“… Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc; lo lắng cho môi trường sống của nhân dân bị đầu độc. Tôi không thể vô cảm và cam tâm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc…. Dù mức án có cao đến đâu, 10 năm, 20 năm, kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến…” (Phát biểu của thầy giáo Nguyễn Năng Tỉnh, sau khi bị tuyên án 11 năm tù bởi tòa sơ thẩm Việt Cộng vào ngày 20 Tháng 4/2020 tại thành phố Vinh.)
“Nhà cầm quyền hiện nay có thể bỏ tù những người bất đồng chính kiến nhưng sẽ không bao giờ giam cầm được tư tưởng tiến bộ của họ. Khi phải sống ở một xã hội đầy rẫy những bất công, nhất là khi nó được dẫn dắt bởi những lãnh đạo không phải do lá phiếu bầu của người dân quyết định, thì hai từ phản động chính là thứ khẳng định lòng yêu nước của bạn một cách chắc chắn và hiệu quả nhất.” Đó là phát biểu của Phan Công Hải một người trẻ trong bài viết “Lòng Yêu Nước.” Phan Công Hải bị công an VC bắt ở Hà Tĩnh sau một thời gian lánh nạn ở Thái Lan. Anh bị tuyên án vào sáng ngày 28 tháng 4 năm 2020, bởi Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, với hình phạt 5 năm tù giam và 3 năm quản chế qua cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Họ,
Những con người Việt Nam kiên cường.
Yêu Tự Do,
Tay không tấc sắt,
Nhưng tấm lòng,
Niềm tin vững chắc.
Tiếng họ cười,
Đau đầu kẻ giặc,
Lời họ nói,
Điên đảo kẻ thù.
Họ,
Roi vọt quất đau,
Đòn thù tra tấn,
Khủng bố tinh thần,
Không cản được bước chân.
Họ,
Những con người Việt Nam kiên cường,
Yêu quê hương,
Nguy khó xem thường,
Trước bạo lực,
Không cúi đầu khuất phục.
(Những Con Người Việt Nam Kiên Cường, Việt Khanh, 1998.)
Cổ kim, các chế độ độc tài trên thế giới có thể xử dụng bạo lực để thống trị người dân nhưng họ lại thất bại trong việc dùng bạo lực để tiêu diệt tinh thần quật khởi và khát vọng muốn sống hạnh phúc của một dân tộc. Sự chống đối của một dân tộc có thể được nhìn thấy qua giòng văn học phản kháng trên đất nước đó trong từng giai đoạn lịch sử.
Tại Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 tại miền Bắc, và từ 1975 đến nay 2020, với chính sách tiêu diệt đối kháng, bóp nghẹt thông tin và kiểm soát báo chí trong nước, lãnh đạo Hà nội đã đi vào sự nô lệ hóa dân tộc, tướt đoạt mọi quyền tự do ngôn luận tự do báo chí của người dân Việt Nam. Những ai vi phạm lệnh cấm của chế độ Việt Cộng đều bị bắt giữ, xử án và trù dập. Trong những điều kiện bị khủng bố này, tuy nhiên trong nước vẫn có những tiếng nói can đảm xuất hiện để tố cáo trước thế giới sự xảo quyệt của chế độ Việt Nam.
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những lời tố cáo trên của những nhà cầm bút, để hiểu về đường lối chính sách của chế độ Việt Cộng từ thập niên 1950s cho đến nay 2020s mà thấy rằng người Việt nam chưa bao giờ từ bỏ đấu tranh để có được cuộc đời đáng sống.
Đầu tiên là chia xẻ của nhà thơ Phùng Quán người bị liệt vào một trong những tên phản động nguy hiểm và bị “cấm bút” qua bài thơ “Chống tham ô, lãng phí”
“Tôi đã đi qua
Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi, lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ;
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết!
Để được ăn no có thịt.
(Chống tham ô lãng phí, Phùng Quán,1956)
Sang đến năm 1969, tính phi nhân của chế độ CS đã khiến nhà thơ Nguyễn Chí Thiện phải thét lên:
Là quỷ? Là ma? Là thú dữ?
Gian manh, tàn ác, đê hèn,
Lũ cưỡi đầu, bóp cổ dân đen
Để gọi chúng tiếng người không đủ chữ
Và cũng khó tìm trong ngôn ngữ
Chữ gì diễn đạt nguyên si
Kiếp sống lầm than, đầy ải, đen sì
Ngoài cái chết không còn đâu lối thoát !
