ở quê hương, lòng tan vỡ như từng viên ngói Phu Văn Lâu cũ kỹ, đau chuyện quê hương đã hung, còn trông tin Diệu Chi mà bứt rứt hơn ai đặy hòn than trong dạ. Giờ này Diệu Chi có bình an ngồi bên song cửa, tờ hoa tiên có hằn lại dòng thơ gầy gầy như xương trúc. Có nhìn thấy tà dương ảo não, nghĩ về kẻ tha hương?
Anh ở Đông Kinh, chừ đương độ hoa anh đào rộ, vẫn không sánh bằng môi ai cười nắng mới. Một lần đã thấy, cả đời chẳng có khi mô quên đặng. Chừ quê hương mình có cơn đại bĩ, thuyền con con gặp phong ba bão táp, nhưng khoang thuyền vẫn ăm ắp tình xưa, xin gắng công chờ ngày bến thuyền tương hội, đừng vội cột ràng thuyền mô khác kẻo lỡ làng. Bên ni, mười đêm ra đứng trông trăng cả mười!"
Khi đó, Diệu Chi mặc một bộ bà ba tươm tất, đi lễ Phật trong căn am nhỏ cạnh nhà. Trong khói hương thành kính, cô thầm nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho Âu ở phương xa. Cô quỳ thật lâu trước bàn thờ nhỏ nhắn trong am, bất động, mắt đỏ hoe ngân ngấn lệ. Âu gấp lá thơ, cố xếp thật tỉ mỉ bằng cách xếp cầu kỳ, để tờ giấy thành một hình chữ nhật rất đẹp và cứng cáp. Diệu Chi chắp tay trước ngực, hít một hơi thở sâu, nhắm mắt lại, cảm nhận như có hơi ấm của người yêu bên cạnh. Âu mở cửa sổ, để ánh nắng ngày mới và gió xuân tràn ngập khắp phòng, tình yêu màu nhiệm chữa lành mọi khắc khoải. Diệu Chi nghe tiếng chim ríu rít, tiếng gió xào xạc, tiếng cây cỏ chuẩn bị nẩy mầm chờ mùa mưa nát mẻ. Trong cơn sầu thảm của thời cuộc, niềm tin thiêng liêng và sức mạnh diệu kỳ của tình yêu đã giúp Diệu Chi thấy căng tràn sức sống, nhất định cô sẽ chờ Âu, nếu lâu quá, cô sẽ đi tìm Âu!
3.
- Âu san, mười năm rồi, vẫn không chịu vào vĩnh trú nhân của Nhật hay sao? - Ito hỏi, không giữ nổi thái độ cung kính cố hữu.
- Ito san, tôi làm sao thay được dòng máu Việt chảy trong huyết quản của mình đây? - Âu trả lời, môi mấp máy như còn cả bầu tâm sự giấu lại dưới cổ họng, như thể chỉ cần một cử chỉ nhỏ khơi gợi có lẽ cũng làm phun trào như nham thạch.
- Âu san đừng cố chấp như vậy nữa! Tôi và các bạn bè khác trong chính giới có thể giúp anh an toàn về thăm hai cụ ở nhà, hoặc đón hai cụ sang đây chăm sóc, chỉ cần anh đồng ý thôi qui chế tị nạn, đồng ý nhập quốc tịch, người tài như anh, chắc chắn được nước Nhật chúng tôi chào đón! Xin anh nghĩ đường ngày rộng tháng dài, quốc tịch Nhật là vấn đề thủ tục bên ngoài, còn trong lòng anh có không yêu nước Nhật cũng không sao cả!
- Trước tiên, tôi cảm ơn Ito san đã có lòng thương cho một ronin như tôi. Những điều Ito san và các bạn Nhật đã giúp đỡ, suốt đời này tôi vẫn đội ơn. Tôi yêu nước Nhật lắm Ito san à, từ tiếng rầm rầm của điện xa mỗi lần đi qua dịch trạm Shinjuku, đến sự náo nhiệt của Akihabara về đêm, rồi sự trầm mặc của tháp Ngũ Trùng chùa Pháp Long ở cố đô... một góc nhỏ tim tôi cũng đong đầy cảm tình cho nước Nhật. Nhưng tôi tin, khi nào tôi còn giữ quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, còn cầm thẻ căn cước Việt Nam Cộng Hoà như một giấy tờ tuỳ thân quan trọng nhất, thì ngày đó trên thế giới này đất nước mến yêu ngày xưa của tôi vẫn tồn tại, cơn đại biến qua đi, tôi lại cầm tấm căn cước và cuốn sổ thông hành này trở về! Đó là lẽ sống của tôi!
