Cập nhật lần cuối Apr 6, 2020
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Xoay quanh những phát biểu của blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) trên Facebook của cô tạo nên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của nhiều người Việt tại Mỹ, có người gay gắt phẫn nộ, có người cho rằng điều cô phát biểu không sai. Phóng viên Ngọc Lan của Người Việt đã có cuộc phỏng vấn cô về vấn đề này.
*Ngọc Lan: Cô có nghĩ rằng những ‘status’ cô viết, với những câu như “Nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng” và “Dịch bệnh nên đọc cảnh báo của chuyên gia y tế đừng nghe lời lãnh đạo”… sẽ dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt như nó đang diễn ra không?
Mẹ Nấm: Tôi không nghĩ những gì mình viết sẽ gây tranh cãi như hiện nay. Thật thú vị!
*Ngọc Lan: Khi dẫn link “thỉnh nguyện thư” của người tên Bạch Hạc Nguyễn về trang Facebook của mình, và viết “Ai ủng hộ việc trục xuất tôi khỏi nước Mỹ, xin mời vào đây ký tên…” cô có xem đó là một thách thức dư luận không?
Mẹ Nấm: Trước hết tôi không nghĩ rằng tôi thách thức dư luận, mà tôi chia sẻ lại thông tin này để tất cả những người quan tâm biết ở nước Mỹ, nơi mà quyền tự do ngôn luận được đề cao tuyệt đối, có những con người hành xử như vậy. Tôi không thách thức ai, tôi chỉ muốn nhiều người biết cuộc sống ở Mỹ của tôi thật chẳng dễ dàng gì nếu tôi luôn giữ đúng nguyên tắc sống, và bảo vệ quyền con người của mình đến cùng.
*Ngọc Lan: Cô nghĩ như thế nào khi trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” như thế này, Phạm Thanh Nghiên và Huỳnh Thục Vy, những người được cho là đồng đội của cô, lại đưa ra những bài viết, những thông tin hoàn toàn không có lợi cho cô?
Mẹ Nấm: Chuyện bất đồng quan điểm, dẫn đến tranh cãi lý luận là hết sức bình thường trong một xã hội dân chủ. Tôi luôn hoan nghênh chuyện tranh luận dựa trên thông tin thực tế xã hội và bài viết. Đồng đội thì vẫn có quan điểm trái ngược nhau là chuyện bình thường, nhưng có một điểm khác biệt trong văn hóa tranh luận mà tôi rất thích và đang học hỏi từ phương Tây, đó là đi vào chi tiết, không kể lể, không tấn công cá nhân. Rất tiếc điều này tôi chưa thấy được phổ biến lắm trên mạng xã hội hiện tại.
Tôi nghĩ những người khác viết bài về tôi lúc này, ít nhiều đều thể hiện cảm xúc cá nhân của họ trong một quá trình quen biết, làm việc với nhau, hoàn toàn không liên quan gì đến nội dung tôi đã đưa ra cho cộng đồng nên tôi không bình luận. Thậm chí, tôi cũng không đọc những gì người khác viết cho đến khi có bạn bè, người quen thông báo cho hay.
*Ngọc Lan: Trong một phát biểu trên Facebook của ông Thiêm Võ, cô có viết về việc tự mua vé máy bay sang Mỹ, không xin trợ cấp khi mới sang… Tuy nhiên, hiện tại phát biểu này không còn thấy nữa. Nếu là cô tự xóa, thì cô có thể cho biết lý do không?
Mẹ Nấm: Đúng chính xác là tôi có viết như vậy. Nhưng sau khi dọn dẹp lại đống rác hỗn độn trên Facebook của mình đa phần liên quan đến cảm xúc của nhiều người khi đọc bài viết của tôi, tôi thấy không cần thiết phải để lại nên tôi đã xóa. Và thông tin chính thức đúng là gia đình tôi tự chi trả tiền vé máy bay sang Mỹ.
Khi tôi viết câu này có lẽ tôi trong tình trạng hơi bực mình, vì nhiều người nói rằng tôi nên mang ơn nước Mỹ, biết ơn những người đóng thuế nuôi gia đình tôi. Tôi là người tự trọng và rất sòng phẳng. Để trả ơn nước Mỹ, việc đầu tiên tôi làm khi đến nước Mỹ chính là không để mình và gia đình mình trở thành gánh nặng của xã hội.
*Ngọc Lan: Trong “cuộc đối đầu,” cứ tạm gọi như vậy, giữa những chất vấn của công an về những gì cô làm để bị buộc là “phản động” và giữa những chất vấn hiện tại của một số người Mỹ gốc Việt tại đất nước tự do này, cô cảm thấy cái nào khó khăn hơn? Có cái nào khiến cô cảm thấy sốc không?
Mẹ Nấm: Thật ra đối đầu với công an dễ hơn, vì không có yếu tố cảm xúc. Chỉ có tranh luận về quan điểm chính trị và quyền tự do ngôn luận. Còn những chất vấn hiện tại lại liên quan đến cảm xúc nhiều hơn.