(Là Quỷ, Nguyễn Chí Thiện,1969)
Hay,
Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi!
Mấy chục năm trời xương máu đổ đi
Thử hỏi dân đen thu lượm được những gì?
Ngoài một số từ lừa mị kẻ ngu si!
Người công nhân trước gọi cu li
Người lính cũ nay gọi chiến sĩ
Xong vẫn vác, vẫn khuân, vẫn đói nghèo vẫn bị
Đẩy đi chiến trường chết hoài chết phí
Cho một lũ trung ương lợn ỉ!
Đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ
Sử sách ngàn đời còn mãi khắc ghi!
(Đau đớn lắm, Nguyễn Chí Thiện, 1970)
Không chỉ Nguyễn Chí Thiện mà nhà thơ Bùi Minh Quốc người trưởng thành trong chế độ trước cũng không thể yên lặng:
“Vòng tay đồng chí giang ra thành còng sắt
Lưỡi đồng chí nỉ non thành lưỡi rắn phun người
Ngoài bẩy mươi mới chợt bừng mở mắt
Trước đảo điên sự đời.”
(Thơ tặng anh Năm Hộ, Bùi Minh Quốc, 1994)
Hay nhà văn Bùi Ngọc Tấn khi bị bắt vào tù đã chia xẻ:
“Vì sao anh lại vào đây? Tôi có tò mò lắm không?
Tôi bị bắt với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng.”
Ở đây anh em gọi là tội nói sự thật.”
(Chuyện Kể Năm 2000, Bùi Ngọc Tấn)
Xử dụng trường kỳ kỹ thuật điều kiện hóa con chó của Pavlov để tuyên truyền một chiều cho thiên đường cộng sản, kết hợp với bạo lực khủng bố, Cộng sản VN đã nhồi sọ được cho đa số người không có điều kiện và khả năng suy nghĩ. Nhưng đã không thành công ở mọi người Việt Nam có hiểu biết. Do đó, khi hoàn cảnh lơi lỏng, đã có hiện tượng Hà Sĩ Phu xuất hiện qua bài viết “Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (1993), chỉ ra “những vật liệu ảo” của thiên đường cộng sản, và ngay cả nói rõ rằng thần tượng của chế độ Hồ chí Minh chỉ là một phù thủy sử dụng âm binh. Còn nhà văn nữ Dương Thu Hương thì không ngần ngai nói thẳng trong cuốn Thiên Đường Mù (1988) là lãnh đạo cộng sản chỉ là “Những diễn viên đại tài. Họ đưa ra bao nhiêu niêm luật khắt khe. Nhưng trong bóng đêm, họ sống một cuộc sống nhầy nhụa không đạo lý và luật tắc.”
Nguyễn Hộ, một nhân vật lãnh đạo nhiều quyền lực nhất trong hàng ngũ cán bộ tập kết miền Nam và là người mạnh mẽ tin vào chủ nghĩa cộng sản nhưng đến cuối đời, trước thực trạng bi thảm của đất nước đã đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi đã chọn sai lý tưởng. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu hy sinh quá lớn, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục.” (Quan điểm và cuộc sống, Nguyễn Hộ 1993.)
Ngày đất nước dứt tiếng bom đạn, những người đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp cho dân tộc thấy rằng giấc mơ vì dân tộc đã được khai thác bởi những kẻ cuồng tín mà đầu lãnh là Hồ chí Minh cho mục tiêu úp chụp lên đầu dân tộc tôn giáo vô sản Mác Lê Mao vĩ đại. Thêm nữa, những kẻ chiếm quyền đã không ngần ngại ôm vào mình và hưởng tất cả những lợi ích do quyền lực đem tới. Nhà văn nữ ngổ ngáo Dương Thu Hương đã nhận định:
“Họ là những kẻ đã phao phí gần hết đời sống của mình vào việc vẽ lên một thiên đường dưới trần ai, nhưng trí khôn ngắn ngủi của họ lại không đủ để hiểu thiên đường đó ra sao và con đường nào đưa tới nó. Vì thế, khi biết công chuyện ấy hão huyền thì họ hối hả tìm kiếm những miếng ăn, nhặt nhạnh những hạt ngũ cốc thực trên mảnh đất bùn. Họ làm những việc ấy, bất kể bằng cách nào. Họ là tấn thảm kịch cho chính họ, là tấn thảm kịch cho thế hệ chúng ta.” (Thiên Đường Mù, Dương Thu Hương, 1988.)