- Âu san, nếu anh đã coi mình là ronin, muốn giữ trọn lòng son với cố quốc, thì tôi chỉ còn biết cúi đầu kính phục. Nhưng từ đáy lòng, tôi vẫn mong anh nghĩ lại! Tôi luôn mang bộ hồ sơ của anh bên mình, chỉ cần anh đồng ý! Nhân tiện, việc sắp xếp cho mấy người bạn của anh vào tạm trú trong Hộ Quốc Tự, tôi đã lo liệu xong. Chiều nay anh có thể tới thăm họ.
- Cảm ơn anh, Ito!
Âu cúi đầu thật sâu, mong chuyển tải hết tấm lòng mang ơn tri ngộ. Mười năm kể từ ngày mất nước, tóc trên đầu Âu đã phai màu, đôi mắt cương nghị của một nam sinh ưu tú thở nào, giờ hằn dấu chân chim nơi cuối khoé. Anh đã xin Nyukan cho giữ tư cách lưu trú là người tị nạn, anh không muốn bỏ đi tư cách của một quốc dân nước Việt, dù giờ đây đã là cố quốc. Anh đã nối được liên lạc với bên nhà bằng thơ tín. Từ ba mạ, Âu vừa biết Diệu Chi đã chờ anh trong vô vọng cho tới năm 1980, rồi mất tích! Từ ngày mọi người không thấy Diệu Chi, đến giờ đã năm năm lẻ, người nói Diệu Chi vượt biên, người nói Diệu Chi bị bắt cóc, người nói Diệu Chi phát bệnh rồi bỏ nhà đi, người lại nói Diệu Chi được ông cán bộ Bắc Kỳ nào cưới rồi mang về Bắc... Sâu trong thâm tâm mình, Âu nhớ mãi lời nói của Diệu Chi trong đêm chia biệt, rằng cô sẽ đi tìm anh nếu quá lâu không gặp. Nên Âu nhất mực tin rằng, Diệu Chi đã tìm đường vượt biên để sang Nhật tìm mình. Những ngày tháng đó, khi nghe có thuyền nhân từ nước tạm cư tới ở đâu trên nước Nhật, Âu đều tìm tới bằng mọi giá. Mỗi lần như vậy, trái tim Âu lại rộn lên niềm hy vọng khôn tả, để rồi, lại vỡ vụn như ống khói của đèn Huê Kỳ khi chẳng thấy bóng dáng Diệu Chi đâu trong số những người tị nạn. Anh lao vào việc hỗ trợ cho những người mới đến, làm thông ngôn, dạy tiếng Nhật, kiếm sở làm, liên hệ y tế và các dịch vụ phúc lợi khác cho cộng đồng tị nạn sớm làm quen cuộc sống mới. Những công cuộc từ ngày đầu mất nước, bạn bè dần có hướng đi tách biệt, lần lượt theo quốc tịch Nhật như một thứ lợi khí để hoạt động, nhưng bản thân Âu thì vẫn một niềm tin sắt đá về ngày hồi hương bằng thông hành cũ, bằng tư cách cũ...
Sau tất cả những trách nhiệm phi thường mà Âu dang vai gánh vác, trong anh vẫn là một con người có cảm xúc. Những mùa đông tuyết trắng, gió thổi rát da, Âu để mặc cho môi tươm máu. Trong lòng anh dằn vặt khôn nguôi, câu hỏi về Diệu Chi lúc nào cũng dai dẳng le lói trong đầu óc của anh. Rốt cuộc Diệu Chi đã đi về đâu, sống nhung lụa bên chồng hay đã cơ khổ nơi nào trong các trại? Bàn tay ngọc ngà vẫn có điều kiện nắn nót thơ xưa trên những bức hoa tiên, hay thân thể đã trôi dạt loã lồ vì hải tặc. Đôi lúc, ngồi ngoài biển, nhìn từng đợt sóng dồi nhấp nhô trùng điệp, Âu bật khóc thành tiếng: "Diệu Chi ơi! Giờ ni em ở mô? Em còn sống hay đã về cát bụi? Em trả lời anh đi Diệu Chi!". Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng hải âu ngơ ngác nhỏ dần rồi hoà lẫn vào tiếng sóng...