Có thể do tôi viết chưa tới, hoặc nhiều người không đọc kỹ, hay chính xác hơn là nhiều người không thể chấp nhận thực tế nước Mỹ không vĩ đại như tôi đã nói. Câu nói của tôi tôi đặt vào ngữ cảnh là đại dịch. Việc thiếu khẩu trang y tế, thiếu thiết bị bảo hộ như ở Vũ Hán, ngày hôm qua chúng ta đã thấy ở bệnh viện Mount Sinai tại New York, các nhân viên phải mặc túi rác, hệ thống y tế quá tải… Người ta không chấp nhận sự thật này nên diễn giải rộng hơn. Trong khi ý của tôi chỉ dừng ở đại dịch.
Tôi không sốc vì những gì đã diễn ra, vì vốn dĩ môi trường trên mạng xã hội từ nhiều năm qua đã là như vậy. Tôi chỉ mong mọi người bình tĩnh và hiểu rằng, tôi có quyền nói những điều mình nghĩ, lên tiếng cho những bất công sai trái mà mình thấy dù tôi ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu ở Việt Nam chê đảng và nhà nước thì bị gọi là vô ơn, phản động, qua đến Mỹ vẫn như vậy thì đâu có gì khác biệt.
Đối với tôi, giá trị đáng ngưỡng mộ và làm nên sự vững mạnh của nước Mỹ hiện tại chính là chấp nhận sự khác biệt và những lời chỉ trích. Cho nên, tôi muốn cám ơn nước Mỹ, vì dù bị chỉ trích thì tôi vẫn là tôi, được nói quan điểm của mình mà không sợ bị chính phủ bỏ tù hay cấm đoán. Còn những người xung quanh, tôi nghĩ, họ cũng đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ như tôi thôi. Tôi tôn trọng quan điểm của họ, và tôi cũng có quyền giữ cho trang nhà của mình sạch sẽ để không làm phiền những người đọc cần tìm kiếm thông tin về dịch bệnh khác.
*Ngọc Lan: Với những gì đang diễn ra xoay quanh những phát biểu của cô, cô nghĩ cô sẽ chọn cách hành xử tiếp theo như thế nào?
Mẹ Nấm: Tôi vốn là người điềm tĩnh, nhưng lại rất đanh thép. Tôi vẫn sẽ lên tiếng nếu vấn đề có liên quan đến danh dự và sự tự do của tôi. Và đương nhiên tôi vẫn tiếp tục công việc đưa thông tin và sự thật đến với mọi người.
Tôi rất trân trọng tấm lòng của tất cả những người đã luôn yêu quý và ủng hộ tôi! Và tôi tin rằng, những người đã tranh đấu cho tự do của tôi, chắc chắn họ luôn mong muốn thấy tôi được sống tự do thực sự dù ở bất cứ nơi nào.
*Ngọc Lan: Cám ơn Mẹ Nấm trả lời cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt.
***
Ngoài thỉnh nguyện thư do bà Bạch Hạc Nguyễn khởi xướng trước đây, hôm 27 Tháng Ba, có một người tên là L.L. khởi xướng một cái khác gởi đến Tòa Bạch Ốc, kêu gọi ký đến ngày 26 Tháng Tư, với mục tiêu là 100,000 chữ ký. Nhan đề thỉnh nguyện thư này là “Làm việc cho Đảng CS và gian lận di trú.”
Thỉnh nguyện thư được này viết rằng: “Gần đây, cộng đồng người Việt tại Mỹ thấy cô vẫn giữ mối liên lạc với chính quyền cộng sản Việt Nam. Cô thực hiện chuyện lừa đảo bằng cách lập các trương mục online kêu gọi đóng góp cho chính quyền Việt Nam. Chúng tôi tin rằng cô ta lạm dụng vấn đề di trú để cố gắng vào Mỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ gián điệp cho chính quyền cộng sản và làm xáo trộn đời sống cộng đồng người Việt chúng tôi.”
Tính đến Thứ Hai, 30 Tháng Ba, có 6,943 người ký vào thỉnh nguyện thư này.
Thỉnh nguyện thư của bà Bạch Hạc Nguyễn ở Texas viết ngày 23 Tháng Ba kêu gọi 15,000 chữ ký, đến Thứ Hai, 30 Tháng Ba, có 11,880 người ký.
Thỉnh nguyện thư do bà Bạch Hạc viết có đoạn: “Cô ta đã tấn công Tổng Thống Trump, cáo buộc ông đã đề nghị dùng thuốc sai để điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus Trung Quốc. Cô chỉ trích Tổng Thống không biết giữ lời, nói trước quên sau. Cô kêu gọi công chúng đừng nên tin vào Tổng Thống của chúng tôi.
Không chỉ vậy, cô ta còn tuyên bố rằng “Hoa Kỳ không vĩ đại, đừng tin điều đó…” Cô ta cũng có một kênh YouTube tuyên truyền cho cộng sản. Cô ta vô ơn với đất nước yêu dấu này và là một kẻ phản bội. Cô ấy nên bị trục xuất về xứ sở của cô ấy.” (Ngọc Lan)
—–
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com