Còn Bảo Ninh, nhà văn bộ đội trở về thì có những giòng cay đắng:
“Hòa bình rồi mà sao lũ trẻ vẫn ốm o rách mướt. Đàn chó bẩn thỉu chạy rong. Ruồi muỗi chuột bọ. mùi hôi thối kinh hồn và những ngọn gió cực kỳ tanh tưởi. Dân xóm nửa phần đi ăn mày, nửa phần chuyên nghiệp đi bới rác, nhặt giấy vụn và chạy đồ ăn cắp.” (Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh, 1996)
Để vượt khỏi cảnh suy đốn khốn cùng do chế độ xã hội chủ nghĩa gây ra, Bảo Ninh đã đi đến kết luận dân tộc Việt Nam chỉ có một lối thoát đó là “Sống ngược trở lại, lần tìm lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu. (Nỗi Buồn Chiến Tranh, Bảo Ninh, 1996.) Đây cũng là con đường mà nhiều người Việt Nam tuy không còn trong cùm gông chế độ nhưng muốn nối theo, chung bước đồng hành.
Nhà văn kháng chiến Võ Hoàng trong nỗi đau chung đó của dân tộc, đã xác định chúng ta phải chiến đấu để đất nước có lại tình người, để tuổi trẻ Việt Nam
“Thấy được cuộc đời là có thật
Để em thấy tuổi thơ em vừa mất
Đánh đổi bằng tấc đất gang sông.”
Để mà có thể một ngày lại sát vai nhau:
“Người và người dập dồn muôn ngón sóng
Triệu thịt da chung một ước mong
Đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng”
(Ngủ Đi Em Mai Sáng Lên đường, Võ Hoàng, 1985)
Những nghệ phẩm đấu tranh dù là văn, thơ hay nhạc không chỉ nằm yên một chỗ, mà được cách này hay cách khác truyền đi. Như trường hợp mới đây nhất, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã dậy cho các học sinh hát bài “Hãy Trả Cho Lại Dân” của Việt Khang. Để bị chế độ khoác cho bản án 11 năm tù. Hay Phan Công Hải chỉ vì thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình mà đã bị chế độ Việt Cộng dành cho bản án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Nhưng như những nụ hoa bất tử nằm yên trong lòng đất bỗng một ngày thức giấc, vươn cao, thách đố trước quyền lực bạo quyền, tinh thần đấu tranh của dân tộc qua những hình ảnh tiền nhân Phạm Tất Đắc, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, vân vân, một lần nữa lại nở hoa trong tâm hồn của người dân Việt.
Từ sỏi đá những đóa hoa Bất Tử
Lừng lững vươn mình cười với thế gian
Đất khô cằn rực rỡ hoa vàng
Trời đất dưỡng sương mai tưới mạch
Người cách mạng đi trong thử thách
Tình quê hương vững tiến bước chân
Núi đá rêu nghiêng kết tình thân
Hồn sông núi cùng trở về phá trận
(Những Đóa Hoa Bất Tử, Việt Khanh, 2005)
Và,
Góc phượng già gởi tới mái đầu xanh
Con chim nhỏ mang trái tim đang sôi lửa
Người ở trong tù hay chăng
Người ở ngoài tù máu ứa.
(Thơ viết gởi Lê Chí Quang, Vũ Cao Quận, 2002)
Còn hơi thở là còn sức sống, còn niềm tin là còn dân tộc. Nô lệ, chiến tranh và sự đau khổ không tiêu diệt nổi khát vọng sống cho tự do và dân chủ của giống nòi. Máu của tiền nhân đã thấm vào từng mạch đất quê hương, quyện vào từng hạt sương ngọn cỏ, vào khí hồn sông núi. Thế kỷ 21, dân tộc Việt Nam sẽ là chứng nhân cho một cuộc cách mạng tự do dân chủ trên toàn cõi quê hương với Những Con Người Việt Nam Kiên Cường mà Việt Khanh đã đề cập đến trong bài thơ sau đây:
Họ,
Những con người Việt Nam bình dị
Yêu Quê Hương
Không thể mất Quê Hương
Mắt họ sáng ngời
Thiết tha tình nước
Thủy triều dâng cao
Sóng ầm tiếng vỗ
Tổ Quốc vang lời
Hồn Nước gọi tên
Việt Nam ta ơi
Trên toàn thế giới
Đến với nhau trong trận cuối
Dân Chủ Tự Do phải đến với Việt Nam!
Tuệ Vân
Ngày 29 tháng 4 năm 2020