4.
Năm 1995, hai mươi năm kể từ ngày vong quốc, từ một thanh niên du sinh mang hoài bão lớn phụng sự cho đất nước, giờ Âu đã là một người trung niên quắc thước, bạn bè đồng kỳ khi xưa, giờ đã thành danh hết cả, người thì có vị thế cao trong chính phủ, kẻ có thế lực lớn trong cộng đồng, kẻ là doanh nhân giàu có. Những người bạn Việt Nam khi xưa, kẻ gan dạ trở về đã bị hành hình, người thì viễn du sang trời Âu biển Mỹ, đem lý tưởng phục quốc đi khắp nơi gieo mầm hy vọng. Cộng đồng tị nạn khi xưa, giờ ai nấy đã quen với thời tiết cũng như nếp sinh hoạt của xứ Phù Tang. Thế hệ kế tiếp, đã học chung với trẻ con bản xứ, người lớn cũng nguôi dần nỗi đau ngày rời bỏ quê cha đất tổ, để làm việc và cống hiến cho quê hương mới. Tuy trong lòng ai có lẽ cũng đau đáu nỗi niềm người viễn xứ, nhìn về quê hương vẫn là cảnh tiêu điều xơ xác, nhưng để lựa chọn, không ai chọn cách thể hiện tình yêu đất nước cuồng nhiệt như Âu. Anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, vẫn mang trong mình thông hành và căn cước có quốc huy hình chim đại bàng uy dũng, sống một cuộc sống nghèo khó của một người tị nạn chính thức và ôm ấp mãi hình bóng Diệu Chi trong thâm sâu tận đáy lòng.
Âu cố tập cho mình quen với ý nghĩ rằng Diệu Chi đã mất, để trong lòng không còn khổ luỵ. Âu đôi lúc vì những hiểu lầm và trách cứ vô lý của người khác, trong khoảnh khắc cũng muốn tin rằng Việt Nam Cộng Hoà đã chết, để có thể sống cuộc đời riêng mình và không còn ưu tư về vận nước. Nhưng rồi, sáng hôm sau thức dậy, Âu lại thấy ngập tràn hy vọng, hy vọng rằng Diệu Chi sẽ đến tìm mình trong hôm nay, rồi cả hai ôn lại những tháng ngày xưa xa vắng. Âu hình dung ra cảnh hai người nhận ra nhau từ xa, sẽ tới ôm chầm lấy nhau mà chẳng cần e dè lễ nghĩa. Rồi Âu sẽ nhắc với Diệu Chi, rằng vì vết cắn năm xưa mà Âu có thể đợi chờ mãi mãi. Những khi ấy, Âu lại mỉm cười, một tay đặt lên ngực, con tim chộn rộn những nhịp đập lâng lâng. Trên túi áo bên trái, luôn là thẻ căn cước và thông hành được bọc nilon cẩn thận. Tổ quốc ở đâu? Dễ dàng chỉ ra trên bản đồ? Dễ dàng đi loanh quanh trên một phạm vi mặt đất để vạch ranh giới rằng tổ quốc tôi chỗ này chỗ kia chăng? Hay tổ quốc là những đảng phái mình yêu thích lãnh đạo đất nước? Hay tổ quốc là nơi mà mọi người theo một chủ nghĩa chi đó mà mình cũng thuận tình cho là đúng?
Không phải, những điều đó đều có thể thay đổi, từ cổ đại vua Hùng làm vua Bách Việt, cai quản cả phương trời mênh mông từ dãy đại sơn Ngũ Lĩnh đến tận Nam Hải xa xăm, nơi có các tộc người xa lạ; rồi vua Thục đánh tan năm trăm ngàn lính Tần mà trảm thủ Đồ Thư; rồi đời sau suy yếu, bị người Bắc giành quyền kiểm soát, lại có vua Trưng Trắc đầu voi phất ngọn hoàng kỳ, đoạt lại sáu mươi lăm thành trì mà xưng Vua Bà ở cõi Lĩnh Nam; rồi lại tới thời ngàn năm thuộc Bắc, đại giang sơn tuy suy suyển ít nhiều, nhưng thế hệ nào cũng không thiếu anh hùng hào kiệt, nào Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương, Đinh Tiên Hoàng Đế, Tiền Ngô Vương... đều đánh tan tác bọn xâm lược không chừa manh giáp mà phục hồi quốc thống. Rồi tiếp nối các đời Lý - Trần - Lê - Nguyễn mà giữ nước đã được ngàn năm. Nay đến thời Cộng Hoà, quốc gia lâm cơn bĩ nạn, nhưng ai dám nói tổ quốc này đã mất?
Vậy tổ quốc, chẳng phải là sự truyền tông tiếp đại dòng máu anh hùng hay sao? Ở đâu, khi nào, mà còn một người ý thức rằng đang mang trong mình dòng máu anh hùng của tiền nhân, thì tổ quốc chẳng bao giờ chết! Như người Do Thái giữ được ngọn lửa cháy mãi ngàn năm, thì người Việt mình dù có đi đâu làm gì, ngọn lửa thiêng là tổ quốc trong tim vẫn chẳng bao giờ lụi tắt.
Ba mạ của Âu giờ cũng đã cao tuổi lắm, nhưng đọc được thơ tay của Âu, hiểu được chí của người con hiên ngang, thì chẳng nề hà chuyện cách trở, chỉ một lòng một dạ khuyên Âu cố gắng giữ tròn khí tiết và tìm cách giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn. Sách xưa, nuôi thân xác cha mẹ chỉ là tiểu hiếu, nuôi được chí của cha mẹ mới là đại hiếu vậy. Người nào hiểu được lẽ này, lại có con đại hiếu theo lẽ này, chẳng phải là phước phần hiếm gặp hay sao?!
5.
Ito Tsubashi về hưu, ông về quê nhà ở đảo Shikoku miền Nam nước Nhật. Cả đời đã cống hiến không mệt mỏi cho lý tưởng chấn hưng đất nước, ông gặt hái nhiều thành quả nhưng cũng không ít trái đắng. Hành trang trở về quê hương, chỉ là sổ lương hưu đủ sống và chế độ phúc lợi xã hội như bao quốc dân khác. Con cái ông đều ở lại Tokyo hoặc sang Mỹ sống và làm việc, chỉ còn hai vợ chồng già dắt nhau về căn nhà mà ông đã sống thời niên thiếu. Trước khi về, hai vợ chồng tới chào tạm biệt Âu, vẫn đang sống trong một căn hộ 1K cũ kỹ và sạch sẽ gần một ga nhỏ như vô danh ở tuyến tàu Yamanote. Âu bây giờ, đã là một bác Âu khả kính, tóc bạc da mồi. Có hẹn trước, Âu cầu kỳ chuẩn bị trà Thái Nguyên hảo hạng, canh trước giờ hẹn đúng ba phút để pha trà vừa thấm vị mà không bị nguội. Có tiếng chuông cửa, Ito và okusan đã tới, không sai nửa phút.
- Ito san, từ đáy lòng, tôi cảm ơn hai anh chị vô cùng, bất kể lúc nào cũng đã lo nghĩ cho tôi. Hai anh chị đã vất vả rồi, kể từ bây giờ, xin hãy an nhàn nghỉ ngơi, vui hưởng cuộc sống thật trọn vẹn! Phần tôi, cũng sẽ giữ gìn sức khoẻ, xin anh chị đừng bận tâm. Nhất định tôi sẽ đi Shikoku thăm anh chị!
- Âu san, chính tôi mới phải cảm ơn anh! Nhờ quen biết anh, tôi biết giá trị cuộc đời mình ở đâu để cố gắng phấn đấu, đóng góp chút tài hèn sức mọn cho tổ quốc. Âu san, vẫn không đổi ý định sao? Xin đừng làm ronin nữa!
- ... - Âu im lặng, mỉm cười thanh thoát, nụ cười của một người có lòng tin sắt đá, trước lòng thành của một người bạn cũng kiên trì không kém hơn bốn mươi năm thuyết phục bất thành, nụ cười vừa thương vừa cực chẳng đã.
- Âu san, tôi thấy thật có lỗi vì sau ngần ấy năm vẫn không thể thay đổi được điều gì trong sự khó khăn của anh. Một người tị nạn, chỉ có thể làm việc giản đơn và giới hạn thời gian, không có phúc lợi, cũng không thể đi đâu ra khỏi nước Nhật. Anh thường nói với tôi, tổ quốc ở trong tim, vậy sao anh còn vướng mắc bề ngoài?
- Ito san, với người Nhật, quốc bảo quý trọng nhất chẳng phải là quốc tịch hay sao? Tại sao anh lại muốn giao cho một kẻ không thể đặt Nhật Bản lên trên hết như tôi?
- Dù anh có nói gì, tôi cũng không ngừng thuyết phục anh trong mấy chục năm qua... Nhưng lần này, có lẽ là lần sau cùng chúng ta nói về điều này. Ngày mai tôi nghỉ hưu, tôi không còn khả năng suy tiến cho anh nữa. Hồ sơ của anh, tôi vẫn giữ bên mình và mang đến đây. Một lần chót, tôi tha thiết mong anh nghĩ lại.
Ito nói xong, bà vợ liền mở cặp táp, lấy xấp hồ sơ đưa Ito, rồi ông chính khách già nua kính cẩn bưng bằng hai tay, đưa lên cao trước mặt Âu. Lễ trọng làm Âu bối rối, vội đứng dậy đỡ lấy xấp giấy từ người bạn già, nhìn trân trân vào mắt Ito. Ito đang rưng rưng. Hai ông già nhìn nhau. Vô ngôn mà như chứa đựng ngôn từ của thiên kinh vạn điển...
---
Hôm nay cộng đồng tổ chức biểu tình trước sứ quán của Việt cộng. Âu mặc sơ mi trắng, trang phục như ngày nào còn là nam sinh trường Quốc Học Huế. Giờ đây, đoàn biểu tình không còn là những ông già bà cả của một thời dĩ vãng nữa. Hàng hàng lớp lớp thanh niên cùng tham dự. Chúng không sợ cường quyền. Chúng chẳng nề hà gian khó. Chúng chẳng màng lợi danh. Lòng chúng chỉ bừng bừng lửa yêu mến non sông. Tổ quốc không mất. Tổ quốc đang hồi sinh mạnh mẽ. Đó có lẽ là hoa thơm trái ngọt rõ thấy nhất của Âu cũng như nhiều cộng sự khác trong cả quãng đời xuôi ngược. Âu nhìn lớp trẻ, trong lòng cảm thấy hy vọng đã bừng lên toả rạng. Đây mới là con cháu của các bậc Tiên Vương, là hậu duệ xứng đáng nhờ hồn thiêng sông núi. Mỗi đứa, Âu đều cảm thấy yêu mến như con như cháu. Nếu khi xưa thành giai ngẫu với Diệu Chi, có lẽ con út hoặc cháu đầu lòng của hai người cũng như những đứa trẻ này. Đứa tên Hương, Âu nhớ đến sông Hương đong đầy kỷ niệm. Đứa tên Vị, làm Âu liên tưởng tới quẻ Vị Tế là quẻ rốt cùng Kinh Dịch. Mọi sự tưởng đã kết thúc ở quẻ Ký Tế, nhưng lại chỉ mới bắt đầu...
---
Mùa đông năm nay, hà cớ gì lại lạnh nhất trong bốn mươi năm qua. Tokyo có tuyết rơi thật dày. Đêm đó, Âu nằm mơ thấy Diệu Chi đẹp rạng ngời trong áo dài tím Huế. Âu thấy mình trẻ lại. Âu mỉm cười:
- Diệu Chi, rốt cuộc thì anh cũng gặp lại em!
Mùa xuân năm Heisei thứ 30
Yamato Ronin
Trích từ Đặc Tập 40 Năm Văn Học Việt Nam Tại Nhật - Chương 5